Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Nghịch lí

 

 Làm thêm giờ và giá của sức lao động

Ngày làm 8 giờ, tuần làm 6 ngày là mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân cách đây hơn một trăm năm. Mục tiêu đó hiện nay người lao động ở hầu khắp các quốc gia đã đạt được, nhiều nơi ngày làm việc chỉ còn 6 tiếng, tuần 5 ngày (khoảng 1.900 giờ mỗi năm). Không ít nước công nghiệp phát triển đang có mục tiêu tiếp tục hạ số giờ và ngày lao động của công nhân dựa vào sự phát triển của khoa học công nghệ và năng suất lao động.

Một nghịch lí đang diễn ra với nước ta, đó là cả doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) đều “khát khao” được tăng thêm giờ làm vì những mục tiêu khác nhau: Doanh nghiệp cần tăng ca để nâng cao khối lượng sản phẩm, tiến độ sản xuất, tăng lợi nhuận; một bên cần tăng thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống.


Công nhân Nhà máy sản xuất giày và phụ liệu Tam Cường (thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Hải Phòng) tập trung đòi quyền lợi tại cửa nhà máy

Sự mong mỏi đó đã được phần nào đáp ứng khi ngày 23/3 vừa qua, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong năm. Theo đó, giờ làm thêm mỗi tháng của NLĐ được nâng từ 40 lên tối đa 60 giờ, khống chế 300 giờ/năm.

Doanh nghiệp được tăng ca cũng đồng nghĩa không cần tuyển dụng thêm một lực lượng lao động hay đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất; không bị áp lực tăng lương cho NLĐ dù mức sống của họ dần trượt xuống (do lạm phát hằng năm) và mức sống đang dưới mức tối thiểu.

Với NLĐ hiện mức lương chỉ bằng hoặc dưới mức sống tối thiểu, (có ý kiến cho rằng hiện đang dưới mức sống tối thiểu 15%). Đây là lí do NLĐ luôn mong muốn được tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí coi đó như một ưu ái của chủ sử dụng lao động với mình. Thực tiễn đang diễn ra việc công nhân nhảy việc sang nơi có chế độ tăng ca, làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập vì đồng lương quá thấp, không bảo đảm cuộc sống vật chất. Với thời lượng 10-12 giờ làm thêm mỗi ngày, NLĐ sẽ không còn thời gian cho những nhu cầu cuộc sống văn hóa, tinh thần khác.

So sánh giữa quốc gia NLĐ chỉ cần làm 6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần với người làm 11 giờ/ngày (giả sử mức sống tương đương về vật chất) thì đã thấy giá sức lao động cách nhau rất xa (quá rẻ và rất đắt).

Trước đây nhiều người tự hào coi ta có thị trường lao động cạnh tranh với giá nhân công rẻ, một lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Nay ít người nhắc đến chuyện này nhưng đây vẫn đang là thực tế không vui, một trong các nguyên nhân lựa chọn Việt Nam của nhà đầu tư FDI.

Thị trường những năm qua có những mặt hàng bất ổn cần quỹ bình ổn để giá cả không tăng quá cao hay giảm quá sâu. Trong nông nghiệp, chuyện giải cứu giá nông sản diễn ra xuân thu nhị kì.

Vậy giá của sức lao động trên thị trường của ta có phải là vấn đề đáng quan tâm, cũng cần “giải cứu”?

“Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, đó là mong mỏi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhắc tới khi làm việc với các doanh nghiệp cả trong nước và FDI. Kì vọng tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này sẽ được quan tâm nhiều như chuyện tranh luận tăng thêm bao nhiêu giờ làm việc mỗi năm của NLĐ trong những năm qua./.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/3/2022

Đinh Hoàng

 

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Pháp luật và đầu tư

 

 “Cọc” to sẽ khó bỏ

Câu chuyện đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) với giá trúng cao ngất ngưởng khiến dư luận “nóng” suốt từ đó đến nay. Rồi sau khi doanh nghiệp bỏ cọc lại nóng lên chuyện xử lí thế nào với hành vi bỏ cọc, (chuyện ngay từ đầu nhiều người đã dự đoán sẽ diễn ra như một kịch bản). Hành vi lũng đoạn, thao túng thị trường bất động sản đã rõ, nhưng xử lí hành chính hay hình sự? Phải chăng pháp luật đang có kẽ hở để người ta trục lợi?

Tại Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 quy định về “Tiền đặt trước và xử lí tiền đặt trước” thì người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Đây phải chăng là một trong những “khe hở” đang bị lợi dụng? Hiện giá khởi điểm của tài sản đấu giá, nhất là đất đai thường dựa vào khung giá đất theo quy định của địa phương và luôn có khoảng cách (thấp hơn), thậm chí thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Chính vì thế mà những cái “cọc” thường rất “mỏng manh” về giá trị, trong khi nó là chỗ dựa cho một giá trị thực tài sản rất lớn.


Những lô đất bị thao túng đấu giá tại Thủ Thiêm

Thử làm một con tính ví dụ trong vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt tham gia đấu giá với giá khởi điểm cho lô đất là 2.942 tỉ đồng, tiền đặt cọc cho mức giá này là 588,4 tỉ đồng, trúng đấu giá là 24.500 tỉ đồng. Giả sử con số 24.500 tỉ đồng là tương đối sát với giá trị thị trường thực tế thì con số hơn 588 tỉ đồng tiền cọc là rất nhỏ bé so với khối giá trị tài sản này, nó không còn là 20% nữa!

Như vậy, tiền đặt cọc dựa vào “giá khởi điểm” chính là lỗ hổng luật pháp cần sớm được xem xét điều chỉnh. Giá khởi điểm chỉ như một “cái giá tạm tính” trong giao dịch mua bán. Nên coi đây là giá để các doanh nghiệp đặt cọc dự đấu giá. Với doanh nghiệp trúng đấu giá, giá đặt cọc cần được tính toán chính thức khi cuộc đấu giá hoàn thành và áp dụng với đối tượng này. Chẳng hạn như ví dụ trên, sau khi hoàn thành cuộc đấu giá, tiền đặt cọc của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt phải tính dựa trên giá trị trúng đấu giá (20% của 24.500 tỉ đồng) mới hợp lí và chuẩn xác. Khi đó cái “cọc” chính thức sẽ có trị giá 4.900 tỉ đồng doanh nghiệp phải nộp. Liệu với số tiền đó doanh nghiệp này có dám bỏ cọc?

Cũng chính khe hở “giá khởi điểm” mà nhiều năm qua trên khắp các tỉnh thành phố liên miên diễn ra các cuộc đấu giá. Đây như thể “sân khấu” để các đầu nậu đất đai tung hứng, diễn trò ảo thuật. Hệ quả là sau nhiều cuộc đấu giá, tài sản đất đai hàng nghìn tỉ đồng để cỏ mọc hoang hàng chục năm gây lãng phí vô cùng lớn cho Nhà nước và Nhân dân.

Tiền đặt cọc chính thức dựa trên kết quả giá trị trúng đấu giá cuối cùng sẽ là “cánh cửa pháp luật” vững chắc ngăn cản mọi hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường dựa vào các cuộc đấu giá tài sản đất đai./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23/3/2022