Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

                 
   Hạt vàng
Cánh đồng thẳng cánh cò bay
Ngàn đời xưa, với đất này cha ông
Tảo tần sương nắng nhà nông
Hạt vàng tạo bởi vun trồng tháng năm.
Hạt làm nên những áng văn
Hạt xây nên những lâu thành nguy nga
Trắng ngần thôn nữ-làn da
Nam thanh vuông vức xông pha chiến trường.
Hạt vàng sao đỗi thân thương
Ngày nay hạt gạo lên đường xuất du
Mang theo câu hát, lời ru
Bốn phương gạo nở trắng từ đất quê.
                       Đinh Hoàng

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Cuộc đấu Trí tuệ - Ý chí

Dư luận gần đây đặc biệt quan tâm về sự tranh luận gay gắt, đối lập tại Quốc hội xung quanh Dự Luật Biểu tình.
Nghe những ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc ai cũng phải thừa nhận đó là những ý kiến đầy chất trí tuệ, khoa học và thực tiễn. Những kiến giải theo phép duy vật lịch sử cùng những dẫn chứng lịch sử Việt Nam cận đại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đưa ra khó ai có thể bác bỏ. Người dân bình thường cũng nhận ra điều đó. Cử tri cả nước luôn mong muốn Diễn đàn Quốc hội có thật nhiều “Dương Trung Quốc” như vậy. Bởi lẽ điều đó sẽ mang đến một Quốc hội đầy chất trí tuệ, sáng suốt, một Quốc hội thực sự là quyền lực của nhân dân, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân, đưa ra những quyết sách trên nền tảng khoa học, trí tuệ và thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên, diễn đàn Quốc hội đôi khi còn có những ý kiến biện minh, những quan điểm mang động cơ lợi ích cục bộ, phiến diện, thậm chí động cơ lợi ích nhóm khá lộ liễu. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến đầy nhiệt huyết, “sôi sục” nhưng chỉ dựa trên cảm tính, ý chí cá nhân, không có chút khoa bọc, trí tuệ nào và cũng chẳng dựa trên nền tảng thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người dân sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu ai đó quy kết biểu tình là “chống lại Nhà nước”. Tiếc thay, đó lại là ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội-Một người được cử tri tín nhiệm bầu nên. Tất nhiên, vị “Nghị sỹ” này chẳng thể đưa ra được những luận giải khả dĩ để thuyết phục mọi người, ngay cả ai đã từng quý mến ông ta.

Chúng ta đều biết, nền kinh tế nước ta nay đã hòa nhập thực sự vào guồng máy kinh tế toàn cầu. Thể chế chính trị giữa các quốc gia cũng có sự giao thoa, tác động tương hỗ ngày càng lớn và trực diện hơn. Những doanh nghiệp FDI của nhiều quốc gia (phần nhiều là của các nước Tư bản chủ nghĩa) chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế. Muốn hay không, hệ thống Luật pháp của ta cũng phải hoàn thiện nhanh chóng để đủ khả năng điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích người dân. Ai đó chống lại Luật Biểu tình tôi tin chắc chắn họ sẽ được các doanh nghiệp FDI vinh danh trước tiên. Lúc đó không hiểu cái gì, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong lúc các tổ chức Công đoàn doanh nghiệp còn đang nằm dưới cái ô của doanh nghiệp, ăn lương của chính doanh nghiệp! Mức lương của người công nhân Việt Nam hiện nay còn chưa đủ nuôi cuộc sống của bản thân họ, lương thực tế không ngừng giảm, đối lập với xu thế lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng tăng! Mong Quốc hội nhận rõ điều này để có những công cụ sắc bén điều hành nền kinh tế, bảo vệ nhân dân-Người đã hy sinh xương máu trong bao cuộc kháng chiến để dựng xây nên thể chế Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
                                                                   Đinh Hoàng

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

 “Ối làng nước ơi, cứu tôi với!”

Bạn thử tưởng tượng một cách ngộ ngĩnh: đó là tiếng kêu cứu của “ông lớn” độc quyền EVN! Với khoản nợ lên đến 31.565 tỉ đồng thì đúng là quá hoảng hốt, kêu cứu cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng mà vì sao nên nỗi? Còn nhớ vài ba năm trước, khi giá điện chưa tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp này từng kêu ra rả rằng thiếu vốn đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên cuối năm đó lại định lập quỹ thưởng lên đến hàng ngàn tỉ đồng! Số tiền chưa kịp “chia chác”, báo chí phát hiện, lên tiếng nên kế hoạch trích thưởng không thể thực hiện được. Vậy mà nay mới tăng giá điện, tại sao bỗng dưng lại lỗ với con số “khủng” như vậy?
Theo Báo Lao động, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện giá bán điện; công bố công khai khung giá mua bán điện; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện, đồng thời đánh giá các khoản đầu tư của EVN vào các lĩnh vực ngoài ngành.


Hàng nghìn tỉ đồng chưa phân bổ vào giá điện
Hiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đáng báo động. Các khoản nợ đến nay đã lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng EVN thì không có nguồn nào trả nợ trừ việc phân bổ vào giá điện, tức là nhờ các doanh nghiệp  khác và người dân chi thêm từ túi tiền ít ỏi hàng tháng của họ. Mới đây, các chủ nợ của EVN là Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn CN Than - Khoáng sản (TKV) đã lên tiếng vì khoản chiếm dụng vốn quá lớn mà chưa nhìn thấy nguồn trả này. Đại diện PVN cho rằng, nếu EVN không trả khoản nợ đã lên tới gần 10.000 tỉ đồng cho các đơn vị thuộc PVN thì sẽ dẫn đến hiệu ứng “chiếm dụng vốn dây chuyền”.
Nguyên nhân chính: “Lụt” đầu tư ngoài ngành
Theo làn sóng đầu tư ngoài ngành, vào những năm 2006 - 2007, khi thị trường chứng khoán lên như “diều gặp gió”, EVN đã ào ạt đầu tư ra ngoài ngành. Tổng cộng đã có hơn 2.100 tỉ đồng được EVN “nướng” vào các lĩnh vực đầy rủi ro là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông..., có nghĩa là cứ thấy ngành nào kinh doanh có vẻ “béo bở” là EVN sẵn sàng đầu tư. Đến nay, nhiều lĩnh vực đầu tư đã dẫn đến “quả đắng”. Ông cha ta đã  có câu “nhất nghệ  tinh…”. Làm sao EVN lại tinh thông được trong các lĩnh vực “tay trái”? EVN đã từng góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần chứng khoán Hà Thành, đến nay Cty này đã gần như ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông lặn mất tăm; đầu tư vào các Công ty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang... đều chưa thấy có hướng ra. Thương vụ mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của NHTMCP An Bình (ABBank) được xem là có lời hơn cả, theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đang quyết tâm tìm đối tác để bán cổ phần tại đây, nhưng với thị trường ảm đạm về thanh khoản, EVN vẫn chưa tìm được đối tác khả thi.
Thua lỗ nhất là lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần (trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng). Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Hiện mức thua lỗ của EVN Telecom đã dẫn tới gần như không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư. Tương lai cuả chiếc điện thoại EVN Telecom đã được người dân miền núi vứt ra vườn, làm đồ chơi cho trẻ em!
Vấn đề đặt ra là trong khi cần tập trung nguồn vốn lên đến hàng tỉ USD để đầu tư nguồn và lưới điện, thì EVN lại dễ dàng để thua lỗ khi kinh doanh ngoài ngành. Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc phải công khai, minh bạch hóa quản lý các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước, đặc biệt những ngành còn độc quyền, sản phẩm chi phối đầu ra của nhiều ngành kinh tế, thì càng cần thận trọng trong quyết định liên quan đến số đông.
Chỉ mới cách đây hơn một năm, Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ VINASHIN đã suýt phá sản vì nợ nần nếu không có sự cứu nguy của Nhà nước. Vụ việc đến nay vẫn còn đang phải giải quyết.
Với cung cách làm ăn như trên, nếu Nhà nước không có giải pháp mạnh, khẩn trương cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, chấn chỉnh lại bộ máy các “ông lớn” độc quyền thì sớm muôn người dân lại phải giật thót vì những tiếng kêu mới: “Ối làng nước ơi, cứu tôi với”!
                                                         Đinh Hoàng


Ngẫm và than

Những tấc vàng đang … mọc rêu








Sao ai nỡ để nhà hoang
Để cho tấc đất, tấc vàng … mọc rêu?
Bao người mong có túp lều
Che mưa đông, chắn nắng thiêu giữa hè.
Đinh Hoàng