Cuộc đấu Trí tuệ - Ý chí
Dư luận gần đây đặc biệt quan tâm về sự tranh luận gay gắt, đối lập tại Quốc hội xung quanh Dự Luật Biểu tình.
Nghe những ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc ai cũng phải thừa nhận đó là những ý kiến đầy chất trí tuệ, khoa học và thực tiễn. Những kiến giải theo phép duy vật lịch sử cùng những dẫn chứng lịch sử Việt Nam cận đại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông đưa ra khó ai có thể bác bỏ. Người dân bình thường cũng nhận ra điều đó. Cử tri cả nước luôn mong muốn Diễn đàn Quốc hội có thật nhiều “Dương Trung Quốc” như vậy. Bởi lẽ điều đó sẽ mang đến một Quốc hội đầy chất trí tuệ, sáng suốt, một Quốc hội thực sự là quyền lực của nhân dân, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân, đưa ra những quyết sách trên nền tảng khoa học, trí tuệ và thực tiễn Việt Nam .
Tuy nhiên, diễn đàn Quốc hội đôi khi còn có những ý kiến biện minh, những quan điểm mang động cơ lợi ích cục bộ, phiến diện, thậm chí động cơ lợi ích nhóm khá lộ liễu. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến đầy nhiệt huyết, “sôi sục” nhưng chỉ dựa trên cảm tính, ý chí cá nhân, không có chút khoa bọc, trí tuệ nào và cũng chẳng dựa trên nền tảng thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người dân sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu ai đó quy kết biểu tình là “chống lại Nhà nước”. Tiếc thay, đó lại là ý kiến của một vị đại biểu Quốc hội-Một người được cử tri tín nhiệm bầu nên. Tất nhiên, vị “Nghị sỹ” này chẳng thể đưa ra được những luận giải khả dĩ để thuyết phục mọi người, ngay cả ai đã từng quý mến ông ta.
Chúng ta đều biết, nền kinh tế nước ta nay đã hòa nhập thực sự vào guồng máy kinh tế toàn cầu. Thể chế chính trị giữa các quốc gia cũng có sự giao thoa, tác động tương hỗ ngày càng lớn và trực diện hơn. Những doanh nghiệp FDI của nhiều quốc gia (phần nhiều là của các nước Tư bản chủ nghĩa) chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế. Muốn hay không, hệ thống Luật pháp của ta cũng phải hoàn thiện nhanh chóng để đủ khả năng điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích người dân. Ai đó chống lại Luật Biểu tình tôi tin chắc chắn họ sẽ được các doanh nghiệp FDI vinh danh trước tiên. Lúc đó không hiểu cái gì, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong lúc các tổ chức Công đoàn doanh nghiệp còn đang nằm dưới cái ô của doanh nghiệp, ăn lương của chính doanh nghiệp! Mức lương của người công nhân Việt Nam hiện nay còn chưa đủ nuôi cuộc sống của bản thân họ, lương thực tế không ngừng giảm, đối lập với xu thế lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng tăng! Mong Quốc hội nhận rõ điều này để có những công cụ sắc bén điều hành nền kinh tế, bảo vệ nhân dân-Người đã hy sinh xương máu trong bao cuộc kháng chiến để dựng xây nên thể chế Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam .
Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét