Mấy
bận… giá mà!
Tháng trước tôi có việc
giải quyết về hộ khẩu tại quận T (T.P Hà Nội). Theo giấy hẹn, đúng ngày giờ
tôi đến nhận kết quả. Sau hồi lâu lục tìm không thấy hồ sơ của tôi, cô nhân
viên nói rất điềm nhiên và có ý trách: “Hồ sơ của bác chưa có, lẽ ra trước
khi đến đây bác phải điện thoại hỏi xem đã chứ”. Xem lại tờ giấy hẹn tôi mới
ngớ ra, đúng là có một dòng chữ nhỏ ghi “trước khi tới nhận kết quả xin điên
thoại vào số máy 04…”. Tôi thầm nghĩ, vậy cái mốc thời gian hẹn trả kết quả
trên tờ giấy hẹn là để làm gì nhỉ? Giá mà họ nhắn giúp cái tin thông báo chưa
có kết quả vào máy di động của người dân có tiện hơn không?
Sau đó ít ngày, cũng vẫn
tại quận trên nhưng là cơ quan BHXH, tôi đến làm thủ tục BHYT. Vốn đã có kinh
nghiệm tới cửa công quyền lần trước, lẩn này tôi xem kỹ tờ giấy hẹn, không hề
có dòng yêu cầu điện thoại trước khi tới nhận kết quả dù cũng có dòng ghi số điện
thoại. Nhưng, lại một lần nữa hồ sơ của tôi bị trễ so với ngày giờ trên giấy
hẹn. Chị nhân viên trả kết quả nhắc tôi nhỏ nhẹ: “Thẻ BHYT của bác 2 ngày nữa
mới có, trước khi đến bác hãy điện thoại giúp cháu vào số máy này nhé”, vừa
nói chị vừa gạch dưới dãy số điện thoại trong tờ giấy hẹn. “Giá mà họ nhắn
giúp mình cái tin tới điện thoại di động có tốt không, đỡ phải đi 10km trời
nắng nóng thế này”, tôi ra về vừa suy tư trong tâm trạng không vui.
Một anh bạn của tôi vừa
đi giải quyết hồ sơ lí lịch tư pháp cho con tại Sở Tư pháp T.P Hà Nội cho
biết tại cơ quan này cũng có chuyện tương tự. Trong giấy hẹn ngoài ngày giờ
còn có một dòng ghi rõ “xin liên hệ số máy ĐT 04… trước khi tới nhận kết
quả”. Tuy nhiên khi anh bạn làm theo chỉ dẫn, gọi hoài chẳng có người bắt máy
nên đành thôi. Cũng may là anh không bị trễ hẹn.
Thời gian trả kết quả
trong giấy hẹn của cơ quan hành chính nhà nước cũng là sự cam kết của họ
trước người dân. Xem ra, chính dòng chỉ dẫn phụ (yêu cầu điện thoại trước) đã
thể hiện sự thiếu chắc chắn trong lời cam kết đó. Trách nhiệm của cơ quan
hành chính là phải thực hiện nghiêm cam kết của mình với người dân. Lẽ ra khi
không thực hiện đúng cam kết, cơ quan hành chính có trách nhiệm liên hệ để
xin lỗi và hẹn lại. Tuy nhiên, các cơ quan công quyền rất “khôn” khi luôn đặt
“trái bóng trách nhiệm” dưới chân người dân. Họ làm không đúng nhưng lại luôn
có quyền trách người dân là đã không làm theo chỉ dẫn!
Công cuộc cải cách hành
chính của nền công vụ nước ta đang được đẩy mạnh, bước đầu đạt những kết quả
đáng khích lệ. Người dân khi có việc đến cửa công quyền không còn tâm trạng
ngán ngại như những năm trước. Tại nhiều nơi, cơ quan hành chính đã từng bước
tạo dựng được sự thiện cảm của người dân. Tuy nhiên đây đó trong cung cách
thực hiện, thái độ ứng xử của công chức chưa thực sự vì dân, còn dành thuận
lợi về mình, đẩy phần không thuận lợi cho người dân, như vài chuyện tôi được
biết và trực tiếp trải nghiệm trên đây.
Đinh Hoàng
|