Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Chuyện vui:

Bất cập

Buổi chầu cuối năm nay Bắc Đẩu được Ngọc Hoàng yêu cầu giải trình nhiều vấn đề bất cập vẫn chưa được giải quyết hiệu quả, gây bức xúc dư luận thần dân nơi hạ giới. Xin trích một vài nội dung biên bản làm việc phiên chầu:
Vấn đề thứ nhất, về giá  cước vận tải và tiêu thụ nông sản
- Sao giá xăng đã giảm đến ngót 40% mà cước tắc xi, vận tải cứ đủng mãi không giảm?
- Bẩm, giá xăng giảm nhanh và nhiều lần quá làm cho bên doanh nghiệp lúng túng, bối rối chưa biết xử lý ra sao. Sau mấy tháng trấn tĩnh, các doanh nghiệp vận tải và tắc xi đã có kế hoạch giảm giá trong thời gian tới rồi ạ. Ngọc Hoàng thông cảm vì sau khi có kế hoạch, họ phải đi thu hồi vé cũ, khắc con dấu và đặt in vé mới, nhiều công đoạn lắm. Tắc xi thì phải đi kiểm định công tơ mét tính tiền, cũng cần in hóa đơn và nhiều thứ khác…
- Sao khi trước kia xăng vừa tăng giá hôm nay, có doanh nghiệp đã tăng giá ngay hôm sau là thế nào?
- Dạ bẩm, đó là họ đã có kế hoạch tăng giá trước mấy tháng rồi đấy ạ. Họ kìm lại mãi vì chưa chọn được thời điểm thíc hợp nên khi xăng tăng giá là họ chớp ngay, cũng hợp lý thôi ạ.
- Giá sữa ở dưới đó đắt nhất hành tinh mà mấy hôm rồi ta thấy nông dân mang sữa bò đi đổ trắng cả ngoài đường là thế nào?
- Bẩm, một phần cũng tại nông dân thôi ạ. Họ nuôi nhiều bò quá, nhà máy chế biết không tiêu thụ hết nên đã ấn định mỗi con bò chỉ được bán 16 lít sữa, dù có vắt được 25 lít. Số sữa dư thừa bà con đem bán ra ngoài nhưng chết nỗi giá cũng rẻ mạt chẳng kém bán cho nhà máy nên họ đổ đi ạ.
- Ngươi nói sao, sữa có giá rẻ mạt ư? Ngươi có biết phu nhân ta vừa phải mua hộp sữa trẻ em có 9 lạng mà mất gần triệu bạc không? Đúng la họ không tăng giá nhưng lại giảm trọng lượng hộp sữa, vậy là sao?
- Dạ bẩm, chắc là hộp sữa phu nhân Ngọc Hoàng mua là loại mới, có bổ sung vi chất quý hiếm đấy ạ.
Vấn đề biên chế công bộc
- Chuyện giảm biên chế công bộc năm nào ta cũng phải nhắc. Ngươi hứa từ cách đây mấy năm rằng sẽ giảm 15%, sao cứ mỗi năm không giảm mà lại tăng tới 25% là sao? Mấy triệu công bộc ăn lương dân nuôi thế thì chết dân à?
- Bẩm, chuyện này thần quả là gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chuyện tế nhị lắm. Thần đã mạnh tay đuổi bớt, kể cả một số có năng lực, phẩm chất tốt nhưng cũng đành phải làm bởi vì chưa thoát được cái cơ chế 4C ạ.
- 4C là cái cơ chế gì vậy?
- Bẩm, đó là viết tắt chữ “con cháu các cụ” ạ. Đại loại là mỗi công bộc có chức tước đều gửi gắm dăm bảy đến vài chục con em vào biên chế. Số này là “phần cứng”, giảm ai thì giảm chứ với họ thì không thể ạ.
- Thảo nào, mỗi khi thanh minh cho việc gì làm chưa tốt bao giờ ta cũng nghe công bộc mấy câu: lực lượng còn mỏng, năng lực yếu… Yếu, mỏng nhưng sao bộ máy công bộc lại cồng kềnh như vậy?
Vấn đề chống tham nhũng:
- Tham nhũng ngày càng lan rộng, mức độ ngày một nghiêm trọng, ta rất đau đầu vì thần dân kêu than quá nhiều. Ngươi đã làm được gì giúp ta chuyện này?
- Thần vẫn rất quyết liệt đấy ạ. Nhưng chỉ đánh được mấy con chuột tham nhũng cỡ nhỏ và cỡ vừa thôi. Bây giờ tham nhũng ranh ma, tinh vi lắm ạ. Chúng nó bao che, chống đỡ cho nhau rất kín kẽ nên rất khó tìm, tìm được cũng rất khó diệt. Mấy con chuột tham nhũng to nó còn chạy cả lên Thiên Đình ẩn nấp đấy ạ.
- Chúng nó nấp chỗ nào? Thiên Lôi đâu, lôi chúng ra đập chết hết cho ta!
Nghe lệnh, Thiên Lôi mặt hầm hầm, tay cầm búa tạ hồng hộc chạy vào. Bắc Đẩu lập bập vội can ngăn:
- Bẩm, bẩm, không đập được đâu ạ, vì nó chui hết vào chiếc bình sứ mạ vàng của Ngọc Hoàng rồi ạ!
- Hả?! Lại thế nữa cơ à…- Chợt Ngọc Hoàng đổi giọng chùng hẳn xuống- Mà này Thiên Lôi, ngươi hãy tạm lui ra. Để rồi ta tính cách. Thôi, bãi chầu !
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Những kẻ phạm tội đang vô can

Trộm chó – thực trạng nhức nhối
- Ngày 7/6/2010, bức xúc vì nhiều lần bị bắt trộm chó, người dân xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An) đã đánh chết một đối tượng trong “hiệp hội bắt chó”.  Ngay hôm sau, hàng trăm thanh niên (thuộc hiệp hội trên) đeo kính đen, bịt khẩu trang, đi xe máy “diễu hành” dọc đường để đe dọa. 
- Ngày 29/8 năm 2012 tại thôn Nhĩ Trung (xã Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) người dân phát hiện Nguyễn Xuân Triều và Nguyễn Đăng Cường (cùng ngụ Lệ Thủy, Quảng Bình) đi xe máy đeo biển số giả mang theo dụng cụ và đồ nghề trộm chó, họ hô hoán nhau rượt đuổi. Triều và Cường bị vây đánh.
Triều chết tại chỗ, còn Cường bị thương nặng và được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng đã chết ngay sau đó.
- Khoảng 22h ngày 8/4/2013, tại xã Hiệp Hòa (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), người dân phát hiện một nam thanh niên đi xe máy đang có hành vi câu trộm chó. Sau tiếng hô hoán, người dân trong xã túa ra đuổi bắt gã “cẩu tặc”. Tên trộm chó không có đường trốn thoát, bị bắt và đánh tại trận, sau đó chết trên đường đi cấp cứu.
- Vào khoảng 2h30 ngày 13/8/2014, tại thôn Lôi Khê, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương người dân phát hiện tên trộm chó đã hô hoán và đánh hội đồng. Đối tượng bị đánh chết là Nguyễn Văn Công (27 tuổi, trú tại xã Cổ Bì, Bình Giang).
- Ngày…
Một "cẩu tặc" bị bắt
 Còn rất nhiều những mẩu tin như trên đều đặn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Bao người dân bức xúc vì tài sản của mình không được bảo vệ. Bao gia đình của những “cẩu tặc” gặp họa, tan hoang. Đã không ít “cẩu tặc” và cả người dân lương thiện bỗng vào vòng lao lý vì trộm chó và đánh chết trộm chó.
Chính quyền các địa phương đã vào cuộc, tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách…
Cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý nhiều đối tượng trộm chó trong đó cả tống vào tù…
Nhưng, trộm chó vẫn tiếp tục hoành hành. Những “cẩu tặc” vẫn bị người dân tự xử bằng “luật rừng” một cách thảm thương.
Chẳng lẽ các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị bó tay?

Nguyên nhân, giải pháp nào với vấn nạn “cẩu tặc”?
Có thể coi trộm chó như một “nghề” siêu lợi nhuận. Mỗi con chó chừng 15kg, trộm được là “cẩu tặc” đã kiếm ngót triệu đồng. Ai làm gì trong một đêm ra hai, ba triệu hoặc hơn thế?
Mác từng nói đại ý khi lợi nhuận lên 300% thì có treo cổ lên, tên tư sản vẫn dám làm. Vậy thì “cẩu tặc” chẳng cần đầu tư tư bản vẫn có lợi nhuận khủng có ngán chi cái chết!
Với người dân, của đau con xót, mất của ai chẳng bực tức. Dù không tham gia đánh, biết có người đánh chết trộm chó họ cũng chẳng bao giờ tố giác. Thậm chí ở làng nọ sau vụ đập chết “cẩu tặc” cả làng cùng tự thú là đánh chết người! Chẳng lẽ bỏ tù cả làng!?
Nhưng, còn “một kẻ” mà cho tới nay chưa được nhiều người và cả cơ quan chức năng nhắc tới – đó là những gã chủ quán thịt chó, họ cũng đang hưởng một phần trong cái siêu lợi nhuận của những tên “cẩu tặc”! Họ đang phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng hầu như vẫn đang vô can! 
Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau: 
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”…
Nếu không có những kẻ “thầu chó” từ nguồn trộm cắp thì trộm chó bán cho ai? Chẳng nhẽ “cẩu tặc” chỉ mang “đồng loại” về ăn thịt?
Như vậy cái “công đoạn” tiêu thụ chó trộm, một công đoạn cốt yếu đã không được cơ quan chức năng quan tâm xử lý. Với hình phạt như trên, chỉ cần xử lý vài vụ làm điểm, chắc những gã “thầu chó” cũng sẽ run tay.
Liệu có quản được “công đoạn” tiêu thụ này? Thiết nghĩ điều này chẳng quá khó khăn. Chẳng hạn như yêu cầu các chủ quán thịt chó hoặc người buôn chó khi mua bán phải có hóa đơn hoặc biên nhận rõ ràng. Nếu là người buôn đi mua thu gom từ người dân thì lấy biên nhận của người nuôi chó (tất nhiên trong biên nhận phải đủ thông tin để xác minh khi cần như địa chỉ cư trú, họ tên, số chứng minh thư, điện thoại… của cả người mua và bán). Cơ quan quản lý thị trường, chính quyền sở tại có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra các quán kinh doanh thịt chó và những người buôn chó. Những ghi chép thu mua cùng những biên nhận sẽ là căn cứ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của những con chó được buôn bán, tiêu thụ.
***

Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?

Hầu hết giới mày râu và không ít chị em phái đẹp có chung món khoái khẩu là thịt chó. Văn hóa ẩm thực Á Đông, nhất là với Việt Nam, không thể thiếu món thịt chó.
RTC (rượu thịt chó) – một câu khẩu ngữ luôn có sức quyến rũ với những “đệ tử” Lưu Linh.
Có khi nào ngồi trong một “Chó tửu quán”, gắp miếng dồi chó thơm lựng ta đã tự hỏi: Liệu đây có phải là thịt chó của bọn “cẩu tặc”? Liệu ta có đang gián tiếp, đang vô tình đồng lõa với những tên trộm chó?
Đinh Hoàng