Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Đòi nợ thuê biến tướng

 

 Kẽ hở trong cấm đòi nợ thuê

Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư 2020  (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/012021).

Theo luật này, ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được  bổ sung vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (tại Khoản 1 của Điều 6). Như vậy, từ nay hoạt động đòi nợ thuê bị “đóng cửa”, cá nhân, tổ chức nếu còn duy trì dịch vụ này là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc mua bán nợ lại chưa có điều luật nào cấm đoán, chính vì vậy các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đòi nợ đã nhanh chóng thích nghi với cái tên được thay đổi thành “doanh nghiệp mua bán nợ” chứ không phải là đòi nợ thuê.


Theo lẽ thông thường, doanh nghiệp mua nợ với giá thấp hơn khoản nợ để khi con nợ trả đầy đủ sẽ được hưởng phần giá trị chênh lệch đó. Doanh nghiệp có khoản nợ đã bất đắc dĩ phải bán đi có nghĩa đó là khoản nợ khó đòi, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Nếu không, chẳng ai dại gì bán nợ để chịu lỗ.

Để có thể thu được khoản nợ và hưởng lợi thì chủ nợ mới có một số cách: Đàm phán, dựa vào lí lẽ và áp lực từ quy định của pháp luật để con nợ nhận thức được vấn đề và trả nợ; khởi kiện ra tòa xét xử để con nợ phải trả nợ theo quy định của pháp luật. Xét về bản chất khi một doanh nghiệp mua một khoản nợ của doanh nghiệp khác để về đàm phán hoặc kiện ra tòa thì cũng chính là một dịch vụ đòi nợ thuê mà thôi. Nếu việc đàm phán hay ra tòa là dễ dàng thì cũng chẳng doanh nghiệp nào phải bán nợ, họ sẽ tự làm lấy. 

Không có điều luật cấm hoạt động mua bán nợ, đây chính là một kẽ hở mà doanh nghiệp mua nợ lợi dụng để tiếp tục hành vi đòi nợ.

Để không vi phạm pháp luật, doanh nghiệp đối tác chỉ có cách là mua lại cả doanh nghiệp đang có khoản nợ, khi đó họ sẽ tự đòi khoản nợ của mình chứ không phải làm thuê cho người khác. Tuy nhiên sẽ chẳng có doanh nghiệp mua nợ nào (vốn là các công ty dịch vụ đòi nợ) có đủ năng lực, đội ngũ để quản lí một doanh nghiệp lĩnh vực khác. Thực tiễn một số vụ vi phạm được phát hiện gần đây cho thấy nhân lực của các doanh nghiệp này chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp, thậm chí có cả thành phần tiền án tiền sự. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán nợ cũng chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh tài chính, cho vay tiêu dùng… Lãi suất cho vay cao cùng với những khoản phụ phí, phạt vi phạm hợp đồng “cắt cổ” nên không ít doanh nghiệp loại này cũng chẳng “thua kém” tín dụng đen! Hiện cơ quan công an đang điều tra hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh tài chính F88 có dấu hiệu “liên thông” với hoạt động đòi nợ thuê.

Để có thể chấm dứt gốc rễ nạn đòi nợ kiểu xã hội đen và các doanh nghiệp đòi nợ biến tướng cần có quy định pháp luật theo hướng cấm hoạt động mua bán nợ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/3/2023

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét