Phí bản quyền tác giả: Ai đóng, ai
hưởng?
Câu chuyện nộp phí bản quyền tác giả theo
quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đang nóng dư luận những ngày qua. Xuất phát
từ việc nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn
của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu thực hiện
nghĩa vụ trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc khi dùng ti vi trong phòng khách.
Phía VCPMC cho rằng, họ thu theo quy định
tại điểm b và đ, Khoản 1, Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể: b)
Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;… đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng
bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì
phương tiện kĩ thuật nào khác.
Trong một buổi họp báo, VCPMC cho rằng, đối tượng phải
nộp phí và một số người viết bài trên báo thắc mắc về việc thu phí này là
chưa hiểu rõ pháp luật!
Như
vậy, nhận thức vể các điểm b, đ, Khoản 1, Điều 20 nêu trên còn nhiều điều cần
phải bàn.
Nói
chủ khách sạn dùng chiếc ti vi để biểu diễn hay truyền
đạt tác phẩm đến công chúng có vẻ khiên cưỡng, chưa chuẩn xác. Họ
kinh doanh phòng nghỉ gồm nhiều hạng mục, thiết bị tiện nghi trong đó có
chiếc ti vi và đây cũng không phải là phương tiện chính để kinh doanh dịch vụ
khách sạn. Nguồn lợi nhuận kinh doanh không phải chủ yếu dựa vào việc xem ti
vi. Xem truyền hình không phải mục đích để khách hàng vào nghỉ tại khách sạn.
Nếu khách sạn phải trả phí này thì nơi nộp sẽ là đài truyền hình, chủ cung
cấp tín hiệu. Người nộp tiền bản quyền tác phẩm phát trên sóng truyền hình
phải là đài truyền hình. Họ sẽ trả tiền những tác phẩm có bản quyền mà họ
trực tiếp phát sóng. Chiếc ti vi chỉ là phương tiện không thể thiếu để đài
truyền hình kinh doanh sản phẩm truyền hình, trong đó có sử dụng tác phẩm có
bản quyền. Ở đây cơ quan quản lí về bản quyền đã có sự nhầm lẫn trong hoạt
động kinh doanh sản phẩm bản quyền tác giả. Chủ khách sạn, cơ sở lưu trú,
phòng trọ… không phải nơi chuyên kinh doanh biểu diễn, truyền đạt tác
phẩm âm nhạc đến công chúng để thu lợi nhuận.
Phòng trọ bình dân cho công nhân, sinh viên có
ti vi liệu có phải nộp phí bản quyền tác giả? Ảnh minh họa
Luật
Sở hữu trí tuệ quy định thu phí với việc đối tượng sử dụng từng tác phẩm của tác giả
cụ thể. Việc thu theo “đầu” ti vi là rất chung chung, bởi trong chương trình
phát sóng có nhiều nội dung, chủ yếu là tác phẩm của đài truyền hình tự sản
xuất. Tác phẩm âm nhạc mà đài truyền hình phải trả phí bản quyền chiếm tỉ lệ
không nhiều trong tổng thể chương trình. Nếu người dùng ti vi kinh doanh
khách sạn phải nộp phí thì tiền đó phải chuyển về đài truyền hình, vì đây là
nơi nắm được tác phẩm của tác giả cụ thể nào được hưởng bản quyền. Việc VCPMC
thu phí từ chiếc ti vi của cơ sở lưu trú chẳng khác nào VCPMC trở thành một
“nhánh” của cơ quan thuế chuyên trách mảng kinh doanh ti vi phát sóng! Số
tiền thu được này sẽ trả cho tác phẩm và tác giả nào là không thể xác định.
Chẳng lẽ số tiền thu được này sẽ thành một “quỹ” để chia đều cho các nhạc sĩ?
Hơn nữa không phải nhạc sĩ nào cũng nhờ VCPMC thu bản quyền.
Việc
chấp hành pháp luật về bản quyền tác giả là rất cần thiết. Các tác giả cần
được và có quyền hưởng thành quả trí tuệ do họ sáng tạo nên. Quyền lợi vật
chất thu được từ bản quyền sẽ là nguồn động viên tinh thần, nguồn lực vật
chất tiếp sức cho sự sáng tạo của họ. Tiếc rằng, tình trạng vi phạm bản quyền
ở ta vẫn đang nhức nhối. Các cơ quan chức năng về lĩnh vực này cần có những
biện pháp quản lí chặt chẽ, phù hợp và đúng đắn hơn. Riêng việc thu bản quyền
tác giả qua chiếc ti vi cần được cân nhắc và làm rõ để việc thu phí có sức
thuyết phục.
Đinh
Hoàng
Bài đăng Báo Điện tử ngaymoionline.vn
|
Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017
Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
Bán hàng đa cấp: Hiểu đúng và quản chặt
Trong vài năm gần đây, bán hàng đa cấp thường xuyên được báo chí
nhắc đến bởi những “lùm xùm” tranh chấp và có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên,
lượng người tham gia vào lĩnh vực này không những không giảm, mà đang tăng
theo cấp số nhân. Cùng với đó là rất nhiều nạn nhân đang ngậm trái đắng! Mức
độ ảnh hưởng của hoạt động đa cấp đã lan tỏa khắp cả nước, gây nhiều bức xúc
dư luận. Tại kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV lần này, vấn đề kinh doanh đa cấp
được đề xuất đưa vào Bộ luật Hình sự và có những ý kiến thảo luận trái chiều.
Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam),
hay kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) hoặc kinh doanh
theo mạng (network marketing) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương
thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động bán hàng trực tiếp đến tay người
tiêu dùng mà không phải qua các đại lí hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, tiết
kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa,
vận chuyển hàng hóa… Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và
nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng.
Trong Nghị định số 42 năm 2014 của Chính phủ về quản lí
hoạt động bán hàng đa cấp, tại điểm 2, Điều 3 giải thích cụ
thể: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông
qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó,
người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ
hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Chất lượng sản phẩm quyết định sự tồn tại lâu dài của một công
ty kinh doanh đa cấp chân chính (sản phẩm được lan truyền từ người này đến
người khác, nên nếu chất lượng không tốt thì sẽ không có sức lan truyền); là
sản phẩm cần thiết cho hầu hết người tiêu dùng và được sử dụng thường xuyên.
Trong những năm đầu thế kỉ XX, thế giới đã có nhiều công ty đa
cấp ra đời. Đến những năm cuối thế kỉ XX đã trải qua 3 giai đoạn phát
triển và từ đầu thế kỉ XXI đa cấp thâm nhập vào nước ta. Nếu cuối năm 2004,
tại Việt Nam mới có khoảng 20 công ty bán hàng đa cấp, thì đến nay đã có hơn
60 doanh nghiệp được cấp giấy đăng kí tổ chức bán hàng đa cấp (chủ yếu tại Hà
Nội, TP Hồ Chí Minh) với khoảng hơn 1 triệu người tham gia.
Tuy có những tranh cãi ngay từ những năm đầu mới ra đời, song
không thể phủ nhận mặt tích cực của một loại hình kinh doanh có tính linh
hoạt.
Điều đáng quan tâm là kinh doanh đa cấp tại Việt Nam ngay từ đầu
hầu hết đã không đúng với bản chất của hoạt động này. Để vận động, doanh
nghiệp đưa ra những hứa hẹn về số tiền sẽ kiếm được khi tham gia vào mạng
lưới bán hàng đa cấp. Tiền mà người tham gia được hưởng không chỉ có hoa hồng
bán hàng mà còn là tỉ lệ % số tiền mà họ lôi kéo được người khác nộp cho công
ty. Doanh nghiệp sử dụng những chuyên gia tuyên truyền có tài vẽ ra những
viễn cảnh huy hoàng, dùng vài tấm gương (không ai biết có thật hay không)
“giàu sụ” nhờ vào bán hàng đa cấp làm những “con mồi”.
Hầu hết các công ty kinh doanh đa cấp khi kí hợp đồng tham gia
mạng lưới đều ràng buộc người tham gia bằng việc mua sản phẩm hàng hóa, dịch
vụ với giá rất cao, thậm chí phải nộp nhiều tiền để tham gia hệ thống. Chính
vì vậy, khi người tham gia “ôm hàng” không thể bán ra thị trường, phải tự sử
dụng. Với những hàng hóa mới lạ, ít thông dụng trên thị trường như máy ô zôn,
thực phẩm chức năng, gói chăm sóc sức khỏe… thì người tham gia hầu như “mù
tịt” về giá cả, “lơ mơ” về công dụng, chỉ biết nghe theo lời quảng cáo của
doanh nghiệp. Doanh nghiệp gây khó khăn, thậm chí từ chối nhận lại hàng hóa,
dịch vụ khi người tham gia không tiêu thụ được. Và khi đã nộp tiền cho công
ty đa cấp thì rất khó khăn để có thể rút ra mà không bị thiệt hại. Câu chuyện
của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hiện nay là một minh chứng sống động nhất. Sau
khi bị Bộ Công Thương quyết định chấm dứt hoạt động, nhiều người đến xin rút
khỏi hệ thống hòng lấy lại tiền đều gặp rất nhiều khó khăn, bị khất lần và
cũng chưa có thông tin người rút được vốn ra mà không bị thiệt hại.
Hành lang pháp lí về kinh doanh đa cấp ở nước ta đã dần hình
thành từ sớm, gồm: Luật Cạnh tranh năm 2005 (có những điều khoản quy định về
bán hàng đa cấp); Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về
quản lí hoạt động bán hàng đa cấp; Nghị Định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014
của Chính phủ quy định về hoạt động bán hàng đa cấp và quản lí hoạt động bán
hàng đa cấp. Như vậy, hệ thống công cụ pháp lí của ta cơ bản đủ để quản lí
hoạt động kinh doanh đa cấp.
Ý kiến đề xuất đưa “tội lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp” vào
Bộ luật Hình sự thực ra không cần thiết. Việc cần làm chỉ là từ những hành vi
lừa đảo tinh vi của hoạt động kinh doanh đa cấp nên bổ sung đầy đủ khái niệm
lừa đảo trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn buộc người tham gia phải mua hàng
hóa, dịch vụ với giá không đúng, giá quá cao, huy động vốn trái phép (nộp
tiền để tham gia hệ thống) v.v… Những nội dung này đã được quy định rất cụ
thể tại danh mục 18 hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Điều
5, Nghị định số 42 nêu trên.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ là thứ hoàn toàn có thể thẩm định, kiểm
tra nhưng sao người dân vẫn phải mua với giá phi lí, đó có giống hành vi gian
lận thương mại? Nộp tiền vào hệ thống, nhưng khi muốn lấy lại luôn bị thoái
thác, gây khó khăn, đó khác gì hành vi lừa đảo? Có lẽ cái thiếu nhất trong
quản lí bán hàng đa cấp hiện nay là chính sự quyết liệt của cơ quan quản lí
chức năng.
Nhiều năm qua, những chiêu trò dụ dỗ người dân tham gia kinh
doanh đa cấp, chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả lại quyền lợi hợp pháp của
thành viên bị báo chí phanh phui, song hầu như không thấy các cơ quan quản lí
vào cuộc giải quyết một cách rốt ráo. Chỉ một vài công ty đa cấp lừa đảo quá
rõ ràng mới bị cơ quan công an điều tra như Liên kết Việt, Phúc Gia Bảo 868,
Công ty đa cấp MLM,…
Người dân trông đợi nhất lúc này không chỉ là những quy định,
điều luật trong xử lí hoạt động đa cấp biến tướng. Cái quan trọng là sự vào
cuộc thực sự, quyết liệt của các ngành Công Thương, Công an. Đừng để những
công ty đa cấp trá hình thỏa sức lừa đảo người dân, thu lợi bất chính hàng
nghìn tỉ đồng của người dân như những năm qua.
Đinh Hoàng
Bài
đã đăng trên báo điện tử ngaymoionline.vn
|
Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017
Những tràng cười… thuốc độc!
Dân gian có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Điều ai
cũng hiểu là những nụ cười sảng khoái xuất phát từ tâm hồn vui tươi, thư
thái. Tâm trạng sảng khoái của con người là yếu tố tâm sinh lí mang lại nguồn
sức khỏe cho chúng ta.
Thế
nhưng hiện nay lại có những nụ cười, nói đúng hơn là những tràng cười đầy…
độc hại! Đó là những trận cười từ quả bóng cười.
Bóng
cười thực chất là những túi bóng bay được bơm vào đó một loại khí gây cười,
tên hóa học là đinitơ monoxit, hay nitrous oxide, một hợp chất hóa học có tên
công thức N2O. Khoảng thế kỉ 18, các câu lạc bộ người Anh và người Đức
đã sử dụng khí này với hình thức một loại bình “ma thuật” đặc biệt. Thời đó
giới thượng lưu và những người tỏ ra sành điệu đã sử dụng khí N2O được bơm
vào bình, cùng với khói và hương thơm tạo thành một loại khí có tác động gây
hưng phấn nhất thời. Đây chính là nguồn gốc của quả bóng cười ngày nay và
nó còn được gọi với cái tên tiếng Anh là Funky Ball.
Bóng
cười thâm nhập vào Việt Nam không lâu nhưng đã nhanh chóng trở
thành trào lưu, được một bộ phận giới trẻ yêu thích, thậm chí coi nó như một
thú vui mỗi khi đi quán bar, hộp đêm, hít một hơi để cười không ngừng nghỉ.
Khí nitrous oxide lan tỏa, ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác phấn khích, tạo ảo
giác gây cười cho người sử dụng.
Các
bác sĩ trên thế giới từng cảnh báo rằng, việc hít bóng cười hay khí
cười sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất
nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Hít khí này vào cảm giác tê
tê, đặc biệt là nghe nhạc rất rõ, sau đó phấn khích, cười ngả nghiêng khó
kiềm chế.
Theo
các nhà khoa học, khi lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày rất dễ đi đến sử
dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Bởi vì, khi đã
quen cảm giá “phê” với ảo giác, người dùng rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác
“phê” mạnh hơn. Người đã quen dùng khí cười để “phê” dễ dẫn đến chơi thử bồ đà,
thuốc lắc, “hàng đá”… Rồi đến một lúc nào đó sẽ chơi thử heroin, từ hút đến
tiêm chích và chắc chắn cuối cùng sẽ là nghiện tiêm chích ma túy…
Việc
sử dụng bóng cười đang được thực hiện tại nhiều quán cà phê, quán bar ngay
trung tâm Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác. Điều rất nguy hại là trong giới
trẻ lan truyền quan niệm bóng cười không phải là chất gây nghiện, nó chỉ là
thứ đồ chơi giúp xả stress, làm con người sảng khoái.
Nhiều
người trẻ chưa nhận biết thực sự rằng, những trận cười đó còn nguy hiểm hơn
cả mười thang thuốc độc!
Đã
đến lúc cơ quan chức năng nên đưa trò chơi độc hại này vào phạm vi quản lí.
Nếu chưa có điều luật quy định thì cũng cần có biện pháp hạn chế sử dụng,
chẳng hạn như về độ tuổi người dùng, vị trí công cộng được phép bán… Tuy hóa
chất trong bóng cười không phải ma túy hay tiền chất ma túy nhưng đây cũng là
một chất gây nghiện độc hại cần hạn chế.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Điện tử
ngaymoionline
(Báo Điện tử của TW Hội người cao tuổi) |
Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017
Biểu tượng
nặng bằng thóc, bằng than
Thái Bình dự định chi gần 300 tỉ đồng xây tòa tháp 25 tầng, cao hơn
126m, với kì vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng của tỉnh (chưa rõ ý
nghĩa thế nào, phải chăng là biểu tượng của một điển hình về thành tích trồng
lúa trong những năm chiến tranh đã đi vào bài ca "Chị hai năm
tấn"?).
Mô hình Tháp Thái Bình
Trước đó, tỉnh
Quảng Ninh đã khởi công xây dựng một dự án công trình biểu tượng mang tên
Cổng tỉnh có giá 198 tỉ đồng. Theo lời một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong lễ
khởi công: "Đây là công trình văn hóa ấn tượng, đặc biệt, khác biệt,
hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Ninh,
tâm linh non thiêng Yên Tử, kì quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long".
Nếu không có lời dẫn như vậy, có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa vô cùng sâu
sắc của biểu tượng này khi nhìn ngắm công trình!
Sau này, nếu
tỉnh Thái Bình hoàn thành dự án tòa tháp trên cũng nên học Quảng Ninh, cần có
một bài luận để người dân thấy hết ý nghĩa nhân sinh, nhân văn và truyền
thống khi đến ngắm nhìn công trình.
Giá thóc hiện tại vào khoảng 6 triệu đồng/tấn. Tính ra tháp biểu tượng
của Thái Bình có giá chừng 50 nghìn tấn thóc.
Giá than có nhiều loại, cứ tạm tính bình quân chừng 120USD/tấn (khoảng
2.700.000 đồng) thì Cổng tỉnh Quảng Ninh cũng tương đương 72.000 tấn than.
Cổng tỉnh Quảng Ninh
mới khởi công
Ví von như vậy bởi đó là hai sản phẩm đặc trưng và cũng là thế mạnh của
2 tỉnh này. Dẫu nguồn vốn huy động xây dựng các công trình biểu tượng có thể
không hẳn là ngân sách nhà nước mà từ xã hội hóa hoặc đầu tư công - tư… thì
đó vẫn là nguồn lực của xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế cả nước đang còn
nhiều khó khăn, chúng ta vừa bước khỏi ngưỡng cửa một nước nghèo, đang phải
đi vay nước ngoài cho đầu tư thì sử dụng nguồn lực như thế nào là điều cực kì
quan trọng, nó sẽ quyết định cho tương lai của nền kinh tế. Khi sử dụng nguồn
lực phung phí, kém hiệu quả thì tương lai con cháu chúng ta sẽ phải nai lưng
ra trả nợ là điều chắc chắn.
Theo chuẩn
nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Quảng Ninh
hiện còn 15.340 hộ nghèo và 10.586 hộ cận nghèo (theo Báo điện tử Quảng Ninh
ngày 5/4/2016). Còn theo Chuyên trang xây dựng nông thôn mới, Cổng thông
tin điện tử tỉnh Thái Bình ngày 23/12/2016, trong báo cáo rà soát hộ nghèo,
hộ cận nghèo năm 2016, toàn tỉnh Thái Bình hiện còn 28.747 hộ nghèo và 21.660
hộ cận nghèo. Như vậy hai tỉnh này còn rất nhiều việc phải làm, để giảm bớt
số hộ nghèo và cận nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
người dân.
Mỗi tấn than
được khai thác ra đều thấm đẫm mồ hôi của những người thợ mỏ đang ngày ngày
vất vả làm việc trong môi trường độc hại. Mỗi hạt thóc cũng mặn mòi vị chát
mồ hôi của người nông dân một nắng hai sương trên những cánh đồng. Khi sử
dụng thành quả, sản phẩm lao động đôi khi ta bỗng quên đi những kết tinh trong
đó là sự nhọc nhằn của người lao động.
Và, khi người
dân không còn chật vật trong cảnh nghèo khó thì mới có tâm trạng, niềm vui để
ngẩng lên ngắm nhìn những biểu tượng giá trị bằng hàng nghìn tấn than, hàng
vạn tấn thóc như trên.
Đinh Hoàng
Bài đăng trên báo Ngày mới
online
(Báo
Điện tử của TW Hội người cao tuổi)
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)