Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Cận huyết thống

Một vài dân tộc ít người đang tồn tại tập quán hôn nhân cận huyết thống gây hệ quả thoái hóa giống nòi đã được báo chí thông tin nhiều lần. Khái niệm hôn nhân cận huyết thống hiểu nôm na là kết hôn giữa đôi trai gái có cùng dòng máu. Những gien khiếm khuyết di truyền từ 2 người vợ và chồng sẽ “tích hợp” làm trầm trọng thêm, hệ quả là cho ra đời những đứa trẻ yếu ớt, bệnh tật, thâm chí quái thai. 
Hiểu sâu về chuyện này phải nhờ các chuyên gia y học hoặc chuyên ngành di truyền. Ở đây xin nói về câu chuyện mà hệ quả tương tự việc hôn nhân cận huyết thống, đó là hiện tượng "công quyền cận huyết thống"!
Cách đây 1 năm dư luận xôn xao về chuyện "cả họ làm quan" ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Rất nhiều người trong cơ quan huyện có quan hệ họ hàng, thông gia... của vợ chồng Bí thư Huyện ủy huyện này.

Tranh minh họa. Báo Dân trí

Gần đây báo chí đưa tin nhiều trường hợp lãnh đạo ở các tỉnh như Hà Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Định... thanh minh về chuyện "bỗng dưng" con cháu, họ hàng, người thân "bị" bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí sắp xếp vào các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh ở những vị trí mà nhiều người đỗ đạt, bằng cấp cao cũng phải mơ. Rồi chuyện con đẻ, người thân cận cựu Bộ trưởng nọ được bổ nhiệm vào những cơ quan, doanh nghiệp lớn gây nghi ngờ trong dư luận v.v.
           Điểm chung những chuyện trên là việc sắp xếp, bổ nhiệm người thân của lãnh đạo đều được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đúng quy trình mà không chọn được người thực sự tài đức nhưng lại "ngẫu nhiên" chọn toàn người thân của lãnh đạo thì quy trình đó có vấn đề. Còn nếu quy trình đúng đắn, khoa học thì cần xem lại việc thực hiện quy trình đó thế nào? Một cỗ máy tốt nếu không biết cách sử dụng hoặc cố tình sử dụng sai thì sẽ cho ra sản phẩm hỏng hoặc không được như mong đợi.
 Từ thời vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm đã có Bộ luật Hồng Đức trong đó Luật Hồi tỵ quy định cụ thể việc bổ nhiệm quan lại, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới để hạn chế quan lại lợi dụng. 
Cha ông ta tuy ở thời phong kiến nhưng đã manh nha quan điểm dân chủ tiến bộ. Việc chọn người tài đức chủ yếu thông qua khoa cử minh bạch và thực hiện nghiêm luật vua ban nên đã chọn được nhiều người tài đức, thu hút được người thực tài phụng sự đất nước.
 Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức của ta hiện nay chắc chắn tiến bộ, khoa học hơn những điều luật của cha ông xưa. Tuy nhiên quy định, luật pháp luôn có khe hở dễ bị lợi dụng. Ví như nguyên tắc dân chủ sẽ phát huy tốt khi tập thể đó gồm những con người trung thực, những nhân cách độc lập. Khi mà cả cơ quan toàn thấy người nhà của một vài cán bộ thì ý chí tập thể sẽ chỉ là của một vài người. Lúc đó quy trình được dùng như "bức tranh đẹp" che đậy cho những "khuôn hình không đẹp". Kết quả là có những cơ quan quyền lực thấy toàn người "cận huyết thống". Và, giống như cận huyết thống trong hôn nhân, cái xấu, khuyết điểm sẽ bị che dấu, "tích hợp".
 Dần dần, đội ngũ công quyền sẽ có những cán bộ ốm yếu về năng lực, dị dạng về nhân cách, tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi 7/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét