Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Luận bàn

 Những cái thừa và những cái thiếu

      Bạn có biết tại sao gần đây nhiều chính sách do các Bộ, Ban, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành vừa đưa ra thực hiện đã gây phản ứng gay gắt của người dân, doanh nghiệp? Theo tôi, lý do là bởi đội ngũ “công quyền” của ta đang có những cái thừa và những cái thiếu. Xin kể về một số câu chuyện cụ thể về cái thừa và cái thiếu này.
      Chuyện về Nghị định 71 cùng cái bi hài mang tên “xe chính chủ”. Phải ghi nhận sự nỗ lực cùng ý chí quyết tâm góp phần giải quyết thực trạng vi phạm an toàn giao thông của cơ quan chức năng, đồng thời cũng là để “nâng cao đời sống” cho lực lượng thi hành công vụ (vì tiền phạt chủ yếu giao cho lực lượng này chi dùng). Tóm lại, ý chí là “có thừa”. Tuy nhiên cái ý chí đó đã làm mất đi cái sáng suốt, thông tuệ vốn là yêu cầu trước tiên của người làm “tham mưu”. Chính vì sốt sắng phạt, phạt thật nặng, không thể bỏ sót đối tượng phạt đã đưa lực lượng công an giao thông tham gia vào xử phạt cả lĩnh vực thương mại là mua bán, sang tên đổi chủ phương tiện! Họ quên hoặc không hiểu thực trạng mua bán xe cộ tại Việt Nam ta từ hàng chục năm qua. Thực trạng này đúng là cần chấn chỉnh nhưng nó không thể giải quyết một sớm một chiều bằng một biện pháp hành chính đơn thuần và càng không thể để lực lượng kiểm tra giao thông trên đường giải quyết được. Việc “xe chính chủ” nếu để lực lượng công an giải quyết thì tốt nhất là công an xã, phường, những người nắm vững nhất tình hình tại từng địa bàn thôn, bản, xã, phường. Về cơ bản, lâu dài phải có sự phối hợp giữa các ngành thuế, giao thông, công an cùng sự điều chỉnh phù hợp của chính sách.
      Câu chuyện thứ hai: Quỹ bảo trì đường bộ. Có thể nói ít có Nghị định nào lại gây phản ứng nhiều và gay gắt như Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Chính vì sự phản ứng đó, thời hạn thực hiện nghị định đáng lẽ thực hiện từ tháng 6 đã phải lui đến đầu năm 2013. Ngày thực hiện đang đến gần và dư luận lại bắt đầu “nóng” trở lại bởi những bất cập, bất hợp lý, không công bằng… trong quy định vẫn chưa được tiếp thu, chỉnh sửa. Bất hợp lý trong việc thu cả với sơ mi rơ moóc là một vấn đề được Hiệp hội vận tải phản ứng khá gay gắt, đề nghỉ bỏ quy định này. Ta có thể ví như “chặt khúc” một đoàn tàu ra để đánh thuế từng toa, kể cả khi toa đó hỏng vứt vào kho. Không thể có chuyện một đầu xe kéo cùng lúc 2-3 sơ mi rơ moóc lưu thông. Thứ nữa là xe ô tô có thể phải đóng phí trước 6 tháng hoặc cả năm mặc dù xe chưa lăn bánh trên đường. Đối với các phương tiện giao thông khác cũng có lắm chuyện. Rất may cho các em học sinh là Thông tư mới ban hành của Bộ Tài chính đã đưa xe đạp điện ra khỏi diện nộp phí. Tuy nhiên, bất cập ở đây là tự dưng sinh ra một lực lượng hùng hậu (và chắc chi phí cũng tốn không ít) huy động cho việc thu phí với hàng triệu mô tô, xe máy. Bất cập trong sự công bằng là một phương tiện lưu thông hàng ngày, thậm chí 24/giờ/ngày cũng đóng phí như phương tiện chỉ một tháng hoặc hơn mới lưu thông trên đường một lần. Bất hợp lý là sẽ có phương tiện phải chịu cảnh phí chồng phí vì hiện có rất nhiều trạm thu phí BOT, trạm thu phí đã bán quyền thu cho tư nhân vẫn hoạt động khi Quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện (mà tới đây các trạm này xẽ tăng giá vé tới 1,5 đến 3,5 lần). Có một phương án đơn giản nhất, công bằng nhất nhưng các cơ quan chức năng không biết hay không muốn thực hiện, đó là thu phí qua xăng dầu kết hợp hoàn trả phí cho các máy móc phục vụ sản xuất, phương tiện đánh bắt hải sản… Phải chăng cách này đụng chạm đến lợi ích của “nhóm xăng dầu”? Quyết thực hiện bằng được một quy định có quá nhiều bất cập, bất hợp lý, không công bằng như Quỹ BTĐB, phải chăng “trí tuệ” của cơ quan chức năng “có vấn đề”? Nếu không phải vậy thì người dân có quyền nghi ngờ động cơ tận thu của cơ quan chức năng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh gần đây còn phát biểu rằng Nghị định đã “đánh đúng đối tượng”! Một khi cơ quan ban hành chính sách đã có quan điểm là “đánh” với dân thì không còn gì để nói!
      Còn nhiều lắm những chính sách đang “đánh” vào người dân, doanh nghiệp như phí dịch vụ y tế mới, nghị định quy định về quản lý thị trường vàng vv và vv… Nguyên nhân của tình hình trên là gì?
      Những năm trước đây cán bộ, công chức trưởng thành, được cất nhắc, bổ nhiệm chủ yếu là năng lực, trình độ được thực tiễn kiểm nghiệm. Hiện nay cơ chế thị trường đã ngấm vào mọi ngõ nghách của cuộc sống. Đồng tiền đã đưa được nhiều người ngồi vào những “chiếc ghế” cao ngất ngưởng so với trí tuệ thấp lùn của họ. Hệ quả là những chính sách “chẳng giống ai” được “đẻ ra”. Hậu quả cuối cùng của nó thì chưa thể lường hết!
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012


Những ca bệnh lạ

       Hôm nay, lịch thăm khám của bệnh viện Thiên Đình dành cho quốc gia Đại Rồng. Để bảo đảm chất lượng và uy tín của bệnh viện, mỗi phiên khám tại đây chỉ thực hiện với 2 bệnh nhân. Đại Rồng hôm nay được lương y Hải Thượng Lãn Ông khám và chẩn trị. Hai bệnh nhân gồm Tạ Văn Thủ, một công chức quản lý nhà nước và Nguyễn Tri Thức, tiến sỹ khoa học. Xem lướt qua trích ngang, Lãn Ông cho gọi Tạ Văn Thủ vào khám trước.
       Một người đàn ông cao kều, gầy nhom, bụng thắt lại như con ếch đực nhưng đầu tại to quá cỡ, nhìn rất khác thường. Vì thân hình mất cân đối nên anh ta bước đi loạng choạng như thể say rượu. Để Văn Thủ yên vị, Lãn Ông từ tốn hỏi:
      - Bệnh tình ngươi thế nào, trình bày ta nghe?
      - Dạ, tôi bị đau đầu kinh niên đã lâu, nay ngày càng đau dữ dội hơn. Sơn hào hải vị, thuốc bổ đủ loại thượng hạ tôi vẫn ăn uống tốt nhưng đầu cứ to ra và đau không chịu được.
       Sau gần tiếng đồng hồ bắt mạch, soi chiếu, xét nghiệm với đủ thủ thuật của bệnh viện Thiên Đình, Lãn Ông phán đơn thuốc cho Văn Thủ:
      - Bệnh của ngươi là hội chứng đầu to, căn bệnh phổ biến của các quốc gia quan liêu. Ngươi phải điều trị nghiêm phác đồ: Một là tinh giản biên chế bộ máy, hai là chấm dứt đa ngành ôm đồm, ba là sâu sát, gần dân và lắng nghe nhân dân. Trong cái bụng teo tóp của ngươi, ta nghe nhiều tiếng dân oán thán lắm.
       Đến lượt, tiến sỹ Thức bước vào. Hình dạng hắn trái ngược với Văn Thủ, đầu nhỏ tí làm người ta cứ tưởng hắn đầu nhọn, còn bụng thì phình ra như một cái chum đựng thóc. Lãn Ông bắt đầu hỏi bệnh:
      - Ngươi có triệu chứng bệnh thế nào?
      - Tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, chỉ đi khám định kỳ để xin ít thuốc bổ thôi, thuốc bổ thần kinh ấy, để cho đầu óc minh mẫn.
      - Ta lại không nghĩ vậy, hình dạng ngươi mất cân đối lắm.
       Sau 30 phút tiến hành các thủ thuật khám bệnh, Lãn Ông phán đơn thuốc:
      - Ngươi mắc chứng lượng quá nhiều, chất quá ít. Làm khoa học cái cốt ở chất chứ không phải lượng. Ta hỏi, thế cái đề tài tiến sỹ của ngươi là về lĩnh vực gì vậy?
      - Đề tài á?… đùng một cái ông hỏi, bố ai nhớ được. Tôi có mang theo sổ tay ghi chép đâu. Khi bảo vệ xong luận án tôi đã ghi cụ thể tên cái đề tài ấy vào sổ công tác rồi. Lâu không sờ đến quên mất!
      - Cách chữa duy nhất với ngươi là sàng lọc khoa học. Có nghĩa là phải mời chuyên gia giỏi đến thẩm định lại cái mác tiến sỹ ấy, nếu không phải là khoa học thì gỡ bớt mác tiến sỹ đi, ngươi sẽ làm đúng việc của mình, khi ấy bụng sẽ nhỏ bớt, đầu sẽ thông minh hơn. Mà ở cái đất nước của ngươi cũng kỳ lạ quá, giáo sư, tiến sỹ thì nhiều nhất khu vực mà cả năm nay chẳng có cái công trình nào tạm gọi là khoa học cả…
       Lãn ông chưa dứt lời thì bỗng có chiếc cáng được khiêng chạy vội vào phòng khám như bị đuổi. Bệnh nhân là một người to béo đẫy đà, bụng trương phình như cái trống, mặt đỏ văng, miệng há ra ngáp liên hồi như sắp tắc thở. Một tên khiêng cáng vừa thở vừa trình bày:
      - Xin Lãn Ông cho vào mổ gấp mới cứu được tên này, hắn bị bội thực nguy lắm. Họ tên hắn là Lê Quan Chức, cũng ở Đại Rồng đưa lên ạ.
      Tuy là ngoại lệ (quá 2 bệnh nhân) nhưng do cấp bách nên Quan Chức được đưa ngay vào buồng phẫu thuật…
       Chưa đầy 15 phút đã thấy Quan Chức bước ra, tay cầm một bọc to, mặt rạng ngời hỉ hả như vừa đi hội về. Chưa kịp hỏi, hắn đã rối rít bắt tay cảm ơn Lãn Ông rồi ngênh ngang ưỡn ngực bước ra. Bác sỹ vừa phẫu thuật cho Quan Chức cũng từ phòng mổ ra bàn giao hồ sơ cho Lãn Ông.
      - Ca bệnh đó thế nào mà ngươi xử lý nhanh vậy? - Lãn Ông hỏi.
      - Ca này đơn giản thôi ạ. Tại cái bệnh tham ăn nên hắn bị bội thực.
      - Hắn ăn gì mà nên nỗi?
      - Dạ, toàn phong bì thôi, của hối lộ dưới hạ giới thời nay đấy ạ. Sản phẩm hậu phẫu con cho hắn bọc túi mang về làm kỷ niệm. Bụng hắn chứa cũng đến vài chục cân, toàn phong bì giấy. Tuy nhiên khi phẫu thuật, thần cũng phát hiện ra một căn bệnh nan y của hắn: Bụng hắn có một khối u, đã di căn, cắt đi là hắn chết ngay. Thần đành “đóng lại”, cho tí thuốc động viên tinh thần để hắn sống vui nốt thời gian còn lại.
      - Thế hắn bị khối u gì vậy?
      - Dạ bẩm, khối u Tham Nhũng ạ!
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Khoảng cách

      Cuộc sống này khi nào cần khoảng cách?
      Nếu không có khoảng cách, sẽ chẳng có những vì sao, tinh tú
      Và chẳng có bầu trời.
      Nếu không có khoảng cách trên đường giao thông
      Tai họa kinh hoàng.
      Nếu không có khoảng cách giữa người và con vật
      Con người sẽ coi con vật như con người
      Còn con vật sẽ coi con người là con vật.
      Nếu không có khoảng cách chủ tớ
      Chủ sẽ làm tớ, tớ sẽ thành chủ.
      Nếu không có khoảng cách chính trị và doanh nhân
      Lũng đoạn được sinh ra.
      Chỉ có tình yêu
      Không có khoảng cách.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Khủng hoảng Đồng - Chí

          Như các buổi sáng, hai ông cán bộ hưu của làng Lãnh duy trì đi bộ rèn luyện sức khỏe vừa bàn luận về thế sự. Hôm nay ông Dân nói với ông Cực một điều trăn trở đã lâu:
          - Ông đã nhận ra những méo mó của nền kinh tế tác động dữ dội như thế nào đến mối quan hệ xã hội chưa? Tôi thấy nó mang đến nhiều chuyện buồn lắm, nhất là chuyện Đồng - Chí!
          - Tôi thấy xưa nay đồng chí vẫn tốt chứ sao?
           - Liệu có còn tốt chăng. Tôi hỏi chuyện này nhé, ông thấy trưởng thôn Văn Hiệp có giàu không?
         - Tất nhiên, hiện nay trong làng Lãnh mình ông ấy vào hàng nhất nhì rồi. Nhưng thời nay lãnh đạo phải thế chứ, nghèo thì làm gương cho ai được!
         - Đúng là ông ấy đang “làm gương” và tạo điều kiện cho con cái họ hàng làm giàu: Lão Tăng bán thịt lợn, (quầy thịt duy nhất trong làng) là cháu họ; con gái trưởng thôn thì đảm nhiệm chân kế toán; lão Vơ địa chính là em họ; lão Khoán quản lý chợ là em trai… và còn mấy người nữa. Ông có thấy những “chân” này đều kiếm tiền khá không?
         - Ừ thì, những người đó họ có năng lực, trình độ, cũng nên để họ phát huy chứ?
         - Lại nói về trình độ năng lực, ông có thấy cháu Mẫn con ông Cần tốt nghiệp Học viện Tài chính loại giỏi đang phải ở nhà phụ giúp bố làm ruộng chứ, nó có làm được chân kế toán thôn không?
         - Ừ, trình độ như nó cũng không nhiều. Nhưng nghe đâu muốn xin được việc làm trong ngân hàng hay cơ quan nhà nước cũng phải có chừng 300 triệu, mà nhà ông Cần kiếm đâu ra số tiền đó…
         - Ông có thừa nhận trong chi bộ hưu ta, ông Kiết là gia đình nghèo khó nhất không?
         - Ừ, nhưng do hoàn cảnh vợ ốm yếu, bệnh tật, đứa con út lại bị di chứng chất độc da cam nên dù rất chịu khó lao động, tằn tiện song nhà ông ấy vẫn không thể vươn lên được. Tội nhất là thằng Minh, đứa con đầu của ông ấy vừa rồi thi đỗ đại học mà không thể nhập học vì thiếu tiền.
          - Những chuyện trên đã cho tôi rút ra một điều: Nhiều người có Chí nhưng lại ít Đồng, ý tôi muốn nói là đồng tiền ấy; còn một số người quá nhiều Đồng nhưng chí hướng, lý tưởng lại đang lung lay. Như trưởng thôn Văn Hiệp chẳng hạn. Tôi biết ông ấy rất thỏa mãn với cương vị hiện tại, chẳng còn chí khí phấn đấu gì nữa, nói lý tưởng lại càng xa vời, viển vông! Tóm lại, người thừa Đồng thì đang hết Chí, người thừa Chí thì đang thiếu Đồng. Đúng là Đồng - Chí đang rơi vào khủng hoảng mất rồi.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Đề án mở trường

      Buổi chầu hôm nay Ngọc Hoàng tiếp tục chất vấn Bắc Đẩu. Tuy nhiên hôm nay Ngọc Hoàng vào việc bằng một loạt câu hỏi dạng thăm dò:
      - Ngươi thấy hệ thống trường đào tạo tại hạ giới hiện nay thế nào?
      - Dạ bẩm, nhờ sự “thông thoáng” của Ngọc Hoàng, nhiều năm qua hệ thống trường sở đúng là “trăm hoa đua nở”, ngành ngành mở trường, địa phương thi nhau lập trường, 63 tỉnh thành không ít hơn 63 trường đại học, chỉ thiếu mỗi đại học cấp huyện thôi ạ!
      - Có nghĩa là trường sở như thế cũng tạm đủ, thế còn trình độ học vấn của công chức thế nào?
      - Dạ cũng quá tuyệt ạ. Thần đố Ngọc Hoàng tìm thấy một công chức cấp huyện trở lên lại không có tấm bằng đại học. Có thể nói, trình độ đại học với công chức chỉ tạm gọi là “xóa mù” thôi ạ. Công chức của ta bây giờ chăm chỉ, cần mẫn cái sự học hành lắm. Nhiều anh chỉ mới qua hai nhiệm kỳ công tác đã từ một anh tốt nghiệp trung học cơ sở, nay sở hữu tấm bằng tiến sỹ đỏ chót bằng phương thức “vừa học vừa làm”. Dạ bẩm Ngọc Hoàng, tuy chất xám hơi khiêm tốn nhưng về số lượng người có bằng cao học của ta đã cao nhất khu vực rồi đấy ạ…
       Rầm! Bất ngờ Ngọc Hoàng đập tay xuống bàn làm Bắc Đẩu giật bắn người:
      - Ngươi làm việc quan liêu tắc trách đến thế là cùng! Trường sở đã đủ, cán bộ học vấn thì “tuyệt vời”, vậy mà còn tấu trình ta cái đề án xin “Mở trường bồi dưỡng cho công chức” này? Với những yếu kém của hệ thống giáo dục quốc dân, ta cứ ngỡ ngươi phải trình cái đề án “Đổi mới toàn diện Giáo dục”, thế mà lại đưa ra cái đề án quái dị này?
      - Dạ bẩm, xin Ngọc Hoàng bớt nóng nghe thần trình bày cụ thể ạ. Đây là một trường “chuyên đề”, thần chỉ bồi dưỡng về Trách nhiệm thôi ạ. Hiện nay cái thiếu nhất đối với nhiều công chức của ta là trách nhiệm. Ví như mấy cái vụ án tày đình PU 18, Vinashin, Vinalines… nguyên do đều không phải trình độ, năng lực, thậm chí cán bộ của ta “rất tốt” ạ. Cái họ thiếu chỉ là trách nhiệm. Phiên tòa nào xét xử cũng đều khảng định như vậy, không hề có chuyện tham ô, ăn cắp, mà chỉ là … thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng! Chính vì thực trạng này dẫn đến việc nhiều anh chỉ phấn đấu vào cương vị công tác quan trọng một vài nhiệm kỳ rồi… “thiếu trách nhiệm một chút”, bị kỷ luật, về nghỉ, cùng lắm đi tù ít năm, miễn là gia đình, vợ con có nhiều tiền của!
      - Ngươi nói lạ, làm gì có ai chấp nhận sẵn sàng đi tù. Ngươi chưa được nghe câu “một năm tù ngàn thu ở ngoài” ư?
      - Dạ, xưa là thế, nhưng bây giờ ngồi tù dưới hạ giới cũng dễ thở lắm rồi ạ. Ngọc Hoàng cứ thử mà xem, miễn là nhiều tiền. Cho nên nay có thể nói “một năm tù cũng chỉ… một mùa thu ở ngoài” thôi ạ.
      - Đúng là cái xã hội kỳ quái. Mà thôi, ta phê chuẩn. Nhưng nhớ điều chỉnh đôi chút, cần đặt một Phân hiệu cái Trường bồi dưỡng này trong nhà tù đấy nhé. Số lượng học viên cũng không ít đâu.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Chuyện lạ:

Đổi vàng lấy xi măng

      Mấy hôm nay mọi người trong làng Kình thấy một sự lạ, đó là việc ông Tèo ngày nào cũng đi lên thị trấn mua xi măng. Tiền công làm thuê ở chợ làng được bao nhiêu ông đều mua xi măng tất, có hôm thì 1 bao, có hôm chỉ mấy chục cân lẻ. Ai hỏi ông cũng chỉ ậm ừ, không nói rõ mua xi măng làm gì. Làm nhà ư? Với hoàn cảnh cô đơn và nghèo như ông thì chưa thể đủ lực. Chắc là ông Tèo đang tích cóp để khi nào đủ sẽ xây nhà? Là người đứng đầu trong làng song nhiều người hỏi, trưởng thôn Văn Hiệp cũng không biết lí do. Trưởng thôn quyết định đến hỏi lão Tèo cho rõ ngọn ngành:
      - Bác Tèo định xây nhà hay sao mà mua nhiều xi măng thế?
      Đang mải gói buộc số xi măng mua lẻ vào một cái bao ni lông, không buồn ngẩng lên, lão Tèo buông cụt lủn:
      - Không, mua để bán thôi!
      - Thế là thế nào, ai người ta mua cho ông, xi măng đang ế đầy ra kia kìa.
      - Tôi có chỗ bán rồi!
      - Ai mua cho ông vậy?
      - Tây Ninh! Trong đó người ta đang đổi vàng lấy xi măng, ông không thấy tivi nói mấy hôm trước à?
      - Tôi xem tivi hàng ngày nhưng chưa hề nghe chuyện này?
      - Rừng là vàng, họ chẳng đang bán rừng vàng để đổi lấy xi măng là gì. Họ đang phá hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn để cho một nhà máy xi măng mọc lên đó!
      - À!!!... – Trưởng thôn Văn Hiệp sửng sốt và hiểu ra thâm ý của lão Tèo và nghĩ bụng “Chắc giá xi măng sắp lên cơn sốt rồi đây, rừng nước mình vẫn còn nhiều lắm”!
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Tiếp câu chuyện chất vấn của Thiên Đình:

Thời thế đổi thay

      Xin kể tiếp câu chuyện phiên chất vấn của Ngọc Hoàng với Bắc Đẩu:
      Sau khi định thần trước vụ Thiên Lôi gây ra “động Thiên Đình”, Ngọc Hoàng mở tập sớ Đăng ký kinh doanh, chất vấn Bắc Đẩu về một đơn hơi lạ đời của tay Nguyễn Hành Chính: “Xin kinh doanh tem nhãn”:
      - Sao lại “kinh doanh tem nhãn”? Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ phải tự khảng định chất lượng và được chủ nhân đặt tên, ghi tem nhãn chứ?
      Bắc Đẩu ra vẻ rất tự tin, trình bày cặn kẽ:
      - Dạ bẩm, xưa kia là thế, nhưng bây giờ khác rồi ạ. Thần xin lấy một vài ví dụ điển hình để Ngọc Hoàng hiểu: Chẳng hạn loại tem Kiểm định giao thông, các phương tiên giao thông chỉ cần dán cái tem này là đương nhiên an toàn. Nếu có xảy ra tai nạn do kỹ thuật là việc bất khả kháng và là một câu chuyện khác ạ; hay loại tem Kiểm dịch thú ý, gia súc gia cầm cứ mổ xong, đóng một cái dấu Kiểm dịch là lưu thông thoải mái. Chính vì thế mà gà thải loại của Trung Quốc, Hàn Quốc sang ta cứ đàng hoàng, chễm chệ ngự trên các bàn tiệc sang trọng; hay trong giáo dục, hiện nay loại tem Chính quy rất được giá ạ. Dù anh có học hành tài giỏi đến đâu, vận dụng vào thực tiễn tốt đến đâu nhưng trót mang cái tem Tại chức, Liên thông coi như bỏ đi, không thể xin việc được. Gần đây nhất, loại tem vàng SJC đang được giá lắm ạ...
      - Ngươi nói sao? Đến vàng cũng có tem ư, ta tưởng giá trị của vàng là do tuổi tác chứ sao lại do tem nhãn?
      - Dạ bẩm, đúng là xưa nay vẫn vậy, nhưng bây giờ thời thế đổi thay rồi ạ. Mong Ngọc Hoàng chịu khó update (ắp đết) nếu không muốn lạc hậu.
      - À, ngươi nói tới tiếng Anh ta mới nhớ hôm nay có buổi học tiếng Anh ngoài giờ mà ta mới đăng ký theo học. Thôi, tạm dừng buổi chầu tại đây.
      - Dạ vâng ạ! Nhưng thần xin cảnh báo với Ngọc Hoàng, ngài cố thi lấy cái bằng Chính quy nếu không muốn vất nó vào sọt rác ạ!
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Chuyện vui

 Dân mình kém cỏi

Hôm nay Bắc Đẩu được Ngọc Hoàng triệu riêng đến để chất vấn về một số vấn đề dân sinh bức xúc. Do được báo trước, Bắc Đẩu chuẩn bị khá công phu, tờ sớ trình dài đến chừng 5 thước. Mời quý vị nghe tóm lược những câu hỏi và trả lời trong phiên chất vấn của Thiên Đình:
      - Thuế, phí các ngươi ban hành thế nào mà dân kêu ca phàn nàn khắp nơi rằng nó chồng chất lên nhau, nặng oằn lưng dân nghèo?
      - Mọi quy định thần ban ra đều đúng luật, đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục… tóm lại đều đúng luật ạ. Có phản ứng chẳng qua là do “một bộ phận không nhỏ” người dân nhận thức chưa đầy đủ thôi ạ.
      - Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ta đã nhắc không biết bao nhiêu lần, tại sao nay lại càng xảy ra nghiêm trọng hơn. Vụ gần nhất tại khu công nghiệp Biển Nam đã ngộ độc khiến mấy trăm người nhập viện?
      - Các cơ quan chức năng Thiên Đình đã có rất nhiều biện pháp và thi hành quyết liệt. Tuy nhiên vụ việc vẫn xảy ra là do dân mình hầu hết vẫn tiêu dùng một cách kém thông thái ạ.
      - Còn vụ thủy điện Sông Tranh 2, động đất xảy ra triền miên gây bất ổn đời sống dân cư nơi đây, sao các khanh xử lý có vẻ lúng túng như gà mắc tóc vậy?
      - Dạ bẩm, động đất mới chỉ hơn 4 độ rích te, còn kém xa thiết kế cho phép. Thần khẳng định là không vấn đề gì đâu ạ. Vụ việc ầm ĩ chẳng qua báo chí hạ giới cứ phóng lên. Hơn nữa, nhận thức dân mình hạn chế, nhiều người cứ sợ chết nên mới thế, mà chết đâu có dễ ạ. Chúng thần sẽ… - Ầm!!! - Bỗng một tiếng nổ lớn làm Ngọc Hoàng và Bắc Đẩu giật mình. Bắc Đẩu lao ngay vào gầm bàn trước mặt Ngọc Hoàng, mặt cắt không còn giọt máu. Sau giây phút tĩnh tâm, Ngọc Hoàng lẩm bẩm:
      - Chẳng lẽ động đất Sông Tranh lan đến đây?
      Bắc Đầu còn đang lổm ngổm bò ra từ gầm bàn đã thấy quan Ngự Lâm của Thiên Đình vào bẩm báo: vụ nổ là do Thiên Lôi vô ý khi lau chùi cây Tầm Sét, xin ý kiến Ngọc Hoàng việc xử lý kỷ luật.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Nhầm chỗ
      Tại nhà ga nọ, trong khi chờ mua vé mọi người đang phải nghe lời quảng cáo ra rả của một gã bán bảo hiểm:
      - Gói bảo hiểm nhỏ nhất của chúng tôi cũng đến hàng triệu đồng. Chẳng hạn, nếu bạn bị ngã xe đạp gẫy tay, chân, xây xước mặt mày sẽ được chi trả 2 triệu đồng. - Giơ những tờ in quảng cáo màu mè trên tay, gã tiếp tục:
      - Nếu bạn đi xe máy, xảy ra tai nạn, bạn có thể được số tiền gấp đôi chiếc xe. Nếu bị tai nạn ô tô không qua khỏi, bạn có thể được bồi thường 120 triệu đồng. Nếu…- Đang ba hoa, bỗng một người đàn ông cao lớn, mặt mũi dữ dằn đến đằng sau đưa bàn tay hộ pháp bóp vào vai làm gã cứng đơ người, ngừng bặt. Người đàn ông gằn giọng:
      - Này anh bạn, quảng cáo nhầm chỗ rồi. Muốn quảng cáo cho ma quỷ ở cõi âm trước hết phải mua một vé xuống đó đã.

Đinh Hoàng

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Chuyện vui:

 Không thể sống mãi

      Lâu nay thành lệ phó thác hoàn toàn việc sinh tử nơi hạ giới cho Nam Tào, bỗng dưng hôm nay Ngọc Hoàng lại lưu tâm, chăm chú xem kỹ tập hồ sơ khai tử Nam Tào vừa trình tấu phê chuẩn. Cuối trang Ngọc Hoàng thấy có hai cái tên là lạ chẳng ra Tàu cũng không phải Tây: Lưu Men Sứ và Invest Hoàng Nậu. Gọi Nam Tào đến, Ngọc Hoàng hỏi:
      - Thần dân Lưu Men Sứ này làm sao mà ngươi chấm chỉ cho sống đến 55 tuổi?
      - Dạ bẩm, hắn là một nghệ nhân kiêm nông dân, ham làm, ăn uống tằn tiện, tính pha chút văn nghệ sĩ nên cũng đam mê rượu chè. Dù muốn cho sống thêm nhưng cố lắm cũng chỉ đến thế thôi ạ! – Nam Tào trình bẩm.
      - Thế còn thằng cha Invest Hoàng Nậu, ngươi có cảm tình riêng hay sao mà cho sống tới 90 năm dù đã 60 tuổi?
      Nam Tào lạnh toát người, lập cập thanh minh:
      - Dạ không phải đâu ạ, mong Ngọc Hoàng đừng nghi oan cho thần. Kẻ này là một quan chức, được giao chuyên đi vận động, vay tiền thiên hạ để cho các doanh nghiệp vay lại đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thiếu hắn lúc này thần tin hàng loạt doanh nghiệp sẽ “chết” ngay lập tức ạ!
       Để thỏa tính hiếu kỳ, Ngọc Hoàng quyết định làm một chuyến vi hành hạ giới xem hai kẻ trong sổ tử Nam Tào là ai.
      Theo địa chỉ hồ sơ, Ngọc Hoàng đến một ngôi làng bên sông Cái thuộc phủ Hà Thành, đến trước nhà Lưu Men Sứ thấy ông ta đang hì hụi đào đất trong vườn. Bên hố đất đã được đào sâu chừng hơn mét có nhiều đồ gốm sứ Bát Tràng xếp ngay ngắn.
      - Ông là Lưu Men Sứ phải không? – Ngọc Hoàng hỏi thăm.
      Không thèm nhìn lên, Lưu Men Sứ thủng thẳng:
      - Ừ, có việc gì, muốn uống nước có bình nước vối trong bếp ấy!
      - Ông đào hố sâu thế làm gì vậy, trồng Cau Vua hay sao?
      - Vua chúa gì, chôn mấy thứ ấm chén, lu bát đó, có nhìn thấy không?
      - Sao lại chôn những thứ này?
      - Chôn để cho nó lên giá.
      - Thì ra ông là kẻ đầu cơ?
      - Cứ cho là thế. Nhưng đầu cơ cho con, cháu, chắt… sau này nó hưởng.
      - Nghĩa là sao?
      - Ông không thấy đồ gốm sứ cổ giá đắt như vàng à? Hỏi ông, 500 năm nữa, những thứ này có là đồ cổ không?
      - À !…- Một người sống vì tương lai (Ngọc Hoàng thầm kết luận).
      Rời nhà Lưu Men Sứ, Ngọc Hoàng hỏi đường đến nhà Invest Hoàng Nậu, đó là một dinh thự nguy nga nằm bên Hồ Tây. Tuy đường vào nhà ông Nậu khá rộng nhưng rất nhiều xe con xếp hàng chen chúc ra vào thành ra chật hẹp. Thấy một chàng trai trẻ đứng bên chiếc xe ford bóng lộn phì phèo thuốc lá, đoán chừng là lái xe, Ngọc Hoàng hỏi:
      - Người ta đến đây làm gì ngày này mà đông thế anh bạn?
      Nhìn Ngọc Hoàng từ đầu đến chân vẻ lạ lẫm, không trả lời, anh ta hỏi lại:
      - Thế ông đến đây làm gì? Chả lẽ không biết hôm nay là ngày thôi nôi cháu đích tôn ông Nậu à? Ông có “phong bì” chưa?
      - Vậy à! Chắc là phải có chứ. – Ngọc Hoàng trả lời qua quýt rồi đi vào. Bỗng thấy hai ông khách từ nhà ông Nậu đi ra, vẻ mặt buồn thiu vừa đi vừa nói với nhau:
      - Lão ấy “chém” ác quá. 20% một năm bố ai làm gì lãi thế!
      - Vay cũng chết, không vay cũng chết! Thôi thì… kệ, sau này hẵng hay. Nhiệm kỳ sau các cha “hậu duệ” sẽ trả nợ giúp ta…
      Chẳng cần vào diện kiến Invest Hoàng Nậu Ngọc Hoàng đã hiểu ra câu chuyện. Rõ ràng ông ta là một nhà đầu tư vốn có tầm cỡ chuyên đi vay nước ngoài về để cho vay lại (gọi văn vẻ là tạo vốn đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp). Nhưng, với tình trạng làm ăn đình đốn, thua lỗ, phá sản như hiện nay thì doanh nghiệp lấy đâu ra mà trả lãi, rồi thậm chí cả vốn. Sau này đời con cháu nai lưng ra mấy kiếp mới trả xong? Đây khác gì một kẻ ăn cắp của tương lai! Nghĩ vậy Ngọc Hoàng quay ngay về trời, gọi Nam Tào đến chỉ lệnh:
      - Ngươi điều chỉnh ngay trường hợp thần dân Lưu Men Sứ theo hướng tăng tuổi sinh tại hạ giới, càng lâu càng tốt. Còn Invest Hoàng Nậu đưa ngay vào diện khai tử năm nay!
      Nam Tào phân vân hỏi lại:
      - Dạ bẩm, con người không thể sống mãi được đâu ạ. Luật trời nay quy định cao nhất cũng chỉ 140 năm, gia hạn một hai lần cũng không vượt 150 năm được ạ, như vậy là phạm luật trời từ ngàn năm nay rồi, dạ bẩm…
      - Luật mà không phù hợp thì sửa luật, các khanh phải tham mưu cho trẫm chứ? Không thể để những người đáng trân trọng như Lưu Men Sứ chết yểu, còn Invest Hoàng Nậu phè phỡn cứ sống nhăn ra để rồi đời con cháu khốn khổ khốn nạn, cả đời mang nợ! Các khanh về bàn bạc kỹ với nhau đi, không thể để người “vì tương lai thì chết”, còn những kẻ “ăn cắp của tương lai” thì cứ sống mãi.
Đinh Hoàng

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Chuyện vui:

 Học tập kinh nghiệm
      
      Được Ngọc Hoàng triệu đến gấp, trợ lý Bắc Đẩu phấp phỏng không hiểu có chuyện gì vì hôm nay vẫn chưa đến phiên chầu hàng tuần. Ngọc Hoàng đang chăm chú xem một tờ sớ, dường như không để ý đến lời bẩm của Đẩu trợ lý. Vẫy tay ra hiệu cho vào, không ngẩng đầu lên, Ngọc Hoàng hỏi:
      - Ngươi đã nghe được chuyện gì về vụ MB24 dưới trần gian chưa?
      - Dạ, thần có nghe sơ sơ, hình như có kẻ bị bắt ạ! - Bắc đẩu khúm núm.
       Ngọc Hoàng nói luôn, giọng hơi gay gắt:
      - Chỉ thế thôi sao! Chứ không phải hầu hết các lãnh đạo Công ty, các Chi nhánh trên nhiều tỉnh thành đã bị cảnh sát còng tay đưa vào trại giam rồi chứ?
      - Dạ, có lẽ thế ạ!
      - Ngươi còn nhớ vừa tham mưu cho ta giới thiệu đoàn của Thương mại Thiên Phủ tham quan học tập kinh nghiệm ở đấy chứ? Lúc đó ta thấy ngươi ca ngợi cái “Mờ Bờ Hăm Tư” thật là hết lời, nào là họ từ tay không đã đạt doanh thu năm sáu trăm tỷ đồng chỉ trong vòng hơn năm trời. Đoàn tham quan vừa chân ướt chân ráo về trời. Bây giờ thì vậy đó! Hôm nay lại thấy ngươi trình cái sớ này: “tham quan học tập kinh nghiệm kinh doanh của Công ty Điện lực hạ giới và Tổng công ty xăng dầu Biển khơi”. Nhiều hôm vén mây nhìn xuống ta thấy điện đóm dưới đó cứ chập chờn như đom đóm, cắt điện liên miên, vậy học là học cái gì?
      Đẩu trợ lý vẫn giọng khúm núm sợ sệt:
      - Dạ bẩm… học họ ở cái mua rẻ, bán đắt, thất thoát lớn nhưng thu nhập cao và tăng giá không ngừng ạ.
      - Lại có cái thị trường gì kỳ lạ vậy ư, ai bán rẻ cho họ? Họ bắt ai mua đắt? - Ngọc Hoàng.

      - Thưa bệ hạ, Ngài cũng biết rồi đó, Công ty Điện lực hạ giới họ nằm ở trung gian nhưng là duy nhất. Ai phát điện muốn bán chỉ có bán cho họ, nếu không thì đóng cửa, vì lẽ đó có nhà máy đã đành cho không, tức là giá 0 đồng/kW bởi mỗi lần đóng cửa/khởi động máy phát tốn mấy tỷ đồng. Tương tự một mình họ họ bán điện cho người dùng. Ai kêu giá cao thì đừng mua điện của họ nữa. Dạ bẩm, vừa qua họ tiếp tục tăng giá điện nên hiện nay việc kinh doanh của họ đang lãi khủng lắm, mỗi kW cũng kiếm được 400 đồng. Mặc dù lượng thất thoát điện cao nhất nhì khu vực nhưng thu nhập của họ đang là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong nước. Đó là lí do vì sao ta nên học tập kinh nghiệm của Công ty này, thưa bệ hạ!
       - Nhưng... ta nghe nói mới đây cái Công ty Điện lực này còn xin tổ chức một đoàn hàng trăm người đi học tập kinh nghiệm nước khác cơ mà? Chi phí chuyến đi dự kiến cũng hết hàng tỷ đồng. Họ giỏi thế sao lại đi học người khác?- Ngọc Hoàng chất vấn.
      - Dạ bẩm, đúng là có việc đó nhưng không phải vậy đâu ạ. Các nơi phải học họ chứ họ còn cần học ai nữa. Chẳng qua họ lên kế hoạch thế cho nó hay thôi, chi tiêu quyết toán sẽ dễ hơn. Thực ra họ đi du lịch ấy mà! - Bắc Đẩu phân trần.
      Nghe Bắc Đẩu phân tích ngọn nguồn, Ngọc Hoàng tuy ngạc nhiên nhưng cũng xuôi tai, chuyển sang hỏi về kinh nghiệm của Xăng dầu Biển khơi:
      - Thế còn học tập kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu là về cái gì?
      Bắc Đẩu:
      - Dạ bẩm ta học kinh nghiệm “một lùi hai tiến” kết hợp với “đi nhanh về chậm” ạ.
      - Ngươi nói rõ luôn xem nào! - Ngọc Hoang sốt ruột.
      Bắc Đẩu tiếp lời:
      - Bẩm, “một lùi hai tiến, đi nhanh về chậm” là giảm giá một nhưng tăng giá phải hai, giảm thì chậm, tăng thì nhanh. Khi xăng dầu thế giới giảm sâu, dư luận phản ứng gay gắt họ mới đủng đỉnh giảm giá tí ti. Hạ giới họ gọi vui là “nhỏ giọt như cà phê phin”. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng, dù chưa nhập giọt nào cái giá tăng đó nhưng họ lập tức dâng tấu vừa nài nỉ, vừa thúc ép Nhà nước cho tăng giá, thậm chí dọa bỏ thị trường. Dĩ nhiên mức tăng bao giờ cũng cao, có khi gấp đôi giá khi giảm. Bẩm Ngọc Hoàng, kinh nghiệm của họ là như vậy ạ!
      Nghe Bắc Đẩu tấu xong, Ngọc Hoàng lắc đầu ngán ngẩm:
      - Hạ giới nay lắm chiêu làm ăn kỳ quái thay. Chung quy lại thì có ai chịu hậu quả của những quái chiêu này?
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Chuyện vui:

 Xin tăng biên chế

      Bắc Đẩu vừa ló mặt vào cửa phòng làm việc của Ngọc Hoàng đã giật bắn người với cảm giác lạnh toát sống lưng bởi tiếng đập tay xuống bàn nặng như búa tạ của Ngài:
      - Thật không còn ra thể thống gì nữa, nhà ngươi đang tư duy trên mây hay sao mà dâng tờ sớ xin tăng biên chế này? Đáng lẽ phải đề xuất giảm biên chế, ngươi lại xin tăng tận 30%! Kinh tế đang lâm vào giảm phát, ngân sách eo hẹp, nguồn thu giảm liên tục. Vậy xin tăng biên chế lúc này là cớ làm sao?
      Vừa nhăn nhó gãi đầu gãi tai, Bắc Đẩu trần tình:
      - Dạ thưa Ngọc Hoàng, thực ra thì con chỉ xin tăng biên chế bộ phận vệ sinh môi trường thôi ạ, mấy năm nay hạ giới chúng đẩy lên trời nhiều rác rưởi quá, nhất là tầng mây sinh cảnh trong vườn Thượng Uyển. Năm trước Ngọc Hoàng đã cho tăng biên chế 15% rồi nhưng việc quá nhiều, không sao thu dọn hết ạ.
      - Có phải dưới đó phát triển công nghiệp quá nhanh gây ô nhiễm môi trường? Dù sao thì Thiên Đình cũng có ảnh hưởng đôi chút khói bụi, nhưng sao đến mức trầm trọng như vậy? - Ngọc Hoàng hỏi lại.
      Bắc Đẩu:
      - Dạ thưa, không phải thế ạ. Khói bụi công nghiệp, xú uế nước thải đúng là đã ô nhiễm nặng nhưng thực ra chưa thật đáng ngại. Lo ngại nhất là rác và các thứ linh tinh khác ạ. Con xin đơn cử một vài ví dụ. Trước tiên xin kể là rác công nghệ thông tin, cụ thể là các loại sim rác, tin nhắn rác. Hiện nay tổng số sim rác đã lớn gấp đôi dân số hạ giới rồi ạ. Hàng ngày các Tiên Nữ dạo chơi trong vườn luôn vướng chân bởi các loại sóng sim rác, rất khó chịu. Bên cạnh đó nhiều thứ được đẩy lên tầng mây thứ 9, điển hình nhất là giá cả hàng hóa, dịch vụ như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa trẻ em... Nhiều thứ đã được các thần đẩy xuống bằng được nhưng loáng cái lại thấy họ đẩy lên ngay. Có loại như giá điện họ còn công bố xanh rờn là giá chỉ có lên, không thể xuống. Gần đây nhất có thứ còn bị đẩy lên quá tầng mây thứ 9, đó là giá viện phí đấy ạ. Thưa Ngọc Hoàng, chúng con thà dọn rác bẩn còn thích hơn là dọn dẹp những thứ này, tốn công sức lắm ạ. Xin Ngọc Hoàng thương tình các thần vất vả mà chuẩn tấu ạ!
      Sau hồi đăm chiêu suy nghĩ, Ngọc Hoàng lắc đầu:
      - Hạ giới ngày nay tệ thế sao. Thôi thì ta còn cách nào khác đây. - Nói rồi Ngày rút bút lông ký duyệt vào tờ sớ của Bắc Đẩu và đóng mạnh cây Thiên Ấn Chỉ, trao sớ cho Bắc Đẩu, phẩy tay ra hiệu cho lui.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chuyện vui:


Ăn để… chống dịch

      Vừa tinh mơ sáng cả làng Kình đã bị đánh thức bởi giọng oang oang của trưởng thôn Văn Hiệp trên chiếc loa công cộng:
      - A lô, a lô… mời bà con làng Kình nghe thông báo chống dịch. Như bà con đã thấy, trong những ngày gần đây chợ làng ta xuất hiện rất nhiều món “ngoại nội tạng”, đó là món lưỡi động vật. Tôi tạm gọi tên như vậy vì món này lúc thì nó bên trong miệng, lúc thì nó thò ra ngoài khi ăn. Do giá cả món lưỡi động vật ngày một rẻ, ít người ăn, chợ làng vẫn bị thương lái ngoại lai đùn hàng về, bán không hết đã đổ bừa ra quanh chợ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
      Dừng lại mấy giây lấy hơi, trưởng thôn Văn Hiệp tiếp tục:
      - Chắc bà con sẽ thắc mắc sao lại phải ăn để chống dịch, vì sao lại lắm lưỡi động vật bán như vậy... Như bà con đã biết, cạnh làng ta có Tổng công ty Đại Bò với hàng ngàn đầu bò cả lấy sữa và giết thịt. Như quy luật tự nhiên xưa nay, bò chỉ ăn cỏ, tuy nhiên gần đây chẳng rõ vì tham hay điên, lũ bò của Đại Bò không chỉ ăn cỏ, chúng đã thè lưỡi liếm láp lung tung, ăn bất kể thứ gì liếm được, gây ra nhiều lộn xộn, nguy cơ khôn lường. Còn về lý do vì sao chỉ thấy bán lưỡi bò, còn thịt bò vẫn khan hiếm, xin nói rõ với bà con thế này…
      Trưởng thôn Văn Hiệp lại phải dừng lấy hơi:
      - Trước dịch liếm láp vô tội vạ của lũ bò, do không thể giết thịt bò sữa, ngành thú y đã có biện pháp hữu hiệu là phẫu thuật cắt lưỡi bò. Hiện nay đã có rất nhiều bò bị cắt lưỡi. Tuy bị cắt lưỡi song chúng vẫn ăn được cỏ vì hiện nay người ta đã chế biến cỏ công nghiệp, tựa như đồ ăn sẵn, ăn nhanh. Đó là toàn bộ nguyên nhân tại sao lại có nhiều lưỡi bò bày bán như vậy. Đề nghị bà con trong làng hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu làng của mình bằng hành động ăn lưỡi bò nhằm ngăn chặn sự ô nhiễm đang gia tăng. Một lần nữa xin nhắc lại, mọi người hãy ăn lưỡi bò để chống dịch, a lô!


      * Theo tôi được biết, hiện nay về cơ bản lũ bò lớn của Đại Bò đã được cắt lưỡi. Tuy nhiên, lũ bò con đang lớn lên, sẽ sinh ra… cũng đã và sẽ nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này. Bà con làng Kình chưa biết bao giờ mới thoát khỏi đại dịch. Phải làm sao để lũ bò chúng nhận thức được đúng sai, không liếm láp lung tung và dạy lại con cái chúng, đấy mới là giải pháp căn bản để trừ sạch dịch lưỡi bò. Nếu bạn đọc nào đọc được câu chuyện trên của làng Kình và hiểu được ngôn ngữ của Bò xin dịch giúp để chuyển tải thông điệp này tới Đại Bò, xin cám ơn!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Chuyện vui:



 Giấc mơ lạ

      Tan cuộc nhậu trưa, về tới phòng làm việc ông Tớ ngồi ngay vào chiếc “ghế quyền lực” quen thuộc và gục xuống, nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Tiếng ngáy của ông thường rất to. Ban đầu chưa quen khiến nhiều người cứ ngỡ đâu đó gần đây có một xưởng máy đang ầm ì hoạt động. Trưa nay ông Tớ bỗng đi vào một giấc mơ kỳ lạ.
       Ông thấy mình tay cầm cuốn sổ y bạ đang bước vào một căn nhà lớn trắng toát, ngoài cửa có tấm biển màu đỏ, chữ vàng ghi “Phòng khám bệnh Thiên Đình”. Thì ra ông đang đi khám bệnh. Bước vào ông thấy căn phòng cũng một màu trắng lóa, rộng thênh thang, giữa phòng kê một chiếc bàn, một chiếc giường đơn hình giống chiếc quan tài. Chỉ có một ông già mặc bộ đồ  tựa cụ đồ nho ngày xưa. “Chẳng lẽ ông ta là lang băm?” Ông thầm nghĩ và bước đến gần ông già. Trên bàn có tấm biển tên với 4 chữ Hải Thượng Lãn Ông. “Lão này làm ở viện nào mà mình nghe tên quen quen” - Ông Tớ đăm chiêu lục tìm trong trí nhớ nhưng không nghĩ ra.
      - Nhà ngươi bệnh gì mà tới đây? - Lãn Ông hỏi.
     Nghe giọng bề trên, ông Tớ tức lộn ruột nhưng vì mình cần khám sức khỏe nên kìm giọng:
      - Ta làm gì có bệnh. Ta chỉ đến kiểm tra toàn diện sức khỏe!
      Cầm cuốn sổ y bạ do ông Tớ đưa, Lãn Ông hỏi lại:
      - Vương Đầy Tớ, nghề nghiệp: phục vụ Nhân Dân. Đó đúng là tên tuổi, nghề nghiệp của ngươi ư?
      - Nhiều người chỉ nhìn đã biết ta là ai, lạ là tại sao ông chưa biết ta. - Ông Tớ.
      Nhìn ông Tớ từ đầu đến chân, Lãn Ông lắc đầu:
      - Ngươi to béo đẫy đà, mặt đỏ phừng phừng như quan phụ mẫu. Đầy tớ mà như ngươi thì chắc dân tình nơi trần thế đời sống khá giả lắm rồi. Âu cũng là chuyện mừng. - Lãn Ông nói như tự nhủ với mình. - Nào, nằm lên giường kia để ta kiểm tra tim phổi xem sao, ta nghi ngươi có bệnh cao huyết áp đó.
      Ông Tớ vừa ngả xuống chiếc giường phủ ga trắng vừa cự nự:
      - Ta thì làm gì có bệnh. Thuộc cấp lúc nào cũng phê bình ta là ham làm việc, không biết giữ gìn sức khỏe - cái tài sản quý giá của nhân dân. Nhưng ta biết mình khỏe lắm. Mấy năm nữa đến tuổi hưu ta còn định đề nghị trên cho kéo dài thêm để phục vụ nhân dân được nhiều hơn.
      Vừa đặt ống nghe vào ngực ông Tớ, Lãn Ông như chạm vào luồng điện, rụt phắt tay lại, hoảng hốt:
      - Trời, ngực ngươi sao mà lạnh như băng vậy? Ta cảm thấy đúng là chạm vào cục nước đá! - Nói rồi Lãn Ông đưa chiếc nhiệt kế vào ngực ông Tớ, lập tức nhiệt kế tụt ngay về 0 độ. - Bệnh nặng rồi, ta phải nội soi xem tâm can ngươi ra sao. - Nge ngóng, xem xét mấy phút, Lãn Ông lẩm bẩm:
       - Nhẫn tâm! Thật là nhẫn tâm!
      - Sao vậy, tim ta có nhẫn vàng à? - Ông Tớ.
      Lãn Ông lắc đầu:
      - Không phải nhẫn vàng mà là nhẫn tâm. Những việc như thế mà ngươi cũng làm. Thế ra nơi ngươi cai quản vẫn có những xã nghèo thế ư? Dân không đủ gạo ăn trong ngày giáp hạt…
      - Ừ thì đây đó vẫn còn những thôn bản dân chưa đủ ăn, năm nào cũng phải cứu đói. Nhưng… dân mình cũng lười lắm, chẳng chịu làm, cứ trông chờ cứu trợ - ông Tớ chống chế.
      - Dân nghèo đói như thế mà danh mục phí, thuế, quỹ... các ngươi thu của dân dài như tờ sớ Nam Tào. Một xã nghèo mà có tới mấy trăm người hưởng lương đầy tớ. Tệ quá! Giáo viên mầm non mà ngươi chỉ trả 500 ngàn đồng một tháng thì họ sống thế nào? Trong khi đó có nơi đầy tớ hưởng lương sáu, bảy chục triệu một tháng, làm ăn thua lỗ triền miên lại còn liên tục đòi tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Như thế không gọi là nhẫn tâm thì là gì? Trái tim của ngươi nguội lạnh như băng thật rồi. Để ta xem cái đầu ngươi có vấn đề gì không.
      Lãn Ông vừa đưa tay lên đầu ông Tớ và cũng như lần trước, rụt ngay lại:
     - Trời! Đầu gì mà nóng như cục than thế này? Ta phải “ngoại soi” cho ngươi xem sao...
       - Các ông thầy thuốc nhìn đâu cũng bệnh, vẽ chuyện. - Ông Tớ lẩm bẩm.
      Vừa soi chiếc kính trông như kính lúp, Lãn Ông vừa tiếp tục lắc đầu:
      - Bạo liệt, ác quá! Việc như thế mà các ngươi cũng đang tâm làm. Ta nhìn đâu trong não ngươi cũng thấy cưỡng chế với thu hồi. Đất đai của dân, muốn thu hồi để giao cho doanh nghiệp kinh doanh thì phải thỏa thuận, thuyết phục và bảo đảm lợi ích chính đáng cho họ chứ? Các ngươi cứ coi dân như thể kẻ địch vậy. Quân hùng, tướng mạnh, súng ống, dùi cui là những thứ các ngươi thích dùng hay sao? Cái đó hãy để khi có giặc ngoại xâm hãy đưa ra. Hỏng! Đầu nóng thế này thì bệnh nặng quá rồi!
      - Ta nói lại, ta không có bệnh - ông Tớ vẫn đanh giọng khẳng định.
      - Ngươi cứ dấu bệnh thế này có ngày hối chẳng kịp đâu. Là người đầy tớ như ngươi lẽ ra phải có trái tim nóng đầy nhiệt huyết và cái đầu lạnh của bản lĩnh, trí tuệ. Vậy mà ngươi thì hoàn toàn ngược lại. Hỏng nặng lắm rồi - vừa nói, Lãn Ông vừa ghi tờ đơn thuốc vẻn vẹn 3 chữ T.P.B đưa cho ông Tớ và dặn - ngươi phải thực hiện điều trị đúng đơn thuốc này may ra bệnh mới có cơ thuyên giảm.
      Nhìn tờ giấy chỉ có chữ viết tắt, chẳng rõ thuốc gì, ông Tớ bực mình đậm mạnh tay xuống bàn như thói quen trước cấp dưới:
      - Khỉ gió! Đơn với từ gì chỉ có mấy chữ vớ vẩn thế này, ngươi định trêu chọc ta à? - Cái đập tay mạnh làm ông Tớ đau điếng và tỉnh giấc...
      Mở mắt ra ông thấy tay mình đang bóp chặt một tờ giấy. Thì ra đó là bản TỰ KIỂM ĐIỂM CÁ NHÂN chuẩn bị cho đợt sinh hoạt mà ông mới ghi được mấy dòng họ tên.
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Từ điển tra nhanh


 Lang băm

Lang: Xuất thân hành nghề lang thang, không có bằng cấp (lao động tự do, đến Việt Nam tự xưng là bác sỹ); khi cần sẵn sàng trở thành lang sói (gây chết người vẫn điềm nhiên, thậm chí sẵn sàng phi tang xác nạn nhân).
Băm: Băm bổ, cẩu thả trong bắt mạch kê đơn, phán bệnh tùy hứng, mọi chứng đều trở thành nan y, mọi khi đều phải “chữa gấp”; đơn thuốc mù mờ luôn được băm với giá cao ngất (băm chém như chợ trời).
Tìm kiếm lang băm ở đâu: Phòng khám Trung Quốc tại Việt Nam.
Ai hay tìm đến lang băm Trung Quốc: Những người thừa tiền, thiếu khôn, cả tin quảng cáo.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Chuyện vui:


Đời con khát gió

      Lão Vũ được Thiên Đình giao cho độc quyền bán gió cho thế gian hít thở. Đây quả là một trách nhiệm lớn lao và vinh quang vì đã mang lại hơi thở cho cuộc sống trần gian. Ban đầu lão đã thể hiện trách nhiệm tuyệt vời và uy tín từ đó cũng lên như diều gặp gió! Tuy nhiên, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, được Thiên Đình cho quyền tự hạch toán một phần trong ngành nghề kinh doanh để cải thiện đời sống gia đình, lão Vũ bắt đầu nhiễm những thói hư tật xấu của dân chợ búa trần gian. Xuân thu nhị kỳ, mỗi năm mấy lần lão dâng sớ lên Thiên Đình xin tăng giá gió. Lúc thì do giá nước của lão Thiên Lôi tăng (hơi nước góp tạo gió), lúc thì do tỷ giá giữa tiền thiên phủ và đồng nội tệ tăng, chênh lệch quá lớn, rồi do tỷ lệ thất thoát gió, lạm phát nên làm ăn thua lỗ vv và vv…
      Phần vì tin tưởng vào quần thần, phần vì lý lẽ lão Vũ đưa ra đều có sức thuyết phục nên hầu như lần nào xin tăng giá, Thiên Đình cũng chấp thuận.
      Rồi hôm nọ, một ngày sau tăng giá gió, có chú bé 4 tuổi đến mua gió phàn nàn với lão Vũ:
      - Lần này ông tăng giá gió là lý do gì thế, cháu thấy gần đây giá cả thứ gì cũng giảm, kinh tế đình đốn, chỉ có giá gió là luôn tăng, không bao giờ giảm. Ông cứ làm thế này, thế gian còn ai thở được nữa?
      Lão Vũ tỏ vẻ điềm tĩnh, ôn tồn giải thích:
      - Cháu còn nhỏ, nhiều chuyện cháu sao biết được. Lần này ta tăng giá gió là để bù lỗ kinh doanh nhiều năm qua. Cháu biết không, ta đang lỗ nhiều lắm, phải nín thở bớt để giúp ta với chứ?
      Cháu bé không chịu:
      - Ông kinh doanh lỗ từ khi cháu chưa sinh ra, nay sao lại bắt cháu “gánh” lỗ được, chỉ những ai đã mua gió trước đó muốn hỗ trợ ông và họ đồng ý mới được chứ?
      Lão Vũ:
      - Cháu trả tiền gió tăng giá là trả thay bố mẹ cháu đó mà. Người ta từng nói “đời cha hít nhiều, đời con khát gió” là gì!
Đinh Hoàng

Tiếp tục chuyện vui Bắt Cò:


Bấm cò

      Tình cờ đứng gần nghe được câu chuyện của hai lão Nghêu và Sò về bắt Cò, Tễu tức lắm bèn bước tới xen ngang, giọng có vẻ khiêu khích:
      - Thôi đi, hai ông đừng diễn trò, chính các ông là người nhà của Cò chứ ai! Chẳng qua các ông muốn nuôi Cò mà thôi. Tôi thấy nhiều nơi người ta “bấm cò”, Cò chết có sống được đâu?
      Giật mình nhìn ra hai ông Nghêu, Sò thấy lão Tễu vừa nói vừa mặt đỏ tía tai. Nghêu căn vặn:
      - Ông này tự dưng vu oan giá họa cho người là sao. Căn cứ vào đâu mà ông nói vậy? ai đã “bấm cò” hạ được Cò?
      - Ông thử ra ga Hà Nội mua vé xem, trước khi vào quầy vé, ông phải “bấm cò” lấy số thứ tự rồi ngồi chờ đến lượt, khi nhân viên bán vé gọi đúng số thì vào mua vé. Hay đến trụ sở Ngân hàng Quân đội trên phố Liễu Giai, bệnh viện quân đội 354 trên phố Đốc Ngữ… và nhiều nơi khác nữa, họ đều tổ chức “bấm cò” (ấn vào một nút bấm, máy nhả ra số) lấy số thứ tự phục vụ. Nơi nào mà Cò sinh sôi, hoành hành thì phải xem lại chính đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đó, bởi họ được Cò nuôi dưỡng và họ cần nuôi dưỡng Cò!
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Chuyện vui


 Bắt cò
      Nghêu bảo Sò:
      - Này, ông có thích xơi thịt cò không, mai cùng tôi đi Hà Nội bắt về làm bữa xáo măng nhắm rượu!
      Sò:
      - Ông cứ đùa, bây giờ cò tự nhiên ở các làng quê còn vắng bóng nữa là Hà Nội. Có chăng phải lên tận trại cò Ba Vì mới có, nhưng đây đã được coi là vườn quốc gia rồi, ai cho săn bắn?
      Nghêu:
      - Cần chi lên xứ đó, hiện nay “cò” xuất hiện khắp nơi ngay trung tâm Hà Nội với nhiều loài khác nhau đang làm các cơ quan chức năng đau đầu không sao dẹp nổi, nhất là “cò bệnh viện”, “cò vé”, “có thủ tục hành chính”…
      Sò:
      - À, loài “cò” này thì tôi xin khuyên ông chở có đụng vào, nó “mổ” cho hỏng mắt ra đấy. Cả hệ thống công quyền còn chưa dẹp được nữa là ông!
Đinh Hoàng