Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Chùa Bổ Đà - nét đẹp ẩn mình dưới núi Phượng Hoàng

Tên đầy đủ là chùa Quan Âm ở núi Bồ Đà, người dân quanh vùng thường gọi tắt là chùa Bổ, nằm phía Bắc sông Cầu, tọa lạc ở Bắc chân núi Phượng Hoàng (núi Bồ Đà) thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng Lâm Tế. Chùa thờ Tam giáo (Phật giáo - Khổng giáo - Lão giáo). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Trong địa phận Tiên Lát, cạnh dòng Như Nguyệt trong xanh có ba ngọn núi lớn kề vai soi bóng, mang tên chung là núi Bồ Đà. Ngọn cao nhất là Phượng Hoàng Sơn, ngọn thứ hai là Mã Yên Sơn và ngọn thứ ba là Kim Quy Sơn. Năm 1971 nhà văn Nguyên Hồng khi tu ẩn tại chùa đã viết về vẻ đẹp nơi đây: Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng Lai kia, cũng thế này mà thôi.
Xưa, trong làng có vợ chồng người tiều phu tên gọi Minh Đà hàng ngày vào rừng đốn củi nuôi thân, đến 40 tuổi vẫn chưa có con trai. Một hôm cắp rìu lên núi kiếm củi bỗng thấy có một gốc thông già, ông lấy búa bổ vào gốc cây thì kì lạ thay có một đồng tiền bằng vàng nảy ra. Ông liền bổ một thôi vào gốc cây, được cả thảy 32 đồng tiền vàng. Ngạc nhiên trước sự li kì, ông liền quỳ xuống mà nguyện rằng: Nếu như linh ứng cho xin mụn con trai, được như nguyện sẽ xây chùa, tô tượng, sớm tối khói hương phụng phật. Quả nhiên sau đó ứng nghiệm, vợ người tiều phu sinh được con trai. Sau người tiều phu dựng một ngôi chùa lợp gianh, đúc tô một pho tượng Quan Âm Tống Tử, ngày ngày hương khói. Nghe chuyện nhiều người đến lễ bái, cầu việc gì cũng biến ứng. Dần sau chùa trở thành nơi du khách tâm linh dập dìu vãng cảnh, chiêm bái. 
Công trình, hiện vật và thư tịch còn lại ở chùa cho biết, chùa xây từ thời nhà Lý (thế kỉ 11), giai đoạn lịch sử phật giáo phát triển cực thịnh với nhiều chùa chiền được xây dựng, nhất là tại đất Tổ đức vua Lý Công Uẩn. Thời Lê Trung hưng, triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728) chùa được xây dựng lại quy mô hơn. Quần thể chùa là tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Gần một trăm gian chùa xây bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành... Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường độc đáo. Cổng chùa nền lát đá muối, vòm cổng mang dáng dấp gác chuông. Nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành tạo vẻ thâm nghiêm, trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ. Khu vườn tháp có nét độc đáo, được đánh giá đẹp và lớn nhất Việt Nam với 104 ngôi mộ tháp là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục than, nơi yên nghỉ của 1219 nhà sư, cao tăng, tăng ni. Theo sư trụ trì Đại Đức Tự Tục Vinh, họ là huynh đệ cùng thiền phái Lâm Tế, chung theo tu một thầy, trọng tình và thân thiết với nhau lúc còn sống, muốn khi được về cõi cực lạc vẫn luôn bên nhau tại chốn thiền.  

Một góc khu mộ tháp
Nhiều người đã đến chùa Bổ Đà song không phải ai cũng biết nơi đây còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Gần 2.000 tấm mộc bản ghi 24 bộ kinh, tiêu biểu là ba bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Kí Quý. Ngoài ra còn các bộ như Chư Kinh Nhật Tụng, Sa Di Quyển Thượng, Quyển Hạ, Hộ Quốc Kinh v.v. Những di vật Phật học đặc biệt quý giá này là để phục vụ việc đào tạo, truyền bá kinh Phật. Đây là nơi kế truyền, các vị tổ sư khai trường thuyết pháp, đào tạo tăng ni, hàng năm kết hạ an cư tăng ni, tín đồ tham thiền học đạo khá đông. Trong chùa còn lưu giữ 41 pho tượng Phật làm bằng gỗ từ thời Lê khá phong phú. Tượng Phật ở đây không chỉ có giá trị lịch sử về sự phát triển của đạo Phật thiền phái Lâm Tế, nó còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đa dạng, đặc sắc, được chế tác bởi những bàn tay nghệ nhân tài hoa xứ Kinh Bắc. 


Sư trụ trì Đại Đức Tự Tục Vinh giới thiệu mộc bản kinh Phật
Vãn cảnh Bổ Đà khách hành hương bị hút hồn bởi vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ của chốn linh địa Phật giáo. Đại Đức Tự Tục Vinh trụ trì chùa từ năm 2000, là vị trụ trì thứ 11, ông say sưa kể về ngôi chùa, giúp chúng tôi hiểu rõ lịch sử Bổ Đà tự, nhận ra nhiều điều chí lí, thiên lương của tình nghĩa trong cõi Phật. Chùa Bổ Đà đã kế tục các vị tăng già nhiệt tình cách mạng, yêu nước. Nhiều vị tăng cởi áo cà sa tòng quân, noi theo truyền thống phụng phật yêu nước của ông cha, cùng Nhân dân khởi nghĩa, chống ngoại xâm. Kháng chiến chống Pháp, chùa có 12 vị tham gia trong đó 4 vị hi sinh thân mình cho Tổ quốc. Kháng chiến chống Mỹ chùa tiễn 6 vị lên đường tòng quân đánh giặc, 2 vị hi sinh tại chiến trường... Đúng như nhà văn Nguyên Hồng đã viết về truyền thống cách mạng của các thế hệ Sơn môn chùa Bổ Đà: Cởi áo Cà Sa mặc chiến bào/Ngừng chuông niệm Phật cầm binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào... Sư cụ Đức Chính là một điển hình cho Sơn môn Bổ Đà, với thành tích yêu nước cụ được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Ngày nay, các vị tăng ni giáo phái vẫn dung giữ truyền thống đó trên nền tảng đạo đức, tư tưởng từ bi, hỉ xả, luôn đồng hành cùng dân tộc, góp sức xây dựng quê hương. 

Lễ hội chùa Bổ vào các ngày 16, 17, 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Nhưng, muốn được lạc vào cõi thiền tiên thanh tịnh và chiêm ngưỡng cảnh quan tươi đẹp vùng đất Kinh Bắc bên dòng Như Nguyệt thơ mộng, du khách hành hương về chùa tiết cuối hạ, đầu thu là đẹp nhất. Chỉ cách Hà Nội chừng 40km nhưng nay vẫn ít người biết đến một ngôi chùa cổ kính, đẹp đến nao lòng, ẩn mình dưới chân núi Phượng Hoàng - Chùa Bổ Đà.
                                          Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét