Hậu câu chuyện “Sinh ra con… nợ”
Tại một xã thuộc
huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa tất cả chị em có chửa đẻ là sinh ra con… nợ!
Đó là chuyện có
thật chứ chẳng phải tiếu lâm. Những con nợ “non” này vừa nhìn thấy mặt trời
là phải nợ bố mẹ chúng 50.000 đồng một năm và kéo dài đến khi chúng lớn lên
có thể kiếm tiền để trả nợ! Nguyên do xuất phát quy định của chính quyền xã
là tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền
phí “xây dựng trường”. Tất nhiên các em chưa đi học nhưng sau này chắc cũng đi
học nên đóng là đúng rồi! Trẻ thơ đóng phí khi mà chúng chưa kiếm được tiền
thì nghiễm nhiên chúng phải vay bố mẹ, người thân đóng giùm và trở thành con
nợ bất đắc dĩ.
Cùng với khoản
“phí xây dựng trường”, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến
nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền
phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lý lịch... sẽ được “quan” xã
xác nhận một câu xanh rờn “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm
chính sách, quy định của địa phương”! Và hệ quả tất yếu xảy ra: Chẳng
có cơ quan, doanh nghiệp nào dám nhận những người có bản lý lịch với xác nhận
như thế. Vậy là cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn - không nghề nghiệp, công ăn
việc làm (trừ ở tại quê làm nông nghiệp) - thêm đói kém - không thể có tiền
đóng phí cho xã.
Thanh Hóa là quê
hương của cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó,
đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước một thời. Đó là câu chuyện người dân
tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân chịu cảnh sống như những năm 30 của thế kỷ
trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân đi thu phí thuế làm náo động
làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng chục loại phí khiến cuộc
sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng từ bài học Thọ Xuân, Thanh Hóa đã có những
bài học quý giá để không lặp lại, nhưng xem ra chuyện cũ đang tái diễn ở cấp
độ còn thâm thúy và cay đắng hơn!
Được biết ngôi
trường mà xã trên xây từ tiền đóng góp của dân là hơn 1 tỷ đồng. Đến nay xã
đã thu dân được hơn 2 tỷ đồng nhưng chưa có dấu hiệu ngừng thu. Chắc địa
phương vẫn cần ngân sách để sau này ngôi trường đó xuống cấp sẽ có tiền sửa
chữa!
Mong những gia
đình kinh tế khó khăn tại địa phương trên đừng dại mà đẻ ra những con nợ!
Đinh
Hoàng (Đã đăng ngày 30/5/2015)
"Vĩ thanh"
Cứ ngỡ dư luận năm trước đã giúp chính quyền các cấp từ tỉnh tới thôn ở
Thanh Hóa có biện pháp chấn chỉnh. Thế nhưng nhìn vào các khoản đóng góp của
một thôn của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (mà báo Dân trí mới đây cho biết) thì
sẽ hiểu, địa phương này chẳng làm gì:
Tại thông
báo của thôn Hợp Minh (xã
Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) gửi các hộ dân ghi rõ: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là
30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa
20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân là
50.000đ/hộ/năm”.
Ngoài các khoản thu từ thôn, xã lại tiếp tục đặt ra một loạt các khoản
thu khác như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa 7.000đ/lao động/năm; quỹ bảo trợ trẻ em 5.000đ/hộ/năm; quỹ chăm sóc người cao tuổi 10.000đ/lao
động/năm; quỹ an ninh - quốc phòng 40.000đ/hộ/năm; quỹ phòng, chống thiên tai
15.000đ/lao động/năm v.v.
Vậy là những
con “nợ non” không chỉ có đóng tiền xây dựng trường, chúng vinh dự được góp
phần vào các quỹ như thiếu niên, bóng đá, phúc lợi xã hội, thôn làng văn hóa,
quỹ khuyến học và cả quỹ... họp dân!
Minh Lộc có 2.900
hộ với hơn 14.000 nhân khẩu thì số tiền mà chính quyền các thôn thu của dân
nghèo không hề nhỏ. Chẳng biết hiệu quả mà các quỹ mang lại thế nào nhưng cái
gánh nặng thì đang đè lên những đôi vai gầy guộc của người dân nghèo!
Đinh Hoàng
|
Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016
Gửi về Thanh Hóa:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét