Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

“Sê cần hen”


Tiếng nước ngoài secondhand được dân dã gọi là “sê cần hen” ám chỉ một món đồ đã qua sử dụng, thường là của nước ngoài. Những năm sau chiến tranh, đời sống thiếu thốn trăm bề, có đồ cũ để dùng đã tốt huống chi đó là hàng ngoại. Khi đó ai mua được một chiếc xe máy cũ mác “made in japan” chẳng khác chi ngày nay sắm được chiếc ô-tô loại tốt.

Tâm lí thích dùng hàng ngoại, dù đó là secondhand hình như đang “ám ảnh” dân Việt đến bây giờ. Thỉnh thoảng lại thấy địa phương này, bệnh viện nọ trình xin Chính phủ cho phép nhập nhận hàng nhân đạo, từ thiện là thiết bị y tế đã qua sử dụng của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Trong lúc còn thiếu thốn thiết bị tại các bệnh viện, Chính phủ vẫn có chủ trương cho phép tiếp nhận những thiết bị cũ với điều kiện phải còn từ 80% giá trị sử dụng trở lên. Con số 80% rất cụ thể về định lượng nhưng lại vô cùng… định tính! Trên hay dưới 80% phải qua con mắt và tư duy chủ quan của người thẩm định. Người trần mắt thịt đôi khi không khỏi bị tác động bởi những “định lượng” rồi cho ra những con số định tính để thỏa lòng mọi bên. Người nước ngoài, nhất là nước giàu họ rất tiết kiệm trong khai thác thiết bị, tài sản, không mấy khi dễ dàng bỏ đi thiết bị còn 80% giá trị (có thể coi gần như mới) ấy. Thực tế cũng chưa thấy lô thiết bị nào dạng này nhận về phải trả lại bên cho hay phải vứt ra bãi rác. Có lẽ chủ trương trên đã được một số tư nhân, doanh nghiệp “tranh thủ”, tìm nhập mua thiết bị y tế cũ rồi bắt tay với bệnh viện thông qua hình thức “xã hội hóa” để khai thác những giá trị secondhand (thường là máy xét nghiệm, X-quang...). Trong hóa đơn thanh toán chi phí xét nghiệm tại các bệnh viện không có sự phân biệt kết quả từ máy secondhand hay “đập hộp”. Kết quả từ máy cũ hay mới cũng còn tốt hơn là bị nhận kết quả xét nghiệm “nhân bản” như ở bệnh viện một địa phương nọ từng bị cáo giác.

Cứ ngỡ chuyện dùng hàng secondhand chỉ nhỏ nhặt với một vài thiết bị của ngành y tế. Thông tin Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Việt Nam có ý định nhập 164 toa xe lửa “made in china” đã qua 12 - 22 năm sử dụng về để kinh doanh khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đúng là tư duy "sê cần hen"!

Ngành đường sắt bao năm vẫn ì ạch "rùa bò" trên những tuyến đường sắt nhỏ hẹp. Mấy năm gần đây do sự đốc thúc quyết liệt của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải nên đã có tín hiệu nhúc nhích khỏi sự trì trệ. Có thể danh mục những toa xe lửa secondhand nói trên không nằm trong danh mục hàng hóa cũ cấm nhập khẩu của Chính phủ, nhưng chủ trương nhập về để khai thác, kinh doanh thì xem ra tư duy này vẫn nằm trong vòng "kim cô sê cần hen"! Dân gian có câu "một tiền gà, ba tiền thóc", không biết những "con gà" toa xe cũ trên có tốn nhiều "thóc" không để có thể mang về lợi nhuận cho ngành đường sắt? Bài học nhỡn tiền là "con gà" triệu đô mang tên Ụ nổi M83 vẫn đang ngày ngày "ăn thóc" chưa biết bao giờ sinh lời. Chủ trương trên đang gây lo ngại trong dư luận, liệu ngành đường sắt có đang "cải lùi"? Thật may, khi ý định trên mới đề xuất đã được nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo xử lí nghiêm người có trách nhiệm khi đưa ra một chủ trương sai lầm.

Việt Nam ta đã đường hoàng bước ra khỏi "câu lạc bộ" của những nước nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Có những tư duy cũ kĩ của một thời nghèo khó cần phải loại bỏ khi đưa ra những chủ trương thực sự vì lợi ích quốc gia.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét