Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Đòi nợ thuê biến tướng

 

 Kẽ hở trong cấm đòi nợ thuê

Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư 2020  (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/012021).

Theo luật này, ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được  bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (tại Khoản 1 của Điều 6). Như vậy, từ nay hoạt động đòi nợ thuê bị “đóng cửa”, cá nhân, tổ chức nếu còn duy trì dịch vụ này là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc mua bán nợ lại chưa có điều luật nào cấm đoán, chính vì vậy các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đòi nợ đã nhanh chóng thích nghi với cái tên được thay đổi thành “doanh nghiệp mua bán nợ” chứ không phải là đòi nợ thuê.


Theo lẽ thông thường, doanh nghiệp mua nợ với giá thấp hơn khoản nợ để khi con nợ trả đầy đủ sẽ được hưởng phần giá trị chênh lệch đó. Doanh nghiệp có khoản nợ đã bất đắc dĩ phải bán đi có nghĩa đó là khoản nợ khó đòi, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Nếu không, chẳng ai dại gì bán nợ để chịu lỗ.

Để có thể thu được khoản nợ và hưởng lợi thì chủ nợ mới có một số cách: Đàm phán, dựa vào lí lẽ và áp lực từ quy định của pháp luật để con nợ nhận thức được vấn đề và trả nợ; khởi kiện ra tòa xét xử để con nợ phải trả nợ theo quy định của pháp luật. Xét về bản chất khi một doanh nghiệp mua một khoản nợ của doanh nghiệp khác để về đàm phán hoặc kiện ra tòa thì cũng chính là một dịch vụ đòi nợ thuê mà thôi. Nếu việc đàm phán hay ra tòa là dễ dàng thì cũng chẳng doanh nghiệp nào phải bán nợ, họ sẽ tự làm lấy. 

Không có điều luật cấm hoạt động mua bán nợ, đây chính là một kẽ hở mà doanh nghiệp mua nợ lợi dụng để tiếp tục hành vi đòi nợ.

Để không vi phạm pháp luật, doanh nghiệp đối tác chỉ có cách là mua lại cả doanh nghiệp đang có khoản nợ, khi đó họ sẽ tự đòi khoản nợ của mình chứ không phải làm thuê cho người khác. Tuy nhiên sẽ chẳng có doanh nghiệp mua nợ nào (vốn là các công ty dịch vụ đòi nợ) có đủ năng lực, đội ngũ để quản lí một doanh nghiệp lĩnh vực khác. Thực tiễn một số vụ vi phạm được phát hiện gần đây cho thấy nhân lực của các doanh nghiệp này chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp, thậm chí có cả thành phần tiền án tiền sự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán nợ cũng chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh tài chính, cho vay tiêu dùng… Lãi suất cho vay cao cùng với những khoản phụ phí, phạt vi phạm hợp đồng “cắt cổ” nên không ít doanh nghiệp loại này cũng chẳng “thua kém” tín dụng đen! Hiện cơ quan công an đang điều tra hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh tài chính F88 có dấu hiệu “liên thông” với hoạt động đòi nợ thuê.

Để có thể chấm dứt gốc rễ nạn đòi nợ kiểu xã hội đen và các doanh nghiệp đòi nợ biến tướng cần có quy định pháp luật theo hướng cấm hoạt động mua bán nợ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/3/2023

 

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Căn hộ chung cư biến thành đồ thuê mượn?

 

 Tài sản và đồ thuê 

Tài sản cá nhân và đồ thuê mượn là hai thứ hoàn toàn khác nhau, thứ sở hữu vĩnh viễn, thứ sử dụng có thời hạn. Ta có thể thuê chiếc xe đạp đi trong vài giờ mất vài chục nghìn trong khi sở hữu chiếc xe cần 7-8 triệu đồng. Thuê một căn hộ hàng tỉ đồng để ở cũng chỉ cần mấy triệu mỗi tháng.

Câu chuyện quy định thời hạn sử dụng căn hộ chung cư được cơ quan tham mưu từng gây xôn xao dư luận trước đây. Vừa qua Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án quy định thời hạn sử dụng căn hộ chung cư lại đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.


Hiện nay theo quy định pháp luật, chung cư cũng là một tài sản. Theo Điều 105 và 107 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản trong đó tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;… Như vậy, căn hộ chung cư không thể coi như một mặt hàng cho thuê, việc quy định thời hạn sử dụng sẽ trái với một số luật chuyên ngành khác

Hiện giá một căn hộ chung cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng, tương đương thu nhập mấy chục năm của một người có thu nhập khá. Tâm lí của người Á Đông, nhất là người Việt luôn coi căn nhà gắn với mảnh đất là tài sản vĩnh cửu có thể trao chuyền cho các đời con cháu. Sẽ chẳng ai bỏ số tiền lớn tích cóp hàng chục năm ra thuê căn hộ để rồi hết thời hạn sẽ không còn quyền lợi trọn vẹn. Vẫn biết chủ căn hộ chung cư có thể vẫn có quyền với một phần nhỏ diện tích đất chung cư, song quyền đó sẽ rất nhỏ và mơ hồ trong thì tương lai.

Nếu phương án chung cư sở hữu có thời hạn được đưa vào thành luật, tin rằng thị trường bất động sản sẽ có biến động không nhỏ. Nhiều khả năng sẽ diễn ra các tình huống: Giá căn hộ chung cư giảm, giá đất nền tăng, doanh nghiệp bất động sản sẽ không mặn mà với mảng chung cư khi lợi nhuận giảm.

Được biết lí do chính dẫn tới đề xuất căn hộ chung cư có thời hạn là bởi thực trạng chung cư cũ nát khó thu hồi để đầu tư cải tạo, xây mới. Giải pháp này sẽ là một công cụ giúp cơ quan quản lí có quyền lớn với một thứ tài sản cá nhân trong khi quyền tài sản của công dân lại bị ảnh hưởng.

Liệu có một giải pháp khác công bằng và hiệu quả hơn, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa có thể quản lí tốt các công trình dân sinh tại đô thị?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 3/2023

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Mong không theo vết xe của dẹp vỉa hè

 

Sim rác trong kho

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu đến ngày 31/3, tất cả các thuê bao di động đều phải có thông tin trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam hiện có hơn 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel, MobiFone. Mỗi nhà mạng này đều cho biết, họ còn hơn một triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin.

Những con số trên cho thấy, để hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin cần một khối lượng công việc không nhỏ của cả người dân và doanh nghiệp. Chỉ đơn cử một ví dụ, hầu hết các thuê bao cách đây vài ba năm về trước đều dùng số chứng minh thư nhân dân, nay hầu như mọi người đã chuyển sang sử dụng căn cước công dân. Dù đợt này chưa bắt buộc điều chỉnh thông tin này song đã gọi là “chuẩn hóa” thì sớm muộn cũng phải chỉnh sửa.


Đúng là khi được chuẩn hóa, mỗi số điện thoại đều đại diện cho một cá nhân cụ thể, chính xác, rõ ràng. Mọi “hoạt động” của sim sẽ gắn liền với người chủ sở hữu nó. Tuy nhiên, thực tế có “đẹp như mơ” và giải pháp này có sớm dẹp được sim rác? Và khái niệm sim rác là thế nào? Hiện nay ta có thể ra các đại lí bán sim thẻ mua cùng lúc cả tá sim đã được kích hoạt sẵn. Tất nhiên sim không thể kích hoạt nếu thiếu những thông tin cần thiết trong đó. Vậy những đại lí bán sim có thể và có phải mang những chiếc sim này đi “chuẩn hóa” được không! Tin chắc chẳng đại lí nào lại “dại dột” mang những thứ “hàng lậu” này đi “đăng kiểm”.

Ai cũng biết, mỗi chiếc sim được bán ra ngoài đại lí bán sim hưởng phần lợi nhuận cố định nhỏ nhoi thì doanh nghiệp phát hành sim mới chính là “ông chủ” hưởng lợi chính, cả sau khi sim đi vào hoạt động, phát sinh cước phí.

Muốn loại trừ sim rác, trước tiên các nhà mạng cần hi sinh phần lợi ích, thu hồi và hủy toàn bộ các sim đã kích hoạt trong “kho”, coi đây chính là “rác chưa xuất xưởng” và quản lí chặt chẽ, nghiêm túc việc kích hoạt, bán sim mới. Có như vậy, việc chuẩn hóa thông tin đợt này mới có ý nghĩa và hiệu quả thực sự.

Sim rác đã từng được nhắc đi nhắc lại như một vấn nạn và cũng đã có những quyết tâm của cơ quan quản lí được khẳng định, được triển khai. Tuy nhiên, rất dễ những “quyết tâm” đã và đang thực hiện sẽ lại đi theo “vết xe” của việc dẹp trật tự vỉa hè tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua. Sim rác hay vỉa hè, khi nó còn mang lại chút lợi lộc cho một số “thành tố” trong cuộc thì “cuộc chiến” loại trừ nó sẽ chẳng dễ dàng

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  23/3/2023