Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Ôi...ai eo

 

 “Ai eo”… ôi lãng phí!  

IELTS - viết tắt cụm từ tiếng anh International English Language Testing System, khi phát âm tiếng Việt nghe tựa câu “ai eo” (được hiểu là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế với 4 kĩ năng nghe, nói, đọc và viết).

Tuy chỉ là hệ thống kiểm tra của một ngoại ngữ song trong nền giáo dục phổ thông của ta hiện IELTS lại đang như “lên ngôi vương”, nó có thể thay thế các môn rất quan trọng của khoa học tự nhiên và xã hội như văn, toán. Khi tuyển sinh đầu cấp thông thường các môn như văn, toán, lí, hóa, sử, sinh… được lấy làm căn cứ tuyển chọn. Vậy nhưng một số trường thì IELTS có thể thay thế tất cả. Ví như một trường trung học cơ sở tại thành phố Vinh (Nghệ An) có hàng chục học sinh vừa học hết lớp 5 được tuyển thẳng vào lớp 6 vì sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quy đổi theo IELTS từ 5.0-5.5 trở lên. Tại các thành phố lớn ngày càng nhiều cơ sở giáo dục coi trọng sử dụng chứng chỉ IELTS, coi đây là “giấy thông hành” để xét tuyển đầu cấp tiểu học, trung học cơ sở hoặc tính điểm 10 môn xét tuyển. Trong khi đó xét tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08 /2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ cần IELTS 5.0 trở lên!


Sự lên ngôi của một loại chứng chỉ tiếng Anh khiến không ít gia đình phụ huynh học sinh đầu tư để có IELTS với chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng ôn luyện cho con em từ nhỏ. Nhiều khóa luyện thi được các trung tâm tiếng Anh mở ra dành cho cả trẻ mẫu giáo, tiểu học… Cứ đà này có thể nhiều trẻ em Việt đạt chuẩn IELTS trong khi chưa sõi tiếng mẹ đẻ!

Tiếng Anh và một số ngôn ngữ được thế giới sử dụng phổ thông suy cho cùng cũng chỉ là công cụ, phương tiện truyền tải, tiếp nhận thông tin, tri thức. Nếu coi một ngoại ngữ là mục tiêu có lẽ cũng chỉ với những sinh viên muốn trở thành phiên dịch, biên dịch hay giáo viên tiếng Anh.

Chỉ là tiêu chí tuyển sinh của nhà trường song nó chắc chắn tác động tới xu hướng đầu tư học tập cho học sinh, gây lãng phí và tốn kém cho xã hội. Một học sinh trung học cơ sở hay tiểu học muốn đạt chứng chỉ IELTS cao sẽ tốn không ít thời gian, công sức. Do đó thời gian, công sức dành cho các môn nền tảng đương nhiên sẽ ít đi trong khi lẽ ra nó phải được tập trung đầu tư nhiều nhất.

Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí xét tuyển thẳng vào đại học và trung học phổ thông đang ngày càng được nhiều trường thực hiện đã góp phần dẫn đến thực trạng chạy đua luyện thi IELTS hiện nay.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp chấn chỉnh thực trạng này bởi mục tiêu của nền giáo dục là phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chứ đâu chỉ đơn thuần là một loại ngoại ngữ?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/6/2023

Chuyện số nhà

 

  Số nhà nơi làng quê

Cách đây chừng hơn 20 năm làng tôi đã được gắn số nhà cho từng gia đình. Tuy nhiên có lẽ việc làm này “đi trước thời đại” nên những biển số nhà dần bị lãng quên. Trong làng việc nhà ông A ở đầu làng, nhà ông B ở giữa làng hay bà C cuối làng thì từ trẻ con đến cụ già ai cũng biết rõ như lòng bàn tay, chẳng cần xem số. Cần nhất là với anh bưu tá thì cũng là người trong làng, trong xã, chẳng lạ lẫm ngõ ngách nào trong làng xã, chỉ cần xem họ tên trên thư từ, bưu phẩm là biết ngay của nhà ai, con ông bà nào, ở ngõ xóm nào. Và thế rồi những biển số nhà cũng vắng dần, đến nay tuyệt nhiên không còn thấy nhà nào còn gắn biển số nữa.

Chuyện nhà không số, phố không tên, số nhà lộn xộn tại đô thị đã gây không ít khó khăn rắc rối cho người dân thường được báo chí nhắc đến. Nay thì chuyện nhà không số, ngõ không tên nơi làng quê cũng đã bắt đầu có chuyện.

Vừa rồi về quê tôi nghe được câu chuyện công an triệu tập nhầm đương sự. Trong làng có hai thanh niên mang tên Nguyễn Văn A, tầm tuổi như nhau, một trong hai người này vi phạm hành chính bị công an huyện triệu tập. Tuy cùng họ tên nhưng bản tính hai anh này trái ngược, người thì ngoan ngoãn, học hành giỏi dang, kẻ lại ngỗ ngược ngang tàng, nhiều lần vi phạm pháp luật. Thế nhưng khi đưa công văn, người chuyển thư tín lại mang giấy triệu tập của cơ quan công an phát cho anh A ngoan ngoãn giỏi dang kia khiến cả nhà một phen bàng hoàng, xáo động…

Nay nhiều làng quê dân số tăng nhanh, đất ở hẹp dần do nhà cửa ken dày chẳng khác gì đô thị nên người nơi khác đến, nhất là mấy anh shiper giao hàng tìm được gia chủ bao giờ cũng mất một hồi quanh đi, vòng lại hỏi thăm. Những hôm trời nắng nóng nhà nào cũng cửa đóng then cài thì việc hỏi đường tìm nhà không hề dễ dàng.


Người dân ở Bình Dương tự gắn số nhà mình

Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngoài ra còn nhiều lĩnh khác như cũng rất quan trọng như nhân lực số, kĩ năng số, công dân số, văn hoá số, doanh nghiệp số, thanh toán số… Thế nhưng một việc nhỏ là gắn số nhà cho mỗi chủ hộ nơi làng quê lại chưa thấy nhiều người quan tâm dù nó rất thiết thực trong đời sống hiện nay.

Chuyển đổi số cũng cần đi từ những việc nhỏ như việc gắn số nhà nơi làng quê./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  10/6/2023

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2023

Bệnh thành tích trong giáo dục

 

Tỉ lệ… khoác lác!

Tỉ lệ về chất lượng thông thường rất khó đạt tới 100%. Đến như vàng là loại vật chất tinh chất nhất cũng chỉ đạt 99,99. Vậy nhưng có những tỉ lệ chất lượng trong ngành giáo dục của ta thường lại rất cao, chẳng kém mấy so với vàng ròng. Một thời gian dài ta được chứng kiến tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trên 90%, thậm chí một số trường gần cán ngưỡng 100%!

Tỉ lệ tốt nghiệp cao đã đành song vừa qua một số trường đại học khảo sát đưa ra con số khiến dư luận ngỡ ngàng: Sinh viên tốt nghiệp ra trường 100% có việc làm!? Tỉ lệ này có lẽ khiến các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới cũng phải “bái phục”!

Dẫn đầu top trường tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao là Trường đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh với 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm. Tiếp đó là các trường đại học: Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh; Hoa Sen tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (năm 2021) có việc làm các khối ngành đều trên 94 đến 100%.


Thí sinh mừng vui khi đạt kết quả thi tốt nghiệp  

Những con số “trong mơ” của các trường được công bố đã khiến dư luận nghi ngờ và cho rằng rất có thể đó là những số ảo bởi đó là khảo sát độc lập của từng trường trong một lượng ít ỏi sinh viên và không có sự giám sát, kiểm chứng của bên thứ hai hoặc cơ quan quản lí. Có người cho rằng nếu thống kê cả số sinh viên ra trường đi chạy xe ôm công nghệ, phục vụ tại quán ăn, nhà hàng hay đầu quân làm công nhân thì cũng khó đạt được con số 100%! Tất nhiên đã gọi là sinh viên có bằng đại học lại đi chạy xe ôm, làm công nhân phổ thông thì không thể coi là có việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo.

Vậy những trường đại học đưa ra con số “đẹp đến nghi ngờ” như thế để làm gì?

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022), có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6. Theo thông tư quy định thì chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng đạt dưới 80%.

Đây chỉnh là câu trả lời cho nguyên nhân bỗng dưng sinh viên đại học ra trường lại “đắt giá” đến thế trên thị trường lao động.

Thiết nghĩ khi Bộ đã ban hành thông tư nhằm siết chặt quản lí tuyển sinh thì cũng cần có những giải pháp và chế tài giám sát chặt chẽ những con số báo cáo, loại trừ những số liệu “khoác lác”. Nếu không làm được điều đó chẳng khác nào thông tư vừa ban hành đã bị “vô hiệu”!

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6/2023