Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Nghĩ về vai trò của Đảng

     Cuộc sinh hoạt chính trị lớn của toàn dân tộc đã trải qua hơn 3 tháng với những kết quả đáng phấn khởi, thể hiện trách nhiệm của đông đảo người dân yêu nước. Điều này đã nói lên tính đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi quyết định sửa đổi Hiến pháp 1992.
     Cũng từ cuộc sinh hoạt lớn này trong những ngày qua cho ta những băn khoăn, suy nghĩ và lo lắng. Việc đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp 1992 dù chỉ là của rất ít người (cũng là quyết tâm của các thế lực thù địch, chống đối bên ngoài) đã thổi lên những tranh luận gay gắt, làm không ít người băn khoăn, dao động.
     Không cần sự lãnh đạo của Đảng; Đảng không thể đứng trước Tổ quốc, nhân dân (trong một cụm từ); Quân đội phải trung với nước, hiếu với dân chứ không thể chỉ trung với Đảng vv và vv…
     Chúng ta thử đặt lại câu hỏi này: tại sao không cần sự lãnh đạo của Đảng? Tổ quốc là Tổ quốc như thế nào? Ai sẽ bảo vệ Nhân dân nếu không có Đảng?
     Ngược dòng lịch sử từ những tháng năm chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có thể nói đã có mà cũng như chưa có. Từ khi quân đội thực dân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, Tổ quốc có thể coi đã mất. Chính quyền bù nhìn đã được điều khiển bằng nước mẹ Cộng hòa Pháp. Từ đó cho đến năm 1954, khi Toàn quyền Đông Dương đóng cửa, dân tộc ta coi như chưa có Tổ quốc đúng nghĩa. Nhân dân sống lầm than dưới ách đô hộ bạo tàn của Thực dân, Phong kiến. Cũng từ năm 1930, khi Đảng CSVN ra đời, các phong trào cách mạng tự phát bao năm không mang lại kết quả nay đã có ngọn hải đăng dẫn lối, đưa đường. Thấy được tương lai tươi sáng từ chính cương của Đảng, thấy được niềm tin từ những đảng viên kiên trung, bất khuất không quản ngại dấn thân chốn lao khổ tù đày, mọi tầng lớp người dân yêu nước Việt đã ra sức chở che và đi theo Đảng. Để mục tiêu cách mạng (một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân) đi đến đích cuối cùng, Đảng cần phải xây dựng lên một lực lượng vũ trang cách mạng để chống lại sự đàn áp phản cách mạng. Quân đội nhân dân chính là công cụ được xây dựng lên từ yêu cầu của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
    Tổ quốc chúng ta có được hôm nay là thành quả sự lãnh đạo của Đảng, sao ta lại băn khoăn do dự nâng lên, đặt xuống, tính suy nặng nhẹ giữa Đảng với Tổ quốc? Mục tiêu lý tưởng của Đảng chính là nguyện ước của toàn dân tộc – xây dựng một chế độ xã hội ngày một tươi đẹp hơn, vậy tại sao lại chia rẽ Đảng – Tổ quốc, Nhân dân – Đảng? Tại sao lại cố đồng nhất một số khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong quá trình hoạt động lãnh đạo đất nước với bản chất của Đảng? Không thể phủ nhận trong 83 năm tồn tại, Đảng đã mắc không ít khuyết điểm, sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng như trong cải cách ruộng đất những năm 1950. Cũng do sai lầm này, Hồ Chí Minh đã từ chức Chủ tịch Đảng, Trường Chinh đã từ chức Tổng bí thư cùng nhiều cán bộ cao cấp chịu kỷ luật Đảng.
     Những người muốn loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN với dân tộc VN, vậy họ muốn ai sẽ lãnh đạo? ai sẽ cai quản đất nước này? Phải chăng đó là những gương mặt thất bại bỏ chạy ra nước ngoài ôm mối hận muốn trở về rửa hận? Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ 20, dù đã được người Mỹ nuôi nấng, trang bị đến tận răng nhưng nội bộ chế độ VN Cộng hòa vẫn chẳng chú tâm vào chống Cộng, triền miên đấu đá, tranh giành quyền lợi, địa vị. Chỉ mấy năm trời đầu thập niên 60 đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chính lật đổ lẫn nhau. Liệu có ai hy vọng vào những gương mặt của chế độ đang nằm trong sọt rác lịch sử ấy trở về lãnh đạo đất nước?
     Bảo vệ Tổ quốc quan trọng hơn bảo vệ Đảng? Một số người đã có suy nghĩ sai lầm coi bảo vệ Đảng như là bảo vệ quyền, lợi ích của một ai đó chức quyền. Tại sao một số người cố tình không hiểu bảo vệ Đảng ở đây chính là bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Bởi chỉ có một Đảng trong sạch, vững mạnh mới đưa dân tộc đến đích cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của toàn dân. Vai trò bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân đã được Đảng ta thực hiện suốt 83 năm qua. Loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, ai sẽ là người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân?
     Luận điểm của những người muốn loại bổ Điều 4 Hiến pháp là quá rõ.
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét