Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tản văn

Câu chuyện trả lại phong bì
      Mấy năm trước, vào một lần về quê tôi gặp ông chú tuổi đã trên 70 lạch cạch đạp xe trên đường làng, tay cầm một xấp phong bì. Hỏi ra mới biết gia đình vừa tổ chức lễ cúng giỗ bà mẹ thân sinh ra ông, trong buổi đó nhiều người tới dự đã phúng viếng bằng phong bì tiền. Người nhiều thì vài ba trăm, người ít cũng 50 đến 100 ngàn. Hôm ấy ông chú đã mang phong bì đến trả cho những người đã phúng viếng. Tôi biết cái lệ dùng phong bì viếng đám giỗ đã có ở cái làng quê nghèo này cả chục năm nay. Tuy nhiên, cách đây mấy năm một số dòng họ đã ra “nghị quyết” quy định đám giỗ chạp, cải táng… không được viếng bằng phong bì tiền. Có chăng chỉ nải quả, nén hương gọi là để phúng viếng. Tuy vậy, đã thành lệ thì không phải ngay lập tức được thực hiện đúng. Nhiều người vẫn đóng phong bì tiền khi được mời tới dự đám giỗ. Để rồi sau đó gia chủ lại phải vất vả đến từng nhà cám ơn rồi gửi lại phong bì.
      Cái làng thuần nông nghèo quê tôi thu nhập thuộc diện thấp nhất nhì trong huyện. Ngoài những người thoát ly nay nghỉ chế độ có chút thu nhập ổn định, còn lại các gia đình chỉ trông vào hạt lúa, củ khoai. Vào dịp mùa cưới và những tháng cuối năm thì đám xá cứ liên miên. Mỗi khi có đám mời, nhà nào cũng lo ngay ngáy, lại phải bán con gà, yến thóc để có tiền đi ăn cỗ. Có cụ lương hưu chỉ vài ba triệu nhưng trong một tháng được mời tới hơn chục đám cỗ, nhiều khi tiền lương chỉ đủ cho cỗ bàn! Có lẽ cũng do tâm lý “được tài trợ” bởi những chiếc phong bì nên nhà nhà đua nhau làm tiệc lớn. Dòng họ ít người thì cũng phải làm trên chục mâm, dòng họ lớn có khi tới vài ba chục mâm cỗ. Một ngôi làng chưa đầy trăm nóc nhà nên mỗi khi có cỗ là gần như cả làng đi dự. Cái lệ cỗ bàn triền miên khiến làng tôi vốn đã nghèo ngày một nghèo hơn.   
      Có lẽ đã nhận ra điều không ổn trên nên sáng kiến không đi phong bì đám giỗ được ra đời. Từ một vài dòng họ, việc không viếng đám giỗ chạp bằng tiền đã lan rộng ra cả làng. Từng nhà cũng nhận thức được vấn đề, tự giác thu nhỏ quy mô mỗi khi có việc.
      Giá như chuyện này được thực hiện với cả những đám cưới, mừng thọ, tân gia… thì hay biết bao!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét