“Được” cầm
cố
Bạn có tài sản
đang cầm cố tại một tiệm cầm đồ. Trong khi nợ và lãi chưa trả, bạn lại đến
lấy tài sản đó đi bán, liệu có được không? Tôi tin chắc không bao giờ được!
Trong tình huống khác thì lại có thể, đó là bạn “mượn” đồ của một người đi
cầm rồi “móc ngoặc” với tiệm cầm đồ để bán cùng nhau kiếm lời.
Thực tiễn hiện
nay đang có chuyện tương tự xảy ra. Ấy là một số dự án bất động sản đã bán
cho người dân nhiều năm nhưng lại là tài sản của các “ông lớn” ngân hàng thương
mại! Ví như dự
án The Harmona quận Tân Bình,
dự án chung cư The Rubyland quận
Tân Phú, Cao Ốc Xanh quận 9 (TP
Hồ Chí Minh) từng gây xôn xao dư luận và tạo ra sự bất an của nhiều cư dân
sống tại các chung cư này. Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh
công bố có đến 77 dự án khác cũng đang ở tình
trạng tương tự, trong đó nhiều dự
án đã bán cho người dân như chung cư Phú Thạnh, dự án Ruby Garden ở quận Tân
Phú... Gần đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng công bố có 34
dự án bất động sản tương tự như trên.
Theo các chuyên
gia kinh tế, tài chính, việc chủ đầu tư bất động sản thế chấp dự án đang
triển khai để vay vốn ngân hàng được pháp luật cho phép. Rất ít chủ đầu tư đủ
nguồn vốn để thực hiện những dự án chung cư quy mô lớn. Trong nền kinh tế,
đây là chuyện bình thường có lẽ không cần bàn. Việc đáng bàn ở đây là quy
trình và cách thức vay vốn thực hiện dự án bất động sản, cách thức quản lí
tài sản thế chấp của các ngân hàng hiện nay. Những gì đang diễn ra khiến mọi
người có cảm giác ngân hàng rất “thờ ơ” với khối tài sản thế chấp nhiều tỉ
đồng của họ. Chủ đầu tư muốn bán thì cứ bán, còn chung cư nghiễm nhiên vẫn
của ngân hàng trên hồ sơ pháp lí. Vô hình trung người dân chung cư trở thành
một phần trong “vật bảo đảm” của những “phi vụ làm ăn”. Có khi mua nhà xong,
sống ở chung cư gần chục năm mà chẳng biết hình hài tấm sổ hồng sở hữu của
mình thế nào. Họ thực sự bị lừa khi mua những căn hộ của ngân hàng nhưng lại
trao tiền cho chủ đầu tư bất động sản! Sự thiếu minh bạch trong triển khai dự
án cùng những rối rắm điều khoản pháp lí trong các hợp đồng mua nhà khiến
người dân bị đưa vào một “ma trận” và luôn thua thiệt trước cách “làm ăn” của
các ông chủ bất động sản - ngân hàng.
Mong rằng cơ quan
chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu trong quản lí để các chủ đầu tư bất động
sản không thể bán tài của người khác, các ngân hàng thương mại không thể tạo
cơ hội cho những chủ đầu tư lừa đảo. Đừng để người dân trở thành con tin
"được" cầm cố mà bất cứ ngày “xấu trời” nào cũng có thể bị đuổi ra
đường!
Đinh Hoàng
|
Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét