Vẩn đục khen-chê
Khen chê là chuyện bình thường của cuộc sống con người từ xưa đến nay. Khen đúng, chê đúng, khen sai, chê sai-đó là những tầm mức nói lên chuẩn mực đạo đức trong quan hệ ứng xử giữa người với người.
Người xưa có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”. Trong cuộc sống hầu như ai cũng mong muốn mình được nhận những lời khen từ người khác, cho dù điều đó có trái ngược với thực tế. Nhiều người có được mối quan hệ tốt vì biết cách “khen", “chê”. Thường những lời “chê” hay nói đúng bản chất là lời phê bình thường là “nghịch nhĩ”, khó nghe và càng khó tiếp thu, nhất là với những người bản lĩnh chưa tốt, chưa sáng suốt trong nhìn nhận sự đời.
Lịch sử đã được biết tới các vị trung thần, hết lòng phò vua một cách ngay thẳng, trung thực như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đăng Doanh… và lịch sử cũng khảng định, những vị vua anh minh, sáng suốt chính là những người biết lắng nghe lời nói thật và đó là nền tảng cho sự trị vì vững bền.
Ngay nay, thật buồn khi những người ngay thẳng xuất hiện hình như ngày một ít đi, trong khi những lời nói “có cánh” làm đẹp lòng người đang thịnh hành trong xã hội và cả bộ máy công quyền. Cùng với lời nói đẹp là những cách khu xử bợ đỡ lộ liễu không ngần ngại. Đôi khi những người chứng kiến còn cảm thấy ngượng thay cho người được xu nịnh. Thông thường, người thích nghe lời xu nịnh cũng chính là người giỏi xu nịnh.
Ai cũng thừa hiểu động cơ của những lời khen chê: người khen đúng, chê đúng với cái tâm không gì khác là mong người được khen tiếp tục nỗ lực để trở nên tốt hơn, hy vọng lời phê bình của mình được nhìn nhận, tiếp thu để sửa chữa và tiến bộ.
Kẻ khen không đúng, chê thiên lệch chắc chắn có dã tâm không thành thực, khen cốt để lấy lòng người được khen nhằm mưu cầu điều gì đó không trong sáng. Đối tượng được khen thường là người có vai trò, vị trí quan trọng nào đó về chính trị, kinh tế song đôi khi kể cả với những người bình thường. Khi đã lấy được lòng rồi, họ sẽ biết cách tranh thủ sự cảm mến đó cho những mục tiêu cụ thể. Còn việc chê sai cũng là nhằm phá hoại thanh danh, uy tín của người có thể là đối lập với lợi ích riêng của họ.
Cái mà những kẻ cơ hội muốn có được từ những người họ đã bợ đỡ chắc chắn không phải là sự chính đáng, đúng với khả năng của họ. Đương nhiên những người giúp họ đạt được điều đó sẽ làm phương hại đến lợi ích chung và hại chính mình ở một phương diện nào đó, về vật chất hoặc tinh thần. Về vật chất, đó có thể là sự thiệt hại tới tiền của, tài sản… của công. Về tinh thần có thể là sự vi phạm nguyên tắc, quy định, thậm chí luật pháp, sự tổn hại về uy tín của cá nhân, tổ chức, thể chế…
Để có một bộ máy công quyền trong sạch, một môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển, thiết nghĩ ta cần đi từ những việc nhỏ như việc khen đúng, chê đúng.
Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét