Dự cảm mùa Xuân
bên cây cầu hữu nghị
Với ý định ngắm những bông hoa đào nở sớm
đón Xuân, bước chân như vô tình đưa tôi đến dải đất đỏ phù sa ven sông Hồng
của làng Phú Thượng. Dĩ nhiên chẳng còn cảnh vườn đào bát ngát thưở nào. Có
chăng chỉ là điểm xuyết đây đó vài vạt vườn nhỏ như cố níu giữ chút hương sắc
một thời vàng son của xứ đào Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên… Vườn đào mênh mang
hoa thắm ngày xưa nay là những khu chung cư cao tầng, những dãy phố san sát
mọc lên từ làng mà nét làng đã nhạt phai, thay vào là những xô bồ, ồn ã của
phố thị.
Đứng bên bờ sông Hồng, nhìn những gợn
sóng xô bờ ì oạp trong cái lạnh mùa Đông tôi chợt nghĩ, không biết gần 70 năm
trước những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô xót xa rút ra chiến khu trong tâm
trạng Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc
lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng trong đêm Đông ấy có ai biết
rằng nơi họ đang vượt sông sau này lại mọc lên một cây cầu to đẹp, hiện đại
vào hàng nhất nhì khu vực Đông Nam Á?
Có thể nói cầu Nhật Tân chính là nét đẹp
biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Nhân duyên quan hệ
Việt - Nhật đã có từ xa xưa, được ghi dấu vật chất bằng những trung tâm giao
thương, phố hội như Phố Hiến, Hội An... Một thời các nhà cách mạng Việt Nam
đầu thế kỉ trước đã hướng sang xứ sở Phù Tang trong phong trào Đông Du mong
cứu nước Việt khỏi cảnh lầm than. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, các
thế hệ người dân Nhật Bản, nhất là thanh niên đã xuống đường cùng nhiều hoạt
động phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe
khi đó là một thanh niên mới lớn cũng đã thể hiện thiện cảm và cuốn vào phong
trào phản đối chiến tranh ấy. Người Việt Nam thật xúc động và trân trọng khi
một vị nguyên thủ quốc gia có nền kinh tế thứ hai thế giới vừa nhậm chức (năm
2012) đã chọn Việt Nam là một điểm đến đầu tiên khi xuất ngoại.
Tôi đã ngắm cây cầu nhiều lần thông qua
phim, ảnh nhưng chủ yếu ở góc độ toàn cảnh và từ trên cao. Đứng dưới chân cầu
nhìn lên mới cảm nhận được tầm cao và sự hoành tráng của cây cầu. Dự án cầu Nhật
Tân có tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD, chủ yếu từ vốn vay ODA của Chính
phủ Nhật Bản, riêng phần cầu dài gần 3,8km, rộng hơn 33m. Từ dưới bờ sông
nhìn hắt lên, những trụ cầu hình chóp vươn cao trong làn mây bay trắng đục
bất giác tôi nhận ra những trụ cầu như có dáng dấp của ngọn núi Phú Sĩ bên
Nhật Bản. Không biết các bạn Nhật có ý gì không khi thiết kế hình dáng những
trụ cầu vĩ đại này?
Cùng với dự án cầu hữu nghị Nhật Tân,
Việt Nam và Nhật bản còn rất nhiều dự án đầu tư khác trên các lĩnh vực. Chỉ
riêng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có hai công trình có ý nghĩa đang được
triển khai: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự án với nguồn đầu tư 54 tỷ Yên ODA
được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 7 ha; Trường Đại học Việt - Nhật
được khởi công ngày 20/12/2014, xây dựng theo mô hình đại học xuất sắc dựa trên
nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, quy mô khoảng 6000 sinh viên hiện đã
chuẩn bị tuyển sinh vào đầu năm 2016 này. Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục,
văn học nghệ thuật, giao lưu Nhân dân… và cao hơn là những hợp tác cụ thể về
quốc phòng, an ninh không ngừng đẩy mạnh trong mấy năm qua. Giữa Việt Nam và
Nhật Bản có nhiều nét gần gũi về văn hóa, nhiều mục tiêu chung về phát triển
và nhiều quan điểm tương đồng về chính trị…
Trải qua hơn 40 năm thiết lập quan hệ (từ
1973), đến nay Nhật Bản vươn lên là đối tác kinh tế quan trọng hàng
đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị
trường của Việt Nam, nước tài trợ ODA lớn nhất, một trong các nhà
đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ
4 (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 28 tỉ USD, dự kiến năm
2015 đạt 30 tỉ USD).
Những con số tuy khô khan nhưng nó lại
nói lên chiều sâu, thực chất của mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Con
số dù to hay nhỏ đều có ý nghĩa riêng của nó. Còn nhớ năm 2011 khi Nhân dân
Nhật Bản chịu thảm họa kép động đất, sóng thần, nhìn cảnh tàn phá khủng khiếp
của thiên nhiên, người dân Việt Nam xót xa như chứng kiến những người thân
của mình đang gặp nạn. Rồi một phong trào như tự phát, tự nhiên từ tấm lòng
của hàng triệu người dân Việt đã cùng nhau quyên góp ủng hộ Nhân dân Nhật Bản
khắc phục hậu quả thiên tai. Gần 8 triệu đô-la với người Việt Nam cũng chưa
phải là nhiều, huống chi là với nước Nhật, nhưng cái lớn nhất là tình người,
tình bạn bè khi hoạn nạn luôn có nhau. Người Việt xót xa nhìn cảnh thảm họa
sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011 cũng giống người Nhật từng nhói
lòng khi chứng kiến cảnh máy bay B52 của Mỹ rải thảm Thủ đô Hà Nội những đêm
Đông cuối tháng 12/1972.
Làn gió Xuân nhẹ thổi như đưa cái hương
phù sa sông Hồng lên quện vào nồng nàn nhịp sống. Vẫn chưa cận Tết nhưng rất
nhiều cây đào, cây quất đã được người trồng bứng lên, chuyên chở đến những
địa chỉ vui Tết sớm. Cây cảnh cũng được chuyển vào chợ hoa Quảng An, chợ
Bưởi, Hoàng Quốc Việt… Làn gió lạnh nhưng tôi bỗng cảm thấy cái ấm áp của sắc Xuân như đang ùa
vào lòng cùng những dự cảm tươi mới, bâng khuâng… Một niềm tin như định hình,
vững chãi vươn cao bên cây cầu hữu nghị Việt - Nhật.
Hoàng
Đình Khải
(Bài đăng Báo Người cao tuổi
số Tết Bính Thân 2016, được tặng Giấy khen "Bài báo hay viết về Hà Nội" tại Hội
Báo Xuân Bính Thân, Hà Nội năm 2016)
|
Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét