Bạn thử tưởng tượng một cách ngộ ngĩnh: đó là tiếng kêu cứu của “ông lớn” độc quyền EVN! Với khoản nợ lên đến 31.565 tỉ đồng thì đúng là quá hoảng hốt, kêu cứu cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng mà vì sao nên nỗi? Còn nhớ vài ba năm trước, khi giá điện chưa tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp này từng kêu ra rả rằng thiếu vốn đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên cuối năm đó lại định lập quỹ thưởng lên đến hàng ngàn tỉ đồng! Số tiền chưa kịp “chia chác”, báo chí phát hiện, lên tiếng nên kế hoạch trích thưởng không thể thực hiện được. Vậy mà nay mới tăng giá điện, tại sao bỗng dưng lại lỗ với con số “khủng” như vậy?
Theo Báo Lao động, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện giá bán điện; công bố công khai khung giá mua bán điện; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện, đồng thời đánh giá các khoản đầu tư của EVN vào các lĩnh vực ngoài ngành.
Hàng nghìn tỉ đồng chưa phân bổ vào giá điện
Hiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đáng báo động. Các khoản nợ đến nay đã lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng EVN thì không có nguồn nào trả nợ trừ việc phân bổ vào giá điện, tức là nhờ các doanh nghiệp khác và người dân chi thêm từ túi tiền ít ỏi hàng tháng của họ. Mới đây, các chủ nợ của EVN là Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn CN Than - Khoáng sản (TKV) đã lên tiếng vì khoản chiếm dụng vốn quá lớn mà chưa nhìn thấy nguồn trả này. Đại diện PVN cho rằng, nếu EVN không trả khoản nợ đã lên tới gần 10.000 tỉ đồng cho các đơn vị thuộc PVN thì sẽ dẫn đến hiệu ứng “chiếm dụng vốn dây chuyền”.
Nguyên nhân chính: “Lụt” đầu tư ngoài ngành
Theo làn sóng đầu tư ngoài ngành, vào những năm 2006 - 2007, khi thị trường chứng khoán lên như “diều gặp gió”, EVN đã ào ạt đầu tư ra ngoài ngành. Tổng cộng đã có hơn 2.100 tỉ đồng được EVN “nướng” vào các lĩnh vực đầy rủi ro là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông..., có nghĩa là cứ thấy ngành nào kinh doanh có vẻ “béo bở” là EVN sẵn sàng đầu tư. Đến nay, nhiều lĩnh vực đầu tư đã dẫn đến “quả đắng”. Ông cha ta đã có câu “nhất nghệ tinh…”. Làm sao EVN lại tinh thông được trong các lĩnh vực “tay trái”? EVN đã từng góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần chứng khoán Hà Thành, đến nay Cty này đã gần như ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông lặn mất tăm; đầu tư vào các Công ty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang... đều chưa thấy có hướng ra. Thương vụ mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của NHTMCP An Bình (ABBank) được xem là có lời hơn cả, theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đang quyết tâm tìm đối tác để bán cổ phần tại đây, nhưng với thị trường ảm đạm về thanh khoản, EVN vẫn chưa tìm được đối tác khả thi.
Thua lỗ nhất là lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần (trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng). Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn 31%. Hiện mức thua lỗ của EVN Telecom đã dẫn tới gần như không có khả năng cân đối toàn bộ chi phí vận hành, chi phí đầu tư mạng lưới, các khoản vốn và lãi vay cho các dự án đầu tư. Tương lai cuả chiếc điện thoại EVN Telecom đã được người dân miền núi vứt ra vườn, làm đồ chơi cho trẻ em!
Vấn đề đặt ra là trong khi cần tập trung nguồn vốn lên đến hàng tỉ USD để đầu tư nguồn và lưới điện, thì EVN lại dễ dàng để thua lỗ khi kinh doanh ngoài ngành. Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc phải công khai, minh bạch hóa quản lý các tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước, đặc biệt những ngành còn độc quyền, sản phẩm chi phối đầu ra của nhiều ngành kinh tế, thì càng cần thận trọng trong quyết định liên quan đến số đông.
Chỉ mới cách đây hơn một năm, Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ VINASHIN đã suýt phá sản vì nợ nần nếu không có sự cứu nguy của Nhà nước. Vụ việc đến nay vẫn còn đang phải giải quyết.
Với cung cách làm ăn như trên, nếu Nhà nước không có giải pháp mạnh, khẩn trương cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, chấn chỉnh lại bộ máy các “ông lớn” độc quyền thì sớm muôn người dân lại phải giật thót vì những tiếng kêu mới: “Ối làng nước ơi, cứu tôi với”!
Đinh Hoàng
Tôi nghĩ rồi sẽ còn nhiều Ông DNNN nữa cần sự cứu giúp của người dân nếu Nhà nước không cải cách thực sự việc quản lý, điều hành.
Trả lờiXóa