BOT - liệu
đã hiểu đúng?
Cụm từ tiếng Anh building-operating-transfer được hiểu là một
dạng đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, viết tắt BOT.
Những năm gần đây hình thức đầu tư BOT đã mang lại một nguồn lực không nhỏ từ
doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực giao
thông đường bộ.
Theo nghĩa cụm từ này thì BOT được chi làm 3 phân đoạn: Đầu tư
xây dựng (làm ra sản phẩm) - Kinh doanh (bán sản phẩm thu lợi nhuận) - Chuyển
giao (bàn giao lại công trình cho Nhà nước khai thác khi hết thời gian “bán
sản phẩm”. Vậy các công đoạn BOT giao thông ở ta hiện nay thực hiện thế nào?
Gọi nôm na công đoạn đầu là nhà đầu tư “chế tác” sản phẩm. Là sản
phẩm của tư nhân “sản xuất” để bán thì đó phải 100% là "mới. Sản phẩm ấy
cũng phải chấp nhận sự công bằng trong cạnh tranh trong nền kinh tế thị
trường. BOT đường bộ thì phải là tuyến mới và người dân có thể lựa chọn đi
hoặc không. Nhưng hiện nay ta thấy có những “sản phẩm” BOT “tân cổ giao duyên”
và đơn tuyến. Ví như các tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Bắc
Giang… dự án BOT chỉ tu sửa, thảm lại bê-tông nhựa nâng cấp đường cũ từng
được xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước với mức đầu tư ban đầu rất lớn; quốc lộ
6 Xuân Mai - Hòa Bình được thiết kế trên cơ sở cải tạo, nâng cấp tuyến cũ
theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và miền núi; quốc lộ 1 đoạn tại Quảng
Bình cũng là nâng cấp đường cũ v.v. Nguồn vốn BOT gần đây được biết cũng
không hoàn toàn của tư nhân, nhiều dự án vay ngân hàng thương mại được Chính
phủ bảo lãnh. Tóm lại, công đoạn “chế tác sản phẩm”, nhà đầu tư đã được ưu ái
về cơ chế đầu tư với những sản phẩm “tân cổ” vừa tốt, vừa "rẻ".
Công đoạn kinh doanh cũng có nhiều điều đáng bàn. Ở những cung
đường BOT “tân cổ” nêu trên, người dân đang như phải mua lại sản phẩm của
chính mình với giá không rẻ. Bên cạnh đó nhà đầu tư còn được cơ quan chức
năng tạo thuận lợi bằng biện pháp hành chính như: Đóng cầu tạo tuyến độc đạo
(cầu BOT Hạc Trì và Việt Trì); nâng thành cao tốc sẽ cho phương tiện xe máy
chuyển tuyến khác (Hà Nội - Bắc Giang); nâng giá vé tuyến đường cũ để nhằm
tăng phương tiện đi tuyến mới (quốc lộ (QL) 5 với cao tốc Hà Nội - Hải
Phòng…). Cách tính giá bán “sản phẩm” cũng chưa minh bạch. Khi mà các BOT
chưa được kiểm toán mức đầu tư, giám sát thực tiễn lượng phương tiện khi thu
phí thì khó đưa ra được mức giá phí đúng đắn, công bằng. Ngay nội bộ
liên danh dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã không tin tưởng nhau về doanh thu
phí và xảy ra mâu thuẫn. Vừa qua Cục Đường bộ giám sát thì mới biết bình quân
một ngày trạm phí tuyến này thu được 1,985 tỉ đồng chứ không phải là 1,4 tỉ
như họ báo cáo. Như vậy mỗi năm ngoài lãi theo doanh thu báo cáo, nhà đầu tư
dự án này còn “dôi ra” được hơn 182 tỉ đồng. Mọi yếu tố đầu vào, đầu ra dự án
luôn bí mật tựa “hộp đen” thì phần lợi thế luôn thuộc về nhà đầu tư BOT.
Công đoạn cuối cùng là chuyển giao xem ra rất xa vời. Đa số dự án
BOT có thời gian thu phí 10 - 20 năm trong khi một số dự án vừa khai thác vài
năm đường đã xuống cấp, hư hỏng (như QL 18 ở Quảng Ninh, QL 13 ở Lộc Ninh,
Bình Phước, đường Mỹ Phước - Tân Vạn ở Bình Dương v.v). . Tuyến Hà Nội - Bắc
Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ trước khi nâng cấp chưa phải đã hư
hỏng nặng… Sau gần 20 năm nữa liệu chất lượng 2 tuyến đường này liệu còn bằng
khi chưa nâng cấp? Lúc đó nếu đường BOT hư hỏng rồi thì còn gì để chuyển giao
theo đúng nghĩa. Có lẽ lại phải chọn một nhà đầu tư BOT mới để sửa chữa, nâng
cấp và... thu phí!
Đinh Hoàng
Bài
đăng Báo Người cao tuổi ngày 28/7/2016
Có thể gọi cách kinh doanh BOT hiện nay của ta là MMN (Mistletoe/Monopoly/Nontransferable), tạm dịch: Tầm gửi, Độc quyền và Không thể chuyển giao.
|
Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016
Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016
Gửi về Thanh Hóa:
Hậu câu chuyện “Sinh ra con… nợ”
Tại một xã thuộc
huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa tất cả chị em có chửa đẻ là sinh ra con… nợ!
Đó là chuyện có
thật chứ chẳng phải tiếu lâm. Những con nợ “non” này vừa nhìn thấy mặt trời
là phải nợ bố mẹ chúng 50.000 đồng một năm và kéo dài đến khi chúng lớn lên
có thể kiếm tiền để trả nợ! Nguyên do xuất phát quy định của chính quyền xã
là tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền
phí “xây dựng trường”. Tất nhiên các em chưa đi học nhưng sau này chắc cũng đi
học nên đóng là đúng rồi! Trẻ thơ đóng phí khi mà chúng chưa kiếm được tiền
thì nghiễm nhiên chúng phải vay bố mẹ, người thân đóng giùm và trở thành con
nợ bất đắc dĩ.
Cùng với khoản
“phí xây dựng trường”, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến
nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền
phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lý lịch... sẽ được “quan” xã
xác nhận một câu xanh rờn “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm
chính sách, quy định của địa phương”! Và hệ quả tất yếu xảy ra: Chẳng
có cơ quan, doanh nghiệp nào dám nhận những người có bản lý lịch với xác nhận
như thế. Vậy là cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn - không nghề nghiệp, công ăn
việc làm (trừ ở tại quê làm nông nghiệp) - thêm đói kém - không thể có tiền
đóng phí cho xã.
Thanh Hóa là quê
hương của cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó,
đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước một thời. Đó là câu chuyện người dân
tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân chịu cảnh sống như những năm 30 của thế kỷ
trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân đi thu phí thuế làm náo động
làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng chục loại phí khiến cuộc
sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng từ bài học Thọ Xuân, Thanh Hóa đã có những
bài học quý giá để không lặp lại, nhưng xem ra chuyện cũ đang tái diễn ở cấp
độ còn thâm thúy và cay đắng hơn!
Được biết ngôi
trường mà xã trên xây từ tiền đóng góp của dân là hơn 1 tỷ đồng. Đến nay xã
đã thu dân được hơn 2 tỷ đồng nhưng chưa có dấu hiệu ngừng thu. Chắc địa
phương vẫn cần ngân sách để sau này ngôi trường đó xuống cấp sẽ có tiền sửa
chữa!
Mong những gia
đình kinh tế khó khăn tại địa phương trên đừng dại mà đẻ ra những con nợ!
Đinh
Hoàng (Đã đăng ngày 30/5/2015)
"Vĩ thanh"
Cứ ngỡ dư luận năm trước đã giúp chính quyền các cấp từ tỉnh tới thôn ở
Thanh Hóa có biện pháp chấn chỉnh. Thế nhưng nhìn vào các khoản đóng góp của
một thôn của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (mà báo Dân trí mới đây cho biết) thì
sẽ hiểu, địa phương này chẳng làm gì:
Tại thông
báo của thôn Hợp Minh (xã
Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) gửi các hộ dân ghi rõ: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là
30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa
20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân là
50.000đ/hộ/năm”.
Ngoài các khoản thu từ thôn, xã lại tiếp tục đặt ra một loạt các khoản
thu khác như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 7.000đ/lao động/năm; quỹ bảo trợ trẻ em 5.000đ/hộ/năm; quỹ chăm sóc người cao tuổi 10.000đ/lao
động/năm; quỹ an ninh - quốc phòng 40.000đ/hộ/năm; quỹ phòng, chống thiên tai
15.000đ/lao động/năm v.v.
Vậy là những
con “nợ non” không chỉ có đóng tiền xây dựng trường, chúng vinh dự được góp
phần vào các quỹ như thiếu niên, bóng đá, phúc lợi xã hội, thôn làng văn hóa,
quỹ khuyến học và cả quỹ... họp dân!
Minh Lộc có 2.900
hộ với hơn 14.000 nhân khẩu thì số tiền mà chính quyền các thôn thu của dân
nghèo không hề nhỏ. Chẳng biết hiệu quả mà các quỹ mang lại thế nào nhưng cái
gánh nặng thì đang đè lên những đôi vai gầy guộc của người dân nghèo!
Đinh Hoàng
|
Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016
Chuyện vui:
Đề án giảm biên
Lãnh đạo
huyện Thăng Biên quyết “tuyên chiến” với tình trạng biên chế cồng kềnh đã phình to hết cỡ, tựa quả bóng bay sắp nổ.
Huyện ban hành Đề án đặc biệt (đây là đề án thứ 5
trong 10 năm qua). Mục tiêu giảm 15% biên chế trong tổng 150 công chức.
Cụ thể là bộ máy sẽ giảm còn 128 biên chế.
Để tránh “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đôi chuột” như những lần trước, kì này huyện lập một Ban Công tác giảm biên chế (gọi là Ban Giảm biên).
Để bố trí nhân sự vào Ban này lấy từ đâu? Trích từ các phòng ban thuộc cơ quan rất khó, cán bộ ngoài chức danh chính, hầu hết đã kiêm nhiệm ít cũng 1-2 chức danh khác,
người đi họp còn thiếu, sao mà bớt được? Cuối cùng huyện cũng phải nhặt đủ người từ các cơ quan cho Ban Giảm biên. Đồng thời tuyển dụng thêm để thay vào chỗ thiếu của cơ quan bị cắt cử người cho Ban
Giảm biên. Người được tuyển dụng
bù đắp hầu hết là con em
cán bộ trong huyện, trên tỉnh gửi gắm.
Nâng lên đặt xuống cuối cùng chốt số
công chức cho Ban Giảm
biên là 16.
Nhưng phục vụ Ban Giảm
biên, bộ phận văn thư, đánh máy cơ quan huyện cũng cần thêm 2 nhân viên.
Bộ phận vệ sinh, tạp vụ đề nghị thêm 2 người do công việc phát sinh từ Ban mới.
Do lượng người ăn tại bếp tập thể tăng gần 20 người nên nhân viên nhà
ăn cũng cần bổ sung 2 người.
Ban Giảm biên nhanh chóng ổn định và vận hành theo kế hoạch.
Guồng máy hoạt động nhịp nhàng, nỗ lực. Sau 1 năm miệt mài nghiên cứu thực
tiễn kết hợp với đánh giá sâu sắc về lí luận, Ban Giảm biên đề xuất một bản Kế hoạch giảm biên chế rất khoa học, có tính khả thi cao. Theo đó, biên chế khối cơ quan huyện sẽ được tinh giảm đúng
15% của số biên
chế nghiên cứu là 150 người (tính chẵn sẽ giảm được 22).
Nhưng vấn đề mới phát sinh, hiện biên chế của cơ quan nay cả Ban Giảm biên đã là 172 người.
Vậy là cần tiếp tục nghiên cứu để tinh giản biên chế
theo đúng chỉ tiêu trên đã đề ra.
Đa số nhất trí giữ nguyên bộ máy Ban Giảm biên để nghiên cứu tinh giản biên chế của số 172 công chức hiện có. Mục tiêu lần này vẫn phấn đấu giảm 15%,
tức phải giảm được 25 công chức để biên chế còn 147 người (chứ không thể là
128 người như mục tiêu ban đầu).
Huyện thăng Biên lại cần một Đề án mới về tinh giản
biên chế...
