Sinh ra con… nợ
Tại một xã thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa tất cả chị em có chửa đẻ
là sinh ra con… nợ!
Đó là chuyện có thật chứ chẳng phải tiếu lâm. Những con nợ “non”
này vừa nhìn thấy mặt trời là phải nợ bố mẹ chúng 50.000 đồng một năm và kéo dài đến khi chúng lớn lên
có thể kiếm tiền để trả nợ! Nguyên do xuất phát quy định của chính quyền xã
là tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền
phí “xây dựng trường”. Tất nhiên các em chưa đi học nhưng sau này chắc cũng
phải đi học nên phải đóng là đúng rồi. Trẻ thơ phải đóng phí khi mà chúng chưa kiếm được
tiền thì nghiễm nhiên chúng phải vay bố mẹ, người thân đóng giùm và trở thành
con nợ bất đắc dĩ.
Cùng với khoản “phí xây dựng trường”, địa phương này còn thu hàng
chục loại phí khác khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao.
Những người chậm, nợ tiền phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lý
lịch... sẽ được “quan” xã xác nhận một câu xanh rờn “Bản khai lí lịch của anh,
chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm chính sách, quy định của địa phương”!
Và hệ quả tất yếu xảy ra: Chẳng có cơ quan, doanh nghiệp nào dám nhận những
người có bản lý lịch với xác nhận như thế. Vậy là cái vòng luẩn quẩn tiếp
diễn – không nghề nghiệp, công ăn việc làm (trừ ở tại quê làm nông nghiệp) –
thêm đói kém – không thể có tiền đóng phí cho xã.
Thanh Hóa là quê hương của cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của
câu chuyện “Cái đêm hôm đó, đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước một
thời. Đó là câu chuyện người dân tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân chịu cảnh
sống như những năm 30 của thế kỷ trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân
đi thu phí, thuế làm náo động làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng
chục loại phí làm cuộc sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng từ bài học Thọ Xuân,
Thanh Hóa đã có những bài học quý giá để không lặp lại, nhưng xem ra chuyện
cũ đang tái diễn ở cấp độ còn thâm thúy và cay đắng hơn!
Được biết ngôi trường mà xã trên xây từ tiền đóng góp của dân là hơn 1 tỷ đồng. Đến nay xã đã thu dân được hơn 2 tỷ đồng nhưng chưa có dấu hiệu ngừng thu. Chắc địa phương vẫn cần ngân sách để sau này ngôi trường đó xuống cấp sẽ có tiền sửa chữa!
Mong những gia đình kinh tế khó khăn tại địa phương trên đừng dại
mà đẻ ra những con nợ!
Đinh Hoàng
|
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014
Luận bàn:
Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014
Luận bàn:
Hát già, thầy trẻ
Châm ngôn xưa của các cụ ta có câu “Thầy
già, con hát trẻ” ngụ ý những người làm thầy thì càng lâu năm kinh nghiệm
càng tài năng và đức độ là vốn quý của xã hội, được trọng vọng.
Tuy nhiên, nay ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh các công bộc ở đây đã
có tư duy mới, trái ngược với các
cụ xưa kia. Họ đang thẳng tay loại đi hàng trăm giáo viên đã gắn bó với giảng
đường và học trò, người ít thì năm, sáu năm, người nhiều đã làm thầy 13 năm
trời, trong đó có nhiều giáo viên giỏi. Thay vào những người thầy đã tâm
huyết bao năm cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà là những tân sinh viên, nói
cách khác là những Thầy Trẻ. Cuộc “tỷ thí” thi công chức để thay máu cho
ngành giáo dục huyện nhà đưa đến kết cục đáng buồn: các Thầy Già đã thua các
Thầy Trẻ! Lý do là đề thi đã được kết cấu trọng tâm vào các luật lệ, quy định
chứ không phải những kinh nghiệm và kỹ năng cốt yếu của người thầy. Có lẽ các
Công Bộc huyện nhà cũng đoán trước được kết quả này.
Vì sao lại có cơ sự này cho
những người thầy? Trước hết xin khảng định đó hoàn toàn không phải lỗi của
các giáo viên. Cũng giống nhiều chuyện khác, lỗi là do các Công Bộc. Đã có
quy định từ lâu chuyện thi công chức nhưng có lẽ các công bộc huyện nhà vì bận quá
nhiều việc nên chưa làm được? hay do lãng quên nay sực nhớ ra? hay còn những lý
do tế nhị khác!? Ròng rã 6 – 7 năm
qua ngành giáo dục ở đây không cần thi công chức, thoải mái xét tuyển và ký
hợp đồng lao động với giáo viên. Ai cũng biết thi tuyển dù sao cũng minh bạch
và công bằng hơn (tất nhiên đối tượng dự thi cũng phải xuất phát giống nhau
chứ không thể như nói ở trên). Còn việc xét tuyển có ai bảo đảm rằng không có
tiêu cực hoặc theo ý chí chủ quan của người tuyển dụng?
Đáng buồn hơn là trong những năm gần đây việc thi công chức đã dần mất
đi sự công tâm, minh bạch, xuất hiện việc chạy chọt, mua bán với những cái “giá
ghế” không rẻ. Vậy nên việc huyện nhà sốt sắng thi công chức một cách “tổng
động viên” như vừa qua cũng không tránh khỏi nghi ngại của dư luận rằng có
người trục lợi trong chuyện bán “ghế”.
Yên Phong là một huyện có rất nhiều làng quan họ cổ với nhiều nghệ
nhân dân gian quan họ cao tuổi, họ là những hạt ngọc quý giá của quê nhà, dù
họ đã là những “… hát già” (xin lỗi không thể nói các cụ là “con hát”). Việc
trọng dụng “hát già” là việc cần làm và những năm qua địa phương đã thực hiện tích cực, nó khác hẳn với việc ồ ạt tuyển các
Thầy Trẻ như hiện nay!
Đinh Hoàng
(Vừa qua tại huyện Yên Phong có 300
giáo viên thâm niên từ 5-13 năm đang đứng lớp bị cho thôi việc sau vụ thi
công chức của huyện- theo VTV1.)
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)