Ăn để… chống dịch
Vừa tinh mơ sáng cả làng Kình đã bị đánh thức bởi giọng oang oang
của trưởng thôn Văn Hiệp trên chiếc loa công cộng:
- A lô, a lô… mời bà con làng Kình nghe
thông báo chống dịch. Như bà con đã thấy, trong những ngày gần đây chợ làng
ta xuất hiện rất nhiều món “ngoại nội tạng”, đó là món lưỡi động vật. Tôi tạm
gọi tên như vậy vì món này lúc thì nó bên trong miệng, lúc thì nó thò ra
ngoài khi ăn. Do giá cả món lưỡi động vật ngày một rẻ, ít người ăn, chợ làng
vẫn bị thương lái ngoại lai đùn hàng về, bán không hết đã đổ bừa ra quanh chợ
gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Dừng lại mấy giây lấy hơi, trưởng thôn
Văn Hiệp tiếp tục:
- Chắc bà con sẽ thắc mắc sao lại phải
ăn để chống dịch, vì sao lại lắm lưỡi động vật bán như vậy... Như bà con đã
biết, cạnh làng ta có Tổng công ty Đại Bò với hàng ngàn đầu bò cả lấy sữa và
giết thịt. Như quy luật tự nhiên xưa nay, bò chỉ ăn cỏ, tuy nhiên gần đây chẳng
rõ vì tham hay điên, lũ bò của Đại Bò không chỉ ăn cỏ, chúng đã thè lưỡi liếm
láp lung tung, ăn bất kể thứ gì liếm được, gây ra nhiều lộn xộn, nguy cơ khôn
lường. Còn về lý do vì sao chỉ thấy bán lưỡi bò, còn thịt bò vẫn khan hiếm,
xin nói rõ với bà con thế này…
Trưởng thôn Văn Hiệp lại phải dừng lấy
hơi:
- Trước dịch liếm láp vô tội vạ của lũ
bò, do không thể giết thịt bò sữa, ngành thú y đã có biện pháp hữu hiệu là
phẫu thuật cắt lưỡi bò. Hiện nay đã có rất nhiều bò bị cắt lưỡi. Tuy bị cắt
lưỡi song chúng vẫn ăn được cỏ vì hiện nay người ta đã chế biến cỏ công
nghiệp, tựa như đồ ăn sẵn, ăn nhanh. Đó là toàn bộ nguyên nhân tại sao lại có
nhiều lưỡi bò bày bán như vậy. Đề nghị bà con trong làng hãy thể hiện tinh
thần trách nhiệm, lòng yêu làng của mình bằng hành động ăn lưỡi bò nhằm ngăn
chặn sự ô nhiễm đang gia tăng. Một lần nữa xin nhắc lại, mọi người hãy ăn
lưỡi bò để chống dịch, a lô!
* Theo tôi được biết, hiện nay về cơ
bản lũ bò lớn của Đại Bò đã được cắt lưỡi. Tuy nhiên, lũ bò con đang lớn lên,
sẽ sinh ra… cũng đã và sẽ nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này. Bà con làng Kình
chưa biết bao giờ mới thoát khỏi đại dịch. Phải làm sao để lũ bò chúng nhận
thức được đúng sai, không liếm láp lung tung và dạy lại con cái chúng, đấy
mới là giải pháp căn bản để trừ sạch dịch lưỡi bò. Nếu bạn đọc nào đọc được
câu chuyện trên của làng Kình và hiểu được ngôn ngữ của Bò xin dịch giúp để
chuyển tải thông điệp này tới Đại Bò, xin cám ơn!
Đinh Hoàng
|
Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012
Chuyện vui:
Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012
Chuyện vui:
Giấc mơ lạ
Tan cuộc nhậu trưa, về tới phòng làm
việc ông Tớ ngồi ngay vào chiếc “ghế quyền lực” quen thuộc và gục xuống,
nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Tiếng ngáy của ông thường rất to. Ban đầu chưa
quen khiến nhiều người cứ ngỡ đâu đó gần đây có một xưởng máy đang ầm ì hoạt
động. Trưa nay ông Tớ bỗng đi vào một giấc mơ kỳ lạ.
Ông thấy mình tay cầm cuốn sổ y bạ
đang bước vào một căn nhà lớn trắng toát, ngoài cửa có tấm biển màu đỏ, chữ vàng
ghi “Phòng khám bệnh Thiên Đình”. Thì ra ông đang đi khám bệnh. Bước vào ông
thấy căn phòng cũng một màu trắng lóa, rộng thênh thang, giữa phòng kê một
chiếc bàn, một chiếc giường đơn hình giống chiếc quan tài. Chỉ có một ông già
mặc bộ đồ tựa cụ đồ nho ngày xưa. “Chẳng lẽ ông ta là lang băm?” Ông
thầm nghĩ và bước đến gần ông già. Trên bàn có tấm biển tên với 4 chữ Hải Thượng Lãn Ông. “Lão này làm ở
viện nào mà mình nghe tên quen quen” - Ông Tớ đăm chiêu lục tìm trong trí nhớ
nhưng không nghĩ ra.
- Nhà ngươi bệnh gì mà tới đây? - Lãn
Ông hỏi.
Nghe giọng bề trên, ông Tớ tức lộn ruột nhưng vì mình cần khám sức khỏe nên kìm giọng:
- Ta làm gì có bệnh. Ta chỉ đến kiểm tra
toàn diện sức khỏe!
Cầm cuốn sổ y bạ do ông Tớ đưa, Lãn Ông
hỏi lại:
- Vương Đầy Tớ, nghề nghiệp: phục vụ
Nhân Dân. Đó đúng là tên tuổi, nghề nghiệp của ngươi ư?
- Nhiều người chỉ nhìn đã biết ta là ai,
lạ là tại sao ông chưa biết ta. - Ông Tớ.
Nhìn ông Tớ từ đầu đến chân, Lãn Ông
lắc đầu:
- Ngươi to béo đẫy đà, mặt đỏ phừng
phừng như quan phụ mẫu. Đầy tớ mà như ngươi thì chắc dân tình nơi trần thế
đời sống khá giả lắm rồi. Âu cũng là chuyện mừng. - Lãn Ông nói như tự nhủ
với mình. - Nào, nằm lên giường kia để ta kiểm tra tim phổi xem sao, ta nghi
ngươi có bệnh cao huyết áp đó.
Ông Tớ vừa ngả xuống chiếc giường phủ
ga trắng vừa cự nự:
- Ta thì làm gì có bệnh. Thuộc cấp lúc
nào cũng phê bình ta là ham làm việc, không biết giữ gìn sức khỏe - cái tài
sản quý giá của nhân dân. Nhưng ta biết mình khỏe lắm. Mấy năm nữa đến tuổi
hưu ta còn định đề nghị trên cho kéo dài thêm để phục vụ nhân dân được nhiều
hơn.
Vừa đặt ống nghe vào ngực ông Tớ, Lãn
Ông như chạm vào luồng điện, rụt phắt tay lại, hoảng hốt:
- Trời, ngực ngươi sao mà lạnh như băng vậy? Ta cảm thấy đúng là chạm vào cục nước đá! - Nói rồi Lãn Ông đưa chiếc
nhiệt kế vào ngực ông Tớ, lập tức nhiệt kế tụt ngay về 0 độ. - Bệnh nặng rồi,
ta phải nội soi xem tâm can ngươi ra sao. - Nge ngóng, xem xét mấy phút, Lãn Ông lẩm
bẩm:
- Nhẫn tâm! Thật là nhẫn tâm!
- Sao vậy, tim ta có nhẫn vàng à? - Ông
Tớ.
Lãn Ông lắc đầu:
- Không phải nhẫn vàng mà là nhẫn tâm.
Những việc như thế mà ngươi cũng làm. Thế ra nơi ngươi cai quản vẫn có những xã nghèo thế ư? Dân
không đủ gạo ăn trong ngày giáp hạt…
- Ừ thì đây đó vẫn còn những thôn bản
dân chưa đủ ăn, năm nào cũng phải cứu đói. Nhưng… dân mình cũng lười lắm,
chẳng chịu làm, cứ trông chờ cứu trợ - ông Tớ chống chế.
- Dân nghèo đói như thế mà danh mục phí,
thuế, quỹ... các ngươi thu của dân dài như tờ sớ Nam Tào. Một xã nghèo mà có tới mấy
trăm người hưởng lương đầy tớ. Tệ quá! Giáo viên mầm non mà ngươi chỉ trả 500
ngàn đồng một tháng thì họ sống thế nào? Trong khi đó có nơi đầy tớ hưởng lương
sáu, bảy chục triệu một tháng, làm ăn thua lỗ triền miên lại còn liên tục đòi
tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Như thế không gọi là nhẫn tâm thì là gì? Trái tim
của ngươi nguội lạnh như băng thật rồi. Để ta xem cái đầu ngươi có vấn đề gì
không.
Lãn Ông vừa đưa tay lên đầu ông Tớ và cũng như lần trước, rụt ngay lại: - Trời! Đầu gì mà nóng như cục than thế này? Ta phải “ngoại soi” cho ngươi xem sao...
- Các ông thầy thuốc nhìn đâu cũng
bệnh, vẽ chuyện. - Ông Tớ lẩm bẩm.
Vừa soi chiếc kính trông như kính lúp,
Lãn Ông vừa tiếp tục lắc đầu:
- Bạo liệt, ác quá! Việc như thế mà các
ngươi cũng đang tâm làm. Ta nhìn đâu trong não ngươi cũng thấy cưỡng chế với thu hồi. Đất đai
của dân, muốn thu hồi để giao cho doanh nghiệp kinh doanh thì phải thỏa
thuận, thuyết phục và bảo đảm lợi ích chính đáng cho họ chứ? Các ngươi cứ coi
dân như thể kẻ địch vậy. Quân hùng, tướng mạnh, súng ống, dùi cui là những
thứ các ngươi thích dùng hay sao? Cái đó hãy để khi có giặc ngoại xâm hãy đưa
ra. Hỏng! Đầu nóng thế này thì bệnh nặng quá rồi!
- Ta nói lại, ta không có bệnh - ông Tớ
vẫn đanh giọng khẳng định.
- Ngươi cứ dấu bệnh thế này có ngày hối
chẳng kịp đâu. Là người đầy tớ như ngươi lẽ ra phải có trái tim nóng đầy
nhiệt huyết và cái đầu lạnh của bản lĩnh, trí tuệ. Vậy mà ngươi thì hoàn toàn
ngược lại. Hỏng nặng lắm rồi - vừa nói, Lãn Ông vừa ghi tờ đơn thuốc vẻn vẹn 3
chữ T.P.B đưa cho ông Tớ và dặn - ngươi phải thực hiện điều trị đúng đơn thuốc này
may ra bệnh mới có cơ thuyên giảm.
Nhìn tờ giấy chỉ có chữ viết tắt, chẳng
rõ thuốc gì, ông Tớ bực mình đậm mạnh tay xuống bàn như thói quen trước cấp dưới:
- Khỉ gió! Đơn với từ gì chỉ có mấy chữ
vớ vẩn thế này, ngươi định trêu chọc ta à? - Cái đập tay mạnh làm ông Tớ đau điếng
và tỉnh giấc...
Mở mắt ra ông thấy tay mình đang bóp chặt một tờ giấy. Thì ra đó là bản TỰ KIỂM ĐIỂM CÁ NHÂN chuẩn bị cho đợt sinh hoạt mà ông mới ghi được mấy dòng họ tên.
Đinh Hoàng
|
Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012
Từ điển tra nhanh
Lang băm
Lang: Xuất thân hành nghề lang thang, không có bằng cấp (lao
động tự do, đến Việt Nam tự xưng là bác sỹ); khi cần sẵn sàng trở thành lang
sói (gây chết người vẫn điềm nhiên, thậm chí sẵn sàng phi tang xác nạn nhân).
Băm: Băm bổ, cẩu thả trong bắt mạch kê
đơn, phán bệnh tùy hứng, mọi chứng đều trở thành nan
y, mọi khi đều phải “chữa gấp”; đơn thuốc mù mờ luôn được băm
với giá cao ngất (băm chém như chợ trời).
