Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012



Người xông đất

          Bữa cơm đêm 30 năm nay ông Thìn mời chỉ có hai người: ông Ngọ - vốn là bạn thân và lại cùng cơ quan, và ông Tuất - hàng xóm của ông Thìn. Bà Thìn vẫn như mọi khi có khách - chủ yếu chạy lăng xăng “vòng ngoài” để “hầu” mâm rượu.
          Sau mấy tuần rượu, hơi men đã bắt đầu ngấm, chuyển thành màu hồng trên gương mặt cả chủ và khách. Ông Thìn rót đầy một ly rượu, nâng lên kính cẩn nói với hai vị khách cuối năm:
          - Ly rượu này tôi xin tự phạt và cáo lỗi trước hai bác. Mong các bác bỏ quá cho chuyện năm cũ tôi đã không phải với hai bác!
Nói rồi ông Thìn uống hột hơi cạn ly rượu đầy. Ông Ngọ và ông Tuất chưa hiểu chuyện gì cứ tròn mắt ngạc nhiên nhìn ông Thìn. Ông tiếp:
- Năm vừa qua gia đình tôi có nhiều chuyện vui: Thằng Hải đầu năm cưới được vợ hiền, cuối năm tôi đã có cháu đích tôn. Hai vợ chồng chúng nó có công việc ổn định, thu nhập cũng kha khá. Còn cháu Thúy nhà tôi năm nay đã đỗ vào Đại học Y Hà Nội với điểm cao hạng nhất nhì trong xã.
- Còn chuyện mừng của tôi nữa chứ? - Bà Thìn vừa từ bếp vào tay bưng đĩa bánh chưng vừa bóc, đặt xuống mâm - nói chen lời ông Thìn.
- À, còn bà nhà tôi, mọi năm cái chứng thấp khớp cứ hành hạ quanh năm, vậy mà năm nay hết đau, khỏe cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Nhưng riêng chuyện này có lẽ là do lạng cao hổ cốt của cô con dâu biếu mẹ thôi.
Ông Ngọ băn khoăn hỏi:
- Sao nhà toàn chuyện vui thế mà bác lại tự phạt và cáo lỗi với chúng tôi là sao?
Sau khi rót rượu cho khách, ông Thìn hỏi ông Ngọ:
- Bác có nhớ giao thừa năm ngoái không?
- Có, đêm đó tôi chả sang chúc tết hai bác và các cháu đó sao?
- Chuyện là thế này, chả là Tết năm ngoái tôi đã hẹn bác Tuất sau giao thừa chừng 5 phút nhớ xông nhà cho tôi để lấy may. Tôi đã nhờ Thầy xem xét cẩn trọng lắm. Chỉ có tuổi bác Tuất mới hợp với tôi. Thầy còn phán “Nếu người khác xông nhà, có chuyện gì xảy ra là tôi không chịu trách nhiệm, tuổi của ông năm nay nặng lắm!” Vậy mà sau giao thừa đã 10 phút vẫn chưa thấy bác Tuất đâu, đúng lúc đó thì bác đến… Quả lúc đó tôi tiếp bác có hơi miễn cưỡng và lạnh nhạt!
- Thế ra khi tôi đến chúc Tết đã có bác Ngọ xông đất trước rồi à? - Ông Tuất bỗng hỏi. - Tôi cứ nghĩ mình là người đến trước tiên theo đúng “kế hoạch” đấy. Thực ra tôi đến chậm một lát bởi đúng lúc chuẩn bị đi thì nhà lại có khách đến chúc Tết, không thể đi ngay được, mong hai bác thứ lỗi.
- Không, tôi mới có lỗi.- Ông Thìn tranh lời - Vì giận bác nên lúc đó tôi cũng cư xử không phải song có lẽ bác không nhận ra thái độ lạnh nhạt và giận dỗi của tôi.
Lúc này thì cả ông Ngọ và ông Tuất đã hiểu ra câu chuyện. Sau khi nhấp ngụm rượu, ông Ngọ nói:
- Các bác có biết câu chuyện nhà Tỵ ở xóm bên chưa?
Ông Thìn nhanh nhẩu:
- Có chứ, chuyện hai vợ chồng già sống với nhau ngót 30 năm nay bỗng li dị, cả xã ai chẳng biết. Sau khi li hôn mấy tháng, đứa con lớn chán nản lao vào cờ bạc, bán cả ô tô rồi bỏ đi biệt xứ. Đứa con gái cũng chán cảnh gia đình rồi bỏ học. Nhà ấy đang yên lành bỗng tan hết cả, thật tội!
- Giao thừa năm trước nhà ấy cũng có đi xem thầy bói, chọn người xông đất. Đêm 30 khóa trái cửa, không tiếp ai cho tới khi người xông đất được hẹn có mặt, vậy mà… - Ông Ngọ giọng kể buồn buồn.
- Thôi, năm mới không nói chuyện cũ nữa, mời các bác nâng li chúc mừng năm Rồng đang đến rồi đây này - Ông Tuất vừa nâng ly rượu vừa lên tiếng.
Chuông đồng hồ đã điểm. Ly rượu họ uống kéo dài từ năm Mão sang năm Thìn.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Góc vui ngày Xuân


Sự biến thái của chữ Tâm

          Còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song Thìn- trợ lý đã sớm có mặt tại nhà giám đốc Hợi với món “lễ mọn” bằng phong bì khá nặng để “thăm hỏi sức khỏe”.
          Vào nhà thủ trưởng, Thìn sững sờ vì đã có một bức tranh chữ Tâm mới toanh, treo ngay ngắn cạnh chữ Phúc - bức tranh Tết năm trước Thìn đã biếu giám đốc. Bức tranh chữ Tâm bằng đồng mạ vàng sáng óng, cách điệu như dáng rồng lượn, nét hoa văn khá tinh xảo.
          Thấy cậu trợ lý của mình há mồm ngạc nhiên, ông Hợi vừa hỏi vừa giải thích luôn:
          - Cậu thấy bức tranh chữ có đẹp không? Cậu Mão vừa tặng mình tối qua đấy! Cái cậu Mão này thật chu đáo, năm nào cũng đến thăm rõ sớm.
          Nghe vậy Thìn tức lắm nhưng cố bấm bụng. Mão với Thìn vốn là hai người chẳng ưa gì nhau, luôn xung khắc trong mọi việc. Có lẽ họ chỉ có điểm chung là khéo “chăm sóc” thủ trưởng mà thôi. Đang định khen bức tranh lấy lòng sếp, khi biết “tác giả”, Thìn lóe lên một ý ma mãnh:
          - Thằng cha Mão là chúa xỏ xiên, thủ trưởng phải cảnh giác kẻo nó lừa đấy. À, mà em hiểu vì sao nó tặng thủ trưởng bức tranh này rồi, đúng là đồ xỏ lá, chẳng coi ai ra gì!
          Ông Hợi tròn mắt ngạc nhiên:
- Cậu nói thế ý là gì?
Thìn giảng giải:
- Thủ trưởng có thấy chữ Tâm này trông giống con rồng không?
- Đúng rồi, vậy thì sao?
- Rồng là họ nhà rắn. Trong thực tế thì chẳng có rồng. Cha ông ta cách điệu từ con rắn mà ra con rồng thôi. Con rắn cũng chính là con xà, như con Mãng Xà trong truyện Thạch Sanh ấy.
- Xà hay rồng thì thoạt đầu nhìn ai cũng chỉ nghĩ đó là con rồng vàng thôi. - Ông Hợi đỡ lời.
- Thủ trưởng chưa nghĩ ra cái thâm sâu của bức tranh này đâu. Chữ Tâm lồng trong con Xà, tức là Tâm và Xà, nói đúng là chữ Tâm Xà. Xưa các cụ ta có câu “khẩu phật, tâm xà” ý nói tới những kẻ miệng nam mô, bụng một bồ dao găm. Thằng cha Mão này hiểm thật! Nhưng thủ trưởng đâu phải là người như thế.
Rầm! - Ông Hợi đập mạnh tay xuống bàn làm cho cốc chén nhảy lên loảng xoảng khiến Thìn giật bắn, trố mắt hoảng hốt. Ông Hợi gằn giọng:
- Thằng Mão này láo thật, giám xỏ lá đến thế cơ à! Tôi sẽ cho nó biết tay.
- Đúng là láo thật thủ trưởng ạ!- Nói rồi Thìn nhanh chóng kiếm cớ rút lui.
Vừa ra cổng, Thìn vừa đắc ý lẩm bẩm “Đúng là cả thầy lẫn tớ đều là lũ ngu, nói sao biết vậy!”…
- Này cậu! - Bỗng Thìn giật bắn người, lạnh toát sống lưng, cứ ngỡ sếp đoán được ý nghĩ vừa rồi khi thấy ông Hợi gọi. Vừa bắt tay Thìn, ông Hợi vừa tủm tỉm: - Liệu cái chữ Phúc năm ngoái cậu tặng mình, nhìn nó có giống đôi gian phu dâm phụ đang “tằng tịu” với nhau không nhỉ?
- Dạ… dạ…!!!
Đinh Hoàng