Đâu
phải sức ì?
Thanh Hóa là quê hương cố nhà văn Phùng Gia Lộc,
tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó, đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả
nước năm đầu sau đổi mới. Đó là chuyện người dân tại xã Phú Yên, huyện Thọ
Xuân năm 1983 sống cảnh như những năm 30 của thế kỉ trước. Nửa đêm trống dục
trống dồn, dân quân đi thu phí thuế làm náo động làng quê nghèo. Người dân
nai lưng đóng góp hàng chục loại phí khiến cuộc sống vô cùng khốn đốn. Những
tưởng bài học này không bao giờ lặp lại ở xứ Thanh.
Nhưng giữa
năm trước câu chuyện cũ ở tỉnh này tái diễn thâm thúy và cay đắng chẳng kém
“cái đêm hôm ấy...”. Tại một xã thuộc huyện Hậu Lộc người dân
đang nai lưng vì những khoản đóng góp, thậm chí trẻ em vừa sinh ra đã thành
con… nợ! Đó là chuyện có thật: Theo quy định của chính quyền xã, tất cả nhân
khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền phí “xây dựng
trường”. Cùng đó, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến nhiều
gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền phí
với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lí lịch... thường được “quan” xã
xác nhận xanh rờn: “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm chính sách,
quy định của địa phương”!
Cứ ngỡ câu chuyện năm 2015 sẽ nhắc chính quyền các cấp từ tỉnh tới thôn
ở Thanh Hóa có biện pháp chấn chỉnh ngay. Thế nhưng nhìn vào các khoản đóng
góp ở một thôn của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (mà Báo Dân trí mới đây đăng
tải) tôi chợt nghĩ, có lẽ sức ì của chính quyền một số nơi ở địa phương này
lớn quá rồi chăng? Tại thông báo của thôn Hợp Minh (xã Minh Lộc) gửi các
hộ dân ghi: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là 30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội
20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học
10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân 50.000đ/hộ/năm”. Ngoài các khoản thu từ thôn,
xã cũng đặt ra một loạt các khoản thu khác. Chẳng biết hiệu quả các quỹ mang
lại thế nào nhưng gánh nặng thì đang đè lên đôi vai những người dân. Hơn một
lần báo chí, công luận lên tiếng nhưng xem ra đây chưa phải chuyện mà chính
quyền nhiều nơi ở Thanh Hóa quan tâm. Phải chăng sức ì đã thành căn bệnh cố
hữu nơi đây?
Dư luận dậy sóng vì sự thăng tiến của một cô gái
Chỉ sau 1 - 2 ngày mà “thông tin bịa đặt”
bôi nhọ cán bộ đã được điều tra rõ đúng sai và quy cụ thể chương điều trong Bộ
Luật Hình sự thì sao bảo hệ thống công quyền tỉnh này có sức ì?
|
Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016
Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016
Kĩ năng… móc túi
Nghe vậy ai cũng nghĩ ngay đến chuyện những kẻ gian hành nghề chốn bến
tàu xe, nơi công cộng chen chúc đông người. Kĩ năng móc túi của bọn này thì
chẳng kém những diễn viên xiếc hay nhà ảo thuật tài ba.
Nhưng xin không kể chuyện của chúng ở đây. Cũng là chuyện kiếm tiền
nhưng “kẻ gian” lại là những “đại gia” doanh nghiệp tên tuổi.
Dư luận rất bức xúc về chuyện nhà mạng viễn thông (không hiểu do vô
tình hay cố ý) đã tiếp tay cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ nước ngoài
móc túi khách hàng trong nước đến cả trăm tỉ đồng mà họ chẳng biết.
Cụ thể Công ty Sam Media Limited (có trụ sở tại Hồng Kông) sau 3 năm đã
thu được từ người dùng điện thoại Việt Nam số tiền gần 230,5 tỉ đồng. Đáng buồn, sau khi phát hiện, Sở
Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội chỉ có thể phạt doanh nghiệp này 55 triệu
đồng dựa theo các quy định hiện hành.
Cái gọi là “kĩ năng kinh doanh” của công ty này thực ra chẳng có gì
phức tạp. Họ gửi tin nhắn tới người sử dụng điện thoại một dịch vụ, cuối tin
có dòng chữ rất nhỏ đề nghị nếu người dùng không chấp nhận thì thao tác hủy
dịch vụ. Ai không hủy đương nhiên là chấp nhận dịch vụ đó, kiểu như “im lặng
có nghĩa đồng ý”! Và như vậy rất nhiều người không xem tin nhắn mặc nhiên trở
thành nạn nhân để doanh nghiệp lặng lẽ móc túi! Hiện mỗi người sử dụng điện
thoại ở ta đang hằng ngày phải nhận hàng chục tin nhắn rác nên đâu phải ai
cũng có thời gian để tâm đến những tin nhắn? Đây chính là khe hở “chết người”
mà nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lợi dụng để lừa đảo khách hàng.
Tuy nhiên, nếu nhà mạng quản lí thực sự nghiêm túc, không vì lợi nhuận hoặc
không tiếp tay thì doanh nghiệp ứng dụng khó thực hiện được những chiêu trò
như trên.
