Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Chuyện vui

Cải chính

Tòa Báo nọ đăng bài của một cộng tác viên viết về một gương Giám đốc trại chăn nuôi bò kèm theo ảnh. Bức ảnh chỉ có mình Giám đốc X đứng cùng đàn bò được tác giả chú thích cẩn thận: “Giám đốc X đứng thứ 3 từ trái sang”. Bộ phận thư kí tòa soạn cũng sơ suất chẳng quan tâm nội dung chú thích đó.
Hôm sau, Báo vừa phát hành vị Giám đốc đã đến toàn soạn, hùng hổ ném tờ báo trước mặt Tổng Biên tập, gay gắt:

- Báo các anh dám bảo tôi là con bò à? Tôi sẽ kiện các anh ra tòa vì xúc phạm danh dự cán bộ! Tòa soạn các anh đúng là toàn bọn mất dạy!
Tổng Biên tập đọc đoạn chú thích ảnh vừa tủm tỉm:

- Anh cứ bình tĩnh. Đúng là Báo chúng tôi có sơ suất. Ngay số ra ngày mai chúng tôi sẽ cải chính, đăng đúng vị trí ảnh hôm nay.

Số báo hôm sau đăng lại bức ảnh và ghi cải chính: Xin đọc lại cho rõ: “Giám đốc X đứng thứ 3 từ trái sang không phải là con bò”!

Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

 Không thể sống mãi

      Lâu nay phó thác việc sinh tử nơi hạ giới cho Nam Tào bỗng hôm nay Ngọc Hoàng lại chăm chú xem kĩ tập hồ sơ khai tử vừa tấu. Thấy hai cái tên là lạ chẳng ra Tàu cũng không phải Tây: Lưu Men Sứ và Invest Hoàng Nậu, triệu Nam Tào đến, Ngọc Hoàng hỏi:
      - Thần dân Lưu Men Sứ tội gì ngươi chấm chỉ sống 55 tuổi?
      - Dạ bẩm, hắn là nghệ nhân kiêm nông dân, ham làm, ăn uống tằn tiện, tính văn nghệ sĩ, chút đam mê rượu chè. Muốn cho thêm cũng chỉ đến thế thôi ạ! - Nam Tào bẩm.
      - Thế còn Invest Hoàng Nậu đã 60 tuổi, ngươi có cảm tình riêng hay sao mà cho hắn sống 95 năm?
      Nam Tào lạnh toát người, lập cập thanh minh:
      - Dạ không phải ạ, Ngọc Hoàng đừng nghi oan cho thần. Kẻ này là nhà đầu tư, chuyên đi vận động vay tiền thiên hạ giúp doanh nghiệp vay lại vốn sản xuất, kinh doanh. Thiếu hắn lúc này nhiều doanh nghiệp sẽ “chết” ạ!
       Vốn hiếu kì, Ngọc Hoàng quyết định vi hành hạ giới xem sao.
      Ngọc Hoàng tới ngôi làng bên sông Mẹ thuộc phủ Hà Đô, đến nhà Lưu Men Sứ, thấy một người đàn ông hì hụi đào đất trong vườn. Bên chiếc hố sâu chừng hơn mét có nhiều đồ gốm sứ Bát Trắng xếp ngay ngắn.
      - Ngươi là Lưu Men Sứ? - Ngọc Hoàng hỏi.
      Không thèm nhìn, Lưu Men Sứ thủng thẳng:
      - Ừ, có việc gì, muốn uống thì có bình nước vối trong bếp ấy!
      - Ngươi đào hố làm gì vậy, trồng cau Vua à?
      - Vua chúa gì, chôn ít ấm chén, lu bát đó, nhìn thấy không?
      - Sao lại chôn thứ này?
      - Cho nó lên giá.
      - Thì ra ông là kẻ đầu cơ?
      - Cứ cho là thế. Nhưng đầu cơ cho con, cháu, chắt… đời sau nó hưởng.
      - Nghĩa là sao?
      - Ông không thấy đồ cổ giá đắt như vàng à? Hỏi, 500 năm nữa, những thứ này có cổ không?
      - À !…
      Rồi Ngọc Hoàng đến nhà Invest Hoàng Nậu. Đó là dinh thự nguy nga tọa bên hồ Trâu Đằm. Đường vào khá rộng nhưng xe ô-tô đắt tiền xếp hàng chen chúc thành ra chật hẹp. Thấy một chàng trai đứng phì phèo thuốc lá, đoán chừng lái xe, Ngọc Hoàng hỏi:
      - Họ đến đây làm gì đông thế?
      Nhìn Ngọc Hoàng vẻ lạ lẫm, anh ta hỏi lại:
      - Ông đến đây làm gì? Chả lẽ không biết hôm nay thôi nôi cháu đích tôn ông Nậu à? Có mang “phong bì” quà không?
      - À.. à! Phải có chứ. - Ngọc Hoàng trả lời qua quýt rồi đi vào. Thấy hai ông từ trong đi ra, mặt buồn thiu vừa đi vừa nói với nhau:
      - Lão ấy “chém” ác quá. 15% một năm bố ai chịu được!
      - Vay cũng chết, không vay cũng chết! Thôi thì… kệ. Nhiệm kì sau bọn “hậu duệ” sẽ trả nợ…
      Chẳng cần vào, Ngọc Hoàng đã hiểu. Thì ra Hoàng Nậu là nhà đầu tư vốn, đi vay thiên hạ về cho vay lại (gọi hoa mĩ là tạo vốn hỗ trợ doanh nghiệp). Nhưng, với tình trạng làm ăn hiện nay thì doanh nghiệp sao có thể trả lãi cao thế. Rồi con cháu nai lưng mấy kiếp mới trả xong? Nghĩ vậy Ngọc Hoàng lập tức quay về Trời, triệu Nam Tào đến chỉ lệnh:
      - Ngươi điều chỉnh ngay tuổi thần dân Lưu Men Sứ, tăng thọ càng lâu càng tốt, cho hắn 500 tuổi. Còn Hoàng Nậu phải khai tử năm nay!
      Nam Tào phân vân:
      - Dạ bẩm, con người không thể sống mãi được ạ. Luật Trời quy định cao nhất chỉ 140 năm, gia hạn một hai lần cũng không vượt 150 năm ạ, như vậy là phạm Luật Trời, dạ bẩm…
      - Luật mà không phù hợp thì sửa luật, các khanh phải tham mưu cho trẫm chứ? Không thể để người đáng trân trọng như Lưu Men Sứ chết yểu, còn Invest Hoàng Nậu phè phỡn sống nhăn ra để con cháu khốn khổ mang nợ! Các khanh bàn bạc kĩ với nhau đi, không thể để người “vì tương lai" thì chết sớm, còn kẻ “ăn cắp của tương lai” thì sống mãi.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 26/2/2016)

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Lễ hội dân gian cần gạn đục, khơi trong


Lễ hội dân gian là một phần thể hiện sinh động trong kho văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, được lưu truyền theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Những trò chơi dân gian trong lễ hội dịp đầu Xuân như kéo co, đánh đu, đấu vật, hát dân ca… tuy đơn giản song nó thể hiện nét bản sắc văn hiến và thượng võ, được duy trì từ hàng ngàn năm trước. Nay lễ hội dần phai nhạt nét thô sơ, dân giã, thay vào là những cầu kì và yếu tố tâm linh, thị trường ngày một lấn át. Việc duy trì, bảo tồn và nâng cao giá trị giáo dục đạo đức, truyền thống thông qua việc tổ chức lễ hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, sự phát triển lệch lạc, thâm chí méo mó một số lễ hội đang khiến dư luận bức xúc và lo ngại.

Năm trước dư luận từng dậy sóng khi chứng kiến truyền thông đăng tải những hình ảnh chém lợn dã man rồi tranh nhau phết máu cầu may. Rồi đến lễ phát ấn đền Trần cũng xảy ra tranh cướp cho những kì vọng quan trường khiến Ban Tổ chức phải tăng lượng ấn tín phát cho du khách. Đã có sự chuyển biến tốt ở một vài lễ hội, song năm nay vừa vào mùa lễ hội mọi người lại liên tục chứng kiến cảnh tranh nhau cướp phết, cướp lộc dẫn đến “hỗn chiến” ở nhiều nơi như Hiền Quan (Phú Thọ), Sóc Sơn (Hà Nội), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và lễ phát ấn đền Trần năm nay vẫn tái diễn cảnh tranh cướp... Từ những tích trò được diễn xướng linh thiêng, lành mạnh mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục, do người dân sáng tạo dựa trên những truyền tích lịch sử cao đẹp, nay đang nhuốm màu trần tục, xô bồ. Những biểu tượng tín ngưỡng, tâm linh trong lễ hội đang được chuyển ra đời thực với kì vọng cầu tiền tài, danh lợi và niềm tin đã được chuyển thành mê tín.
Lộn xôn ở lễ phát ấn đền trần: Ban Tổ chức cũng bó tay

Mọi lễ hội truyền thống đều do người dân tạo dựng dựa trên thực tiễn cuộc sống đấu tranh với thiên tai, địch họa, xây dựng đất nước. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và nền văn minh nhân loại, việc duy trì lễ hội ngày nay cần hướng tới sự chọn lọc và sáng tạo mới. Liệu có thể tìm được nét đẹp, tính nhân văn, văn hóa của hình ảnh phanh thân xả chém con lợn giữa sân đình rồi tranh nhau quệt tiền máu lấy may? Hay hình ảnh con trâu “đầu cơ nghiệp” được buộc bên cây cột để một thanh niên khỏe mạnh đâm đổ gục, tuôn trào máu đỏ trong sự reo hò hưởng ứng của đám đông? Là sản phẩm từ sự tạo dựng của người dân nên lễ hội dân gian không phải là thứ bất biến, không thể thay đổi. Cùng với tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư sở hữu lễ hội loại trừ yếu tố mê tín, tiêu cực, lãng phí, nên chăng ngành văn hóa cần đầu tư phục dựng và làm mới các lễ hội, nhất là những lễ hội đang gây nên nhiều dư luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng giữ nguyên trạng tục tích lễ hội cổ (cả những hạn chế về tính nhân văn) là bảo tồn truyền thống, chỉ là ngụy biện. Mọi hoạt động văn hóa trước tiên cho tới cuối cùng đều phải hướng tới cái đẹp, nhân văn, góp phần giáo dục đạo đức xã hội.

Chen chúc ở lễ phát ấn đền trần
Bức biếm họa của tác giả LEO (Lê Phương) tả cảnh người đi đến hai lễ hội để lại nhiều điều đáng suy ngẫm: Trên ngã ba đường đến hai lễ hội, một rẽ trái đi tranh ấn thăng quan (đền Trần, Nam Định), một rẽ phải đi lễ Minh Thề (thề không tham nhũng ở Kiến Thụy, Hải Phòng). Hướng đi tranh ấn thì nườm nượp ô-tô, xe máy đủ loại nối đuôi nhau. Hướng đi Minh Thề tịnh chẳng thấy một bóng người! Nếu ví trục đường trên như dòng chảy văn hóa thì tới ngã ba này nó đã chia hai dòng trong, đục rõ ràng. Bức tranh đã nói lên phần nào thực trạng không vui của lễ hội hiện nay.


Đã đến lúc cần gạn đục, khơi trong, trả lễ hội dân gian truyền thống về đúng giá trị đích thực như cha ông ta từng mong đợi.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 23/2/2016

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

“Sê cần hen”


Tiếng nước ngoài secondhand được dân dã gọi là “sê cần hen” ám chỉ một món đồ đã qua sử dụng, thường là của nước ngoài. Những năm sau chiến tranh, đời sống thiếu thốn trăm bề, có đồ cũ để dùng đã tốt huống chi đó là hàng ngoại. Khi đó ai mua được một chiếc xe máy cũ mác “made in japan” chẳng khác chi ngày nay sắm được chiếc ô-tô loại tốt.

Tâm lí thích dùng hàng ngoại, dù đó là secondhand hình như đang “ám ảnh” dân Việt đến bây giờ. Thỉnh thoảng lại thấy địa phương này, bệnh viện nọ trình xin Chính phủ cho phép nhập nhận hàng nhân đạo, từ thiện là thiết bị y tế đã qua sử dụng của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Trong lúc còn thiếu thốn thiết bị tại các bệnh viện, Chính phủ vẫn có chủ trương cho phép tiếp nhận những thiết bị cũ với điều kiện phải còn từ 80% giá trị sử dụng trở lên. Con số 80% rất cụ thể về định lượng nhưng lại vô cùng… định tính! Trên hay dưới 80% phải qua con mắt và tư duy chủ quan của người thẩm định. Người trần mắt thịt đôi khi không khỏi bị tác động bởi những “định lượng” rồi cho ra những con số định tính để thỏa lòng mọi bên. Người nước ngoài, nhất là nước giàu họ rất tiết kiệm trong khai thác thiết bị, tài sản, không mấy khi dễ dàng bỏ đi thiết bị còn 80% giá trị (có thể coi gần như mới) ấy. Thực tế cũng chưa thấy lô thiết bị nào dạng này nhận về phải trả lại bên cho hay phải vứt ra bãi rác. Có lẽ chủ trương trên đã được một số tư nhân, doanh nghiệp “tranh thủ”, tìm nhập mua thiết bị y tế cũ rồi bắt tay với bệnh viện thông qua hình thức “xã hội hóa” để khai thác những giá trị secondhand (thường là máy xét nghiệm, X-quang...). Trong hóa đơn thanh toán chi phí xét nghiệm tại các bệnh viện không có sự phân biệt kết quả từ máy secondhand hay “đập hộp”. Kết quả từ máy cũ hay mới cũng còn tốt hơn là bị nhận kết quả xét nghiệm “nhân bản” như ở bệnh viện một địa phương nọ từng bị cáo giác.

Cứ ngỡ chuyện dùng hàng secondhand chỉ nhỏ nhặt với một vài thiết bị của ngành y tế. Thông tin Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Việt Nam có ý định nhập 164 toa xe lửa “made in china” đã qua 12 - 22 năm sử dụng về để kinh doanh khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đúng là tư duy "sê cần hen"!

Ngành đường sắt bao năm vẫn ì ạch "rùa bò" trên những tuyến đường sắt nhỏ hẹp. Mấy năm gần đây do sự đốc thúc quyết liệt của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải nên đã có tín hiệu nhúc nhích khỏi sự trì trệ. Có thể danh mục những toa xe lửa secondhand nói trên không nằm trong danh mục hàng hóa cũ cấm nhập khẩu của Chính phủ, nhưng chủ trương nhập về để khai thác, kinh doanh thì xem ra tư duy này vẫn nằm trong vòng "kim cô sê cần hen"! Dân gian có câu "một tiền gà, ba tiền thóc", không biết những "con gà" toa xe cũ trên có tốn nhiều "thóc" không để có thể mang về lợi nhuận cho ngành đường sắt? Bài học nhỡn tiền là "con gà" triệu đô mang tên Ụ nổi M83 vẫn đang ngày ngày "ăn thóc" chưa biết bao giờ sinh lời. Chủ trương trên đang gây lo ngại trong dư luận, liệu ngành đường sắt có đang "cải lùi"? Thật may, khi ý định trên mới đề xuất đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo xử lí nghiêm người có trách nhiệm khi đưa ra một chủ trương sai lầm.

Việt Nam ta đã đường hoàng bước ra khỏi "câu lạc bộ" của những nước nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Có những tư duy cũ kĩ của một thời nghèo khó cần phải loại bỏ khi đưa ra những chủ trương thực sự vì lợi ích quốc gia.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)