Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Chất và độc trong suất ăn công nhân



Mới đây, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trên VTV sẽ cố gắng để suất ăn công nhân tại các doanh nghiệp đạt 15.000 đồng thay vì 11.000đ - 12.000đ hiện nay. Một niềm hi vọng trong xa xót!
Liệu có tìm được xuất ăn bình dân giá 15.000? Hầu hết quán cơm bình dân từ tỉnh lẻ đến thành phố cũng khoảng 20.000 - 35.000 đồng/suất. Tất nhiên, nếu tổ chức bếp ăn tập thể thì giá sẽ không thể cao như cơm bình dân. Tuy nhiên hầu hết các công ty, cơ sở sản xuất đông người lao động (NLĐ) đang đặt mua trọn gói suất ăn nên có thể coi đó cũng là những suất cơm bình dân cơ động. Cách đây chưa lâu báo chí từng vạch trần thủ đoạn xà xẻo suất ăn công nhân tại một số cơ sở phía Nam. Suất ăn giá chỉ 11.000 - 12.000 nhưng chủ thầu sẵn sàng hoa hồng cho người kí hợp đồng 1.000 - 2.000 đồng/suất. Hoa hồng dám chi vậy thì lợi nhuận mỗi suất họ chẳng chịu kém 2.000 đồng. Rồi các chi phí như chất đốt, điện nước, thuê nhân công, tiền thuế... liệu số tiền còn lại cho một suất ăn có được 6.000 - 7.000 đồng? Một bà nội trợ giỏi với 7.000đ liệu ra chợ họ có mua được thực phẩm cho một người ăn? Suất ăn rẻ như vậy mang lại bao nhiêu năng lượng cho người lao động NLĐ. Với người làm văn phòng suất ăn đó cũng chưa chắc đã đủ nhu cầu sức khỏe, huống chi với NLĐ nặng nhọc, độc hại?

Với mức lương mới đủ 80% mức sống tối thiểu thì suất ăn 15.000 cũng đành bằng lòng trong lúc này. Cái đáng nói hơn chất lượng bữa ăn, đó là sự độc hại. Ta hãy điểm một số vụ ngộ độc thức ăn công nhân từ đầu năm 2015 đến nay xem thực trạng ra sao:

Ngày 23/4/2015, Công ty TNHH túi xách Simone KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An 300 công nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Ngày 19/6/2015, 90 công nhân Công ty may Deaseung Global (Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị ngộ độc thực phẩm.

Ngày 21/10/2015 Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa (P. Hòa Lợi, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) 441 công nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày 11/11/2015 Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam (Nam Định) 56 người bị ngộ độc thức ăn.

Ngày 17/11/2015 hơn 100 công nhân Công ty TNHH Dịch vụ TMSX Chánh Ích (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc thực phẩm.
Gần đây nhất, ngày 28/12/2015 hơn 2.000 công nhân nhà máy may nội y Regina Miracle (KCN VSIP, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị ngộ độc sau bữa cơm trưa, v.v.

Thực trạng trên cho thấy sự an toàn trong suất ăn công nhân đã vượt mức báo động. Ngoài những vụ thực phẩm độc "hạ gục nhanh" như trên, còn những bữa   ăn độc hại đang "đo ván từ từ" NLĐ mới đáng lo ngại cho tương lai của họ.
Nhớ thời bao cấp đời sống rất thiếu thốn song chuyện ngộ độc tập thể tại bếp ăn công nhân là chuyện lạ và cực hiếm. Khi ấy mỗi nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều có bếp ăn công nhân. Lãnh đạo, và NLĐ ăn chung một bếp như trong gia đình. Nay cơ chế thị trường, chủ doanh nghiệp chủ yếu quan tâm kinh doanh, hàng tháng trả lương xong như sòng phẳng, "tiền trao, cháo múc", ra khỏi cổng doanh nghiệp NLĐ phải tự bươn trải cuộc sống. Cũng do cơ chế thị trường nên hầu hết suất ăn công nhân được doanh nghiệp đặt hàng trọn gói, việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh hầu như bị bỏ ngỏ. Vì vậy, suất ăn 15.000 hay cao hơn nữa chưa hẳn đã bảo đảm chất lượng và an toàn.
Vậy ai sẽ là người lo cho bữa ăn công nhân? Đã đến lúc cơ quan chức năng cần quan tâm thực sự chuyện này. Công đoàn tại cơ sở và Tổng Liên đoàn Lao động cần có giải pháp cụ thể, thiết thực hơn là những hứa hẹn, hoặc chỉ "sẽ khởi kiện doanh nghiệp" khi đã xảy ra ngộ độc. Nên chăng cần quy định quy mô doanh nghiệp bao nhiêu công nhân buộc phải tổ chức bếp ăn và trực tiếp quản lí? Và, cần có cơ chế tạo sự độc lập giữa tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, để lãnh đạo công đoàn không bị lợi ích doanh nghiệp chi phối và việc bảo vệ quyền lợi NLĐ được khách quan. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng cần thấy NLĐ là nền tảng sự phát triển của doanh nghiệp, là nguồn quan trọng tạo ra lợi nhuận, từ đó chia sẻ cùng họ, chăm lo cải thiện môi trường để tái tạo sức lao động.
Trong nền công nghiệp hiện đại, văn hóa doanh nghiệp văn minh, NLĐ phải được coi là mục tiêu, họ không chỉ đơn thuần là phương tiện của lợi nhuận.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét