Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015
Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015
Khoan thư sức dân
Những ngày
qua, câu chuyện đóng góp đầu năm học, tăng tiền bảo hiểm y tế (BHYT) với học
sinh sinh viên (HSSV), tiền phí dịch vụ vv... khiến dư luận rất quan tâm, kể cả
trong cuộc họp UBTV Quốc hội đang diễn ra.
Năm học
2014-2015 cả nước có 15 triệu HSSV tham gia BHYT, có 8,8 triệu lượt đi khám
chữa bệnh (KCB) chiếm 58,6%, BHYT riêng HSSV đã kết dư 2.512 tỷ đồng. Năm học
2015-2016 khoản thu này lại tăng từ 3% lên 4,5%, thu liền 15 tháng, chắc nguồn
quỹ kết dư nhiều hơn nữa.
Về
thu đầu năm học, xin nêu vài trường các báo Nhân dân, Dân trí, Người lao động
cho biết số tiền mỗi phụ huynh học sinh (PHHS) đóng đầu năm học: Trường THCS
thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) gần 3 triệu đồng; Trường
tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) 2,6 triệu đồng; trường THPT Đ.T quận Tây Hồ, (TP Hà Nội) 2,25 triệu
đồng… Đây là những khoản tiền không nhỏ, kể cả với các PHHS tại thành
phố.
Mới đây,
trong buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự thảo một Nghị định quản lý
thiết bị y tế của Bộ Y tế, vị Thứ trưởng Bộ này sau khi nêu một loạt công
việc quản lý thiết bị y tế cần có phí rồi đề nghị: "Dự thảo Nghị định
quy định các loại phí, lệ phí: Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang
thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố
đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số
lưu hành; phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu
chuẩn...". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nghe xong đã phát biểu rất
gay gắt: “Người bệnh sẽ không biết bao nhiêu thứ phí, do những cái này cộng
vào. Và cái máy về Việt
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những năm bảo vệ
biên giới Tổ quốc sau chiến tranh, dù đời sống Nhân dân hết sức khó khăn song
không một ai, không một địa phương nào lại thiếu một hạt gạo, một đồng tiền
thuế. Mọi người đều tin tưởng từng hạt gạo, từng giọt máu đều sẽ góp phần
nhanh giải phóng đất nước, bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc. Ngày nay, những khoản
thu từ người dân vào ngân sách nhà nước, vào quỹ của các đơn vị, trường học… là
không nhỏ. Việc chi tiêu, sử dụng những khoản thu này như thế nào luôn là dấu
hỏi với người dân vì chưa có sự công khai, minh bạch. Như việc chi BHYT trên
đây, tỷ lệ 58,6% HSSV đi khám chữa bệnh không phải là ít (cứ 2 HSSV đã có hơn
1 em đi KCB, cũng có nghĩa tỷ lệ nghỉ học rất cao?). Tỷ lệ KCB cao như vậy mà
vẫn kết dư hơn 2 ngàn tỷ, vậy sao phải tăng tỷ lệ đóng thêm 1,5%? Hay câu
chuyện đóng góp đầu năm học hầu như các trường đều có quy định đóng tiền đầu
tư xây dựng trường lớp (thường từ 250.000-300.000,đ/HS/năm học). Số tiền này
chủ yếu sử dụng củng cố, tu sửa nhỏ, thường PHHS không được biết việc chi thế
nào. Hay như quỹ PHHS (thường có 2 loại: Quỹ PHHS Lớp và quỹ PHHS Trường), ai
từng làm Hội cha mẹ HS sẽ biết, thực ra loại quỹ này chủ yếu dùng làm quà tặng
thầy, cô nhân các dịp lễ (Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ VN 20/10, Ngày Nhà
giáo 20/11, Tết Nguyên đán, tết Dương lịch, thầy cô ốm đau…), còn tỷ lệ chi
khen thưởng học sinh vào cuối khóa rất nhỏ, thường là món quà tượng trưng về
tinh thần...
Việt Nam mới bước qua ngưỡng cửa một nước nghèo, đời
sống nhân dân tại các vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu còn rất
nhiều khó khăn, vẫn có những nơi người dân ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Huy
động từ người dân để tạo nguồn cho xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế-xã
hội… là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình và mức thu phù hợp với
thu nhập của người dân, không thể muốn có ngay, có đủ để rồi sốt sắng tăng thêm
nhiều loại quỹ, phí, mức thu quá cao... Làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến đời
sống người dân, vào an sinh xã hội. Bên cạnh đó các cấp, các ngành cần có
biện pháp quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch để mỗi đồng tiền
thuế, phí, các khoản thu của dân thực sự mang lại hiệu quả và lợi ích cộng
đồng. “Hãy khoan sức dân để tính kế sâu rễ bền gốc” như người xưa đã
dạy.
Đinh Hoàng
|
Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015
Chiếc thang kỳ dị
Ai
đã từng sống ở làng quê xưa chắc đều biết chiếc thang tre. Các cụ ta rất thông
minh khi đóng chiếc thang bằng loại vật liệu quen thuộc, có phổ biến ở làng
quên Việt
EVN
cũng rất khôn khi chọn cách tính giá điện là giá bậc thang và họ đã thiết kế
“chiếc thang” theo nguyên tắc riêng là bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người “bán
thang” chứ không phải người “leo thang”. Thử xem khoảng cách giữa các bậc thang
của EVN họ “đóng” thế nào:
-
Bậc 1: 1.484 đồng/kW. (Chân thang)
-
Bậc 2: 1.533 đồng; cách bậc 1: 49 đồng (bậc khởi điểm)
-
Bậc 3: 1.786 đồng; cách bậc 2: 253 đồng
-
Bậc 4: 2.242 đồng; cách bậc 3: 456 đồng
-
Bậc 5: 2.503 đồng; cách bậc 4: 261 đồng
-
Bậc 6: 2.587 đồng; cách bậc 5: 84 đồng. (Lúc này giá điện đã tăng so với bậc 1
là 1.103 đồng, đã tăng 74% so với bậc 1).
Sơ
đồ chiếc thang này cho thấy khoảng từ bậc 3 đến 5 có độ dài “khủng” nhất. Lẽ ra
khi bậc 2 “độ dài” là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47;
45; 43; 41đ…), nhưng EVN đã không làm theo nguyên tắc đó. Chiếc thang này thì
chỉ người “leo” bậc thang đầu có lợi. Tuy nhiên với mức sống và mức tiêu thụ
điện của dân ta hiên nay thì số người dùng bậc thang đầu (mức 50 kW) không
nhiều, nếu không nói là rất ít. Tôi có 2 bố mẹ trên 80 tuổi sống ở quê chỉ dùng
ti-vi, quạt, 2 chiếc bếp (1 điện, 1 gas) và nồi cơm điện song chưa bao gờ được
hưởng mức 100 kW chứ đừng nói 50kW, thông thường mỗi tháng hết khoảng trên
300.000đ. Mức tiêu thụ điện này trở lên là phổ biến với các hộ ở nông thôn. Con
số EVN đưa ra về người sử dụng các mức chỉ là con số riêng của họ, không ai
biết thật ra người dùng điện ở bậc nào chiếm đa số. EVN cho rằng giá điện bình
quân hiện chỉ 1.622,01đ/kWh (giá bình quân). Đây là sự xảo thuật, đễ gây hiểu
nhầm. 1.622,01đ/kWh không phải là cộng bình quân 6 bậc chia ra. Chia bình quân
6 bậc thì giá điện bình quân hiện nay là 2.202đ. Kết quả trên đã được EVN hạ
thấp một cách không rõ ràng. Thực tiễn lại rất khác cái gọi là giá bình quân
trên. Bạn thử tính số người dùng bậc 1 là 1 người, số người dùng bậc 3, 4, 5…
là 100 người thì sẽ thấy giá điện bình quân là bao nhiêu? nó sẽ tiệm cận giá
bậc cao chứ không gần giá gốc. Nhìn vào “chiếc thang” giá trên đây mọi người có
thể đoán ra, số người dùng điện ở những bậc nào nhiều nhất, và người “bán
thang” lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại
sao EVN không theo nguyên tắc “đóng thang” truyền thống? Tại sao họ không hạ độ
cao của cả cây thang xuống (vì sao bậc thang cao nhất cứ phải là 2.587đ chứ
không phải 1.747đ hay 1.800đ?). Bài toán EVN đưa ra cho người dân như đã có đáp
số sẵn (chiếc thang cao 5m vẫn là 5m, khoảng cách các bậc thế nào tùy các vị
chọn). Lẽ ra với mức tiền điện sử dụng của người dân tăng vọt như vừa qua, EVN
phải lắng nghe rồi hạ mức bậc và chiều cao “cây thang” xuống cho phù hợp mức
sống của người dân, song họ đã không làm vậy. Bài toán của EVN là giữ nguyên
lợi nhuận cho mình, khoảng cách giữa các bậc thang do người dùng “tự thỏa
thuận” với nhau!
Ảnh
minh họa
EVN
là doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang độc quyền giá điện. Có thể nói, điện là trụ
đỡ của nền kinh tế. Vai trò, trách nhiệm của EVN rất lớn và vinh dự. Cái mà EVN
mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng
trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của riêng EVN để so đo, tính toán thì nền
kinh tế sẽ thiệt hại rất lớn, lợi nhuận của EVN có cao đến mức nào cũng không
thể bù đắp được. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều này thì rất cần có bàn
tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh lại cách đóng chiếc thang kỳ
dị” của họ.
Đinh Hoàng
|
Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015
Chùa Bổ
Đà - nét đẹp ẩn mình dưới núi Phượng Hoàng
Tên đầy đủ là chùa Quan
Âm ở núi Bồ Đà, người dân quanh vùng thường gọi tắt là chùa Bổ, nằm phía
Bắc sông Cầu, tọa lạc ở Bắc chân núi Phượng Hoàng (núi Bồ Đà) thuộc thôn
Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên,
tỉnh Bắc Giang. Đây là một di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc
Giang, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng Lâm Tế. Chùa thờ Tam giáo (Phật giáo - Khổng giáo - Lão giáo). Ngoài
ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương có công
giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại
xâm).
Trong địa phận Tiên Lát,
cạnh dòng Như Nguyệt trong xanh có ba ngọn núi lớn kề vai soi bóng, mang tên
chung là núi Bồ Đà. Ngọn cao nhất là Phượng Hoàng Sơn, ngọn thứ hai là Mã Yên
Sơn và ngọn thứ ba là Kim Quy Sơn. Năm 1971 nhà văn Nguyên Hồng khi tu ẩn tại
chùa đã viết về vẻ đẹp nơi đây: Bốn bề
phong cảnh lạ thay/Bồng Lai kia, cũng thế này mà thôi.
Xưa, trong làng có vợ chồng người tiều phu tên gọi Minh
Đà hàng ngày vào rừng đốn củi nuôi thân, đến
40 tuổi vẫn chưa có con trai. Một hôm cắp rìu lên núi kiếm củi bỗng thấy có
một gốc thông già, ông lấy búa bổ vào gốc cây thì kì lạ thay có một đồng tiền
bằng vàng nảy ra. Ông liền bổ một thôi vào gốc cây, được cả thảy 32 đồng tiền
vàng. Ngạc nhiên trước sự li kì, ông liền quỳ xuống mà nguyện rằng: Nếu như
linh ứng cho xin mụn con trai, được như nguyện sẽ xây chùa, tô tượng, sớm tối
khói hương phụng phật. Quả nhiên sau đó ứng
nghiệm, vợ người tiều phu sinh được con trai. Sau người tiều phu dựng một
ngôi chùa lợp gianh, đúc tô một pho tượng Quan Âm Tống Tử, ngày ngày hương
khói. Nghe chuyện nhiều người đến lễ bái, cầu việc gì cũng biến ứng. Dần sau chùa
trở thành nơi du khách tâm linh dập dìu vãng cảnh, chiêm bái.
Công trình, hiện vật và thư tịch còn lại
ở chùa cho biết, chùa xây từ thời nhà Lý (thế kỉ 11), giai đoạn lịch sử phật
giáo phát triển cực thịnh với nhiều chùa chiền được xây dựng, nhất là tại đất
Tổ đức vua Lý Công Uẩn. Thời Lê Trung hưng, triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728)
chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Quần thể
chùa là tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh
Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Gần một trăm gian chùa xây bằng các vật
liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành... Các bức tường, cổng và một số
công trình khác được xây hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường độc đáo.
Cổng chùa nền lát đá muối, vòm cổng mang dáng dấp gác chuông. Nhiều bức tường
được xây bằng tiểu sành tạo vẻ thâm nghiêm, trầm mặc, gần gũi với vùng thôn
quê đồng bằng Bắc Bộ. Khu vườn tháp có nét độc đáo, được đánh giá đẹp và
lớn nhất Việt Nam với 104 ngôi mộ tháp là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục than,
nơi yên nghỉ của 1219 nhà sư, cao tăng, tăng ni. Theo sư trụ trì Đại Đức Tự
Tục Vinh, họ là huynh đệ cùng thiền phái Lâm Tế, chung theo tu một thầy,
trọng tình và thân thiết với nhau lúc còn sống, muốn khi được về cõi cực lạc
vẫn luôn bên nhau tại chốn thiền.
Một góc khu mộ tháp
Nhiều người đã đến chùa Bổ Đà song không
phải ai cũng biết nơi đây còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt
Sư trụ trì Đại Đức Tự Tục Vinh giới
thiệu mộc bản kinh Phật
Vãn cảnh Bổ Đà khách hành
hương bị hút hồn bởi vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ của chốn linh địa Phật giáo.
Đại Đức Tự Tục Vinh trụ trì chùa từ năm 2000, là vị trụ trì thứ 11, ông say
sưa kể về ngôi chùa, giúp chúng tôi hiểu rõ lịch sử Bổ Đà tự, nhận ra nhiều
điều chí lí, thiên lương của tình nghĩa trong cõi Phật. Chùa Bổ Đà đã kế tục
các vị tăng già nhiệt tình cách mạng, yêu nước. Nhiều vị tăng cởi áo cà sa
tòng quân, noi theo truyền thống phụng phật yêu nước của ông cha, cùng Nhân
dân khởi nghĩa, chống ngoại xâm. Kháng chiến chống Pháp, chùa có 12 vị tham
gia trong đó 4 vị hi sinh thân mình cho Tổ quốc. Kháng chiến chống Mỹ chùa
tiễn 6 vị lên đường tòng quân đánh giặc, 2 vị hi sinh tại chiến trường...
Đúng như nhà văn Nguyên Hồng đã viết về truyền thống cách mạng của các thế hệ
Sơn môn chùa Bổ Đà: Cởi áo Cà Sa
mặc chiến bào/Ngừng chuông niệm Phật cầm binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu
nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào... Sư cụ Đức Chính là một
điển hình cho Sơn môn Bổ Đà, với thành tích yêu nước cụ được Nhà nước tặng
Huân chương kháng chiến hạng Ba. Ngày nay, các vị tăng ni giáo phái vẫn dung
giữ truyền thống đó trên nền tảng đạo đức, tư tưởng từ bi, hỉ xả, luôn đồng
hành cùng dân tộc, góp sức xây dựng quê hương.
Lễ hội chùa Bổ vào các ngày 16, 17, 18 tháng 2
âm lịch hàng năm. Nhưng, muốn được lạc vào cõi thiền tiên thanh tịnh và chiêm
ngưỡng cảnh quan tươi đẹp vùng đất Kinh Bắc bên dòng Như Nguyệt thơ mộng, du
khách hành hương về chùa tiết cuối hạ, đầu thu là đẹp nhất. Chỉ cách Hà Nội
chừng 40km nhưng nay vẫn ít người biết đến một ngôi chùa cổ kính, đẹp đến nao
lòng, ẩn mình dưới chân núi Phượng Hoàng - Chùa Bổ Đà.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)