Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

 Kiểm toán chủ trương

Nghị quyết luôn sáng suốt, đã là chủ trương phải thực hiện bằng được, tư duy đó như định hình trong suy nghĩ và hành động của nhiều người. Mới đây có ý kiến đề xuất khác lạ, đó là thực hiện kiểm toán ngay từ khâu đề ra chủ trương nhằm ngăn ngừa lãng phí, khi mà tiền của, tài sản của dân chưa “bước lên con tàu tốc hành” mang tên đầu tư công.
Thông thường các chủ trương được đưa ra từ đề xuất của cơ quan tham mưu, những nguồn lực bảo đảm thường khái toán cao hơn so với thực tiễn. Đến khi chủ trương được thông qua thì những con số khái toán có khi lại trở thành chuẩn mực để xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể. Cũng có việc thì lại khác: Chủ trương được tham mưu đưa ra con số “thu nhỏ” hoặc lợi ích được “phóng đại” kiểu “đếm cua trong lỗ” nhằm dễ được thông qua chủ trương. Khi thực hiện những bất cập phát lộ và lúc đó sẽ khéo léo điều chỉnh với lí do bất khả kháng, con số khiêm tốn ban đầu có thể đội lên nhiều lần, còn lợi ích “rất lớn” thì tìm mãi không thấy.  
Từ hậu kiểm chuyển sang tiền kiểm có vẻ như quay lại tư duy cản trở phát triển. Tuy nhiên nhìn lại nhiều công trình, dự án không ít sự đầu tư lãng phí chính lại xuất phát từ chủ trương. Điểm một số "siêu" dự án, công trình đầu tư với vốn rất lớn: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam) đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng, qua 4 năm hoạt động, mỗi năm lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư tới 7.000 tỉ đồng nay đã phải tạm ngừng hoạt động, vốn chủ sở hữu gần như mất trắng; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) còn đang xây dựng song tính toán sẽ phải bù lỗ 1.540 triệu USD/10 năm, tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng/năm với kịch bản giá dầu 45USD/thùng. Nếu giá dầu 50 USD/thùng, 70 USD/thùng số bù lỗ là 4.000 tỉ đồng và 4.500 tỉ đồng/năm… Không thể khẳng định rằng những công trình dự án trên không có vấn đề về chủ trương. Nếu được kiểm toán trước khi cho phép đầu tư thì không thể có chuyện một dự án khai khoáng, luyện thép hàng chục tỉ đô la như Formosa lại có bản đánh giá tác động môi trường sơ sài chỉ… một trang giấy A4!
Chi phí xén cỏ ở đại lộ Thăng Long mất 2,2 triệu đồng/m2 mỗi năm

Ngay trong lĩnh vực chi thường xuyên cũng cần rà soát, kiểm toán lại những đơn giá, định mức, quy trình đã được cơ quan chức năng ban hành đang thực hiện, phát hiện bất hợp lí cần điều chỉnh kịp thời. Nếu định mức chuẩn xác thì không thể có giá 1m2 cỏ ở đại lộ Thăng Long mất 2,2 triệu đồng xén tỉa trong một năm và những vỉa hè đường phố Hà Nội năm nào cũng phải đào lên làm lại!
Đã đến lúc mọi đầu tư và chi tiêu công cần được giám sát và phản biện khách quan. Những chủ trương đầu tư nếu được kiểm toán độc lập, có sự phản biện khoa học từ đầu, người dân sẽ không còn phải ngậm ngùi, xót xa, khi tiền thuế của mình bị phung phí và trục lợi. Không thể để những “nhóm lợi ích” ẩn náu dưới “bóng” chủ trương. Khi thấy được sai lầm có khi người đưa ra chủ trương đã “hạ cánh” an toàn!

Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 24/8/2016

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

 Pokemon 

Trò chơi Pokémon Go, một sản phẩm công nghệ thông tin của Công ty Nitendo bên xứ Phù Tang vừa đổ bộ vào Việt Nam đã thu hút hàng nghìn người lao vào say mê, hào hứng. Một mục tiêu ảo nhưng trò này bắt người chơi phải vận động. Đến được đích, “tóm” được “mồi” rồi nhưng thực ra là... chẳng có gì cả! Đó chỉ là hình ảnh được lập trình trong chính chiếc điện thoại thông minh của bạn. Kết quả là ảo nhưng sự tiêu tốn công sức, thời gian và hiểm họa với chính người chơi là có thật!


Trò chơi Pokemon buộc người chơi đuổi theo ảo ảnh

Nền kinh tế nước ta cũng đang tồn tại câu chuyện tựa trò Pokemon Go. Theo số liệu của cơ quan thống kê, trong số gần 300 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được từ trước tới nay, có một nửa là vốn ảo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là hậu quả của việc ưu đãi theo quy mô nên một số nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đăng kí vống số vốn để nhận được nhiều ưu đãi. Có thể kể đến mấy dự án "khủng" như Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) với dự án lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định) có vốn khổng lồ, lên tới 27 tỉ USD. Sau khoảng 6 năm "đủng đỉnh" đeo bám, mới đây PTT đã chính thức thông báo hoãn thực hiện dự án. Hay dự án Nhà máy thép Guang Lian (Đài Loan) ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vốn 2 tỉ USD sau 10 năm “nằm im” đã bị rút giấy phép… Hiện có khoảng 150 tỉ USD vốn FDI ảo đang nằm trong các dự án treo, đăng kí rồi không thực hiện hay nhiều dự án đăng kí rồi triển khai nhỏ giọt…


Phác thảo Tổ hợp lọc hóa dầu Victory. Ảnh Zing.vn

Nhà đầu tư nước ngoài khai vống vốn lên như vậy để sử dụng nhiều đất, gây lãng phí, dễ tạo cơ hội cho việc "đi đêm" giữa người cấp đất và nhà đầu tư. Việc khai vống vốn còn để lợi dụng trốn thuế nếu có đầu tư thực. Vốn khống đã thật sự tạo nên con số ảo trong nguồn tiền đổ vào Việt Nam. Cái ảo này khiến cho những nhà đầu tư thật sự, đàng hoàng thấy e ngại vì trong những lĩnh vực của mình đã có nhà đầu tư "khổng lồ" khác giữ chỗ. Vô hình trung chúng ta gạt những nhà đầu tư đàng hoàng ra để kéo vào những nhà đầu tư cơ hội, trục lợi. Tình trạng này còn nguy hiểm bởi nhà đầu tư lấy đất nhưng không triển khai, tạo nên những dự án treo, người dân mất đất cho dự án, tiềm ẩn phát sinh nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội… Những khu đất vàng hàng trăm ha đang bị bỏ phí, nằm phơi nắng mưa ở nhiều địa phương là có thật.
Trong sự say sưa mời gọi đầu tư bằng mọi giá, nhiều địa phương như đang chơi trò Pokemon Go trong kinh tế, hỉ hả với những con số đầu tư ảo, khi giật mình nhìn lại mới ngấm và biết đâu sẽ phải giải quyết những hậu quả có thật. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi  ngày 18/8/2016

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

 “Được” cầm cố

Bạn có tài sản đang cầm cố tại một tiệm cầm đồ. Trong khi nợ và lãi chưa trả, bạn lại đến lấy tài sản đó đi bán, liệu có được không? Tôi tin chắc không bao giờ được! Trong tình huống khác thì lại có thể, đó là bạn “mượn” đồ của một người đi cầm rồi “móc ngoặc” với tiệm cầm đồ để bán cùng nhau kiếm lời.
Thực tiễn hiện nay đang có chuyện tương tự xảy ra. Ấy là một số dự án bất động sản đã bán cho người dân nhiều năm nhưng lại là tài sản của các “ông lớn” ngân hàng thương mại! Ví như dự án The Harmona quận Tân Bình, dự án chung cư The Rubyland quận Tân Phú, Cao Ốc Xanh quận 9 (TP Hồ Chí Minh) từng gây xôn xao dư luận và tạo ra sự bất an của nhiều cư dân sống tại các chung cư này. Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh công bố có đến 77 dự án khác cũng đang ở tình trạng tương tự, trong đó nhiều dự án đã bán cho người dân như chung cư Phú Thạnh, dự án Ruby Garden ở quận Tân Phú... Gần đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng công bố có 34 dự án bất động sản tương tự như trên.
Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, việc chủ đầu tư bất động sản thế chấp dự án đang triển khai để vay vốn ngân hàng được pháp luật cho phép. Rất ít chủ đầu tư đủ nguồn vốn để thực hiện những dự án chung cư quy mô lớn. Trong nền kinh tế, đây là chuyện bình thường có lẽ không cần bàn. Việc đáng bàn ở đây là quy trình và cách thức vay vốn thực hiện dự án bất động sản, cách thức quản lí tài sản thế chấp của các ngân hàng hiện nay. Những gì đang diễn ra khiến mọi người có cảm giác ngân hàng rất “thờ ơ” với khối tài sản thế chấp nhiều tỉ đồng của họ. Chủ đầu tư muốn bán thì cứ bán, còn chung cư nghiễm nhiên vẫn của ngân hàng trên hồ sơ pháp lí. Vô hình trung người dân chung cư trở thành một phần trong “vật bảo đảm” của những “phi vụ làm ăn”. Có khi mua nhà xong, sống ở chung cư gần chục năm mà chẳng biết hình hài tấm sổ hồng sở hữu của mình thế nào. Họ thực sự bị lừa khi mua những căn hộ của ngân hàng nhưng lại trao tiền cho chủ đầu tư bất động sản! Sự thiếu minh bạch trong triển khai dự án cùng những rối rắm điều khoản pháp lí trong các hợp đồng mua nhà khiến người dân bị đưa vào một “ma trận” và luôn thua thiệt trước cách “làm ăn” của các ông chủ bất động sản - ngân hàng.
Mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu trong quản lí để các chủ đầu tư bất động sản không thể bán tài của người khác, các ngân hàng thương mại không thể tạo cơ hội cho những chủ đầu tư lừa đảo. Đừng để người dân trở thành con tin "được" cầm cố mà bất cứ ngày “xấu trời” nào cũng có thể bị đuổi ra đường!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 9/8/2016

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016


  Mở và khép


Điểm sáng nhất trong Nghị quyết 35 của Chính phủ là chủ trương tạo mọi thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ. Một trong những nguyên tắc của Nghị quyết này là các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lí. Nghị quyết như cánh cửa cơ hội kinh doanh được mở rộng đón chào doanh nghiệp.
Tuy nhiên có những vấn đề lại đang bất cập so với chủ trương và quyết tâm trên. Giới doanh nhân đang rất quan tâm và lo lắng bởi quy định tại Điều 292 trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể Điều 292 quy định "tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông: Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép … thì bị phạt tiền… hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm: …e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật".
“Các loại dịch vụ khác...” ở đây là những dịch vụ gì? Liệu nó có quá nhiều loại dịch vụ để nhà làm luật không thể đưa hết được vào văn bản pháp quy? Cách đây chưa lâu, vụ quán cà-phê Xin Chào dù có những quy định "hai năm rõ mười" mà còn bị người có trách nhiệm cố tình làm trái, vậy thì những điều khoản chung chung, mơ hồ như trên khi thực hiện sẽ bị “biến thái” thế nào? Đây chính là những “kẽ hở” pháp luật vô tình được tạo ra cho những kẻ cơ hội “nhũng nhiễu" vì lợi riêng. Cộng đồng khởi nghiệp trẻ là những người lo lắng nhất, khi mà thương mại điện tử, dịch vụ trên mạng máy tính, viễn thông đang mở ra rất nhiều cơ hội cho sự kinh doanh sáng tạo. Môi trường mạng máy tính hiện không bó hẹp trong một quốc gia, đây là môi trường mở toàn cầu. Điều luật hạn chế lĩnh vực này vô hình trung chỉ “rào” với người Việt, không thể ngăn cấm người nước ngoài và như vậy sẽ tạo nên bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh. "Rào cản" này chắc chắn sẽ đẩy doanh nghiệp Việt đến với những môi trường thuận lợi hơn để đầu tư và việc “chảy máu chất xám” khó tránh khỏi. Ở Singapore, một doanh nghiệp nước ngoài muốn thành lập chỉ mất 2 ngày, vốn điều kiện tối thiểu là… 1 USD cùng nhiều ưu đãi. Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp start up (khởi nghiệp) trẻ của ta hướng sang Quốc đảo này.
Chính phủ đang quyết tâm khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Nhưng, một số nội dung trong Điều 292 nêu trên có thể đã hình sự hóa quan hệ kinh tế. Nó như khép lại với nhiều người trẻ có ước mơ start up, họ không dám mạo hiểm bởi vào tù có khi còn “dễ” hơn khởi nghiệp!
Hiện các bộ, ngành đang hoàn thiện Nghị định quy định điều kiện kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Các điều kiện kinh doanh trong các thông tư của cấp bộ hết hiệu lực đa phần được chỉnh sửa, đưa vào Nghị định. Khối lượng công việc của cả 1 năm nay cấp tập hoàn thành trong ít ngày, liệu văn những bản pháp quy mới có bảo đảm chất lượng? Các thông tư được "gom" lại và nâng lên thành nghị định thì chất lượng sẽ khó bảo đảm, rất dễ có những "chính sách trên mây".
Nếu lại xảy ra chuyện như Điều 292 trong Bộ luật Hình sự thì sẽ thiệt hại không nhỏ cho sự phát triển và chẳng khác nào những cánh cửa đang khép lại trước doanh nghiệp.

Đinh Hoàng