Cần từ bỏ tư
duy… giá rẻ
Việt Nam là
một trong những nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số nông
sản quan trọng. Những con số về khối lượng, giá trị tăng trưởng xuất khẩu
luôn làm nức lòng mọi người cùng niềm tự hào dân tộc bởi ta đâu chỉ có anh
hùng trong chống ngoại xâm?
Tuy nhiên, trái
với thành quả đó, hầu hết nông dân vẫn chưa thể giàu từ những cánh đồng vì
giá trị sức lao động ngày càng thấp. Vậy sản lượng, giá trị xuất khẩu nông
sản đang mang lại lợi ích cho ai? Chất lượng, giá cả của gạo Việt đang
bị nhiều nước (kể cả ở khu vực Đông Nam Á) “vượt mặt”. Một số loại gạo của
Thái Lan và Cam-pu-chia hơn hẳn gạo ta về chất lượng và dĩ nhiên “được giá”
hơn trên thị trường thế giới. Các nông sản ưu thế khác thì luôn trong trạng
thái “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và thụ động trước nhu cầu nước
ngoài.
Tăng trưởng đầu
tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm qua cũng là điểm sáng, như một trụ đỡ
nền kinh tế trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên phía sau
“tấm huy chương FDI” còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Ví như câu chuyện về nền
công nghiệp ô-tô: Sau hàng thập kỉ hướng tới mục tiêu có một nền công nghệ
hiện đại, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để doanh nghiệp nội có thị phần xứng
đáng trong giá trị mỗi chiếc ô-tô xuất bán. Tuy nhiên, mục tiêu mong đợi đó
vẫn đang xa vời phía trước! Việt Nam đơn thuần chỉ là nơi lắp ráp
ô-tô, điện thoại, máy tính…với giá nhân công “cạnh tranh” cùng hệ quả môi
trường không rẻ!
Người Việt ta
cần cù, thông minh. Lao động Việt Nam không phải kém về kĩ năng,
trình độ. Các cuộc thi tay nghề công nhân tại khu vực đã khẳng định điều đó.
Tuy nhiên, sức lao động của người Việt đang được “mua” với giá chưa tương
xứng. Mong những người làm chính sách hãy dành thời gian đến những xóm công
nhân, về những làng quê thuần nông, vùng sâu xem đời sống của họ ra sao. Liệu
có bao nhiêu phần trăm đủ điều kiện xếp ở mức sống tối thiểu?
Bước vào năm
mới, người lao động có niềm vui là lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng
(với mức khoảng 7,3-7,5%). Trong thực trạng lương chưa đủ cho mức sống tối
thiểu, việc tăng như trên cũng là đáng quý, giúp phần nào giảm bớt khó khăn
cuộc sống cho những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát năm qua
ước tính tăng khoảng 4 - 5%, cũng có nghĩa đồng lương, thu nhập giảm tương
ứng. Đã có ý kiến lo ngại mức lương tối thiểu cao sẽ đẩy khó khăn cho doanh
nghiệp và nhiều công nhân có nguy cơ mất việc làm! Các kì thỏa thuận đề xuất
tăng lương tối thiểu luôn xảy ra căng thẳng giữa đại diện hai bên: Người lao
động và giới chủ.
Đúng là cần quan
tâm tới quyền lợi doanh nghiệp, họ kinh doanh phải có lợi nhuận. Nhưng có vẻ
doanh nghiệp đang được “chiều chuộng” bằng chính sách lao động giá rẻ. Chỉ
cần trả lao động với giá thấp là doanh nghiệp có lợi nhuận, đâu còn động lực
để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm? Với những
doanh nghiệp chỉ dựa vào lợi thế giá lao động thấp liệu có trụ được khi hội
nhập nền kinh thế giới với môi trường cạnh tranh khốc liệt? Và, người lao động
vẫn khó có mức lương vượt qua 80% mức sống tối thiểu.
Đã đến lúc cần
lừ bỏ tư duy… giá rẻ, nhất là giá sức của người lao động!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 9/2/2017
|
Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét