Công cụ và mục tiêu
Ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
theo chủ trương của Đảng. Đúng là phải có nền kinh tế XHCN mới mang lại sự no
ấm, bình đẳng cho con người. Để một nền kinh tế thị trường sơ khai nằm trong
quỹ đạo định hướng XHCN thì cần có các thực thể kinh tế giữ vai trò bà đỡ,
chủ đạo và định hướng. Chính vì lý do đó Nhà nước đã trao cho một số doanh
nghiệp thuộc các lĩnh vực then chốt, án ngữ đầu vào của nền kinh tế như điện
lực, xăng dầu… trách nhiệm làm “trụ đỡ”, dẫn dắt, định hướng cho các doanh
nghiệp và dân doanh, bảo đảm sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Mục tiêu và trách nhiệm lớn lao là vậy, nhưng nhìn vào
thực tiễn những “trụ đỡ” này đã làm được những gì cho nền kinh tế trong nhiều
năm qua? Khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, đình đốn và xuống tận đáy, các
doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hàng loạt do chi phí đầu vào tăng cao,
sản phẩm không thể tiêu thụ thì các Ông Xăng dầu, Điện lực liên tục bồi thêm
những cú đòn chí mạng mang tên tăng
giá. Những “ngón đòn” đó đã góp phần đưa nhiều doanh nghiệp nhanh chóng phơi
mình nơi tử huyệt. Lý do đơn giản là phải tăng giá mới bảo đảm lợi nhuận cho
các Ông ấy. Quả thực, dù kinh tế xuống đáy, các Ông ấy chưa bao giờ bị lỗ (dù
lúc này, lúc khác, nhất là trước khi tăng giá họ có kêu lỗ). Gần đây người
dân mới biết rằng trong 1 lít xăng mình mua đã gánh hơn 8000 đồng phí, thuế,
quỹ… trong đó. Nguồn thu thuế cho ngân sách từ mấy Ông độc quyền quả là quan
trọng. Nhưng, số thu ấy so với thu được từ hàng trăm ngàn doanh nghiệp và dân
doanh khác của cả nền kinh tế có đáng là bao? Những bộ óc Vĩ Mô sẽ tính ra
rất nhanh cái lợi và hại. Chắc chắn tiền thuế của vài Ông độc quyền đóng cho
Nhà nước không thể bằng hàng chục ngàn doanh nghiệp nếu họ không phải ngừng
hoạt động. Tuy nhiên, cái lợi chung cho nền kinh tế, cho Nhà nước thường rất
khó đong đếm. Cái dễ đong đếm nhất là những đồng tiền luồn lách chui vào túi
của những người có quyền quyết định sự lỗ lãi của doanh nghiệp. Những đồng
tiền đen đó vô hình chung đã trở thành động lực của Chính sách! Một khi chính
sách lệch hướng thì khác chi một trận đánh xác định sai đối thủ, sự thất bại
là khó tránh khỏi!
Mới đây, khi sự kiện giàn khoan 981 của Trung Quốc hạ đặt
trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, lực lượng giữ gìn biển đảo và ngư dân
được quan tâm đặc biệt, đó là điều tất yếu. Vui mừng hơn nữa là một Nghị định
của Chính phủ về hỗ trợ vốn cho ngư dân được nhanh chóng ban hành. Đây là một
Nghị định đạt kỷ lục về thời gian từ khi có chủ trương đến khi được ban hành
(trong vòng chưa đầy 2 tháng). Cũng có một Nghị định đang đạt kỷ lục về thời
gian từ khi có chủ trương đến khi hoàn thiện để sửa đổi, đó là Nghị định 84 về
quản lý và kinh doanh xăng dầu. Sau 3 năm sửa đi đổi lại, đến nay Nghị định
này vẫn ở giai đoạn “sắp hoàn thành”. Nghị định này cần sửa đổi vì có nhiều
điểm bất cập, có lợi cho doanh nghiệp xăng dầu, bất lợi cho các doanh nghiệp
khác và người sử dụng xăng dầu. Nhiều người từng chỉ rõ lợi ích nhóm là cản trở chính cho việc sửa đổi Nghị định 84.
Người vô tư nhất cũng phải đặt câu hỏi: Vì sao sửa Nghị định này lại khó đến như
thế?
CNXH là mục tiêu mà cả dân tộc ta đã tin tưởng theo Đảng,
phấn đấu không ngừng nghỉ hàng chục năm qua.
Mục tiêu ấy đến bao giờ mới thành hiện thực khi mà chính
những công cụ thực hiện mục tiêu lại đang cản trở trên con đường đi tới?
Đinh
Hoàng
|
Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014
Luận bàn
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)