Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

 Tham nhũng có quá khó tìm?

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đang có những bước đi khiến người dân vui mừng, khích lệ. Cái “bộ phận không nhỏ” được nói nhiều cuối cùng cũng đang phát lộ bằng những con người và vụ việc cụ thể.
Chỉ từ một chuyện có vẻ như vô tình xuất hiện chiếc xe tư nhân lại mang biển xanh (biển số xe công) đã lộ ra vụ việc ở Bộ Công Thương và người đứng đầu Bộ này dẫu đã “hạ cánh” cũng phải lãnh trách nhiệm trước dân, bước đầu chịu hình thức kỉ luật Đảng. Cũng từ đây đang phát lộ thêm những trường hợp khác cho thấy sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở một số nơi đã bị vô hiệu hóa bằng cách hành xử chuyên quyền, vô nguyên tắc, mất dân chủ của chính những đảng viên là người đứng đầu. Hậu quả của nó không chỉ hiển hiện là mấy chục nghìn tỉ đồng của dân ở những dự án “đắp chiếu”. Cái hậu quả không dễ nhìn ra, đó là uy tín của Đảng, là niềm tin của Nhân dân vào một thể chế của dân, do dân có thể bị lái theo hướng không còn vì dân.
Một điều được nhiều người đặt ra là tham nhũng khó tìm vậy sao, khi mà nó đang trở thành phổ biến, thực sự đang diễn biến, làm chuyển hóa thể chế Nhà nước của dân? Hầu hết các vụ việc tham nhũng lại không phải do các tổ chức Đảng phát hiện. Công luận, báo chí như một áp lực để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc trước các vụ việc tham nhũng. Áp lực đó phải chăng là nguyên nhân khiến vị lãnh đạo của một cơ quan mang trách nhiệm chống tham nhũng lại công khai mách nước cấp dưới cách vô hiệu hóa báo chí!
Những ngày gần đây cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện một vài vụ việc không phải lớn nhưng nó lại là cơ hội cho công cuộc chống tham nhũng: Những tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) được sử dụng làm công cụ “rửa tiền” ngân sách. Đó là việc lực lượng an ninh kinh tế, công an Hà Nội phát hiện 2 đường dây mua bán, tiêu thụ hóa đơn GTGT: Một vụ do Hoàng Lệ Hằng (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cầm đầu, chỉ 2 năm hoạt động đã xuất khống gần 3.200 hóa đơn với tổng giá trị hơn 780 tỉ đồng của 33 công ty "ma" cho hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức, gây thất thu hơn 78 tỉ đồng tiền thuế. Một vụ do Phạm Hồng Sơn (trú tại Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu. Chưa đầy 1 năm Sơn đã bán 50 quyển hóa đơn GTGT, trị giá doanh thu ghi trên các hóa đơn khoảng trên 30 tỉ đồng. “Khách hàng” của Sơn là một số ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lớn và tổ chức chi tiêu ngân sách nhà nước.
Các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan là "khách hàng" mua hóa đơn lậu làm gì? Câu trả lời có lẽ không khó với cơ quan bảo vệ pháp luật và người dân. Nhiều người ngạc nhiên vì tiền thuế của dân sao mà dễ "đục khoét" đến vậy!
Chỉ cần 2 vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng quyết tâm lần tìm theo “đường đi” của những tờ hóa đơn GTGT có “tên tuổi” đàn hoàng, thiết nghĩ, việc tìm ra những thủ phạm đục khoét tiền của Nhà nước đâu đến nỗi quá khó khăn? Vấn đề là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  ngày 23/12/2016

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

 Tài nguyên


Đang mải tưới cây cảnh trước sân, trưởng thôn Văn Hán không nhận ra tay Vơ, cán bộ địa chính đến từ lúc nào đang nghênh đầu, vê cằm râu lởm chởm nói:
      - Hết thời cây cảnh rồi bác Hán ơi, nghĩ cách khác mà kiếm tiền.
      - Chú Vơ đấy à? - Trưởng thôn Hán không ngừng tay, nói - Chú có cách gì kiếm tiền? Chân trưởng thôn quèn như tôi bận tối mắt, kiếm chác gì? Đất đai thôn mấy năm đô thị hóa đã cắt, chia bán hết rồi.
      - Đất hết thì phải tìm nguồn tài nguyên mới chứ. Bác đang có nguồn tài nguyên không bao giờ cạn! - “Vơ địa chính” nheo nheo cặp mắt lươn tủm tỉm.
      Trưởng thôn Văn Hán:
      - Cậu từng là đầu nậu khai thác cát sông, sở trường chỉ là hút cát đem bán, nộp thuế tí ti gọi là, lãi bao nhiêu bỏ túi hết. Làm cán bộ quản lí đâu dễ. Mà này, ý cậu muốn nói tài nguyên gì thế?
      - Là 2.000 nhân khẩu trong thôn! - Vơ nói như đinh đóng cột.
      - Cậu cứ nói chơi, dễ tôi đem dân đi bán được chắc?
       - Ai lại bán dân. Xin hỏi bác nhé, nếu mỗi khẩu nộp 10.000 đồng thì thôn có bao nhiêu tiền?
      Nhẩm tính vài giây, trưởng thôn nói:
      - 20 triệu. Nhưng bỗng dưng ai người ta nộp tiền?
      - Thế mới phải có sáng kiến. Theo em, có rất nhiều cách thu tiền có lí, đúng luật. Ví như ta lập cái gọi là “Quỹ chỉnh trang thôn văn hóa”, yêu các hộ cưới xin, ma chay… đóng đôi ba triệu gọi là. Hoặc mở cái "Quỹ Xây dựng" yêu cầu ai xây nhà mới hay cơi nới, sửa chữa phải đóng cho thôn 10% giá trị công trình. Hay “Quỹ giữ gìn môi trường” thu trên đầu nhân khẩu vì càng đông người thì càng nhiều rác. Quỹ này có thể thu mỗi khẩu 5.000 - 10.000 đồng/tháng chẳng hạn. Chỉ vậy mỗi tháng đã có khối tiền rồi. Lúc ấy bác chỉ nghĩ cách mà chi…
      Vơ  cao hứng ba hoa, trưởng thôn Văn Hán xua tay:
      - Thôi thôi… tôi hiểu rồi, cậu đúng không hổ danh gốc kinh doanh, ranh mãnh! 
    “Vơ địa chính” đã về, trưởng thôn Văn Hán tiếp tục tưới cây, vừa làm vừa ngẫm nghĩ: Chẳng lẽ, túi dân cũng là… tài nguyên!?

Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi  số cuối tháng 12/2016

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Đèn cù

Đèn cù là cách gọi khác của người xưa về chiếc đèn kéo quân, một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em. Trên đèn ta nhìn thấy hoạt cảnh xã hội những hình nhân, voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh...
Hiện nay nhiều khi người dân cũng phải “chạy” chẳng khác mấy trên chiếc đèn cù đồ chơi trẻ em mà nguyên nhân xuất phát từ những quy định trên mây!
Cách đây hơn chục năm có một thông tư hướng dẫn, theo đó mỗi người dân chỉ được đăng kí xe mô-tô một lần nhằm hạn chế tình trạng tăng nóng phương tiện này tại các thành phố lớn. Tuy nhiên nhu cầu sở hữu xe của người dân là rất lớn và đa dạng. Nhiều người đã mua, đăng kí xe rồi lại bán trao tay để thay xe. Về nguyên tắc trường hợp này sẽ “hết đường” mua xe mới. Nhưng người dân rất linh hoạt “ứng phó” với chính sách. Hàng loạt người ở nội đô về quê để nhờ bạn bè, người thân đứng tên sở hữu giùm phương tiện. Cuối cùng quy định trên cũng bị vô hiệu hóa, tự đi vào quên lãng và sau 2 năm được sửa sai bằng một thông tư khác. Người dân chịu một hệ lụy phiền toái “xe không chính chủ” cùng sự tốn kém tiền của.
Những tưởng nhờ người thân đứng tên giùm sẽ yên tâm sử dụng phương tiện (coi như mượn xe) thì gần đây người dân lại lo lắng về việc quy định sử dụng xe phải chính chủ. Ai đã nhờ người thân đứng tên đăng kí hộ nay lại phải làm thủ tục để phượng tiện trở lại đúng là “của mình”, tránh gặp phiền phức khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Cách đây 3 năm Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 38/2013/TT-BGTVT, theo đó giấy phép lái xe hai bánh và ô-tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép mới bằng vật liệu PET theo lộ trình từng loại. Và sau đó, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ này còn quy định rõ chế tài buộc sát hạch lại lí thuyết đối với những người không đi đổi giấy phép sang thẻ PET (không hiểu giữa cầm tấm bằng giấy bìa và tấm bằng thẻ PET liên quan gì đến nhận thức, trình độ của người dùng giấy phép?).
Một lần nữa người dân lại nháo nhác chạy để đổi bằng kịp thời hạn khiến các cơ quan đăng kí ùn tắc. Trước bức xúc của dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã thanh tra và kết luận việc buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe còn thời hạn từ giấy bìa sang vật liệu PET là tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cuối cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã phải lên công luận thông báo rằng không bắt buộc việc đổi bằng như trên khi bằng lái còn hạn sử dụng. Nhiều người lại một lần nữa bị phiền toái và mất tiền oan vì chính sách (và người dân cũng chưa nhận được lời xin lỗi từ cơ quan ban hành quy định này)!
Việc ban hành chính sách xa rời thực tiễn, thiếu tính khả thi gần đây xuất hiện ngày một nhiều ở các ngành. Phải chăng sự quan liêu, xa rời thực tiễn và năng lực hạn chế của đội ngũ tham mưu là nguyên nhân của thực trạng này? Cơ quan chức năng cứ đưa ra những quy định khiến người dân phải chạy vòng quanh như đèn cù thì biết đến bao giờ mới có một chính quyền kiến tạo?
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi  ngày 8/12/2016