Chính sách "trên
mây"
Thông thường, mỗi chính sách
được ban hành do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi. Chính sách xuất phát từ thực tiễn
sẽ mở đường cho sự phát triển, điều chỉnh kịp thời những lệch lạc gây hại cho
cộng đồng. Trước khi có đường lối đổi mới, việc "khoán chui" trong
nông nghiệp những năm 70 - 80 thế kỉ trước là trái chủ trương của Đảng. Nhưng
lạ thay, việc làm "chui" ngày một khẳng định tính đúng đắn trước
cuộc sống thông qua năng suất, hiệu quả sản xuất. Đảng ta đã nhận ra thực
tiễn đó và cho ra đời những chủ trương đúng đắn từ Đại hội VI. Và, từ nước
phải nhập ngô, bo-bo về cứu đói cho dân, sau hơn chục năm Việt Nam bước lên
diễn đàn những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Gần đây xuất hiện nhiều quy định chính sách mà dân giã hay gọi đùa là
chính sách "trên mây", rất xa rời thực tiễn cuộc sống. Ví như quy
định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thịt giết mổ chỉ được
bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ; rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định
Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; và nay đang nóng chuyện
xe 4 chỗ ngồi trở lên phải có bình cứu hỏa v.v.
Vậy quy trình như thế nào để cho ra những chính sách như trên? Thông
thường để ban hành một quy định có ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đến sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải tìm hiểu thực tiễn
nhu cầu thực, đâu là dư luận của số đông và đâu là ý kiến một bộ phận vì lợi
ích riêng. Từ đó người làm chính sách mới soạn thảo văn bản pháp quy để điều
chỉnh. Trước khi ban hành, văn bản đó còn có bước lấy ý kiến ban ngành liên
quan, chuyên gia, người dân rồi đánh giá tác động của chính sách đến cuộc
sống.
Quy định "bán thịt 8 giờ" đã sớm phải thu hồi vì nó quá xa
rời thực tiễn. Người ban hành quy định có lẽ chưa tính xem nếu người nông dân
bán chưa hết số thịt trong 8 giờ thì "đổ" thịt đi đâu? Ai bồi
thường cho họ. Liệu họ có dễ dàng chấp nhận đổ mồ hôi công sức chăn nuôi rồi
bỏ đi?
Quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học cũng vậy, có
lẽ các "chuyên gia chính sách" ngành giáo dục chưa tính thử xem
thực tiễn có bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn đi thi đại học để hưởng ưu
đãi cộng điểm. Đó có phải đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hay không?
Mấy ngày gần đây khi Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định xe ô-tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải trang bị phương
tiện phòng cháy, chữa cháy, cả dư luận lẫn thị trường bình chữa cháy bỗng
"sôi sình sịch". Với quy định này, người Việt Nam đang tiên phong,
làm gương cho thế giới trong việc quan tâm sự an toàn của người sử dụng ô-tô!
Chính các hãng sản xuất ô-tô cũng chưa tính đến điều này (bằng chứng là chẳng
hãng xe nào bố trí và lắp thiết bị chữa cháy trên xe 4-9 chỗ). Có nhà quản lí
vận tải đã chia sẻ: Với phương tiện ô-tô cá nhân khi gặp sự cố cháy thì bình
chữa cháy cá nhân không thể dập tắt được. Khi đó, người trên xe cần nhanh
chóng thoát xa để tránh bình xăng phát nổ gây nguy hiểm. Lại nữa, với khí hậu mùa Hè ở
ta, xe để ngoài nắng có thể lên 60-70 độ C, bình chữa cháy còn có nguy cơ tự
phát nổ!". Các xe ô-tô cá nhân trang bị bình chữa cháy khác gì mang theo
quả bom?
Cán bộ, công chức hiện nay có nhiều
thuận lợi, nhất là cơ sở vật chất bảo đảm cho thực thi nhiệm vụ. Phòng làm
việc thì có máy điều hòa mát rượi. Ra khỏi cơ quan thì ô-tô đưa đón (cũng có
điều hòa), do vậy thời tiết khó làm họ đổ mồ hôi. Tuy nhiên, để có một chính
sách tốt thì cần phải đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ. Người làm chính sách
phải sống, hòa mình vào thực tiễn. Phải "đi" chứ không thể
"ngồi" để "sản xuất" ra những chính sách "trên
mây".
Đinh Hoàng
|
Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét