Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

Bảo hiểm đang lừa gạt khách hàng?

 

 Miếng mồi giữa khu rừng

Khu rừng nọ nghe nói có những mỏ vàng, bạc, nếu ai kiên trì bỏ công sức có thể mang về những món hời lớn. Tuy nhiên, để được vào khu rừng tìm kiếm vận may người ta phải đều đặn đóng những khoản tiền không nhỏ. Khu rừng đó mang tên Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ.

Những ngày qua dư luận đang nóng câu chuyện hai nghệ sĩ nổi tiếng bị mất tiền vì tham gia bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư với hi vọng vừa bảo hiểm vừa sinh lời từ nguồn vốn của mình.


Mua bảo hiểm nhân thọ là để bảo vệ sự an toàn về tài chính cho bản thân, con cái hoặc gia đình trước những rủi ro bất ngờ. Khác với tờ bảo hiểm tai nạn 20.000đ bán bên đường mà người mua chỉ dùng để tránh bị phạt vi phạm giao thông, bảo hiểm nhân thọ cần đóng một khoản tiền không nhỏ đều đặn, kéo dài nhiều chục năm trời. Sự sai lầm của đa số người mua loại bảo hiểm này khi nghĩ đây cũng như một kênh tiết kiệm như gửi tiền vào ngân hàng. Và khi bảo hiểm lại mở thêm kênh kết hợp đầu tư, nhờ ngân hàng bán giúp thì nó càng tăng thêm “giá trị” của sự sai lầm. Cách đây hơn hai chục năm tôi từng được anh bạn cũ đến mời mua bảo hiểm nhân thọ của một hãng lớn, sau khi xem vài trang trong tập tài liệu hợp đồng dày mấy chục trang chữ in nhỏ li ti và cũng do không có khả năng tài chính nên tôi từ chối. Biết anh bạn giận dỗi nhưng tôi đã vượt qua sự cả nể, đành “mất lòng trước, được lòng sau”.

Vì sao các hãng bảo hiểm luôn đưa ra những bản hợp đồng dày cộp, rối rắm nhiều khái niệm ngôn từ? Nếu bản hợp đồng chỉ gọn trong ba bốn trang nêu rõ các nghĩa vụ, quyền lợi, điều kiện cần và đủ của hai bên thì tin rằng không có những chuyện “dở khóc dở cười” như vừa qua. Với bản hợp đồng dài hàng trăm trang nhưng lại được nhân viên tư vấn chỉ xoáy vào một số quyền lợi hấp dẫn của người mua, bỏ qua vô vàn điều kiện cần và đủ rất khắt khe cốt để bán được sản phẩm, về bản chất không khác mấy sự lường gạt. Các vụ việc đang được tranh luận, nhiều ý kiến cho rằng lỗi do nhân viên tư vấn không đầy đủ, do người mua bảo hiểm không nghiên cứu kĩ hợp đồng… Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất chính là các hãng bảo hiểm. Nhân viên tư vấn được hãng bảo hiểm đào tạo, hợp đồng bảo hiểm do họ soạn ra đều đang có vấn đề nên đã xảy ra những chuyện “hiểu lầm”. Trị giá những hiểu lầm đều tới hàng trăm triệu đồng, tất nhiên phần thiệt hại luôn thuộc về khách hàng! Đây không phải là vấn đề kĩ thuật của bản hợp đồng, nó chính là đạo đức kinh doanh!

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN về bảo hiểm nhân thọ, đồng thời ban hành quy định mẫu hợp đồng chung cho loại bảo hiểm này, không để doanh nghiệp tự ý thiết kế những bản hợp đồng tựa “mê cung” chỉ cốt nhằm “loại trừ” quyền lợi của khách hàng!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  18/4/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét