Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Chuyện vui

Nô lệ
     
      Mải việc Thiên đình, hôm nay Ngọc Hoàng mới có chút thời gian rảnh rỗi soi kính Viễn Thiên xuống một góc hạ giới xem dân tình ra sao.
      Chợt thấy một cảnh chướng tai gai mắt làm Ngọc Hoàng nóng bừng mặt, truyền lệnh gọi ngay Bắc Đẩu đến để truy vấn cho ngọn ngành. Bắc Đẩu được gọi bất ngờ biết có chuyện chẳng lành, khép nép, rón rén bước vào. Ngọc Hoàng hỏi ngay:
      - Dưới hạ giới nay có còn chế độ nô lệ không?
      Bắc Đẩu thở phào như trút được gánh nặng:
      - Dạ bẩm, chắc Ngọc Hoàng cứ đùa thần! Chế độ chiếm hữu nô lệ thần đã chỉ đạo hạ giới thanh toán xong cách đây mấy trăm năm rồi, nay làm gì có chuyện ô uế ấy ạ?
      - Ngươi lại đây xem nó là cái gì? - Ngọc Hoàng chỉ Bắc Đẩu đến bên kính Viễn Thiên - Ngươi có thấy một người gầy yếu kia đang khiêng trên vai hai gã béo tốt không?
      - À… dạ bẩm, đấy là ông nông dân đó mà Ngọc Hoàng. Mấy năm nay kinh tế khó khăn nên sức vóc họ có giảm sút đôi chút, nhưng họ vẫn sống được ạ - Bắc Đẩu giải thích.
      - Thế còn hai cái gã bất lương to béo như con lợn kia, chúng là ai mà đè đầu cưỡi cổ người ta như vậy?
      - Xin bệ hạ đừng miệt thị họ quá thế, họ là Thương gia và Nhà sản xuất cả đấy, thiếu họ, nông dân cũng chẳng sống được ạ.
      - Ngươi nó rõ hơn xem nào?
      - Ngài Thương gia kia là nhà xuất khẩu gạo đấy ạ. Nhiều năm qua nông dân mình sản xuất được mùa liên miên, gạo xuất khẩu tăng liên tục nên đã vươn lên hàng nhất nhì hạ giới. Chỉ tiếc là giá gạo hạ quá, nông dân làm chỉ đủ hòa vốn thôi ạ. Không có Thương gia, nông dân cầm chắc lỗ vốn! Còn Ngài sản xuất kia là nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn gia súc. Nông dân mình phải dựa vào mấy cái hàng dịch vụ này chứ không thể làm tròn hết các khâu được đâu ạ. Dưới hạ giới bây giờ phân công lao động, sản xuất theo chuỗi nên năng suất mới cao được. Tuy nhiên, do giá đầu vào cao nên các ngài Thương gia cũng không thể bán lỗ cho nông dân được, họ kinh doanh cũng cần có lãi ạ. Cũng vì những lý do trên, vụ này nông dân đành chấp nhận lỗ một ít ạ. Chắc tình hình năm sau sẽ khá hơn.
      - Không được! Ta thấy người nông dân đổ mồ hôi như tắm thế kia mà chẳng có hiệu quả gì, vậy họ sống được sao? Ta không thể chấp nhận! Đúng là cảnh nô lệ! Ngươi cần có ngay giải pháp chấm dứt cảnh này.
       Bắc Đẩu xun xoe vừa đi lùi ra nhanh chóng cáo lui:
      - Dạ, thần sẽ chỉ đạo quyết liệt ạ.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Chuyện vui

