Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Khủng hoảng Đồng - Chí

          Như các buổi sáng, hai ông cán bộ hưu của làng Lãnh duy trì đi bộ rèn luyện sức khỏe vừa bàn luận về thế sự. Hôm nay ông Dân nói với ông Cực một điều trăn trở đã lâu:
          - Ông đã nhận ra những méo mó của nền kinh tế tác động dữ dội như thế nào đến mối quan hệ xã hội chưa? Tôi thấy nó mang đến nhiều chuyện buồn lắm, nhất là chuyện Đồng - Chí!
          - Tôi thấy xưa nay đồng chí vẫn tốt chứ sao?
           - Liệu có còn tốt chăng. Tôi hỏi chuyện này nhé, ông thấy trưởng thôn Văn Hiệp có giàu không?
         - Tất nhiên, hiện nay trong làng Lãnh mình ông ấy vào hàng nhất nhì rồi. Nhưng thời nay lãnh đạo phải thế chứ, nghèo thì làm gương cho ai được!
         - Đúng là ông ấy đang “làm gương” và tạo điều kiện cho con cái họ hàng làm giàu: Lão Tăng bán thịt lợn, (quầy thịt duy nhất trong làng) là cháu họ; con gái trưởng thôn thì đảm nhiệm chân kế toán; lão Vơ địa chính là em họ; lão Khoán quản lý chợ là em trai… và còn mấy người nữa. Ông có thấy những “chân” này đều kiếm tiền khá không?
         - Ừ thì, những người đó họ có năng lực, trình độ, cũng nên để họ phát huy chứ?
         - Lại nói về trình độ năng lực, ông có thấy cháu Mẫn con ông Cần tốt nghiệp Học viện Tài chính loại giỏi đang phải ở nhà phụ giúp bố làm ruộng chứ, nó có làm được chân kế toán thôn không?
         - Ừ, trình độ như nó cũng không nhiều. Nhưng nghe đâu muốn xin được việc làm trong ngân hàng hay cơ quan nhà nước cũng phải có chừng 300 triệu, mà nhà ông Cần kiếm đâu ra số tiền đó…
         - Ông có thừa nhận trong chi bộ hưu ta, ông Kiết là gia đình nghèo khó nhất không?
         - Ừ, nhưng do hoàn cảnh vợ ốm yếu, bệnh tật, đứa con út lại bị di chứng chất độc da cam nên dù rất chịu khó lao động, tằn tiện song nhà ông ấy vẫn không thể vươn lên được. Tội nhất là thằng Minh, đứa con đầu của ông ấy vừa rồi thi đỗ đại học mà không thể nhập học vì thiếu tiền.
          - Những chuyện trên đã cho tôi rút ra một điều: Nhiều người có Chí nhưng lại ít Đồng, ý tôi muốn nói là đồng tiền ấy; còn một số người quá nhiều Đồng nhưng chí hướng, lý tưởng lại đang lung lay. Như trưởng thôn Văn Hiệp chẳng hạn. Tôi biết ông ấy rất thỏa mãn với cương vị hiện tại, chẳng còn chí khí phấn đấu gì nữa, nói lý tưởng lại càng xa vời, viển vông! Tóm lại, người thừa Đồng thì đang hết Chí, người thừa Chí thì đang thiếu Đồng. Đúng là Đồng - Chí đang rơi vào khủng hoảng mất rồi.
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét