Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Tận bán!

Ông nọ làm một quán ăn sang trọng giữa hồ. Do không có đường ra quán, ông nhờ đất của chủ hồ làm chiếc cầu nhỏ để khách ra nhà hàng.
Thế rồi với lí do phải chi tiền làm cầu nên ông dựng trạm barie bán vé cho khách qua cầu. Việc làm trên có hợp lí, hợp tình và đúng pháp luật?
          Với câu hỏi này, tôi tin 100% người trả lời không. Bởi nếu không ra quán ăn hàng chẳng ai cần đi trên chiếc cầu đó để mất tiền vô ích. Đây là cách tận bán để tận thu!

Xe đưa khách vào cửa nhà ga dừng 5 phút mất 30.000 đồng

Thực ra chuyện trên chỉ là giả định, một ví dụ vui. Tuy nhiên, thực tiễn lại đang diễn ra câu chuyện y hệt, đó là việc thu phí dịch vụ xe ô tô đưa khách vào cửa ga đi máy bay tại các cảng hàng không của ta. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong công tác quản lí, sử dụng vốn, đất đai, tài sản… ACV đã thu phí một số dịch vụ phi hàng không không đúng quy định. 21 cảng hàng không trên cả nước đang thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga với ô tô đưa, đón khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 5 phút) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Ai cũng biết dịch vụ hàng không đắt đỏ, trừ một số vé máy bay được bán giá rẻ nhằm kích thích sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân vì đây là loại dịch vụ có suất đầu tư lớn. Nhưng nhiều dịch vụ khác đang “ăn theo” cái đắt đỏ của hàng không. Chẳng hạn ở khu chờ bay tại sân bay quốc tế Nội Bài một bát phở bình thường cũng có giá 100.000 đồng trong khi ở nội thành Hà Nội chỉ 30.000-40.000 đồng; chiếc bánh mì kẹp bán 60.000 đồng khi nơi khác chỉ 15.000-20.000 đồng v.v.
Tưởng chuyện sai là quá rõ. Tiếc rằng cả doanh nghiệp lẫn bộ chủ quản lại không cho là vậy. ACV chỉ đề nghị tạm dừng và đang rất “nỗ lực” để việc bán vé đường bộ này được duy trì. Họ cho rằng tuy đất được giao không phải nộp tiền thuê đất nhưng đã bỏ tiền đầu tư vào đây, thu phí là hợp lí. Phải chăng ACV coi đây giống đường BOT, đã đầu tư thì được thu phí hoàn vốn? BOT 70km mới có một trạm thu giá, xe 4-7 chỗ vé chừng 35.000 đồng. Vậy với đoạn đường dẫn vào ga chừng mấy trăm mét mà thu đến 30.000 đồng thì theo quy định nào?
Nếu ai từng vào một số siêu thị như Metro, BigC tại Hà Nội sẽ thấy họ cũng có không gian dành cho khách hàng rất thoải mái từ đường vào, bãi giữ xe rộng mênh mông miễn phí dù gửi xe cả ngày. Mục tiêu của các doanh nghiệp này là tận tụy phục vụ khách hàng tiện lợi để nâng cao uy tín, thu hút khách chứ không tận bán. Dù hạ tầng có thể tận dụng thu được tiền song họ đã không làm như ACV.
Được biết bộ chủ quản đang “hoàn thiện cơ sở pháp lí”, trình Thủ tướng cho phép được tiếp tục bán vé xe đưa khách vào ga hàng không. Một nguồn thu có thể coi là nhỏ nhưng chắc chắn sẽ mất đi cái không nhỏ, đó là uy tín trước du khách cả trong và ngoài nước nếu vẫn giữ tư duy tận bán!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 1 tháng 2 năm 2018