 Quyết liệt chỉ đạo

     Quan chức cao hàng đầu địa phương (xin gọi tắt là Q1) nghe báo cáo tình hình chăn nuôi của dân khốn đốn vì giá bán gia súc, gia cầm, thủy sản bán dưới giá thành chục hàng ngàn đồng mỗi cân. Tình hình trồng trọt cũng bi đát không kém, lúa tuy được mùa nhưng dưới giá thành sản xuất gần 1 ngàn đồng/cân. Trong cuộc họp, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q2):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này!
      Tại cuộc họp do Q2 chủ trì tại địa phương mình, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q3):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này.
       Tại cuộc họp do Q3 chủ trì tại địa phương mình, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q4, thực ra là các Trưởng thôn):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này.
       Q4 (các trưởng thôn) tức tốc tổ chức họp thôn, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, Trưởng thôn trì chiết:
      - Các ông, các bà phải đổi mới cách nghĩ cách làm đi chứ, không thì tôi tin rằng sang năm lại tái diễn tình hình này thôi, lại được mùa, mất giá, nghèo lại hoàn nghèo.
      Một lão nông giơ tay xin phát biểu, Trưởng thôn nhanh nhẩu nói:
      - Được, xin mời cụ có sáng kiến gì góp ý cho?
      - Tôi chẳng có sáng hay tối kiến gì đâu, tôi chỉ xin nhắc là câu đánh giá này của Trưởng thôn tôi đã được nghe trong nhiều cuộc họp từ mấy năm qua rồi. Chắc sang năm cũng thế thôi!
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

 Những ai dùng bằng giả?

Trên thị trường “đen” hiện nay không khó để tìm mua một tấm bằng giả. Câu chuyện làm bằng giả đã phát hiện, triệt tiêu nhiều đường dây sản xuất nhưng có vẻ vẫn chưa đến hồi kết. Có nghĩa “thị trường” tiêu thụ vẫn đang có nhu cầu. Vậy ai là những người sử dụng thứ “hàng giả” này. Xin làm một kiểm nghiệm theo phương pháp loại trừ xem ai đang sử dụng bằng giả:
- Nông dân? Chắc chắn không phải. Nền nông nghiệp nước ta nhà nông vẫn chân lấm, tay bùn, thoát cảnh con trâu đi trước…, tuy có cái công nông kéo cày nhưng cũng chẳng cần bằng cấp vì có ai kiểm tra xem họ có bằng lái máy cày đâu? Tiền đâu đến nỗi thừa để nông dân mua bằng giả!
   - Công nhân? Cũng không! Với trình độ thợ, khi đã được đào tạo nghề thì chẳng mấy ai trượt. Tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp chỉ cần học sinh đã qua PTTH hoặc THCS, họ tự đào tạo nghề rồi cho vào dây chuyền sản xuất luôn. Do vậy họ chẳng mấy quan tâm bằng cấp của công nhân và công nhân cũng chẳng dư tiền để mua bằng giả làm gì.
   - Sinh viên? Rất hiếm. Trong cơ chế thị trường hiện nay, dù học có đuối đôi chút thì sinh viên vẫn biết cách quan tâm, “chăm sóc” thầy để có được những điểm số cần thiết cho tấm bằng tốt nghiệp. Hiện có hàng ngàn sinh viên ra trường cũng chẳng kiếm được việc làm dù là bằng khá. Với tấm bằng giả liệu có lọt qua các kỳ phỏng vấn xin việc? Nhiều người đã phải cất tấm bằng vào tủ làm lưu niệm rồi vào làm công nhân trong các khu công nghiệp. Đã không có việc làm, họ cũng chẳng cần mua bằng giả làm chi.
   - Trí thức, các nhà khoa học? Không thể. Với đặc thù lao động trí óc, sản phẩm là kết tinh trí tuệ, bằng giả không thể có đất tồn tại vì nó sẽ lộ ngay.
   - Tiểu thương, thương gia? Cũng không thể vì với tấm bằng giả, nó chẳng giúp gì họ trong cuộc mưu sinh và cạnh tranh khốc liệt của thương trường!
   Như vậy chỉ còn một đối tượng, cũng là lực lượng hùng hậu nhất mà nếu không có bằng cấp khó mà “lọt” vào được, đó là Công chức! Muốn được xếp lương cao, nâng lương: bằng cấp; muốn được thăng chức, cấp, bổ nhiệm…: bằng cấp. Chức vụ càng cao thì càng cần bằng cấp thứ hạng cao. Chính vì vậy sẽ không thể dẹp nạn bằng giả chừng nào còn các quan chức ít học lại muốn leo cao.
Đinh Hoàng