Tăng thu bằng
cách nào?
Từ khi giá dầu thế giới giảm sâu, ngân sách Nhà nước bị sụt giảm khá nhiều
bởi nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô và thuế xuất nhập khẩu xăng dầu chiếm tỉ
trọng lớn.
Tuy rất khó khăn trong bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2016 song ngành thuế
đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch. Đây là một nỗ lực lớn đáng ghi nhận và cũng
nói lên một điều, tăng thu ngân sách không chỉ phụ thuộc vào xăng dầu.
Gần
đây, trước dự thảo văn bản của ngành thuế đề nghị nâng mức thuế bảo vệ môi
trường (BVMT) với mặt hàng xăng dầu từ 4.000 đồng hiện nay lên mức cao nhất
có thể tới 8.000 đồng/lít đã nổi lên dư luận trái chiều. Ngành thuế cho rằng
tăng thuế BVMT không ảnh hưởng tới giá bán xăng dầu! Có người cho rằng cơ
quan ban hành chính sách vẫn nặng tư tuy tận thu, cứ thiếu nguồn ngân sách là
“nhăm nhăm nhìn vào túi tiền người dân và két bạc doanh nghiệp!”.
Cũng có chuyên gia đặt câu hỏi: “Tăng thu
thuế BVMT có phải chỉ đơn thuần BVMT?”. Được biết nguồn tiền thu thuế BVMT đã
tăng liên tục trong mấy năm qua. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ
thuế BVMT liên tục tăng, từ mức 11.160 tỉ đồng năm 2012, đến năm 2016 đã đạt
42.393 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2010 là
6.200 tỉ đồng, tăng dần hằng năm và đến 2016 cũng chỉ khoảng 12.200 tỉ đồng.
Nguồn thu thuế BVMT còn dư khá nhiều, chi sự nghiệp môi trường chưa hết 1/3,
vậy tăng thuế BVMT làm gì?
BVMT
là vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Thuế BVMT
đang có một sự "bứt phá", nếu tăng gấp đôi (8.000đ/lít xăng) có thể
mang lại nguồn thu ngân sách hơn 80 nghìn tỉ đồng mỗi năm. Hình như nguồn thu
này đang thay thế "trách nhiệm" của thuế xuất nhập khẩu xăng dầu,
khi mà sắc thuế này đang trên lộ trình tiết giảm tiến tới xóa bỏ bởi cam kết
của các hiệp định thương mại tự do?
Xăng
dầu, điện lực… là đầu vào quan trọng, chiếm tỉ trọng lớn trong nhiều ngành
sản xuất và đời sống người dân. Tăng thuế BVMT sẽ khó có thể giữ giá bán hiện
nay bởi doanh nghiệp xăng dầu cũng cần bảo đảm lợi nhuận. Giá xăng dầu tăng
sẽ trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, hàng hóa sẽ
phải tăng giá và giảm sự cạnh tranh của hàng Việt. Và tác động dây chuyền,
khi hàng hóa tăng giá mạnh rất khó kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Chính
phủ. Khi đó nền kinh tế dễ lâm vào những hệ quả xấu khó lường.
Nguyên
nhân vì đâu vẫn giữ được ổn định nguồn thu ngân sách năm qua trong khi thu từ
dầu thô và thuế xuất nhập khẩu mặt hàng này không tăng? Được biết năm 2016,
Việt Nam có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới và 26.689 doanh nghiệp quay
trở lại hoạt động. Đây là số doanh nghiệp tăng cao kỉ lục từ trước đến nay.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, việc quản lí, chống thất
thu, chuyển giá cũng đã có bước chuyển biến bước đầu. Phải chăng đây chính là
lí do đã giúp ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm qua?
Ngành
thuế cần vươn lên theo hướng trở thành cơ quan kiến tạo, nuôi dưỡng tốt nguồn
thu, quản lí chặt chẽ, chống thất thu mới là kế sách vững bền ích nước, lợi
dân.
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao
tuổi ngày 14/2/2017)
|
Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét