Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Luận bàn

Nên rành mạch một khái niệm

      Dự luật sửa đổi Luật đất đai đang được Quốc hội bàn thảo nghe ra chưa thể ngã ngũ. Vẫn còn rất nhiều sự băn khoăn về nội dung “thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội”. Cũng vì cái cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội” mà lãnh đạo nhiều địa phương đã có điều kiện thỏa mái thu hồi đất đai của dân nghèo trao vào tay chủ doanh nghiệp, đưa họ lên đời “đại gia” bất động sản, đẩy nông dân vào đội quân thất nghiệp.
      “Xã hội” thì không thể là cá nhân, tư nhân cụ thể nào mà đều là chung. Nhưng kinh tế thì có cái vì mục đích công nhưng cũng có cái chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Vậy tại sao trong nội dung dự thảo luật cứ ghép kinh tế với xã hội? Tại sao không quy định riêng: Chỉ thu hồi đất các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng (như giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng…). Các dự án kinh tế (nên bỏ từ phát triển vì các dự án kinh tế đương nhiên đều vì sự phát triển) vì mục tiêu lợi nhuận đều phải thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường. Cũng cần hiểu Doanh nghiệp Nhà nước không phải là Nhà nước. Các doanh nghiệp đều có mục tiêu lợi nhuận, không thể cho họ được quyền thu hồi đất như phục vụ lợi ích công. Chúng ta đang khốn khổ vì nhiều doanh nghiệp Nhà nước hưởng đầy ưu đãi nhưng lỗ triền miên, thậm chí thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước như Vinalines, Vinashin… Rồi một số doanh nghiệp công ích cũng xà xẻo tiền Nhà nước bằng những mức lương khủng như tại TP HCM vừa qua.
      Chính vì vậy, Luật đất đai sửa đổi cần loại bỏ cụm từ “phát triển kinh tế xã hội” trong nội dung mục đích thu hồi đất. Rành mạch cụm từ này sẽ loại trừ được cơ hội của lợi ích nhóm.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Quy trình của đồng tiền

      Quy trình là quá trình thực hiện một nội dung công việc gì đó mà người ta đặt ra, phù hợp quy luật nhằm đạt được một mục tiêu, kết quả nhất định. Việc xây dựng quy trình thường được đúc kết từ thực tiễn, bằng trí tuệ tập thể. Chính vì vậy khi ta thực hiện đúng quy trình sẽ mang lại hiệu quả tốt.
      Tuy vậy, thời gian gần đây có nhiều thứ được cho là “thực hiện đúng quy trình” lại không có hiệu quả, thậm chí ngược lại – đưa đến những hậu quả đáng buồn.
      Một cán bộ nọ được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng (đương nhiên là đã thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ), nhưng ngồi ghế chưa ấm chỗ đã bị khởi tố vì vi phạm pháp luật từ thời gian trước khi bổ nhiệm. Không những thế, vị Cục trưởng này vì được mật báo đã nhanh chóng “cao chạy xa bay” đúng như cách hành xử của một tên tội phạm! Vị cán bộ này không hiểu đức tài thế nào nhưng chỉ qua một thương vụ mua bán kiểu “chợ trời” đã làm thất thoát mấy trăm tỷ đồng của Nhà nước. Như vậy cái “quy trình” bổ nhiệm cán bộ chắc chắn có vấn đề cần phải xem lại.
      Cũng một cái quy trình nữa được thực hiện nghiêm túc đang mang lại thảm họa khốn cùng cho nhân dân các tỉnh miền Trung – Quy trình xả lũ liên hồ chứa!
      Ai cũng biết với thủy điện, giọt nước là đồng tiền. Việc xả nước chỉ là việc bất đắc dĩ với các ông chủ thủy điện. Chính vì vậy họ phải tính toán, căn ke thời điểm xả lũ sao cho có lợi nhất mà vẫn an toàn hồ đập, còn an toàn cho cư dân hạ du có lẽ phải đứng “thứ nhì”. Chính với tính toán đó, hàng chục đập thủy điện đều đợi chờ cho đến phút chót – lúc đập không thể không xả thì họ mới ra tay. Cái quy trình liên hồ đồng loạt “tung chưởng” đã nhấn chìm bao tài sản, thành quả lao động của người dân, nhất là người nông dân. Nếu thống kê chính xác, đầy đủ thiệt hại của người dân và nền kinh tế trong đợt “lụt xả lũ” này chắc sẽ không nhỏ, có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng cái đau xót nhất là sinh mạng của hàng chục người dân đã cuốn theo dòng lũ!
      Rõ ràng cái quy trình và thực hiện quy trình này đã có vấn đề nghiêm trọng.
      Gần đây một chuyện gây phẫn nộ dư luận đã xảy ra, vì chưa nộp tiền mà một em bé 7 tuổi đã bị đuổi ra cổng trường trong giờ ăn trưa. Trong đôi mắt thất thần, ngơ ngác, buồn tủi của em như chứa đầy sự tăm tối. Em chỉ hiểu một điều đơn giản – bố mẹ chưa nộp tiền nên em không được ăn! Ở đây, người có trách nhiệm chỉ thực hiện quy tắc đơn giản “tiền trao, cháo múc” của chợ búa nhưng ở trong môi trường dạy người. Nó cũng là một quy trình của việc phục vụ - nộp tiền để được phụ vụ.
      Tất cả những ví dụ trên đây về quy trình, hiểu đến ngọn nguồn – đó chính là là quy trình của đồng tiền. Đồng tiền đã chi phối mọi quy trình. Quy trình đã trở thành cái cớ, là phương tiện để họ đạt mục tiêu cuối cùng: Tiền!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Những hạt thóc thối
    
     Sự kiện Việt Nam được bầu vào Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất trong 14 nước trúng cử là một sự kiện tự hào của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước. Những tràng vỗ tay vang lên ngay sau khi cái tên Việt Nam được xướng lên trước tiên trong lễ công bố kết quả bỏ phiếu tại nghị trường LHQ đã cho thấy sự ghi nhận tuyệt đối của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Rất nhiều nhà ngoại giao, nhiều tổ chức tại LHQ đã tới bắt tay, hôm hôn chúc mừng trưởng đoàn Việt Nam, cùng chia vui với đất nước Việt Nam. Các báo lớn trên thế giới đều đưa tin, bình luận với những lời thiện cảm dành cho Việt Nam.
      Có một sự lạ là một vài tờ báo luôn đặt rất nhiều sự quan tâm về vấn đề nhân quyền Việt Nam như RFI, RFA, BBC tiếng Việt, VOA… bỗng dưng lại im bặt trước sự kiện này tựa như những hạt thóc thối.
      Nhưng “những hạt thóc thối” này lại khá nhạy cảm với bất kỳ việc gì liên quan đến những cá nhân bất mãn, chống đối chế độ tại Việt Nam. Ngay sự kiện gần đây nhất liên quan đến việc xét xử Lê Quốc Quân tội trốn thuế, gian lận thuế cũng được họ cho là Nhà nước ta đàn áp những người bất đồng chính kiến… Tại sao họ lại ưu ái kẻ phạm pháp này như vậy? Đơn giản là Lê Quốc Quân là một “hạt giống” được một tổ chức chuyên huấn luyện lật đổ ở Mỹ đào tạo “gửi” về Việt Nam! Đã có rất nhiều “hạt giống” như vậy được gửi về Việt Nam với mưu toan đen tối nhưng đều bị ung thối trước tinh thần cảnh giác của chính quyền và nhân dân cả nước.
      Những việc trên cho thấy những kẻ xưa nay to mồm chửi bới Đảng, Nhà nước ta thực ra tâm địa của họ chỉ là sự hằn học, định kiến, luôn tức tối trước sự phát triển đi lên của đất nước Việt Nam. Là cơ quan truyền thông đáng lẽ họ phải góp phần nhân lên niềm tin vào sự công bằng và những giá trị tốt đẹp đã được cả thế giới công nhận nhưng họ lại như những hạt thóc thối. Những hạt thóc thối ấy luôn bốc mùi gây ô nhiễm môi trường xã hội.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chuyện vui

Chết dân

   Lâu lắm Ngọc Hoàng mới xuống thăm mấy cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng   Thiên Đình. Thấy các nơi công việc tất bật Ngọc Hoàng vui lắm vì nghĩ chắc năm nay kinh tế đã khởi sắc.
   Đã hết giờ làm việc hơn tiếng rồi Ngọc Hoàng mới hồi cung. Nhưng khi qua khu xưởng nội thất vẫn thấy tiếng cưa xẻ ầm ào, đèn sáng trưng như giữa ca sản xuất. “Quan, dân cứ trách nhiệm cao thế này lo nỗi gì kinh tế không tăng trưởng” -Ngọc Hoàng thầm nghĩ và rẽ vào xưởng mộc.
   Giám đốc xưởng mộc đang xăng xái chạy hết chỗ này đến chỗ nọ để đôn đốc, chỉ đạo công nhân. Thấy Ngọc Hoàng vội chạy lại phân trần:
   - Mong Ngọc Hoàng thứ tội, người tới mà thần chẳng biết, công việc bận rộn quá.
   Gật đầu vừa nhìn lướt xưởng mộc, thấy hàng đang được đóng toàn ghế đẹp, gỗ tốt, cũng chẳng kém ngai vàng của Ngọc Hoàng là mấy, hỏi:
   - Sao đóng lắm ghế thế này?
   - Dạ, là do cung cầu thôi ạ. Mấy năm nay bộ máy công bộc của nhà trời tiêu tốn nhiều ghế lắm ạ.
   - Nghĩa là sao? – Ngọc Hoàng vẻ chưa hiểu.
   - Dạ, ý thần muốn nói là cái chỗ ngồi của công bộc ấy ạ. Chẳng hạn như cái Bộ nọ lẽ ra chỉ cần 4 ông cấp phó nhưng do nhu cầu thực tiễn đã tăng lên thành 8, có Bộ còn nhiều hơn nữa. Vì vậy công suất xưởng của thần phải chạy tối đa mới đáp ứng được.
   - Chắc là công việc tăng lên nhiều quá nên mới cần tăng quan chức?
   - Dạ không phải đâu ạ. Việc vẫn thế thôi, nhiều người thì chia bớt ra làm cho nó nhẹ nhàng ạ.
   - Thế quỹ lương của 4 người cũng chia cho 8 người hay sao?
   - Sao lại thế được ạ. Đời sống của đội ngũ công bộc là phải liên tục cải thiện chứ sao để tụt lùi được ạ. Con nghĩ không có chuyện chia lương đâu, có khi còn tăng nữa ấy!
   - À… ra thế. -Trầm tư một lát, bỗng Ngọc Hoàng phẩy tay- Thế này thì chết dân à! Mai ta phải đi thị sát lại mới được, chẳng biết cái khí thế lao động các nơi khác có giống như cái xưởng mộc này không.
Đinh Hoàng