Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Làm ở đâu
Thấy con bạn vừa tốt nghiệp đại học, bà Lan hỏi bà Huệ hàng xóm:
            - Con bà học giỏi vậy, thế đã xin việc làm ở đâu chưa?
            - Cháu nó đang nộp hồ sơ, nhưng mà nghe ra tham vọng lắm.
            - Là thế nào, cháu nó xin vào công ty nước ngoài à?
            - Không biết nước ngoài hay nước trong, nhưng chỗ làm quanh đâu khu Chùa Một Cột ấy.
            - À, thế thì chắc cháu nó xin vào làm việc ở cơ quan Trung ương nào đấy rồi. Quanh đấy toàn khu làm việc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thôi. Nhưng sao bà biết, cháu nó nói vậy à?
            - Không, là tôi đoán vậy thôi, vì trên bìa hồ sơ xin việc của nó tôi thấy có in hình Chùa Một Cột đẹp lắm!
            - !!!...

Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Số 0 và số 1
        
          Chuyến tàu chuẩn bị khởi hành, một người đàn ông bước vào 1 toa tàu, nhìn khắp lượt, khi thấy cả toa tàu toàn đàn bà, con gái anh ta nói như reo lên:
          - Ôi, các bà các cô thật là may mắn! Nếu không có tôi lên đây thì cả toa tàu nay thật vô nghĩa và rỗng tuếch.
          - Cô gái trẻ ngồi cạnh đó vẻ không hiểu, hỏi lại:
          - Sao anh lại nói như vậy?
          Người đàn ông giải thích:
          - Người xưa có câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa nôm na là người đàn ông là số 1, đàn bà chỉ là số 0. Nếu không có số 1 đứng đầu thì hàng đống số 0 đằng sau đều là bỏ đi. Càng nhiều số 0 đằng sau thì số 1 càng vĩ đại. Bao đời nay rồi đấy, ông vua nào mà chẳng có hàng trăm mỹ nữ, cung tần hầu hạ.
          Bỗng một bà trung niên to béo lừng lững bước tới vỗ vỗ vào vai người đàn ông nói:
- Này cậu, cái loại số 1 như cậu, tôi có thể đẻ ra hàng đàn!
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Nhà đẹp-rừng tàn
 Một ngôi nhà gỗ đang được làm cạnh đê Tả Lam, huyện Nam ĐànNghệ an

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Đốn gỗ rừng như cắt thịt da”
Hỡi ôi núi bạc, rừng già
Kiểm lâm còn phá, ắt là tàn hoang!

Kinh Bắc

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011



Vẩn đục khen-chê
Khen chê là chuyện bình thường của cuộc sống con người từ xưa đến nay. Khen đúng, chê đúng, khen sai, chê sai-đó là những tầm mức nói lên chuẩn mực đạo đức trong quan hệ ứng xử giữa người với người.
Người xưa có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Trong cuộc sống hầu như ai cũng mong muốn mình được nhận những lời khen từ người khác, cho dù điều đó có trái ngược với thực tế. Nhiều người có được mối quan hệ tốt vì biết cách “khen", “chê”. Thường những lời “chê”  hay nói đúng bản chất là lời phê bình thường là “nghịch nhĩ”, khó nghe và càng khó tiếp thu, nhất là với những người bản lĩnh chưa tốt, chưa sáng suốt trong nhìn nhận sự đời.
Lịch sử đã được biết tới các vị trung thần, hết lòng phò vua một cách ngay thẳng, trung thực như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đăng Doanh… và lịch sử cũng khảng định, những vị vua anh minh, sáng suốt chính là những người biết lắng nghe lời nói thật và đó là nền tảng cho sự trị vì vững bền.
Ngay nay, thật buồn khi những người ngay thẳng xuất hiện hình như ngày một ít đi, trong khi những lời nói “có cánh” làm đẹp lòng người đang thịnh hành trong xã hội và cả bộ máy công quyền. Cùng với lời nói đẹp là những cách khu xử bợ đỡ lộ liễu không ngần ngại. Đôi khi những người chứng kiến còn cảm thấy ngượng thay cho người được xu nịnh. Thông thường, người thích nghe lời xu nịnh cũng chính là người giỏi xu nịnh.
Ai cũng thừa hiểu động cơ của những lời khen chê: người khen đúng, chê đúng với cái tâm không gì khác là mong người được khen tiếp tục nỗ lực để trở nên tốt hơn, hy vọng lời phê bình của mình được nhìn nhận, tiếp thu để sửa chữa và tiến bộ.
Kẻ khen không đúng, chê thiên lệch chắc chắn có dã tâm không thành thực, khen cốt để lấy lòng người được khen nhằm mưu cầu điều gì đó không trong sáng. Đối tượng được khen thường là người có vai trò, vị trí quan trọng nào đó về chính trị, kinh tế song đôi khi kể cả với những người bình thường. Khi đã lấy được lòng rồi, họ sẽ biết cách tranh thủ sự cảm mến đó cho những mục tiêu cụ thể. Còn việc chê sai cũng là nhằm phá hoại thanh danh, uy tín của người có thể là đối lập với lợi ích riêng của họ.
Cái mà những kẻ cơ hội muốn có được từ những người họ đã bợ đỡ chắc chắn không phải là sự chính đáng, đúng với khả năng của họ. Đương nhiên những người giúp họ đạt được điều đó sẽ làm phương hại đến lợi ích chung và hại chính mình ở một phương diện nào đó, về vật chất hoặc tinh thần. Về vật chất, đó có thể là sự thiệt hại tới tiền của, tài sản… của công. Về tinh thần có thể là sự vi phạm nguyên tắc, quy định, thậm chí luật pháp, sự tổn hại về uy tín của cá nhân, tổ chức, thể chế…
Để có một bộ máy công quyền trong sạch, một môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển, thiết nghĩ ta cần đi từ những việc nhỏ như việc khen đúng, chê đúng.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Những lệch lạc cần chấn chỉnh

Gần đây, trên các trang mạng, báo điện tử xuất hiện nhiều việc tranh luận về một số tác phẩm văn học cổ của Việt Nam. Từ việc một tác giả đã cải biên cho cái kết của chuyện Tấm Cám, làm thay đổi bản chất câu chuyện, đến việc xuất bản cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” mà nhiều câu được “cải biên” từ những câu thành ngữ, tục ngữ hay của cha ông ngàn xưa để lại. Mới đây trên một tờ báo điện tử có uy tín lại cho đăng một bài thơ viết về nàng Vọng Phu. Kết thúc của bài thơ này tác giả tỏ rõ ý phê phán rằng nàng Vọng Phu có thể hóa đá chờ chồng, nhưng cớ sao lại bắt cả đứa con phải hóa đá theo, như vậy là độc ác, ích kỷ?!...
          Chúng ta biết rằng, kho tàng văn học cổ điển mọi thể loại, từ chuyện cổ tích đến ca dao, dân ca, thơ, phú, hò, vè… của dân tộc ta được cha ông ngàn đời xưa sáng tạo nên xuất phát từ cuộc sống lao động, đấu tranh với thiên tai, giặc giã, trải qua hàng ngàn năm thẩm định của thời gian đã trở thành những viên ngọc sáng cực kỳ quý giá. Tuy trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, rất nhiều di sản văn học quý của người Việt đã bị ngoại bang tiêu hủy nhằm mục tiêu đồng hóa về văn hóa song cha ông ta vẫn giữ lại được những viên ngọc quý để truyền đến ngày nay. Chúng ta luôn tự hào và có quyền tự hào về nền văn hiến 4000 năm lịch sử của dân tộc mình.
          Tuy nhiên, với cách nhìn nhận, hiểu về các tác phẩm văn học cổ thô thiển kiểu như trên, nó sẽ làm băng hoại, ô uế những di sản quý giá của dân tộc. Câu chuyện nàng Vọng Phu là một bài ca ca ngợi lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam đã bị xuyên tạc trắng trợn, quy cho người phụ nữ tính ích kỷ, tàn ác, “bắt con phải hóa đá cùng mình”. Cô tấm dịu hiền, độ lượng, tảo tần… biến thành một người có dã tâm độc ác vv và vv… Cứ theo đà này, đến một lúc nào đó, toàn bộ di sản văn học cổ của dân tộc Việt sẽ biến thành một đống rác cần vứt bỏ! Và rồi, những tác phẩm văn học sử, và cả lịch sử chính thống với những trang vàng rực rỡ của dân tộc cũng sẽ được đem ra cải biên, lật lại, xem xét lại?!
          Chúng ta hãy nhớ lại vào những năm 80 của thế kỷ trước tại Liên Xô cũ đã từng xảy ra một xu hướng đòi lật lại nhiều vấn đề thuộc lịch sử được đăng tải trên các phương tiên thông tin đại chúng. Khi mà đời sống kinh tế xã hội đang lúc khủng hoảng, khó khăn, người ta đã quy kết nó cho những sai lầm quá khứ. Người dân từ chỗ phân vân, không biết đâu là đúng sai, dần dần sinh hoài nghi vào những giá trị của cuộc cách mạng, giá trị của CNXH. Khi xã hội đã phân tâm, lòng người li tán cũng là lúc các thế lực cơ hội nhảy lên diễn đàn chính trị để thu phục lòng người. Đó là một tác nhân quan trọng cho sự sụp đổ của Liên bang CHXHCN Xô Viết, một bài học đắng cay của những người cộng sản thế giới.
          Việt Nam ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào dòng chảy thế giới trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị tới văn hóa xã hội. Quá trình đó sẽ tạo cơ hội để ta hấp thụ những tinh hoa của nhân loại, vận vào thực tiễn Việt Nam với sự sáng tạo mới từ trí thông minh, cần mẫn của người Việt, mang lại những giá trị mới. Tuy nhiên trong dòng chảy đó có cả những vẩn đục, ô nhiễm, độc hại, nếu thiếu sự sáng suốt, kiên định, nó sẽ là quá trình hòa tan! Lúc đó, bản sắc sẽ dần mờ nhạt, thay vào đó là những thứ hỗn mang vô hình hài, không sức sống!
          Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương vào cuộc để chấn chỉnh những lệch lạc như trên, tránh để chúng phát triển thành một khuynh hướng nguy hiểm.
                                          Đinh Hoàng