Tìm
kiếm lang băm ở đâu: Phòng khám Trung Quốc tại Việt
Ai hay tìm đến lang băm Trung Quốc: Những người thừa
tiền, thiếu khôn, cả tin quảng cáo.
Đinh Hoàng
|
Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012
Chuyện vui:
Đời con khát gió
Lão Vũ được Thiên Đình giao cho độc
quyền bán gió cho thế gian hít thở. Đây quả là một trách nhiệm lớn lao và
vinh quang vì đã mang lại hơi thở cho cuộc sống trần gian. Ban đầu lão đã thể
hiện trách nhiệm tuyệt vời và uy tín từ đó cũng lên như diều gặp gió! Tuy
nhiên, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, được Thiên Đình cho quyền tự
hạch toán một phần trong ngành nghề kinh doanh để cải thiện đời sống gia
đình, lão Vũ bắt đầu nhiễm những thói hư tật xấu của dân chợ búa trần gian.
Xuân thu nhị kỳ, mỗi năm mấy lần lão dâng sớ lên Thiên Đình xin tăng giá gió.
Lúc thì do giá nước của lão Thiên Lôi tăng (hơi nước góp tạo gió), lúc thì do tỷ giá giữa tiền thiên phủ và đồng nội tệ tăng, chênh lệch quá lớn, rồi do tỷ lệ thất thoát gió, lạm phát
nên làm ăn thua lỗ vv và vv…
Phần vì tin tưởng vào quần thần, phần
vì lý lẽ lão Vũ đưa ra đều có sức thuyết phục nên hầu như lần nào xin tăng
giá, Thiên Đình cũng chấp thuận.
Rồi hôm nọ, một ngày sau tăng giá gió,
có chú bé 4 tuổi đến mua gió phàn nàn với lão Vũ:
- Lần này ông tăng giá gió là lý do gì
thế, cháu thấy gần đây giá cả thứ gì cũng giảm, kinh tế đình đốn, chỉ có giá
gió là luôn tăng, không bao giờ giảm. Ông cứ làm thế này, thế gian còn ai thở
được nữa?
Lão Vũ tỏ vẻ điềm tĩnh, ôn tồn giải
thích:
- Cháu còn nhỏ, nhiều chuyện cháu sao
biết được. Lần này ta tăng giá gió là để bù lỗ kinh doanh nhiều năm qua. Cháu
biết không, ta đang lỗ nhiều lắm, phải nín thở bớt để giúp ta với chứ?
Cháu bé không chịu:
-
Ông kinh doanh lỗ từ khi cháu chưa sinh ra, nay sao lại bắt cháu “gánh” lỗ
được, chỉ những ai đã mua gió trước đó muốn hỗ trợ ông và họ đồng ý mới được
chứ?
Lão Vũ:
- Cháu trả tiền gió tăng giá là trả
thay bố mẹ cháu đó mà. Người ta từng nói “đời cha hít nhiều, đời con khát
gió” là gì!
Đinh Hoàng
|
Tiếp tục chuyện vui Bắt Cò:
Bấm cò
Tình cờ đứng gần nghe được câu chuyện
của hai lão Nghêu và Sò về bắt Cò, Tễu tức lắm bèn bước tới xen ngang, giọng
có vẻ khiêu khích:
- Thôi đi, hai ông đừng diễn trò, chính
các ông là người nhà của Cò chứ ai! Chẳng qua các ông muốn nuôi Cò mà thôi.
Tôi thấy nhiều nơi người ta “bấm cò”, Cò chết có sống được đâu?
Giật mình nhìn ra
hai ông Nghêu, Sò thấy lão Tễu vừa nói vừa mặt đỏ tía tai. Nghêu căn vặn:
- Ông này tự dưng vu oan giá họa cho
người là sao. Căn cứ vào đâu mà ông nói vậy? ai đã “bấm cò” hạ được Cò?
- Ông thử ra ga Hà Nội mua vé xem,
trước khi vào quầy vé, ông phải “bấm cò” lấy số thứ tự rồi ngồi chờ đến lượt, khi nhân viên bán vé gọi đúng số thì vào mua vé.
Hay đến trụ sở Ngân hàng Quân đội trên phố Liễu Giai, bệnh viện quân đội 354 trên
phố Đốc Ngữ… và nhiều nơi khác nữa, họ đều tổ chức “bấm cò” (ấn vào một nút bấm, máy nhả ra số) lấy số thứ tự phục
vụ. Nơi nào mà Cò sinh sôi, hoành hành thì phải xem lại chính đội ngũ cán bộ,
nhân viên nơi đó, bởi họ được Cò nuôi dưỡng và họ cần nuôi dưỡng Cò!
Đinh Hoàng
|
Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012
Chuyện vui
Bắt
cò
Nghêu bảo Sò:
- Này, ông có thích xơi thịt cò không, mai
cùng tôi đi Hà Nội bắt về làm bữa xáo măng nhắm rượu!
Sò:
- Ông cứ đùa, bây giờ cò tự nhiên ở các
làng quê còn vắng bóng nữa là Hà Nội. Có chăng phải lên tận trại cò Ba Vì mới
có, nhưng đây đã được coi là vườn quốc gia rồi, ai cho săn bắn?
Nghêu:
- Cần chi lên xứ đó, hiện nay “cò” xuất
hiện khắp nơi ngay trung tâm Hà Nội với nhiều loài khác nhau đang làm các cơ
quan chức năng đau đầu không sao dẹp nổi, nhất là “cò bệnh viện”, “cò vé”, “có
thủ tục hành chính”…
Sò:
- À, loài “cò” này thì tôi xin khuyên
ông chở có đụng vào, nó “mổ” cho hỏng mắt ra đấy. Cả hệ thống công quyền còn
chưa dẹp được nữa là ông!
Đinh Hoàng
|
Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012
luận bàn:
“Nhân
tai” mang tên Trung Quốc
Thương lái Trung Quốc gom hàng thủy hải
sản của nông dân đồng bằng sông Cửu Long trị giá hàng chục tỷ đồng rồi bỏ
trốn.
Thương nhân Trung Quốc thao túng thị trường nông sản (sắn, khoai lang,
dứa, gạo…) bằng chiêu đẩy giá lên cao vút sau đó đột ngột hạ thấp khiến nông
dân nhiều vùng khốn đốn vì phải bán tống bán tháo.
Gà “quá đát” từ Trung Quốc ồ ạt chiếm lĩnh thị trường Hà Nội.
Nội tạng động vật ôi thiu liên tục bị phát hiện có xuất xứ nhập khẩu
từ biên giới phía Bắc.
Trái cây Trung Quốc được bảo quản hóa chất lạ để nửa năm vẫn “tươi
nguyên” không hề hấn gì.
...
Và gần đây báo chí lại liên tục nói về “dịch” Phòng khám Trung Quốc
với đủ chiêu trò: Kê đơn, bốc thuốc giá trên trời; Kê đơn, bán những loại thuốc
không tem nhãn, xuất xứ nguồn gốc; Bác sỹ Trung Quốc không có bằng cấp chuyên
môn hành nghề tựa “lang băm”, vv và vv…
Những chuyện động trời trên đã xảy ra trong thời gian dài, được báo
chí đăng tải liên tục nhưng xem ra các cơ quan chức năng của ta vẫn chưa “rõ’
lắm, bởi vẫn chưa có những biện pháp, hành động hữu hiệu nào để chấn chỉnh,
ngăn chặn. Người dân đã, đang và sẽ tiếp tục gánh chịu những hậu quả của tình
trạng này.
Người Trung Quốc có câu “chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”. Rồi thì cái
gì phải đến đã đến. Chiều ngày 14 tháng 7 năm 2012, chị Nguyễn Thị Thu Phong
với một chứng bệnh phụ khoa thông thường, một mình đến bệnh viện Maria (bác
sỹ Trung Quốc) tại Hà Nội, chỉ sau mấy giờ điều trị đã bỏ mạng đầy bí ẩn cùng
tờ hóa đơn ngót 9 triệu đồng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trước lúc chết chị Phong không điện thoại được
để báo tin cho gia đình về nơi mình điều trị? bởi bệnh viện này đã có dự tính
“phi tang” xác nạn nhân hòng thoát tội. Có lẽ đó sẽ là một vụ “mất tích” bí
ẩn. Chuyện này nghe ra na ná như phim kinh dị trong điện ảnh Mỹ!
Thiên tai là hiểm họa của thiên nhiên song dù sao cũng phần nào được
đoán định để phòng tránh.
“Nhân tai” là tai họa do con người mang đến. Đây là thứ tai họa nguy
hiểm, khó lường nhất.
Ai là người giúp dân ta tránh được những “nhân tai” như trên đây? Các
cơ quan chức năng được nuôi dưỡng bằng tiền đóng thuế của người dân đang làm
gì? Đã có “quan tài” rồi, liệu cơ quan chức năng đã “rơi lệ” chưa? Phải chăng
họ cũng nên có một lời khuyên đại loại “hãy là người tiêu dùng thông thái”,
“hãy là những bệnh nhân thông thái”... Còn đối với nạn nhân Nguyễn Thị Thu
Phong thì “hãy là một linh hồn thông thái” - để, giả sử mất xác còn biết báo
mộng cho gia quyến tìm lại!
Đinh Hoàng
|
Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012
Chuyện vui văn hóa:
“Đồ nhà quê”
Tễu và Sò tranh luận. Tễu hỏi Sò:
- Thỉnh thoảng tôi
lên Hà Nội chơi song hay bị mấy bà bán hàng ở phố gọi là “đồ nhà quê”, sao họ
lại gọi thế nhỉ?
- À, đấy là những
người đồng hương của ông đó mà. - Sò ôn tồn giải thích.
- Sao ông biết họ là
đồng hương tôi? - Tễu vặn lại.
- Là vì thế này,
người Hà Nội gốc thì “Nhà quê” của họ chính là Hà Nội. Vì vậy chẳng bao giờ
họ lại gọi những người ở các nơi khác đến Hà Nội là “Nhà quê”, tức là đồng
hương của mình. Còn những người “Nhà quê” nông thôn ngoài tỉnh lên làm ăn,
sinh sống ở Hà Nội, khi gặp đồng hương họ thường dùng từ “Nhà quê” để gọi nhau cho
thân mật ấy mà!
Đinh
Hoàng
|
Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012
Chuyện vui:
Cơ chế thị trường
Một “sỹ tử” sau
mấy ngày thuê trọ ôn thi đại học, ngày thanh toán vừa đếm tiền vừa xót xa.
Cậu chợt lóe lên ý nghĩ châm chọc, dò hỏi bà chủ nhà:
- Gia đình cô chắc
sống ở Hà Nội lâu lắm rồi nhỉ?
Bà chủ ra vẻ xởi
lởi:
- Ừ, mấy đời các
cụ, cũng đến cả trăm năm rồi đấy.
- Thế hồi chiến
tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà ta có phải sơ tán không?
Được lời như cởi
tấm lòng, bà bồi hồi kể:
- Hồi đấy đi sơ
tán mà thích thật, bà con bên Bắc Ninh chả họ hàng gì mà cứ coi gia đình cô
như người nhà, san sẻ từ củ sắn củ khoai, ai cũng tốt tốt là…
- Thời thế đổi
thay nhanh thật, chả bù cho bây giờ, cái gì cũng quy ra tiền cả - Cậu học trò
chớp thời cơ, cắt ngang bầu hoài niệm của bà chủ như một lưỡi dao
sắc lẹm.
Như chợt bừng tỉnh, bà chủ nhà đỏ mặt xấu hổ
nhưng cũng rất nhanh xoay chuyển tình thế:
- Mà, thời xưa là
cái thời bao cấp, cũ kỹ lạc hậu ấy mà, cái gì cũng được bao cấp hết, chả ai
nghĩ đến tiền nong. Bây giờ cơ chế thị trường, mọi thứ phải được đo tính bằng tiền
mới chuẩn xác được.
- Vâng, cháu cũng
hiểu chuyện này. Ngày xưa tình cảm cũng là thứ bao cấp. Bây giờ muốn có tình
cảm cũng phải có tiền mới mua được. Đúng là cơ chế thị trường!
Đinh Hoàng
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)