Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Những lệch lạc cần chấn chỉnh

Gần đây, trên các trang mạng, báo điện tử xuất hiện nhiều việc tranh luận về một số tác phẩm văn học cổ của Việt Nam. Từ việc một tác giả đã cải biên cho cái kết của chuyện Tấm Cám, làm thay đổi bản chất câu chuyện, đến việc xuất bản cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” mà nhiều câu được “cải biên” từ những câu thành ngữ, tục ngữ hay của cha ông ngàn xưa để lại. Mới đây trên một tờ báo điện tử có uy tín lại cho đăng một bài thơ viết về nàng Vọng Phu. Kết thúc của bài thơ này tác giả tỏ rõ ý phê phán rằng nàng Vọng Phu có thể hóa đá chờ chồng, nhưng cớ sao lại bắt cả đứa con phải hóa đá theo, như vậy là độc ác, ích kỷ?!...
          Chúng ta biết rằng, kho tàng văn học cổ điển mọi thể loại, từ chuyện cổ tích đến ca dao, dân ca, thơ, phú, hò, vè… của dân tộc ta được cha ông ngàn đời xưa sáng tạo nên xuất phát từ cuộc sống lao động, đấu tranh với thiên tai, giặc giã, trải qua hàng ngàn năm thẩm định của thời gian đã trở thành những viên ngọc sáng cực kỳ quý giá. Tuy trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, rất nhiều di sản văn học quý của người Việt đã bị ngoại bang tiêu hủy nhằm mục tiêu đồng hóa về văn hóa song cha ông ta vẫn giữ lại được những viên ngọc quý để truyền đến ngày nay. Chúng ta luôn tự hào và có quyền tự hào về nền văn hiến 4000 năm lịch sử của dân tộc mình.
          Tuy nhiên, với cách nhìn nhận, hiểu về các tác phẩm văn học cổ thô thiển kiểu như trên, nó sẽ làm băng hoại, ô uế những di sản quý giá của dân tộc. Câu chuyện nàng Vọng Phu là một bài ca ca ngợi lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam đã bị xuyên tạc trắng trợn, quy cho người phụ nữ tính ích kỷ, tàn ác, “bắt con phải hóa đá cùng mình”. Cô tấm dịu hiền, độ lượng, tảo tần… biến thành một người có dã tâm độc ác vv và vv… Cứ theo đà này, đến một lúc nào đó, toàn bộ di sản văn học cổ của dân tộc Việt sẽ biến thành một đống rác cần vứt bỏ! Và rồi, những tác phẩm văn học sử, và cả lịch sử chính thống với những trang vàng rực rỡ của dân tộc cũng sẽ được đem ra cải biên, lật lại, xem xét lại?!
          Chúng ta hãy nhớ lại vào những năm 80 của thế kỷ trước tại Liên Xô cũ đã từng xảy ra một xu hướng đòi lật lại nhiều vấn đề thuộc lịch sử được đăng tải trên các phương tiên thông tin đại chúng. Khi mà đời sống kinh tế xã hội đang lúc khủng hoảng, khó khăn, người ta đã quy kết nó cho những sai lầm quá khứ. Người dân từ chỗ phân vân, không biết đâu là đúng sai, dần dần sinh hoài nghi vào những giá trị của cuộc cách mạng, giá trị của CNXH. Khi xã hội đã phân tâm, lòng người li tán cũng là lúc các thế lực cơ hội nhảy lên diễn đàn chính trị để thu phục lòng người. Đó là một tác nhân quan trọng cho sự sụp đổ của Liên bang CHXHCN Xô Viết, một bài học đắng cay của những người cộng sản thế giới.
          Việt Nam ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào dòng chảy thế giới trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị tới văn hóa xã hội. Quá trình đó sẽ tạo cơ hội để ta hấp thụ những tinh hoa của nhân loại, vận vào thực tiễn Việt Nam với sự sáng tạo mới từ trí thông minh, cần mẫn của người Việt, mang lại những giá trị mới. Tuy nhiên trong dòng chảy đó có cả những vẩn đục, ô nhiễm, độc hại, nếu thiếu sự sáng suốt, kiên định, nó sẽ là quá trình hòa tan! Lúc đó, bản sắc sẽ dần mờ nhạt, thay vào đó là những thứ hỗn mang vô hình hài, không sức sống!
          Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương vào cuộc để chấn chỉnh những lệch lạc như trên, tránh để chúng phát triển thành một khuynh hướng nguy hiểm.
                                          Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét