Giữ cho tiếng
Việt sáng trong
Tiến trình hình thành và
phát triển lịch sử dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay đã hội đủ những yêu
cầu cho sự nghiệp phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội. Mặc dù trải
hàng ngàn năm Bắc thuộc, chịu sự đồng hoá của ngoại bang, hàng trăm năm đô hộ
của thực dân, đế quốc song nền văn hoá của dân tộc Việt vừa được giữ vững,
vừa chắt lọc, kế thừa những tinh hoa văn hoá nhân loại, làm giàu thêm nét đậm
đà, có bản sắc riêng.
Bước vào
giai đoạn hội nhập quốc tế, ngôn ngữ tiếng Việt chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhiều
ngôn ngữ trên thế giới, trong đó nổi bật là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng
Nga... Từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng xã hội, ở đâu cũng thấp thoáng
bóng dáng của ngôn ngữ nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Việc sử dụng một số từ nước
ngoài trong các văn bản pháp quy dần dần mặc nhiên được thừa nhận bởi trong
tiếng Việt còn thiếu. Đó là điều tất yếu với bất kì ngôn ngữ nào trong một
thế giới ngày càng “phẳng” và “hẹp” hiện nay.
Tuy nhiên hiện đã có sự lạm dụng thái
quá trong tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng
Anh lai tạp, tuỳ tiện đã đến mức báo động trong giới trẻ, học sinh, sinh viên,
kể cả trên truyền thông, báo chí. Trên các trang mạng, nhất là trên facebook, thư điện tử…, lứa tuổi học sinh, sinh viên đã biến thái tiếng
Việt thành những kí hiệu kì quái khó hiểu. Một số người mẫu, ca sĩ phát thanh
viên, dẫn chương trình truyền thông, báo chí khi nói thích đệm vào một vài từ
tiếng Anh rất phản cảm. Người sử dụng ngoại ngữ như vậy rõ ràng không phải vì
mục đích thông tin, nó chỉ thông tin cho người khác rằng họ biết ngoại ngữ.
Việc viết tên người, địa danh nước
ngoài một số người cứ bê nguyên xi ngoại ngữ vào trang viết, trên chương trình
phát sóng khiến khán, thính giả “bó tay chấm com”. Nhiều thuật ngữ đã được
Việt hoá từ lâu như Ác-hen-ti-na, Bra-xin, a-xit, ba-zơ, can-xi...
lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp: Argentina, Brazil, acid, base, calcium... Còn cách đọc thì mỗi nơi một kiểu, chẳng hạn tên viết
tắt của nhóm G7, G20 nơi đọc là “gờ bảy”, “gờ hai mươi”; nơi lại đọc là “giê
bảy”, “giê hai mươi”; chữ GDP nơi đọc là “giê-đê-pê”, nơi đọc là “gi-đi-pi”;
chữ CPI người thì đọc xê-pê-i, người đọc xi-pi-ai, v.v.
Hiện các chữ cái tiếng Việt đang
nhảy múa xoay quanh ba hệ thống thường chưa được thống nhất là “a-bờ-cờ,
“a-bê-xê”, “ây-bi-xi” và cách phiên âm ra tiếng Việt. Ảnh hưởng của ngoại ngữ
vô tình làm lệch chuẩn tiếng Việt. Chúng ta đều hiểu hệ “a-bờ-cờ’ là ngôn từ
gốc để đánh vần ra tiếng Việt, nhất là với người bước vào học ngôn ngữ này.
Ta đọc “bờ ô bô sắc bố” chứ không
đọc “bê hay bi ô bô sắc bố”... Việc các chữ trong bảng chữ cái “nhảy múa”
bằng cách gọi khác nhau đã làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính
xác.
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ trên thế
giới đã thừa nhận vẻ đẹp, sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Đây cũng
là công cụ đã giúp cho Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân
Hương... và bao thế hệ văn nhân, hào kiệt viết nên những áng văn bất hủ. Sinh
thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở: “Khi xã hội có nhiều người
nói tiếng bồi, đó là một xã hội bị nô dịch về ngôn ngữ”. Là một quốc gia đầy
tự hào với hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, một đất nước anh hùng đấu tranh
giải phóng dân tộc, đã có nền độc lập tự chủ, lẽ nào ta lại tự đưa mình vào
cái vòng “nô dịch” về ngôn ngữ?
Thời gian trước đây đã có một số ý
kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học nêu lên sự cần thiết có một Bộ Luật
về ngôn ngữ để thống nhất cách nói, cách viết tiếng Việt. Bẵng đi, nay ít
người đề cập lại vấn đề này. Khi ngôn ngữ đã được luật hoá, vấn đề giữ gìn sự
trong sáng của tiếng Việt và sự tiếp nhận ngôn ngữ bên ngoài để làm giàu
tiếng Việt sẽ đi vào thực chất và bền vững. Và đó chính là cách làm khoa học,
đúng đắn để
tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy
hữu hiệu để phát triển đất nước.
Đinh Hoàng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét