Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Luận bàn

 Pháp luật bảo vệ cái gì?
      Câu trả lời đương nhiên: Pháp luật bảo vệ cái đúng, lẽ phải, trừng trị điều phi pháp. Điều dễ hiểu này có lẽ trẻ em học sinh tiểu học cũng trả lời được.
      Sẽ là thảm họa nếu pháp luật không trừng trị, thậm chí lại bảo vệ cái sai! Bạn nghĩ sao nếu một ngày kia tên cướp đường chỉ bị phạt bằng tiền là xong, dù số tiền phạt không nhỏ?
      Cái điều tưởng đơn giản, dễ hiểu ấy lại đang được một cơ quan công quyền tham mưu cho Chính phủ theo hướng “phạt cho phép tồn tại” – Đó là quy định về quản lý trật tự xây dựng của Bộ Xây dựng. Nôm na một ví dụ thế này: “Một chủ đầu tư xin phép xây một tòa nhà cao 20 tầng, tuy nhiên theo quy hoạch đô thị khu vực đó chỉ cho xây 15 tầng. Bất chấp không được cấp phép như đề nghị, chủ đầu tư ngang nhiên vẫn xây 20 tầng. Với những lý do tế nhị nào đó (dù rất nhiều tầng lớp quản lý), công trình cứ ngày ngày vươn cao… đủ 20 tầng. Rồi một ngày đẹp trời, đại diện cơ quan công quyền đến trao một tờ quyết định nộp phạt và cho công trình… tồn tại!”
      Rồi đây sẽ có những công trình phạm pháp sẽ vươn cao, cao mãi.
      Rồi đây cơ quan quản lý xây dựng sẽ thu về rất nhiều tiền phạt.
      Nhưng rồi đây bộ mặt đô thị lại ngày thêm… méo mó!
      Cái "lỗ hổng" luật pháp này sẽ là cửa đẹp của những "con chuột tham nhũng"!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Chuyện vui:

Sếp ăn gì?
      Ông giám đốc vườn thú nọ một hôm bỗng nảy ra sáng kiến là sẽ huấn luyện cho 100 con khỉ biểu diễn nhằm thu hút khách tham quan. Do không có nhiều khỉ, ông ta giao cho một nhân viên đi lùng sục, mua bằng đủ 100 con khỉ.
      Tất bật hàng tháng trời anh nhân viên cũng chỉ mua gom được đúng 99 con khỉ. Thiếu đúng một con mà không thể tìm được thêm trong khi giám đốc thúc giục hàng ngày. Rồi anh ta cũng nghĩ ra một kế. Anh ta tự nhủ “Giám đốc của mình tuy lãnh đạo vườn thú nhưng ngu dốt, biết quái gì về muông thú đâu, suốt ngày say sưa nhậu nhẹt. Ta mua quách một con chó trà trộn vào đàn khỉ rồi báo cáo đã đủ 100 con là xong”.
      Được báo cáo là đã gom đủ số lượng khỉ theo yêu cầu, giám đốc đến kiểm tra. Nhưng, dù có dốt nát đến đâu ông ta cũng nhận thấy có một con trong đàn không giống những con khác, bèn hỏi:
      - Này cậu, cái con đang lè lưỡi, mõm dài kia là con gì vậy?
      - Dạ thưa anh, đó là con khỉ đấy ạ.
      - Sao tôi thấy nó lại khác thế?
      - Vì nó là sếp của 99 con kia. Sếp bao giờ cũng khác bầy đàn anh ạ.
      Khi thấy người chăm nuôi đem chuối chín, trái thơm đến cho khỉ ăn, thấy con khỉ khác lạ không thèm ăn, giám đốc lại hỏi:
      - Con sếp kia sao nó không ăn? Nó nhường hết cho cấp dưới ăn à?
      - Dạ không phải thế đâu ạ. Nó luôn là kẻ tham ăn nhất nhưng nó không ăn những thứ này.
      - Thế nó ăn gì?
      - Dạ… thưa anh, nó ăn… cứt ạ!
      Mấy ngày sau có lẽ vị giám đốc đã hiểu ra thâm ý tay nhân viên bèn triệu lên gặp và trao tờ quyết định cho thôi việc, nói:
      - Cậu là người rất thông minh, tài giỏi, xem ra làm việc ở cái vườn thú này không phát huy được hết tài năng. Nay tôi quyết định cho cậu đi tìm chỗ làm mới phù hợp. Biết đâu, sau này cậu sẽ trở thành một Sếp to cũng nên!
      (Ai xem chuyện này chớ dại kể cho thủ trưởng của mình. Nếu xảy ra chuyện gì, tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm).
Đinh Hoàng

Tản văn

Câu chuyện trả lại phong bì
      Mấy năm trước, vào một lần về quê tôi gặp ông chú tuổi đã trên 70 lạch cạch đạp xe trên đường làng, tay cầm một xấp phong bì. Hỏi ra mới biết gia đình vừa tổ chức lễ cúng giỗ bà mẹ thân sinh ra ông, trong buổi đó nhiều người tới dự đã phúng viếng bằng phong bì tiền. Người nhiều thì vài ba trăm, người ít cũng 50 đến 100 ngàn. Hôm ấy ông chú đã mang phong bì đến trả cho những người đã phúng viếng. Tôi biết cái lệ dùng phong bì viếng đám giỗ đã có ở cái làng quê nghèo này cả chục năm nay. Tuy nhiên, cách đây mấy năm một số dòng họ đã ra “nghị quyết” quy định đám giỗ chạp, cải táng… không được viếng bằng phong bì tiền. Có chăng chỉ nải quả, nén hương gọi là để phúng viếng. Tuy vậy, đã thành lệ thì không phải ngay lập tức được thực hiện đúng. Nhiều người vẫn đóng phong bì tiền khi được mời tới dự đám giỗ. Để rồi sau đó gia chủ lại phải vất vả đến từng nhà cám ơn rồi gửi lại phong bì.
      Cái làng thuần nông nghèo quê tôi thu nhập thuộc diện thấp nhất nhì trong huyện. Ngoài những người thoát ly nay nghỉ chế độ có chút thu nhập ổn định, còn lại các gia đình chỉ trông vào hạt lúa, củ khoai. Vào dịp mùa cưới và những tháng cuối năm thì đám xá cứ liên miên. Mỗi khi có đám mời, nhà nào cũng lo ngay ngáy, lại phải bán con gà, yến thóc để có tiền đi ăn cỗ. Có cụ lương hưu chỉ vài ba triệu nhưng trong một tháng được mời tới hơn chục đám cỗ, nhiều khi tiền lương chỉ đủ cho cỗ bàn! Có lẽ cũng do tâm lý “được tài trợ” bởi những chiếc phong bì nên nhà nhà đua nhau làm tiệc lớn. Dòng họ ít người thì cũng phải làm trên chục mâm, dòng họ lớn có khi tới vài ba chục mâm cỗ. Một ngôi làng chưa đầy trăm nóc nhà nên mỗi khi có cỗ là gần như cả làng đi dự. Cái lệ cỗ bàn triền miên khiến làng tôi vốn đã nghèo ngày một nghèo hơn.   
      Có lẽ đã nhận ra điều không ổn trên nên sáng kiến không đi phong bì đám giỗ được ra đời. Từ một vài dòng họ, việc không viếng đám giỗ chạp bằng tiền đã lan rộng ra cả làng. Từng nhà cũng nhận thức được vấn đề, tự giác thu nhỏ quy mô mỗi khi có việc.
      Giá như chuyện này được thực hiện với cả những đám cưới, mừng thọ, tân gia… thì hay biết bao!
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

 Trước hết trị Bắc Đẩu

      Vừa du xuân về Thiên Đình, Ngọc Hoàng giận lắm cho triệu ngay Bắc Đẩu tới.
      Được gọi chầu giữa ngày nghỉ, Bắc Đẩu biết có điều chẳng lành, thế nào cũng bị quở trách nên rón rén bước vào, bẩm:
      - Dạ, thần đã đến ạ.
      - Năm trước ta đã có chỉ mỗi năm cần giảm 15% biên chế công bộc, ngươi triển khai đến đâu rồi? - Ngọc Hoàng.
      - Bẩm, thần đã triển khai ngay, chỉ đạo các cấp thực hiện với tinh thần rất nghiêm túc ạ.
      - Thế năm qua đã giảm được bao nhiêu % rồi?
      - Bẩm, việc này… việc này đụng chạm nhiều lắm, tế nhị và phức tạp lắm ạ. Tuy rất quyết tâm nhưng mới đạt ở tinh thần là… sẽ giảm thôi ạ, bởi chưa kịp giảm thì năm qua đã tăng thêm đúng 15% rồi ạ.
      - Thế nào là tế nhị, phức tạp?
      - Bẩm, thần ví như anh Thiên Lôi trên này cũng gửi đến vài chục vị trí người nhà, rải khắp nơi. Rồi anh Nam Tào cũng thế, đến đâu thần cũng gặp thân gia, bạn hữu của anh ấy là công bộc nơi hạ giới.
      - Thảo nào! Bây giờ thì ta đã hiểu vì sao có cảnh tranh cướp lộn xộn hôm qua rồi.
      - Bẩm Ngọc Hoàng, ý người là tranh cướp gì ạ?
      - Ấn Chỉ công bộc! Việc tung ra hàng núi Ấn Chỉ như vậy, ta nghĩ nhà ngươi không thể vô can. Năm nay mà ngươi không thực hiện được chỉ lệnh giảm công bộc, người ta giảm biên chế trước tiên chính là ngươi!
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Dân chủ kiểu tư bản
     
      Dân chủ theo chúng ta và cả thế giới tiến bộ hiểu như một khái niệm chung đó là ý kiến, mong muốn của đại đa số người dân về một vấn đề gì đó liên quan tới quyền lợi chính đáng của họ cần được bảo đảm. Chế độ dân chủ là thể chế do đại đa số dân chúng nhất trí bầu lên để bảo đảm quyền dân chủ của họ được thực thi và bảo đảm. Thể chế đó có thể được mang các hình thức, tên gọi khác nhau như Nghị viện, Quốc hội, Hội đồng… cùng bộ máy chính quyền được thành lập để thừa hành.
      Những thể chế được hình thành một cách dân chủ như vậy lẽ ra nó phải được tôn trọng dù chế độ chính trị của nó là gì, Tư bản, Xã hội chủ nghĩa hay Quân chủ lập hiến…
      Tuy nhiên thực tiễn hiện nay dưới quan niệm của một số nước tư bản thì Nhà nước dân chủ chỉ là những nước thân tín, đồng minh của họ. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam dù được trên 90% người dân cả nước bầu lên nhưng họ (một số nước Tư bản) không coi chính thể tại VN là chế độ dân chủ. Với họ, chỉ có một số “nhà dân chủ” đang chống đối lại Nhà nước ta (ví như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Quốc Quân…). Trần Khải Thanh Thủy là một “nhà dân chủ” viết bao điều dối trá, bịa đặt về Nhà nước VN, vu khống nhà nước ta vi phạm nhân quyền cuối cùng cũng tự lộ mặt là viết bài vì được trả công bằng những đồng đô la từ nước ngoài! Lê Quốc Quân - một kẻ tội phạm gian lận, trốn thuế vừa bị tòa án xét xử nhưng lại được một số nước tư bản kêu la, bảo vệ như một “nhà dân chủ” chân chính. “Nhà dân chủ” Lê Quốc Quân được Mỹ ưu ái vì hắn đã được một trung tâm đào tạo lật đổ tại Hoa Kỳ nuôi nấng, “gửi” về VN.
      Những ngày gần đây tình hình thế giới đang nóng lên tại một số điểm như Ucrai-na, Thái Lan… trước làn sóng biểu tình của phe phái đối lập. Cùng một câu chuyện biểu tình chống đối chế độ cầm quyền nhưng các nước tư bản lại có thái độ khác nhau. Tại Thái Lan hầu như họ chẳng tỏ ra ủng hộ bên nào bởi một lý do đơn giản: ai lên nắm quyền thì thể chế tại đây vẫn là đồng minh của Mỹ. Nhưng Ucrai-na hiện nay, chế độ đương quyền lại không thân Mỹ và Phương Tây mà ngả theo Nga. Thể chế chính trị của nước này (Quốc hội, Chính phủ) được hình thành thông qua bầu cử với đa số người dân đồng thuận. Lẽ thường, để ủng hộ một chế độ dân chủ thì họ phải ủng hộ tổng thống và chính phủ Ucrai-na. Tuy nhiên họ đã ủng hộ thiểu số đang được một số lãnh đạo kích động số ít người dân biểu tình chống đối chính phủ vì có đường lối không hợp ý họ. Mỹ và Liên minh châu Âu đang đổ thêm dầu vào lửa, kích động, hậu thuẫn phe đối lập làm những việc phi pháp (chiếm cơ quan chính phủ, gây bạo lực…) như một sự “ủng hộ dân chủ”!
      Và như vậy, ta có thể hiểu thế nào là DÂN CHỦ KIỂU TƯ BẢN!
Đinh Hoàng