Đinh
Hoàng
|
Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016
Vui vui
Manh chiếu to
Ông Đầu hỏi ông Tư:
- Đố ông biết manh chiếu nào to nhất?
Ông Tư:
- Chiếu thì có nhiều loại,
nhiều cỡ to nhỏ chứ biết manh nào to nhất?
Ông Đầu:
- Có đấy. Loại chiếu to nhất trong các
loại chiếu, đấy là chiếu đắp… dự án!
Nhầm lẫn
Hai bà già ngồi nói chuyện,
một bà khoe:
- Thằng con tôi đi xe máy cẩn
thận lắm, dù đường vắng cũng chưa bao giờ nói đi quá 60 ki-lô-số một giờ.
Bà bạn vẻ hiểu biết, chê:
- Bà chẳng hiểu gì từ ngữ kĩ
thuật cả, ai lại gọi thế. Phải nói là nó đi tốc độ không khi nào quá 60 phút
trên một giờ!
Đinh Hoàng
|
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016
Chuyện vui:
Cỗ
máy quy trình
Công ty Smart
Man có đội ngũ cán bộ khá đông nên việc bổ nhiệm, đề bạt thường xuyên diễn
ra. Thực hiện một quy trình chặt chẽ, nhiều khâu tuy khá tốn thời gian, vậy
mà lần nào bổ nhiệm cũng xảy ra chuyện. Khi thì người được bổ nhiệm năng lực
yếu, phải chuyển sang làm chuyên gia nghiên cứu (vì bằng cấp cao); người thì vừa bổ nhiệm lập tức râm ran chuyện chạy chọt, “cánh hẩu”; lại có trường hợp
bổ nhiệm chưa ráo mực công an đã đến còng tay đưa đến trại giam vì phạm pháp.
Chung quy tại
cái quy trình bổ nhiệm, dù đã khá chi tiết, vẫn chưa hoàn thiện.
Công
ty phát động cuộc thi “Phát minh quy trình bổ nhiệm cán bộ”. Sau một thời
gian có nhiều sáng kiến, sản phẩm dự thi. Sản phẩm “Cỗ máy quy trình thông
minh” của một kĩ sư phần mềm đạt điểm cao nhất, được lựa chọn. Công ty lập
tức sử dụng cỗ máy thay con người làm công tác nhân sự.
Người dự kiến
bổ nhiệm được mời vào phòng đối chất với máy, trả lời các câu hỏi máy đưa ra:
Họ tên, tuổi, gia đình, nghề nghiệp, chức vụ đã qua, thu nhập, tài sản hiện
có, mối quan hệ bạn bè, trên dưới, quan niệm sống… cuối cùng là dự kiến
chương trình hành động.
Sau khi làm
việc với cỗ máy, tất cả cán bộ trong quy hoạch của công ty bị loại! Nhân sự
chủ yếu bị máy chấm các lỗi: Tham nhũng; năng lực quá yếu; bằng cấp cao mâu
thuẫn với trình độ quá thấp; “cục bộ, bè cánh”… Công ty đành đưa số cán bộ
ngoài quy hoạch để lựa chọn. Thật lạ, lập tức máy chọn đủ số người đạt tiêu
chí. Nhưng đó toàn là kĩ sư thường, người trực tiếp sản xuất, kể cả “có vấn
đề” như ngang ngạnh, hay chỉ trích lãnh đạo; người thì thẳng ruột ngựa, thanh
tra xuống cứ tuồn tuột nói hết từ chuyện tốt đến chuyện xấu nội bộ v.v…
Đáng ngại hơn,
ngay sau khi có kết quả bổ nhiệm, giám đốc liên tục phải nghe các cuộc điện
thoại của lãnh đạo tỉnh, bộ về nhân sự A, B… mà trên “tin tưởng” tại sao
không được cất nhắc? Có người còn cho rằng công ty đã sử dụng cỗ máy vô cảm,
phi nhân văn để làm nhân sự!
Cuối cùng, công
ty phải quay lại cách bổ nhiệm cán bộ truyền thống.
Chiếc máy quy
trình thông minh đành cất vào kho. Dự kiến khi nào xây dựng bảo tàng sẽ dùng
trưng bày thành tựu khoa học kĩ thuật.
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi 01/7/2016)
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)