Còn nhớ vài năm trước, 3 nhà mạng đang thống lĩnh thị trường viễn
thông trong nước là Viettel, Vinaphone, Mobifone đã cùng sử dụng “chiêu thức” tự tích hợp ứng dụng trên Simcard mà
không thông báo cho khách hàng, mỗi năm cứ thế tự động “móc túi” gần 200 tỉ
đồng gây xôn xao dư luận khi phát lộ. Chẳng biết nay họ còn dùng “chiêu thức”
trên nữa hay không nhưng thỉnh thoảng vẫn có khách hàng khiếu nại về cước phí
cao bất thường hàng triệu đồng. Nhiều khách hàng thấy cước phí tăng đột biến
dăm bảy chục hay đôi ba trăm nghìn có khi cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng dăm
bảy chục nghìn với cả triệu khách hàng thì con số không thể là nhỏ. Các nhà
mạng đã từng có cách làm ăn gian lận như thế thì sao họ không hiểu rõ chiêu
trò của Công ty Sam Media Limited kể trên? Điều nghi vấn nhà mạng cũng hưởng lợi trong chuyện doanh nghiệp
“móc túi” khách hàng là hoàn toàn có cơ sở.
Hiện trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang xảy ra nhiều vụ việc khách
hàng mất tiền vô cớ bởi tội phạm công nghệ thông tin. Các nhà mạng hay hệ
thống ngân hàng nếu muốn xây dựng uy tín, kinh doanh trên nền tảng bền vững thì
trước hết họ phải bảo vệ khách hàng của chính mình chứ không thể dựa vào
những kẻ móc túi!
Đinh
Hoàng
Bài
đăng Báo Người cao tuổi ngày 28/9/2016
|
Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016
Học
đại
Ngạn ngữ xưa có câu “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất
nông, nhì sĩ”. Nay chẳng còn mấy nhà vướng vào cảnh đói kém như xưa vì Việt
Nam ta đã đứng vào hàng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Nông không còn
đứng thứ nhất, phải chăng ngôi ấy đã nhường cho Sĩ? Vậy vị thế những sĩ tử
lớn nhỏ của ta ngày nay ra sao?
Có thể nói trẻ em nước ta từ khi lên 4 đến 5 tuổi là đã bước vào
cuộc đời “kẻ sĩ”, nhất là ở thành phố. Trước khi vào lớp 1 đa số các cháu đã
phải thực hiện một chương trình gần như dự bị “đại học chữ to”. Nhiều trường
và không ít giáo viên áp dụng “sáng kiến” cho các em “làm quen” lớp 1 trong
dịp Hè trước ngày khai trường. Các lớp “làm quen” này thường do chính nhà
trường hoặc các cô dạy cấp tiểu học mở. Nhờ vậy nhiều em chưa cắp sách đến
trường có thể đã thuộc mặt 24 chữ cái, ghép mấy từ đơn giản và đếm từ 1 đến
10 hoặc hơn. Vậy nên em nào không vào lớp “dự bị” sẽ lạc hậu và có nguy cơ
không theo kịp bạn đồng lớp khi tựu trường. Có thể thấy, phận “kẻ sĩ” đã vất vả,
nhọc nhằn ngay từ ngưỡng cửa lớp 1.
Kẻ sĩ “đại học chữ to” là vậy, còn đại học “chữ nhỏ” thì sao? Các
em học sinh lớp cuối cấp trung học phổ thông có thể ví chịu áp lực dồn nén
của 12 năm “mài” đũng quần trên ghế nhà trường cùng biết bao tâm sức, chi phí
mà gia đình đã bỏ ra. Cái sự học thêm được nâng lên đỉnh cao mang tên luyện
thi, nơi học được gọi cũng rất “khốc liệt” là... “lò luyện”. Tuy “khốc liệt”
vậy nhưng đến với trường đại học ngày nay cũng chẳng còn “cao vời vợi, 10
người leo tới 9 người rơi” như thuở nào. Với hệ thống trường đại học trăm hoa
đua nở, có ở hầu khắp các tỉnh, thành như hiện nay nên các trường đại học,
cao đẳng đang phải chạy đua để "thu vét" sinh viên cho đủ. Đến
trường danh giá như Đại học Dược Hà Nội mà năm nay cũng khó khăn trong tuyển
sinh! Cách đây chừng hơn 30 năm, chỉ cần đỗ đại học đã được mọi người nhìn
với ánh mắt ngưỡng mộ. Nay không đỗ đại học có khi còn bị coi là sự lạ!
Sự "học đại" hiện nay đã để lại hệ quả có hàng trăm
nghìn sinh viên ra trường chẳng thể kiếm được việc làm. Theo thống kê của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội thì chỉ trong quý 2 vừa qua đã có gần
178.000 cử nhân, thạc sĩ không kiếm được việc làm, cao đẳng cũng có hơn
100.000 người thất nghiệp. Nhiều sinh viên qua nhiều kì phỏng vấn tuyển dụng đều
rớt, cuối cùng đã phải quay lại học đại lấy một cái nghề để đầu quân vào đội
ngũ công nhân tại các khu công nghiệp!
“Kẻ sĩ” hơn chục năm trời công sức học hành "tu luyện"
cuối cùng nhiều người cũng chỉ là một “kẻ thợ”. Đã đến lúc cả xã hội cần có
cái nhìn mới về sự học và lập nghiệp, không thể học đại lấy tấm bằng đại học!
Đinh Hoàng
Bài
đăng Báo Người cao tuổi ngày 6/9/2016
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)