Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Ai thông minh hơn công chức EVN?

      Tôi cứ ngỡ bài toán xin tăng thuế xăng dầu của Petrolimex là thông minh nhất. Tuy nhiên, khi tham khảo bảng giá điện (sau khi được duyệt tăng 7,5%) mới té ngửa ra là mình đã nhầm, một cái nhầm quá lớn!
      Thì ra quản lý Nhà nước đang để một “lỗ hổng” không nhỏ cho ngành điện thao túng, đó là bậc thang giá điện.
      Giá điện lần này tăng có 7,5%, một mức khiêm tốn đến nỗi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phải thốt lên “giá mà điện tăng 9,5% thì tốt quá!!!”. Thôi, chẳng bàn luận gì về phát ngôn của ông chủ Ngân hàng vì chắc ông ta có bao giờ phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Hãy coi thử giá điện xem thế nào. Trước hết xin phô tô bảng giá điện để mọi người tham khảo:

STT
Mức sử dụng một hộ trong tháng
Mức giá từ 16-3-2015 (đ/kwh)
1
Cho 0-50kwh
50 số đầu
1.484
2
Cho kwh từ 51-100
50 số tiếp
1533
3
Cho kwh từ 101-200
100 số tiếp
1786
4
Từ 201 đến 300
100 số tiếp
2242
5
Từ 301 đến 400
2503
6
Trên 400
2587

      Họ nói tăng 7,5% thực ra đây là mức tăng khiêm tốn của 50 số điện đầu tiên. Với nhu cầu thiết bị điện phổ biến hiện nay, rất hiếm có hộ gia đình nào lại chỉ sử dụng 50 số điện (có chăng chỉ còn với hộ nghèo ở vùng núi, hải đảo). Với những số điện khi đã thuộc diện bậc thang (trên 50kw) thì đều tăng, thấp nhất là 49 đồng, khoảng tăng cao nhất giữa mức trước và sau là 456 đồng cho mỗi kw. Còn nếu so giá điện mức cao nhất 2587 đồng (dùng trên 400 kw) với mức khởi điểm 1484 đồng (50kw) thì mức tăng phải là 1103 đồng/kw! Mức tăng lúc này là hơn 74%. Đáp án này chỉ ngành điện hiểu rõ nhất.

      Tính giá bậc thang để hạn chế người dân sử dụng điện! Câu khẩu hiệu mới nghe cứ tưởng đó là vì mục tiêu nhân văn, họ muốn hạn chế sử dụng điện, muốn người dân tiết kiệm. Xưa nay tiết kiệm có bao giờ là lời khuyên sai?
      Điện năng cũng là phương tiện, là tư liệu sản xuất. Nhưng sao ta lại phải hạn chế sản xuất? Có quá mâu thuẫn không khi mà ta đang phấn đấu nâng tăng trưởng lên 6-7%? Hạn chế sử dụng điện thì sao tăng trưởng kinh tế được?
      Nói là tiết kiệm điện nhưng thực tế có phải EVN quan tâm tới tiết kiệm điện? Tổn thất điện năng của ta hiện chừng 8-9%, một con số tổn thất đứng hàng đầu khu vực! Nhân 9% với 210 tỷ kw (sản lượng điện làm ra hiện nay) sẽ ra con số thất thoát điện năng của ta. Hàng chục năm qua EVN chưa có giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế tổn thất điện năng cả. Vậy sao có thể nói EVN muốn tiết kiệm điện được? Để bù đắp vào sự tổn thất đó, xem ra giải pháp móc từ túi người sử dụng điện vẫn là đơn giản và dễ dàng nhất!

      Cũng vì nó là giải pháp đơn giản, dễ dàng nên chuyện giá điện sẽ còn tiếp tục tăng cao là điều hiển nhiên. Ngành điện và người dùng điện có thể ví như con cáo con thỏ trong bộ phim hoạt hình thời Liên Xô. Câu kết phim bao giờ con cáo cũng nói: “Hãy đợi đấy”! Chỉ có một điểm khác trong chuyện này, con cáo EVN không bao giờ thất bại!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét