Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Bệnh thành tích trong giáo dục

 

Tỉ lệ… khoác lác!

Tỉ lệ về chất lượng thông thường rất khó đạt tới 100%. Đến như vàng là loại vật chất tinh chất nhất cũng chỉ đạt 99,99. Vậy nhưng có những tỉ lệ chất lượng trong ngành giáo dục của ta thường lại rất cao, chẳng kém mấy so với vàng ròng. Một thời gian dài ta được chứng kiến tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trên 90%, thậm chí một số trường gần cán ngưỡng 100%!

Tỉ lệ tốt nghiệp cao đã đành song vừa qua một số trường đại học khảo sát đưa ra con số khiến dư luận ngỡ ngàng: Sinh viên tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm!? Tỉ lệ này có lẽ khiến các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới cũng phải “bái phục”!

Dẫn đầu top trường tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao là Trường đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh với 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm. Tiếp đó là các trường đại học: Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh; Hoa Sen tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm các khối ngành đều trên 94 đến 100%.


Thí sinh mừng vui khi đạt kết quả thi tốt nghiệp  

Những con số “trong mơ” của các trường được công bố đã khiến dư luận nghi ngờ và cho rằng rất có thể đó là những số ảo bởi đó là khảo sát độc lập của từng trường trong một lượng ít ỏi sinh viên và không có sự giám sát, kiểm chứng của bên thứ hai hoặc cơ quan quản lí. Có người cho rằng nếu thống kê cả số sinh viên ra trường đi chạy xe ôm công nghệ, phục vụ tại quán ăn, nhà hàng hay đầu quân làm công nhân thì cũng khó đạt được con số 100%! Tất nhiên đã gọi là sinh viên có bằng đại học lại đi chạy xe ôm, làm công nhân phổ thông thì không thể coi là có việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo.

Vậy những trường đại học đưa ra con số “đẹp đến nghi ngờ” như thế để làm gì?

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022), có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6. Theo thông tư quy định thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng đạt dưới 80%.

Đây chỉnh là câu trả lời cho nguyên nhân bỗng dưng sinh viên đại học ra trường lại “đắt giá” đến thế trên thị trường lao động.

Thiết nghĩ khi Bộ đã ban hành thông tư nhằm siết chặt quản lí tuyển sinh thì cũng cần có những giải pháp và chế tài giám sát chặt chẽ những con số báo cáo, loại trừ những số liệu “khoác lác”. Nếu không làm được điều đó chẳng khác nào thông tư vừa ban hành đã bị “vô hiệu”!

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét