Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Luận bàn

Tư duy… giá rẻ

Việt Nam là nước đứng hàng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo và một số nông sản quan trọng. Những con số về khối lượng, giá trị tăng trưởng xuất khẩu ban đầu đã làm nức lòng mọi người và niềm tự hào dân tộc. Ta đâu chỉ có anh hùng trong chống ngoại xâm?
Tuy nhiên, trái với thành quả đó, người nông dân vẫn còm cõi trên những cánh đồng (kể cả Đồng Lớn). Không biết sản lượng, giá trị xuất khẩu đang mang lại lợi ích cho ai? Chất lượng, giá cả gạo của Việt Nam đang bị nhiều nước (kể cả ở khu vực Đông Nam Á) cạnh tranh, “vượt mặt”. Nhiều loại gạo của Thái Lan, và cả Cam-pu-chi hơn hẳn gạo Việt Nam về chất lượng và dĩ nhiên “được giá” hơn gạo ta trên thị trường thế giới.
Tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm qua cũng là điểm sáng, như một “cứu cánh” nền kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên phía sau “tấm huy chương” FDI còn khá nhiều điều đáng suy ngẫm. Qua một chuyện nhỏ cũng sẽ hiểu thêm câu chuyện FDI: Nền công nghệp ô-tô sau hàng thập kỉ tìm mục tiêu có được một công nghệ hiện đại từ nước ngoài, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để doanh nghiệp nội có thị phần xứng đáng trong giá trị mỗi chiếc ô-tô xuất bán. Tuy nhiên, mục tiêu mong đợi đó vẫn đang ở phía trước, xa vời! Việt Nam đơn thuần chỉ là nơi lắp rắp ô-tô, điện thoại, máy tính… với giá nhân công bèo bọt.
Người Việt ta rất cần cù, thông minh. Lao động Việt Nam không phải không có kĩ năng, năng lực thực hành. Tuy nhiên, sức lao động của người Việt đang được “mua” với giá không tương xứng. Mong những người đang “lo cơm áo, việc làm” cho người lao động hãy bớt chút thời gian vàng ngọc đến những xóm công nhân, về những làng quê thuần nông xem đời sống của họ ra sao. Biết đâu một ai đó sẽ có sự “động lòng trắc ẩn”?
Nhân dân ta luôn tin vào Đảng, đã theo Đảng hơn 80 năm qua, điều đó như chân lí đã được kiểm định. Những năm đen tối dưới ách bóc lột của thực dân, phong kiến, người dân đi theo Đảng để có một tương lai tương sáng. Niềm tin của Nhân dân đã làm nên sức mạnh cách mạng cho đến tận hôm nay.
Mấy ngày nay dư luận đang quan tâm nhiều vào cuộc họp bàn quyết định việc nâng lương tối thiểu cho người lao động. Trong thực trạng lương người lao động chưa đủ cho mức sống tối thiểu, việc quan tâm chuyện trên là lẽ thường. Mỗi thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia đang mang trên mình trách nhiệm lớn lao. Mỗi người có một quan điểm khác nhau cũng là lẽ thường, nhưng đã có ý kiến bóng gió mà người tinh ý sẽ hiểu đó như một sự “nắn gân”: Cứ tăng lương tối thiểu cao đi, nhiều công nhân sẽ chẳng còn việc mà làm! Tuy nhiên, mức tăng 12,4% cuối cùng đã được quyết định trong sự chưa hài lòng của cả hai phía: Đại diện người lao động – Đại diện cho giới chủ.
Đúng là cũng phải quan tâm tới quyền lợi doanh nghiệp, họ kinh doanh phải có lãi. Nhưng ta đang chiều chuộng doanh nghiệp bằng chính sách lao động giá rẻ. Chỉ cần trả lao động với giá rẻ mạt mà họ đã có lợi nhuận rồi, đâu còn động lực để nâng cao năng suất, công nghệ và chất lượng sản phẩm? Với những doanh nghiệp như thế có trụ được chăng khi gia nhập vào cộng đồng thế giới? Và, người lao động vẫn chỉ được đồng lương bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu. Đã đến lúc cần loại bỏ tư duy… giá rẻ, kể cả giá sức của người lao động!
Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét