Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Hai mặt của tấm huân chương

          Những ngày này, dư luận đang nóng vì vụ cướp tiệm vàng Vững Bắc tại Đỗ Xá, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vụ cướp xảy ra hồi 17h30 chiều 16- 2, cướp đi sinh mạng của bà chủ tiệm vàng.
            Rất may cho cơ quan chức năng là cửa hàng có gắn camera an ninh, toàn bộ hành trình gây án của đối tượng đã được lưu lại. Đoạn băng được Truyền hình Việt Nam phát sóng. Từ lúc đó mọi người đều hiểu, việc thủ phạm sa lưới sẽ không lâu.
Sau khi gây án, Dưỡng bỏ trốn về nhà bố vợ ở quê. Thấy thái độ của Dưỡng không bình thường, gia đình vợ đã gặng hỏi, được đối tượng kể lại vừa giết bà chủ hiệu vàng ở Hà Nội. Nghe sau câu chuyện kinh hoàng này, bố vợ Dưỡng đã dẫn tên tội phạm về nhà bố đẻ ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tại đây, Dưỡng đã kể lại chi tiết vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng cho mọi người trong gia đình nghe. Ngay sau đó, chú ruột của Dưỡng là ông Nguyễn Hữu Nhiên cùng gia đình đã vận động Dưỡng đầu thú và trình báo toàn bộ vụ việc do hắn gây ra tới Công an xã Đông Cường và CAH Đông Hưng.
Rạng sáng 19-2, Công an thành phố Hà Nội nhận được thông báo của Công an tỉnh Thái Bình về việc hung thủ sát hại chủ hiệu vàng Vững Bắc đã đầu thú.
Chiều 19-2 đối tượng được di lý về công an Hà Nội. Cũng ngay chiều cùng ngày, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đã ký quyết định khen thưởng Phòng PC45, Phòng Kỹ thuật Hình sự (PC54) Công an Hà Nội; Công an xã Đông Cường, Công an huyện Đông Hưng - Thái Bình; ông Đỗ Văn Thiểm vì có thành tích xuất sắc trong vụ án này. Có thể nói, việc tuyên dương, khen thưởng còn nhanh hơn phá án. Cuộc tuyên dương thành tích hoành tráng, những gương mặt hồ hởi nhận thưởng, vinh danh được thông tin trên VTV1. Trên đây là tóm lược về vụ án được các phương tiên thông tin đại chúng đăng tải.
Cuộc đời thật trớ trêu: Bi kịch của người này lại là cơ hội lập công của người khác! Dẫu sao, bà Vững đã bị giết, không thể sống lại trước chiến công của lực lượng công an Hà Nội.
Người ta thường nói: có công thì thưởng, có tội thì phạt. Vậy để xảy ra vụ việc kinh hoàng này ngoài sự chủ quan của cửa hàng, sự thiếu giáo dục của gia đình thủ phạm thì còn nguyên nhân gì nữa? Liệu chính quyền, lực lượng giữ gìn trật tự an ninh địa phương nơi xảy ra vụ án có khuyết điểm gì không? Hung thủ quần áo bê bết máu, đường hoàng đi ra từ tiệm vàng giữa thanh thiên bạch nhật và hành trình từ Hà Nội về Thái bình mà không một ai hay biết! Nếu các chủ kinh doanh vàng bạc được tuyền truyền, vận động nâng cao cảnh giác thì đã không xảy ra vụ việc đáng tiếc. Trách nhiệm giáo dục ý thức cảnh giác cho nhân dân thuộc trách nhiệm cơ quan nào?
Đúng là mặt trước của tấm huân chương bao giờ cũng đẹp long lanh, luôn đập vào mắt chúng ta, ít ai nghĩ về phía sau của tấm huân chương đó thế nào. Thực tế là mặt sau ấy bao giờ cũng xù xì, thô ráp, không mấy ai muốn vuốt ve, mơn trớn bởi coi chừng xước tay!
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Nhận lỗi… khó lắm!

“Một đám cháy đang xảy ra. Mọi người đổ xô đến dập lửa bằng bất kỳ thứ gì có được khả dĩ để dập lửa. Tuy nhiên có một người đàn ông lễ mễ bê một chậu nước xà phòng lại đi ngược phía đám cháy. Thấy kỳ lạ, một người hỏi:
          - Đang cháy thế kia, ông bê chậu nước đi đâu vậy mà không vào dập lửa?
          Người bê chậu nước bình thản:
          - Nước này chưa được kiểm nghiệm hiệu quả chữa cháy, còn chờ các nhà khoa học chứng minh rõ ràng đã!”
          Trên đây chỉ là một câu chuyện vui giả tưởng tôi chợt nghĩ ra khi thấy tình hình chỉ đạo và phòng, chống dịch cúm gia cầm ở nước ta mấy ngày qua.
          Trong khi chưa có vắc xin phòng dịch cúm mới do biến thể của vi rút làm giảm hiệu quả phòng bệnh nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho dừng tiêm đối với đàn gia cầm từ năm 2011. Hiện nay đã có hàng chục tỉnh thành trên cả nước công bố có dịch. Tình hình dịch vẫn chưa có biểu hiện dừng lại.
Tuy nhiên, do chưa có vắc xin mới và trách nhiệm lo lắng trước việc dịch có thể quay lại, thời gian qua nhiều địa phương vẫn tiếp tục triển khai tiêm phòng bằng loại vắc xin cũ. Và thật may, những nơi tiêm phòng bằng vắc xin cũ vẫn phát huy tác dụng, đàn gia cầm không bị nhiễm dịch. Còn những nơi chấp hành nghiêm theo khuyến cáo của Bộ NN & PTNN thì dịch đã quay lại, người chăn nuôi chịu thiệt hại không nhỏ. Thực tiễn đó đã được chứng minh hiệu quả của loại vắc xin này vẫn đang phát huy tác dụng. Ngay một Trung tâm của Bộ (Trung tâm giống Thụy Phương-Hà Nội) cũng đã tiếp tục tiêm phòng và đạt kết quả tốt, đàn gia cầm không nhiễm dịch. Thiết nghĩ thực tiễn đó sẽ được Hội nghị của Bộ NN & PTNN ghi nhận, xem xét và khẩn trương chỉ đạo các địa phương áp dụng và hỗ trợ thực hiện.
Tiếc thay, tại hội nghị này, lãnh đạo cơ quan chuyên ngành có vẻ vẫn bảo vệ quan điểm chỉ đạo của mình là đúng đắn. Điều này cũng dễ hiểu bởi nếu thừa nhận việc tiêm phòng bằng vắc xin cũ của các địa phương là đúng đắn, hiệu quả thì đương nhiên phần sai sẽ thuộc cơ quan chuyên ngành. Uy tín của cơ quan, nhất là với từng cá nhân rất quan trọng! Nhưng một việc cần khẩn trương làm ngay là hãy xét nghiệm chủng vi rút tại các đàn gia cầm nhiễm bệnh xem liệu chúng đã biến chủng chưa? Hay đó chỉ là suy đoán?!
Cũng cần bàn thêm về một chủ trương mới, đó là Nhà nước sẽ không bao cấp chi phí tiêm vắc xin đại trà cho đàn gia súc. Chủ trương này tất nhiên không sai, nhất là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Đảng ta vẫn đang có chủ trương ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, cho địa bàn nông thôn và cho đối tượng nông dân. Tam nông vẫn là một chủ trương lớn, xuyên suốt với nhiều chính sách ưu tiên về thuế, vốn và tín dụng. Sản lượng, giá trị nông nghiệp tăng liên tục trong nhiều năm qua là một nền tảng quan trọng cho sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Giá trị sản phẩm xuất khẩu của nông nghiệp trong những năm gần đây đã chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế. Thành tựu nông nghiệp của nông dân mang lại thậm chí còn lớn hơn những gì mà họ đã được ưu đãi! Nhưng, cũng phải thừa nhận, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cho người nông dân chưa nhiều. Có rất nhiều nhà khoa học nông nghiệp song người nông dân vẫn phải tự mày mò để nghiên cứu, chế tạo ra những máy móc phục vụ cho công việc của mình (và nhiều sản phẩm thật hữu ích đã ra đời bởi những nhà khoa học “chân đất”). Một hệ thống cơ quan chiến lược với nhiều chuyên gia tài giỏi song vẫn chưa đưa ra được nhiều dự báo chiến lược để nâng cao hiệu quả nền nông nghiệp. Sản phẩm của nông dân làm ra khi thì được mùa mất giá, khi thì được giá, mất mùa…
Lật lại vấn đề: Vậy bỏ bao cấp tiêm vắc xin cho đàn gia súc, Nhà nước tiết kiệm được bao nhiêu tiền? Số tiền này có lớn hơn thiệt hại do dịch cúm gia cầm đang gây ra  với người nông dân không? Liệu đã có cơ quan nào thử tính bài toán “lỗ lãi” này chưa?
Thế mới biết, nhận lỗi thật là khó, vì đó là uy tín, là danh dự của những con người cụ thể. Nhưng nhận lỗi cũng chính là dũng khí của người cộng sản. Bỗng dưng tôi lại nghĩ tới bác Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN & PTNN - một bộ trưởng “chân đất”, ông đã có dũng khí của một người cộng sản chân chính khi dám nhận khuyết điểm và là Bộ trưởng đầu tiên tự nguyện từ chức từ trước đến nay ở nước ta. Hôm nay, nếu có nhiều người làm được như vậy thì chủ trương chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng ta chắc chắn sẽ thành công.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Nhân việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cơ giới nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố. Báo chí và dư luận đặt câu hỏi: Thu phí liệu có hết tắc đường?


                                Hỏi ai?

                      Bắc thang lên hỏi ông trời:
                Bỏ tiền đóng phí có đòi được không?
                      Xuống thang hỏi Bộ Giao thông:
                Đóng bao nhiêu phí thì không tắc đường?
                      Phán rằng: chuyện đó lẽ thường
                Là Dân* thì đóng phí đường chứ sao!

                                     Thương Giang

(*) Là Quan, đi xe công, không mất phí.
Tắc đường tại Hà Nội