Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Thuế xăng dầu nặng gánh vì thu ngân sách

 

Công bằng trong thuế bảo vệ môi trường 

 Một trong những lí do giá xăng dầu hiện nay được giữ ở mức vừa phải là do thực hiện Nghị quyết số 20/2022 của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết này, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, mỡ nhờn đã có 3 lần giảm trong năm nay với tổng các lần giảm lên đến 75% góp phần kìm hãm nguy cơ lạm phát tăng cao.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, thuế BVMT sẽ được đưa trở lại mức trần với xăng (trừ xăng sinh học) từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500 đồng lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, từ 300 đồng lên 2.000 đồng/lít... Hàng triệu người tiêu dùng và hầu hết các ngành sản xuất có tiêu thụ xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu chắc chắn tăng lên tương ứng với mức thuế kể trên.

Có lẽ chỉ có mặt hàng xăng dầu mới được cách tính thuế ấn định một cách cơ học (không căn cứ vào giá mặt hàng tăng hay giảm) nên khi giá xăng dầu thấp thì mức thuế đánh vào túi người sử dụng tăng lên, ngược lại, khi giá xăng tăng cao thì nguồn thu của Nhà nước không thay đổi dù doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể hưởng lãi tăng cao.

Những năm gần đây thu ngân sách Nhà nước từ thuế BVMT tăng mạnh từ tỉ trọng chiếm 1% đã tăng lên tới 4,27% tổng thu ngân sách và trong đó hơn 95% tổng thu của thuế này là từ xăng dầu! Song liệu xăng dầu có phải là “tội đồ” gây tới 95% ô nhiễm môi trường!? Điều đáng nói nữa là con số 4,27% tổng thu ngân sách đó không phải để chi riêng cho BVMT.


Tổ hợp sản xuất giấy tại Yên Phong, Bắc Ninh

Lẽ thường trong sự công bằng là ai thải ra ô nhiễm môi trường nhiều phải đóng chi phí nhiều tương ứng và ngược lại để phục vụ xử lí môi trường. Tuy nhiên hiện có không ít mặt hàng, ngành sản xuất gây ô nhiễm lớn song đóng góp vào thuế BVMT chưa tương xứng. Có thể dễ dàng liệt kê ra các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường lớn, phạm vi rộng: Sản xuất điện than, thép, giấy, công nghệ dệt nhuộm, may mặc, da giầy, túi nilon, lắp ráp điện tử, hóa chất v.v… Ít ai liên tưởng những tờ giấy ăn trắng tinh sạch sẽ giá rẻ lại là nguyên nhân đang chuyển những dòng sông từ trong xanh thành dòng sông chết chóc! Rồi những túi nilon được phát miễn phí cho các bà nội trợ hằng ngày đang góp phần gây ô nhiễm cho cả các đại dương bao la! Tổng hợp của bao ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường mà phần đóng góp loại thuế này cộng lại vào ngân sách nhà nước lại chưa đến 5%! Điều đó cũng cho thấy xăng dầu đang “è cổ” gánh nặng thuế BVMT. Có lẽ cũng vì mức thuế BVMT khá “nhẹ nhàng” nên hầu hết các doanh nghiệp gây ô nhiễm không mấy bận tâm tới đổi mới công nghệ trong sản xuất, coi trọng xử lí ô nhiễm và đó cũng là tác nhân của tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hiện nay.

Nếu không giải quyết được sự công bằng trong đóng góp thuế BVMT thì cuối cùng loại thuế này nhằm vào xăng dầu cũng chủ yếu là tạo nguồn thu ngân sách, chưa hẳn vì BVMT!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/11/2022  

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Một chính sách nhân văn nhưng đang chỉ là hình thức

 

Sao cứ phải “tầm gửi” 20%?


Nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội tại đô thị luôn được Nhà nước quan tâm và được cụ thể hóa bằng các chính sách pháp luật về nhà ở, bất động sản.
Năm 2015 Chính phủ có Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lí nhà ở xã hội, theo đó cho phép chủ dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn giữa các hình thức là dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, giao quỹ nhà ở tương đương, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó. Năm 2021 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, siết chặt hơn với các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I, từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, thì phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. Đặc biệt, theo nghị định này, chủ đầu tư không được nộp tiền sử dụng đất thay thế nếu không dành 20% quỹ đất trong dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Như vậy, dù được quan tâm nhưng vấn đề nhà ở xã hội lại luôn gắn với quá trình phát triển nhà ở thương mại và tỉ lệ 20% chẳng rõ đã được cơ quan tham mưu để ban hành chính sách căn cứ vào cơ sở thực tiễn nào. Có ý kiến cho rằng con số 20% quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội thực tiễn chỉ bảo đảm tính “nhân văn lí thuyết” cho các dự án thương mại! Có lẽ bởi tính nhân văn trên lí thuyết nên thực tiễn rất khó tìm thấy các khu “chung cư 20%” sánh vai trong các khu chung cư thương mại cao cấp giữa trung tâm nội đô. Cũng vì vậy, “Xuân Thu nhị kì” nó lại được đặt ra trên nghị trường khi bàn về việc phát triển thị trường nhà ở hay bất động sản.

Nhà ở xã hội sao sánh vai với chung cư hạng sang?

Mới đây tại diễn đàn Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội) đặt vấn đề “liệu trong khu đô thị có giá trị rất cao thì có nhà giá trị rất thấp không và người lao động, thu nhập thấp thì có thể trang trải, thích nghi được với điều kiện, dịch vụ tại khu vực dành cho người thu nhập cao không?”.
Hai Nghị định trên của Chính phủ dù khá đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội với các điều khoản cụ thể nhưng thực tiễn hiện nay rất khó tìm thấy những “chung cư 20%” đứng bên các chung cư thương mại hạng sang.
Tại sao không quy định các địa phương phải dành một tỉ lệ quỹ đất riêng biệt để xây dựng các khu chung cư cho người thu nhập thấp tại đô thị mà cứ phải “tầm gửi” chung cư thương mại? Có thể cũng chỉ là 20% trong quỹ đất phát triển nhà ở hằng năm của địa phương (ưu tiên 80% cho phát triển nhà ở thương mại để tạo nguồn thu ngân sách) nhưng “việc nào ra việc nấy”, chính sách an sinh không thể chỉ trông cậy vào lòng tốt của doanh nghiệp./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22/11/2022

Trào lưu xăm mình

 

Thời trang vĩnh cửu!

Nghe câu khẳng định này sẽ nhiều người nhận ra sự mâu thuẫn.

Thời trang, hiểu nôm na là những trang phục làm đẹp nhất thời nhằm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của con người. Chẳng ai diện một kiểu quần áo suốt một đời cả. Nhận thức về cái đẹp với mỗi cá nhân, với cộng đồng luôn thay đổi tùy theo xu thế, trào lưu của xã hội, sự phát triển của khoa học kĩ thuật và tâm tính con người trong từng giai đoạn tuổi tác từ trẻ tới già. Sẽ thật buồn cười nếu một cụ bà 80 tuổi diện bộ váy ngắn cũn cỡn của cô gái tuổi 18…
Thời trang không chỉ có trang phục. Những thứ khác trên thân thể con người khi được tô điểm, chỉnh sửa cũng có thể coi như một loại thời trang. Việc đánh phấn tô son là thứ thời trang thường nhật và dễ thay đổi của phái đẹp. Tuy nhiên có thứ thời trang can thiệp lên cơ thể sẽ là vĩnh cửu với cá nhân, đó là phẫu thuật thẩm mĩ và xăng mình.
Xóm tôi có một bà thời trẻ là một hoa khôi từng hút hồn cánh mày râu. Dù chẳng cần can thiệp gì thì bà đã rất đẹp nhưng không hiểu sao khi đó bà lại đi xăm mi mắt. Đúng là việc xăm mi cũng tôn thêm vẻ đẹp của đôi mắt bồ câu sâu thẳm. Song nó cũng không thể dấu được, đó là vẻ đẹp không tự nhiên. Nay bước sang tuổi ngoài 70 những nét xăm từng tôn thêm vẻ đẹp thời con gái như không còn phù hợp nhưng không có cách nào thay đổi được. Không ít người thời trẻ chỉ xăm mấy dòng chữ trên cánh tay nay về già khi cố tẩy bỏ cũng đã để lại di chứng là những vết sẹo nham nhở. Có những người từng can thiệp thẩm mĩ đã tôn lên nét đẹp một thời nhưng khi về già nét đẹp không còn, thậm chí sự can thiệp như khiến sắc đẹp “xuống cấp” nhanh hơn, tệ hơn.

Xăm mình đang là trào lưu của giới trẻ

Xăm mình với giới trẻ những năm gần đây đã trở thành trào lưu. Hiện không ít diễn viên, ca sĩ, MC và cả người dẫn chương trình truyền hình không dấu diếm hình xăm trước công chúng. Có lẽ vì thế mà trào lưu này nay đang lan đến cả lứa tuổi học đường...
Làm đẹp bằng cách can thiệp lên cơ thể là quyền của cá nhân. Nhận thức về cái đẹp hình thể cũng là quan điểm cá nhân. Tuy nhiên ít người nghĩ đến chuyện mình đang tự khoác lên cơ thể một thứ thời trang vĩnh cửu, không thể thay đổi!
Con người là tuyệt tác của thiên nhiên. Vẻ đẹp tự nhiên của con người cũng là tuyệt tác của thiên nhiên. Vì một lí do nào đó khiến cơ thể khiếm khuyết mới cần tới sự khắc phục, can thiệp. Mỗi cá nhân hãy tôn trọng, nâng niu vẻ đẹp của chính mình để không phải hối hận về sau vì những nông nổi nhất thời./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 11/2022