Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

 Truyền thông có bị “mượn tay”?

Câu chuyện nước mắm đang như sôi lên trong dư luận cả nước.
Người tiêu dùng bừng tỉnh khi ngày 10/10 một tờ báo đăng bài viết khá chi tiết về thực chất của nước chấm công nghiệp đang được nhiều người theo nhau tin dùng. Rõ ràng loại nước chấm này đạt được những yếu tố mà nhiều bà nội trợ mong muốn là vừa rẻ vừa ngon lại giữ được lâu không chuyển mùi như nước mắm cá. Bài báo cũng đưa ra sự thật của nước chấm công nghiệp chính là công thức: Nước + hóa chất, trong đó có 17 loại hóa chất khác nhau. Loại nước chấm chỉ việc pha chế như trên đã rút ngắn thời gian sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nên nước mắm truyền thống khó lòng cạnh tranh. Từ chỗ “tay không”, nước chấm công nghiệp đã chiếm lĩnh 76% thị phần trong nước với hàng nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm.
Hãy xem quy trình làm nước mắm cá của cha ông ta từ ngàn xưa:
Từ sản phẩm nguyên liệu cá tươi, việc làm mắm gồm các bước: 1/Làm chượp (cá được trộn muối) với công thức 3 cá + 1 muối (tỉ lệ muối 25-30%). 2/Vào chượp: Nạp từng lớp cá vào thùng chứa (gỗ), xả nước vừa đủ. Trên cùng phủ lên mặt chượp một lớp muối; 3/Nén chượp: Dùng thanh dằn, đá dằn nén làm cho cá ép thành một khối, rút ra nước bổi. Sau khi đã chằn chượp, đổ lại nước bổi vào phủ mặt chượp. Trong 15 ngày đầu kéo rút liên tục để trao đổi nước bổi trong và ngoài; 4/Chàm soi chượp: Sau 15 ngày kéo rút, để chượp nguyên trạng, nước bổi thừa cho vào thùng chứa riêng không đậy kín. Thùng hoặc bể mắm đặt khô ráo, thông thoáng và có ánh sáng trời. Duy trì chượp đến cuối tháng thứ ba; 5/Kéo rút: Trong 3 tháng đầu định kì kéo rút không để nước tràn, cũng tránh rút kiệt nước trơ mặt chượp; 6/Ra thành phẩm: Thành phẩm là nước mắm các loại được rút ra từ chượp chín (cuối tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), gồm: Nước mắm cốt là loại nước mắm thượng hạng có màu vàng rơm đến cánh gián, hương thơm, vị ngọt dịu đậm, độ đạm cao (25 g/l), càng để lâu càng thơm ngon và có màu u đen lại, làm gia vị cho thức ăn cao cấp; Nước mắm loại 1: Do nước chan kéo qua chượp đã rút 90% cốt, hàm lượng đạm 15 g/l, dùng làm nước chấm; Nước mắm loại 2: Nước chan kéo qua bã chượp đã rút 90% loại 1, hàm lượng đạm 10 g/l, dùng nấu, nêm; Nước mắm loại 3: Đã rút 90% loại 2, hàm lượng đạm thấp, dùng làm nước chan chượp cho mùa mắm sau.  
Với quy trình công phu, tỉ mỉ, tốn thời gian, công sức như trên nên người Việt mới tạo được loại nước chấm dùng hằng ngày, nay đã nổi tiếng thế giới. Nước mắm Việt đã hiện diện trên thị trường châu Á, châu Úc, châu Mỹ và cả thị trường khó tính nhất là châu Âu.
Kì lạ thay, chỉ sau mấy ngày nước chấm công nghiệp bị “vạch mặt, chỉ tên” thì Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) lại hăng hái tự đi lấy mẫu xét nghiệm nước mắm cá (dù không phải hội khoa học và không có chức năng, quyền hạn) rồi nhanh chóng tung ra một khái niệm mập mờ “asen tổng” (thực chất là asen hữu cơ vô hại) trong nước mắm truyền thống! Tiếc rằng thông tin của VINASTAS đã nhanh chóng được nhiều tờ báo đăng tải, cùng với mạng xã hội lan truyền tạo thành “trận đòn hội đồng” với một sản phẩm đặc sản lâu đời!
Trong “cuộc chiến” này, liệu truyền thông có bị “mượn tay”? Các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc làm rõ để xử lí nghiêm vi phạm. Cần trả lại giá trị đích thực, chỗ đứng tin cậy của nước mắm Việt Nam trong niềm tin của người tiêu dùng.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Để thiện tâm tỏa sáng

Đồng cảm nỗi đau của đồng bào chịu ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua tại các tỉnh miền Trung, MC Phan Anh đã dành ra số tiền 500 triệu đồng của mình để góp phần nhỏ giúp những người đang oằn mình chịu họa thiên tai đồng thời mở tài khoản kêu gọi mọi người chia sẻ lòng thiện tâm.
Hành động của MC Phan Anh ngay lập tức nhận được hưởng ứng của đông đảo cộng đồng mạng mọi tầng lớp, nhất là tuổi trẻ. Chỉ sau một ngày số tiền góp vào tài khoản quỹ của MC Phan Anh đã lên tới 2 tỉ đồng, nay đã được hơn 18 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng thêm.
 Trong ngày 17/10 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQ, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi, phát động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và người dân tổ chức đợt quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai.
 Có lẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt khó điều gì có thể làm lu mờ mà trái lại, nó càng tỏa sáng khi đất nước có thiên tai, địch họa...
Để lòng tốt của mọi người được phát huy, tỏa sáng thiết nghĩ các cấp chính quyền cũng cần có cách làm sáng tạo, linh hoạt, không nên theo lối mòn. Trước nay thông thường khi có phát động gây quỹ thiện nguyện của trên, các cơ quan, đơn vị chỉ thông báo chủ trương rồi mặc nhiên trừ vào lương của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương dù chưa biết họ đồng ý hay không. Vô hình trung một quỹ tự nguyện trở thành bắt buộc và cào bằng có thể gây tâm lí không thỏa mái với nhiều người. Một ngày lương với người thu nhập chỉ 5-6 triệu/tháng và không có nguồn thu nhập nào khác thì cũng là khoản không nhỏ. Trái lại dăm ngày lương với người khác lại là chuyện nhỏ. Lẽ ra trước khi tổ chức quyên góp cần có sự truyên truyền sâu sắc về hậu quả, thiệt hại của đồng bào chịu thiên tai, mục tiêu, chủ trương gây quỹ, định hướng, phương cách trợ giúp đồng bào và cách thức ủng hộ của từng cá nhân. Có thể chủ trương có mức tối thiểu nhưng tuy điều kiện, hoàn cảnh người đóng góp có thể ủng hộ nhiều hơn hoặc thấp hơn. Cần tránh kiểu "đè đầu" cả người còn khó khăn để thu cho đạt chỉ tiêu.
Mấy năm trước, từng xảy ra chuyện cán bộ cơ sở (thôn, xã) một vài địa phương miền Trung đã bớt xén, xà xẻo, không công bằng, minh bạch, thậm chí "ỉm đi" tiền trợ cấp bão lụt khiến lòng tin của người dân cả nước phần nào giảm sút. Vì vậy, cùng với kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp thiết thực, hiệu quả và chặt chẽ hơn trong việc trợ giúp đồng bào vùng bão lụt, để lòng tốt của người dân cả nước "đến đúng địa chỉ", kịp thời. Làm tốt việc này sẽ là nền tảng cho thiện tâm trong cộng đồng không ngừng tỏa sáng. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 21/10/2016

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Cận huyết thống

Một vài dân tộc ít người đang tồn tại tập quán hôn nhân cận huyết thống gây hệ quả thoái hóa giống nòi đã được báo chí thông tin nhiều lần. Khái niệm hôn nhân cận huyết thống hiểu nôm na là kết hôn giữa đôi trai gái có cùng dòng máu. Những gien khiếm khuyết di truyền từ 2 người vợ và chồng sẽ “tích hợp” làm trầm trọng thêm, hệ quả là cho ra đời những đứa trẻ yếu ớt, bệnh tật, thâm chí quái thai. 
Hiểu sâu về chuyện này phải nhờ các chuyên gia y học hoặc chuyên ngành di truyền. Ở đây xin nói về câu chuyện mà hệ quả tương tự việc hôn nhân cận huyết thống, đó là hiện tượng "công quyền cận huyết thống"!
Cách đây 1 năm dư luận xôn xao về chuyện "cả họ làm quan" ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Rất nhiều người trong cơ quan huyện có quan hệ họ hàng, thông gia... của vợ chồng Bí thư Huyện ủy huyện này.

Tranh minh họa. Báo Dân trí

Gần đây báo chí đưa tin nhiều trường hợp lãnh đạo ở các tỉnh như Hà Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Định... thanh minh về chuyện "bỗng dưng" con cháu, họ hàng, người thân "bị" bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí sắp xếp vào các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh ở những vị trí mà nhiều người đỗ đạt, bằng cấp cao cũng phải mơ. Rồi chuyện con đẻ, người thân cận cựu Bộ trưởng nọ được bổ nhiệm vào những cơ quan, doanh nghiệp lớn gây nghi ngờ trong dư luận v.v.
           Điểm chung những chuyện trên là việc sắp xếp, bổ nhiệm người thân của lãnh đạo đều được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đúng quy trình mà không chọn được người thực sự tài đức nhưng lại "ngẫu nhiên" chọn toàn người thân của lãnh đạo thì quy trình đó có vấn đề. Còn nếu quy trình đúng đắn, khoa học thì cần xem lại việc thực hiện quy trình đó thế nào? Một cỗ máy tốt nếu không biết cách sử dụng hoặc cố tình sử dụng sai thì sẽ cho ra sản phẩm hỏng hoặc không được như mong đợi.
 Từ thời vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm đã có Bộ luật Hồng Đức trong đó Luật Hồi tỵ quy định cụ thể việc bổ nhiệm quan lại, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới để hạn chế quan lại lợi dụng. 
Cha ông ta tuy ở thời phong kiến nhưng đã manh nha quan điểm dân chủ tiến bộ. Việc chọn người tài đức chủ yếu thông qua khoa cử minh bạch và thực hiện nghiêm luật vua ban nên đã chọn được nhiều người tài đức, thu hút được người thực tài phụng sự đất nước.
 Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức của ta hiện nay chắc chắn tiến bộ, khoa học hơn những điều luật của cha ông xưa. Tuy nhiên quy định, luật pháp luôn có khe hở dễ bị lợi dụng. Ví như nguyên tắc dân chủ sẽ phát huy tốt khi tập thể đó gồm những con người trung thực, những nhân cách độc lập. Khi mà cả cơ quan toàn thấy người nhà của một vài cán bộ thì ý chí tập thể sẽ chỉ là của một vài người. Lúc đó quy trình được dùng như "bức tranh đẹp" che đậy cho những "khuôn hình không đẹp". Kết quả là có những cơ quan quyền lực thấy toàn người "cận huyết thống". Và, giống như cận huyết thống trong hôn nhân, cái xấu, khuyết điểm sẽ bị che dấu, "tích hợp".
 Dần dần, đội ngũ công quyền sẽ có những cán bộ ốm yếu về năng lực, dị dạng về nhân cách, tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi 7/10/2016

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Giá trị để lại

Khi được hỏi về việc tại sao ông chỉ để lại cho 4 người con mỗi người 10 triệu USD, tỉ phú hàng đầu thế giới Bill Gates cho biết, ông không muốn cho con quá nhiều tiền, bởi ông muốn để con tự do chọn lựa điều chúng muốn làm trong cuộc đời. "Tôi nghĩ một đứa trẻ nên được nuôi dạy để hiểu rằng, chúng sẽ phải tự mình tìm việc và không nên mặc định rằng sẽ có một khoản tiền nào đó hoặc sẽ được trao tất cả số tiền chúng cần", ông Bill Gates chia sẻ. Theo ông, việc để lại cho con một khoản tiền lớn có tác động tiêu cực hơn là tích cực. 
Mark Zuckerberg người giàu thứ 16 thế giới với 46,8 tỉ USD tài sản. Trong bức thư hai vợ chồng gửi con gái đăng trên facebook của ông chủ mạng xã hội, hai người viết: “Max, bố mẹ yêu con và cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn rằng phải tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con và toàn bộ trẻ em. Bố mẹ mong con có một cuộc sống đầy tình yêu, hi vọng và sự vui vẻ như con đã mang lại cho bố mẹ. Bố mẹ rất nóng lòng muốn trông thấy con sẽ mang đến điều gì cho thế giới này”. Họ thông báo sẽ hiến tặng 99% số cổ phiếu facebook đang nắm giữ, tương đương 45 tỉ USD để cải thiện chất lượng sống và tiềm năng con người trên thế giới. “Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là cải thiện giáo dục, y tế, kết nối mọi người và xây dựng các cộng đồng vững mạnh. Chúng tôi biết đây chỉ là sự đóng góp rất nhỏ với tất cả nguồn lực và nhân tài đang giải quyết những vấn đề này”.  
            Năm 2010 khi còn sống tỉ phú Yu Pang-lin người Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển số tài sản trị giá 9,3 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2 tỉ USD) vào ngân hàng và di chúc số tiền sẽ được làm từ thiện sau khi ông qua đời. “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi”, ông nói…

Câu chuyện của các cụ tổ hưu phố Thụy Khuê khá rôm rả xung quanh các tỉ phú sử dụng đồng tiền thừa kế cho con cái. Cụ Nhân cho rằng “Tuy chưa thể so với tỉ phú thế giới nhưng Việt Nam ta nay không hiếm những người rất giàu và “siêu giàu”. Nhiều người dù kín kẽ nhưng khi nghỉ hưu thì khối tài sản phần nào cũng phát lộ”. Cụ Cương thì khẳng định: “Ở ta, người dùng phần lớn tài sản để làm từ thiện hay phục vụ lợi ích cộng đồng rất khiêm tốn. Có lẽ tâm lí người Á Đông hay nuông chiều con cái đến mức ích kỉ đã định hình trong nếp nghĩ nên nhiều người chỉ quan tâm thừa kế cho con cháu, chẳng cần biết chúng sẽ sử dụng đống tài sản ấy thế nào”. Cụ Khánh cho biết: “Có người nỗ lực cả đời, thậm chí bất chấp pháp luật, đạo lí, tham nhũng để có đống của cải mà mấy đời dùng chưa chắc đã hết. Ai cũng biết con người khi chết đi thì tiền của chẳng thể mang theo. Nhưng để lại cho con cháu, dường như nhiều người chưa biết rằng có thể họ đã để lại những mầm họa cho tương lai từ đống tài sản”.

Là nhà giáo vừa nghỉ hưu, cụ Tuệ khái quát vấn đề như triết gia: “Không nhiều người giàu hiểu rằng cái mà họ để lại khi từ giã cõi đời giá trị nhất chính là phẩm giá, nhân cách của những đứa con và tấm gương của chính mình. Các tỉ phú Bill Gates, Mark Zuckerberg, Yu Pang-lin… để lại cho đời giá trị lớn nhất không phải hàng tỉ đô-la mà là họ để lại những tấm gương sáng!”.

Đinh Hoàng
 Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 5/10/2016