Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Luận bàn

 Những cái thừa và những cái thiếu

      Bạn có biết tại sao gần đây nhiều chính sách do các Bộ, Ban, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành vừa đưa ra thực hiện đã gây phản ứng gay gắt của người dân, doanh nghiệp? Theo tôi, lý do là bởi đội ngũ “công quyền” của ta đang có những cái thừa và những cái thiếu. Xin kể về một số câu chuyện cụ thể về cái thừa và cái thiếu này.
      Chuyện về Nghị định 71 cùng cái bi hài mang tên “xe chính chủ”. Phải ghi nhận sự nỗ lực cùng ý chí quyết tâm góp phần giải quyết thực trạng vi phạm an toàn giao thông của cơ quan chức năng, đồng thời cũng là để “nâng cao đời sống” cho lực lượng thi hành công vụ (vì tiền phạt chủ yếu giao cho lực lượng này chi dùng). Tóm lại, ý chí là “có thừa”. Tuy nhiên cái ý chí đó đã làm mất đi cái sáng suốt, thông tuệ vốn là yêu cầu trước tiên của người làm “tham mưu”. Chính vì sốt sắng phạt, phạt thật nặng, không thể bỏ sót đối tượng phạt đã đưa lực lượng công an giao thông tham gia vào xử phạt cả lĩnh vực thương mại là mua bán, sang tên đổi chủ phương tiện! Họ quên hoặc không hiểu thực trạng mua bán xe cộ tại Việt Nam ta từ hàng chục năm qua. Thực trạng này đúng là cần chấn chỉnh nhưng nó không thể giải quyết một sớm một chiều bằng một biện pháp hành chính đơn thuần và càng không thể để lực lượng kiểm tra giao thông trên đường giải quyết được. Việc “xe chính chủ” nếu để lực lượng công an giải quyết thì tốt nhất là công an xã, phường, những người nắm vững nhất tình hình tại từng địa bàn thôn, bản, xã, phường. Về cơ bản, lâu dài phải có sự phối hợp giữa các ngành thuế, giao thông, công an cùng sự điều chỉnh phù hợp của chính sách.
      Câu chuyện thứ hai: Quỹ bảo trì đường bộ. Có thể nói ít có Nghị định nào lại gây phản ứng nhiều và gay gắt như Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Chính vì sự phản ứng đó, thời hạn thực hiện nghị định đáng lẽ thực hiện từ tháng 6 đã phải lui đến đầu năm 2013. Ngày thực hiện đang đến gần và dư luận lại bắt đầu “nóng” trở lại bởi những bất cập, bất hợp lý, không công bằng… trong quy định vẫn chưa được tiếp thu, chỉnh sửa. Bất hợp lý trong việc thu cả với sơ mi rơ moóc là một vấn đề được Hiệp hội vận tải phản ứng khá gay gắt, đề nghỉ bỏ quy định này. Ta có thể ví như “chặt khúc” một đoàn tàu ra để đánh thuế từng toa, kể cả khi toa đó hỏng vứt vào kho. Không thể có chuyện một đầu xe kéo cùng lúc 2-3 sơ mi rơ moóc lưu thông. Thứ nữa là xe ô tô có thể phải đóng phí trước 6 tháng hoặc cả năm mặc dù xe chưa lăn bánh trên đường. Đối với các phương tiện giao thông khác cũng có lắm chuyện. Rất may cho các em học sinh là Thông tư mới ban hành của Bộ Tài chính đã đưa xe đạp điện ra khỏi diện nộp phí. Tuy nhiên, bất cập ở đây là tự dưng sinh ra một lực lượng hùng hậu (và chắc chi phí cũng tốn không ít) huy động cho việc thu phí với hàng triệu mô tô, xe máy. Bất cập trong sự công bằng là một phương tiện lưu thông hàng ngày, thậm chí 24/giờ/ngày cũng đóng phí như phương tiện chỉ một tháng hoặc hơn mới lưu thông trên đường một lần. Bất hợp lý là sẽ có phương tiện phải chịu cảnh phí chồng phí vì hiện có rất nhiều trạm thu phí BOT, trạm thu phí đã bán quyền thu cho tư nhân vẫn hoạt động khi Quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện (mà tới đây các trạm này xẽ tăng giá vé tới 1,5 đến 3,5 lần). Có một phương án đơn giản nhất, công bằng nhất nhưng các cơ quan chức năng không biết hay không muốn thực hiện, đó là thu phí qua xăng dầu kết hợp hoàn trả phí cho các máy móc phục vụ sản xuất, phương tiện đánh bắt hải sản… Phải chăng cách này đụng chạm đến lợi ích của “nhóm xăng dầu”? Quyết thực hiện bằng được một quy định có quá nhiều bất cập, bất hợp lý, không công bằng như Quỹ BTĐB, phải chăng “trí tuệ” của cơ quan chức năng “có vấn đề”? Nếu không phải vậy thì người dân có quyền nghi ngờ động cơ tận thu của cơ quan chức năng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh gần đây còn phát biểu rằng Nghị định đã “đánh đúng đối tượng”! Một khi cơ quan ban hành chính sách đã có quan điểm là “đánh” với dân thì không còn gì để nói!
      Còn nhiều lắm những chính sách đang “đánh” vào người dân, doanh nghiệp như phí dịch vụ y tế mới, nghị định quy định về quản lý thị trường vàng vv và vv… Nguyên nhân của tình hình trên là gì?
      Những năm trước đây cán bộ, công chức trưởng thành, được cất nhắc, bổ nhiệm chủ yếu là năng lực, trình độ được thực tiễn kiểm nghiệm. Hiện nay cơ chế thị trường đã ngấm vào mọi ngõ nghách của cuộc sống. Đồng tiền đã đưa được nhiều người ngồi vào những “chiếc ghế” cao ngất ngưởng so với trí tuệ thấp lùn của họ. Hệ quả là những chính sách “chẳng giống ai” được “đẻ ra”. Hậu quả cuối cùng của nó thì chưa thể lường hết!
Đinh Hoàng